Token hóa hay việc phát hành tài sản trên hệ sinh thái Bitcoin là “giấc mơ” mà các nhà phát triển nỗ lực rất nhiều để có thể biến nó thành hiện thực. Trong đó, Taproot Assets là giải pháp gây được sự chú ý rất lớn khi được Tether (công ty mẹ của USDT) công bố hợp tác để phát hành stablecoin lên Bitcoin. Cùng Block24 tìm hiểu về Taproot Assets và cách hoạt động ở trong bài viết này nhé!
Sự ra đời của Taproot Assets
Các giao thức tài sản trên Bitcoin trước đây
Hiện nay, hầu hết mọi người chỉ nhìn thấy khái niệm token phổ biến ở trên các blockchain hiện đại như Ethereum hoặc những Layer 1 mới được phát triển sau này. Tuy nhiên vào năm 2012, ở blockchain “cổ” như Bitcoin, việc phát hành tài sản như token trên Ethereum cũng đã được các nhà phát triển lên ý tưởng để thực hiện.
Một số nỗ lực đó có thể biết đến với tên gọi là Colored Coins và Omni Layer (trước đây là Mastercoin, bắt đầu từ 07/2013), Counterparty (01/2014) chính là những dự án tiên phong thực hiện điều này. Nhưng với nhiều vấn đề về kỹ thuật ở thời điểm đó và cấu trúc của Bitcoin, những giải pháp này vẫn gặp rất nhiều hạn chế khiến cho “giấc mơ” token trên blockchain đầu tiên này không được phổ biến.
Các hạn chế lớn nhất của những giải pháp này là chúng làm phình to dữ liệu UTXO (Unspent Transaction Output) của giao dịch, chiếm nhiều không gian của block, từ đó dẫn tới chi phí giao dịch cao và tốc độ bị giảm đi rất nhiều. Sau này, một đoạn mã lệnh được bổ sung được gọi là OP_RETURN ra mắt để cải thiện những khuyết điểm trên. Tuy nhiên, OP_RETURN không những không giải quyết được vấn đề kích thước dữ liệu tăng cao mà còn khiến cho việc “tô màu” giao dịch UTXO ngày càng dễ bị các thợ đào phát hiện và bỏ qua vì nó tốn nhiều tài nguyên để tính toán hơn. Vì vậy, để có thể thực hiện giấc mơ token trên Bitcoin blockchain, tạo điều kiện cho các lĩnh vực như DeFi hoặc RWAs phát triển thì chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ, tối ưu hơn và Taproot Assets chính là cái tên mà chúng ta có thể đặt kỳ vọng vào.
Taproot Assets là gì?

Taproot Assets là một giao thức được phát triển bởi Lightning Labs (nhóm chuyên phát triển giải pháp L2 cho Bitcoin) và mainnet chính thức vào tháng 10/2023, cho phép việc phát hành tài sản (token) trên blockchain Bitcoin được thực hiện một cách hiệu quả và riêng tư hơn. Giao thức này được ra đời dựa trên bản nâng cấp Taproot của blockchain Bitcoin hồi tháng 11/2021 với những cải tiến quan trọng như Chữ ký Schnorr và Merkelized Abstract Syntax Trees (MAST).
Cơ chế hoạt động của Taproot Assets
Ưu điểm của Taproot Assets

Cụ thể hơn, nhờ vào bản nâng cấp đó mà Taproot Assets có thể thực hiện những chức năng sau đây:
- Lưu trữ dữ liệu tài sản offchain: Thay vì lưu trữ dữ liệu trực tiếp trên blockchain Bitcoin gây ra tốn kém tài nguyên tính toán thì Taproot Assets cho phép các nhà phát triển có thể gửi và xác minh dữ liệu ở mạng lưới bên ngoài, được gọi là Universes.
- Ẩn các dữ liệu giao dịch phức tạp: Taproot sử dụng Chữ ký Schnorr và MAST để gộp nhiều chữ ký thành một và ẩn các dữ liệu phức tạp của giao dịch. Điều này giúp giao dịch Taproot Assets trông giống như một giao dịch Bitcoin thông thường, tăng tính riêng tư và ngăn chặn vấn nạn thợ đào bỏ qua các giao dịch Colored Coins như đã trình bày ở trên.
- Tốc độ giao dịch nhanh và phí rẻ: Với việc dữ liệu được lưu trữ và xử lý offchain ở một mạng lưới bên ngoài (ví dụ như Lightning Network), tốc độ giao dịch sẽ nhanh và có chi phí thấp vì không phải chịu ảnh hưởng bởi cấu trúc và hạn chế của Bitcoin.
Những ưu điểm này có thể giúp cho khái niệm token trở nên phổ biến và được ứng dụng thực tế nhiều hơn ở trên blockchain Bitcoin. Tuy nhiên, với cách lưu trữ và xử lý dữ liệu offchain, Taproot Assets sẽ tồn tại một nhược điểm, đó là phụ thuộc vào các Universes đủ mạnh mẽ, an toàn và minh bạch. Lightning Network được chính Lightning Labs phát triển là cái tên có thể đáp ứng được các tiêu chí đó.
Lightning Network là gì?

Lightning Network (Lightning) là giải pháp Layer 2 (L2) dành cho Bitcoin được ra đời vào năm 2018. Mục tiêu của mạng lưới này là giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng của blockchain Bitcoin bằng các cơ chế sau đây:
Offchain payment channels
Khác với các L2 thường thấy trên Ethereum, Lightning Network sử dụng phương pháp đa kênh thanh toán kết hợp với bộ định tuyến để xử lý giao dịch gần như là tức thời. Cụ thể:
- Khi giao dịch được thực hiện thì Lightning sẽ chỉ ghi thông tin mở kênh trên blockchain Bitcoin.
- Lúc này, giao dịch sẽ được đưa ra các kênh offchain để xử lý mà không ảnh hưởng gì đến blockchain chính.
- Cuối cùng, giao dịch được xử lý xong và dữ liệu, thông tin đóng kênh sẽ được xác nhận trên blockchain Bitcoin.
Với quy trình trên, dữ liệu sẽ chỉ được ghi vào blockchain của Bitcoin mỗi khi mở hoặc đóng kênh thanh toán, giúp giảm tối đa kích thước dữ liệu mà các thợ đào phải xử lý. Ngoài ra, bộ định tuyến sẽ điều phối giao dịch sang các kênh offchain đang “rảnh rỗi” để mở kênh thanh toán.
Cơ chế này giúp tránh tình trạng bị nghẽn mạng khi số lượng giao dịch ngày càng tăng. Đặc biệt, cách làm này còn cho phép Lightning có thể mở rộng vô hạn khi có càng nhiều node tham gia vào công việc xác thực, giúp nâng băng thông của mạng lưới lên hàng triệu TPS (giao dịch trên giây).
Atomic Swaps và interoperability
Để hiểu rõ hơn về Atomic Swaps thì bạn hãy xem qua ví dụ này. Giả sử Alice gửi USDT qua cho Bob, ở các phương pháp khác, node xử lý chỉ cần trừ USDT ở tài khoản của Alice và cộng thêm số USDT tương ứng vào trong tài khoản của Bob.

Nhưng với Atomic Swaps, Alice gửi USDT sang một Edge Node và thực thể này sẽ tự động swap sang BTC. Sau đó, Node Routing sẽ xử lý giao dịch và gửi BTC đến Edge Node của Bob và thực thể này lại tự động swap sang USDT và chuyển vào tài khoản của Bob.
Nhìn có vẻ phương pháp này khá lòng vòng, nhưng nó mang lại 2 lợi ích lớn:
- Nó cho phép ẩn thông tin tài sản mà Alice muốn chuyển sang cho Bob, tối ưu tính bảo mật cho giao dịch.
- Sử dụng BTC làm tài sản thanh khoản chung, giúp hạn chế việc phải tìm liquidity pool phù hợp tốn kém chi phí và thời gian mỗi khi giao dịch.
Bảo mật cao
Với offchain payment channels, Lightning chỉ ghi dữ liệu mở và đóng kênh trên blockchain Bitcoin. Bên cạnh đó, L2 này còn sử dụng định tuyến onion (tương tự Tor) để đảm bảo mỗi node chỉ biết thông tin về node trước và sau nó mà không thấy toàn bộ đường đi hay danh tính người gửi/nhận cuối cùng. Nhờ vậy, Lightning mang lại mức độ riêng tư cao hơn so với các giải pháp L2 khác như Rollups hay Sidechain, nơi dữ liệu giao dịch có thể bị công khai trên blockchain.
Tiềm năng thị trường của Taproot Assets
Mức độ phổ biến hiện nay
Với những anh em lâu đời ở trên thị trường Crypto thì sẽ biết rằng tạo trend sẽ là một cách rất nhanh và hiệu quả trong việc kéo user, nâng cao mức độ phổ biến của một công nghệ nào đó. Đối với bản nâng cấp Taproot cũng như vậy, mặc dù được ra mắt từ cuối năm 2021, nhưng mãi cho đến đầu năm 2023, sau cơn sốt Ordinals (hoặc còn gọi là token BRC-20), lượng người dùng trên Taproot mới tăng đột biến và hiện nay vẫn giữ ở mức ổn định cao hơn trước đó.

Đây là bước đệm rất tốt để Taproot Assets ra mắt vào tháng 11/2023 và ghi nhận hơn 150.000 tài sản được mint bằng giao thức này. Và trong thời gian tới, chúng ta có thể kỳ vọng trend tiếp theo diễn ra trên Bitcoin có liên quan đến stablecoin và Real World Assets (RWA) khi mà Tether vào tháng 01/2025 cho biết sẽ hợp tác với Lightning Network để triển khai USDT trên blockchain này. Với những ưu điểm mà giao thức Taproot Assets mang lại, hệ sinh thái Bitcoin có thể tiếp cận khoảng 650 triệu người dùng USDT tiềm năng trên các sàn CEX lớn có hỗ trợ Lightning Network như Binance, Coinbase hoặc fintech Cash App, Nubank.
Cạnh tranh với những blockchain khác
Hiện nay, 85% hoạt động của stablecoin chủ yếu diễn ra trên blockchain Ethereum và Tron. Nếu như ở Ethereum, lợi thế lớn nhất của blockchain này là smart contract và hệ sinh thái DeFi rộng lớn thì Tron lại thu hút người dùng bằng tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng cùng với chi phí rẻ. Tuy nhiên giờ đây, với sự kết hợp ưu điểm giữa Bitcoin + Lightning Network + Taproot Assets, bộ ba này sẽ là đối thủ đáng gờm đối với Ethereum và Tron trong hoạt động thanh toán, giao dịch hàng ngày. Trong đó, quyền riêng tư và tính bảo mật cao chính là thứ "vũ khí" đặc biệt mà Bitcoin sở hữu để có thể cạnh tranh với những blockchain khác.
Cạnh tranh với mạng lưới thanh toán truyền thống
Ngoài blockchain ra, Taproot Assets cũng có thể cạnh tranh trực tiếp với các mạng lưới thanh toán truyền thống như Visa, Mastercard hay hệ thống thanh toán xuyên biên giới SWIFT với những ưu điểm như tốc độ giao dịch nhanh, chi phí rẻ và không bị giới hạn bởi vị trí địa lý. Nếu như Taproot Assets được ứng dụng vào hoạt động thanh toán hàng ngày thì người dùng sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích so với các phương pháp mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc phổ biến và áp dụng rộng rãi Taproot Assets sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Thách thức Taproot Assets phải đối mặt
Một số thách thức mà Taproot Assets cần phải giải quyết nếu như muốn trở thành một mạng lưới thanh toán hàng đầu, bao gồm:
- Hạn chế về nâng cấp hệ sinh thái: Nhiều người dùng và bên ứng dụng vẫn chưa hỗ trợ cho bản nâng cấp Taproot. Ví dụ như nhiều ví, sàn giao dịch và dApps hiện nay vẫn còn sử dụng định dạng địa chỉ ví cũ từ bản nâng cấp SegWit và cần phải cập nhật để tích hợp giao thức Taproot Assets.
- Thanh khoản trên Lightning Network: Để có thể hỗ trợ dòng chảy tài sản lớn, Lightning Network cần phải có đủ các kênh thanh khoản BTC để đáp ứng được nhu cầu đó.
- Hạn chế khả năng mở rộng: Mặc dù Lightning Network có khả năng mở rộng vô hạn nhưng khả năng của blockchain Bitcoin chỉ có thể hỗ trợ được khoảng 500.000 người dùng tham gia giao dịch mỗi ngày. Các giải pháp như channel factories (hợp đồng thông minh đa bên) hay batch channel openings được phát triển để có thể giải quyết vấn đề này, nhưng chúng vẫn cần thời gian để xây dựng và tối ưu.
- Cân bằng lợi ích cho thợ đào và người dùng: Việc vận hành node trên Lightning Network cần có lợi nhuận để thu hút các thợ đào tham gia vận hành mạng lưới. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa chi phí thấp cho người dùng và lợi nhuận hấp dẫn cho nhà cung cấp là một bài toán khó. Các giải pháp như Stroom hay channel mining của Lnfi có thể phần nào giải quyết vấn đề nhưng lại đòi hỏi các quản lý phức tạp.
- Quy định, pháp lý và phổ cập người dùng truyền thống: Đây là một thách thức rất lớn cản trở việc biến Taproot Assets trở thành giải pháp thanh toán trên toàn cầu. Nhất là ở giai đoạn hiện nay khi quy định và chính sách của các quốc gia còn quá mơ hồ, khiến cho việc tiếp cận của người dùng truyền thống trở nên khó khăn do lo sợ vi phạm luật pháp hoặc không được bảo vệ.
Trên đây là bài tổng quan về Taproot Assets, một giao thức có thể mang khái niệm token phổ biến ở trên blockchain Bitcoin. Bạn đánh giá ra sao về giải pháp token hóa ở trên Bitcoin này? Liệu rằng nó có giúp Bitcoin cạnh tranh được với những hệ sinh thái khác như của Ethereum hay không? Hãy cho mình biết ý kiến của bạn ở phần bình luận nhé!
Bình luận