Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, Bitcoin liên tục biến động chóng mặt theo tin tức vĩ mô, từ dịp Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan cho tới quyết định giữ nguyên lãi suất FED. Tất cả đều cho thấy Crypto market đã là một phần của thị trường tài chính thế giới. Vậy nên, việc theo dõi những chỉ số vĩ mô là điều rất quan trọng. Trong bài viết dưới đây, Block24 sẽ list ra 8 chỉ số bất cứ nhà đầu tư tiền mã hóa nào cũng cần nắm rõ nhé.

Chỉ số vĩ mô cần quan tâm

Lãi suất FED

Lãi suất FED là mức lãi các ngân hàng thương mại vay/cho vay lẫn nhau, được Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) setup. Đây là công cụ quyền lực bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế và dòng tiền tài chính toàn thế giới. Nếu lãi suất FED neo ở mức cao, chi phí vay lớn thì thường giảm chi tiêu và đầu tư. Ngược lại, nếu lãi suất thấp, tiêu dùng và đầu tư được khuyến khích.

Tương quan giữa lãi suất FED và Bitcoin - nguồn RIA SimpleVisor
Tương quan giữa lãi suất FED và Bitcoin - nguồn RIA SimpleVisor

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2022, khi FED tăng lãi suất 1 mạch từ 0 - 0,25% lên trên 5% (tháng 7/2023), Bitcoin “cắm đầu” từ $47,000 về dưới $20,000. Còn trong trường hợp lãi suất ở mức thấp giống giai đoạn 2020-2021, BTC tăng phi mã từ $10,000 lên đỉnh ATH chu kỳ $69,000 (tháng 11/2021).

Chỉ số tiêu dùng PCE Hoa Kỳ

Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) đo lường sự thay đổi trung bình giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, công bố hàng tháng bởi Cục Phân tích Kinh tế (BEA). Đây là công cụ đo lường lạm phát được FED ưa chuộng với 2 chỉ số chính:

  • PCE đo rổ hàng hóa/dịch vụ linh hoạt, phản ánh thói quen chi tiêu thực tế của hộ gia đình. 
  • PCE cốt lõi, loại bỏ thực phẩm và năng lượng, được chú trọng hơn vì ít biến động, cung cấp cái nhìn rõ ràng về xu hướng lạm phát dài hạn. 

Trong thực tế, PCE ảnh hưởng đến quyết định của FED, tác động đến chính sách tiền tệ và kỳ vọng kinh tế. PCE thấp hơn dự kiến báo hiệu lạm phát giảm, có thể dẫn đến chính sách nới lỏng từ đó trợ giá cho Bitcoin. Ngược lại, PCE cao hơn dự kiến khiến FED quyết định neo lãi suất ở mức cao, làm giảm dòng tiền đầu tư trong ngắn hạn.

Chỉ số tiêu dùng CPI Hoa Kỳ

Một chỉ số đo lường lạm phát khác gần giống với PCE, đó chính là chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), đo lường sự thay đổi trung bình của giá rổ hàng hóa và dịch vụ cố định như thực phẩm, nhà ở,..., được công bố hàng tháng bởi Cục Thống kê Lao động (BLS).

Bitcoin biến động khi ra tin CPI cuối năm 2024 - đầu năm 2025
Bitcoin biến động khi ra tin CPI cuối năm 2024 - đầu năm 2025

Còn xét về tác động thị trường Crypto, nhìn vào hình trên bạn sẽ thấy một số điểm thú vị. Thông thường, khi CPI thấp hơn dự báo, Bitcoin sẽ phản ứng tích cực. Ví dụ như tính từ đầu năm 2025, BTC đã có 3 sóng tăng sau khi data CPI thấp hơn dự báo vào những ngày 15/1/2025, 12/3/2025 và 10/4/2025. Ngược lại, ngày 12/2/2025 khi CPI cao hơn dự báo, thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh sau đó. Dẫu vậy, chúng ta không nên tin vào logic này 100% vì Crypto còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nữa.

GDP Hoa Kỳ

Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) Hoa Kỳ chính là một yếu tố cần xem xét. Chỉ số này đo lường giá trị tiền tệ của tất cả hàng hóa & dịch vụ sản xuất của 1 quốc gia trong khoảng thời gian nhất định, được công bố hàng quý bởi Cục Phân tích Kinh tế (BEA). GDP tăng trưởng báo hiệu kinh tế mạnh, trong khi suy giảm (hai quý liên tiếp âm) ám chỉ sự suy thoái.

Về lý thuyết, khi GDP tăng trưởng thì Bitcoin cũng tăng theo, vì kinh tế phát triển sẽ khuyến khích đầu tư vào tài sản rủi ro. Còn trong suy thoái, Bitcoin có thể giảm do tâm lý né tránh rủi ro của nhà đầu tư. Ví dụ như giai đoạn 2018, khi cuộc chiến thuế quan lần đầu tiên nổ ra, GDP Hoa Kỳ đã rớt từ 3% xuống 2,1%, đồng thời Bitcoin lao dốc từ $20,000 về $3500.

Bảng lương Non-farm

Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) đo lường số lượng việc làm tăng hoặc giảm hàng tháng trong nền kinh tế Mỹ, không bao gồm ngành nông nghiệp. Dữ liệu NFP sẽ cho biết số việc làm mới, thu nhập trung bình mỗi giờ và tỷ lệ tham gia lao động, là chỉ báo quan trọng về tăng trưởng kinh tế. 

Bitcoin biến động khi NFP được công bố
Bitcoin biến động khi NFP được công bố

NFP ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách FED, cụ thể khi NFP mạnh hơn dự báo có thể dẫn đến thắt chặt tiền tệ, làm giảm giá Bitcoin. Còn trường hợp yếu hơn dự báo có thể thúc đẩy chính sách nới lỏng, hỗ trợ giá Bitcoin. Dẫu vậy, đó cũng chỉ là lý thuyết, diễn biến thực tế phức tạp hơn nhiều. Mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn ở mục Quan sát cá nhân cuối bài nhé.

Đơn xin trợ cấp

Đơn xin trợ cấp đo lường số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, công bố hàng tuần bởi Bộ Lao động Mỹ, phản ánh tình trạng sa thải và sức khỏe thị trường lao động. Đây là chỉ báo sớm về xu hướng kinh tế.

 

Đơn xin trợ cấp tăng có thể dẫn đến chính sách nới lỏng tiền tệ vì nền kinh tế đang trên đà thuyên giảm. Từ đó, tiền được bơm ra thị trường và trực tiếp hỗ trợ giá Bitcoin. Logic sẽ là số đơn trợ cấp cao -> tỷ lệ thất nghiệp cao -> kinh tế yếu -> giảm lãi suất -> “bơm tiền” -> dòng vốn chảy vào thị trường tài chính -> Bitcoin hưởng lợi. 

Cung tiền M2

Cung tiền M2 bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các tài sản tương đương tiền được công bố hàng tháng bởi FED. M2 đo lường lượng tiền lưu thông và thanh khoản trong nền kinh tế. Trường hợp nguồn cung M2 tăng thường do in tiền hoặc nới lỏng định lượng, có thể xuất hiện lạm phát. Trái lại, khi M2 giảm tức là đang thắt chặt tiền tệ, hạn chế thanh khoản. 

Biểu đồ so sánh giá Bitcoin và biến động nguồn cung M2 - Nguồn Pantera Capital
Biểu đồ so sánh giá Bitcoin và biến động nguồn cung M2 - Nguồn Pantera Capital

Thật vậy, theo báo cáo Looking Past Tariff Volatility của Pantera Capital, nếu vẽ chart so sánh M2 toàn cầu với giá BTC, rõ ràng các sóng bull run diễn ra trong thời kỳ thanh khoản mạnh, ví dụ như cuối năm 2012 với sự kiện khủng hoảng Nợ Châu Âu hay đầu năm 2020 với biến cố Covid. Ngược lại, trong những giai đoạn căng thẳng, thường do thanh khoản bị thắt chặt, Bitcoin đã giảm giá cùng các tài sản khác.

Sức mạnh USD - DXY

Chỉ số DXY đo lường giá trị USD so với rổ tiền tệ có các đồng Euro (57,6%), yên Nhật (13,6%), bảng Anh (11,9%), đô la Canada (9,1%), krona Thụy Điển (4,2%) và franc Thụy Sĩ (3,6%). DXY tăng báo hiệu USD mạnh, thường do lãi suất cao hoặc tâm lý tránh rủi ro toàn cầu. DXY giảm cho thấy USD yếu, có thể do chính sách nới lỏng hoặc kinh tế Mỹ suy thoái. 

DXY và Bitcoin có mối quan hệ nghịch đảo, cụ thể khi DXY tăng thì Bitcoin giảm và ngược lại. Trong tháng 4/2025 vừa qua, DXY đã giảm mạnh từ 104 xuống dưới vùng 98 với những biến động vĩ mô:

  • Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng
  • Đám đông kỳ vọng FED hạ lãi suất khi nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu
  • Tin đồn Nhật Bản bán tháo trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ

Ngay lập tức, Bitcoin phi 1 mạch từ dưới $80,000 lên vùng $95,000 và vẫn giữ được động lực mạnh mẽ tính tới thời điểm viết bài.

Quan sát cá nhân

Vậy là mình đã tổng hợp top 8 những chỉ số vĩ mô ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường Crypto nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Dẫu vậy, theo kinh nghiệm cá nhân quan sát xuyên suốt từ năm 2020 tới năm 2025, mình nhận ra một số điểm thực tế khác với lý thuyết bên trên.

 

Đầu tiên, những tin ảnh hưởng ngắn hạn (thậm chí tới tận nến phút) là công bố lãi suất FED, công bố chỉ số PCE, CPI, GDP, bảng lương Non-farm và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Khi market ra tin dạng này, Bitcoin sẽ giật giá rất mạnh, nến kéo dài 2 đầu nhằm quét thanh khoản đòn bẩy. Vậy nên, hãy cẩn trọng khi trading trong ngày có tin nhé.

 

Tiếp theo, sẽ có lúc market chạy ngược với lý thuyết và áp dụng bài “Sell the news”. Ví dụ như FED giảm lãi suất thường sẽ tốt cho Bitcoin, tuy nhiên, sẽ có kịch bản ngay khi chủ tịch Powell phát biểu, BTC gãy 1 cây nến đỏ lòm và đám đông vẫn coi logic đó hợp lý.

 

Kế tiếp, cung tiền M2 và DXY là 2 chỉ số chạy chart liên tục, song song với Bitcoin. Khi DXY rớt sâu, BTC rất nhạy và sẽ phản ứng tích cực trong khoảng thời gian ngắn. Trái lại, tương quan Bitcoin và M2 sẽ có độ trễ, thường là 3-6 tháng, theo góc nhìn cá nhân mình.

 

Cuối cùng, vì vốn hóa Crypto vẫn còn nhỏ so với các sản phẩm tài chính truyền thống, vậy nên, không tránh khỏi những bàn tay đen thao túng từng bước giá. Với cương vị là nhà đầu tư, chúng ta cần tỉnh táo và linh hoạt thích nghi với sự “ma quỷ” của thị trường này, không nên áp dụng lý thuyết 1 cách máy móc bạn nhé.

 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản cá nhân, chúc bạn thành công!