Từ khi xuất hiện, dApp đã trở thành khái niệm nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt với những ai lần đầu bước chân vào thế giới Web3 và blockchain. Những ứng dụng phi tập trung này đang mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới, thay đổi cách chúng ta sử dụng internet mỗi ngày. Nhưng thực sự dApp là gì? Hoạt động ra sao và khác biệt như thế nào so với những ứng dụng thông thường anh em đang dùng hàng ngày? Hãy cùng làm rõ qua bài viết dưới đây cùng Block24 nhé.
dApp là gì?
Hiểu về dApp blockchain
dApp (decentralized application) là các ứng dụng hoạt động trên mạng phi tập trung thay vì chạy trên máy chủ tập trung như ứng dụng truyền thống, thường là trên mạng blockchain.

DApp là một ứng dụng phi tập trung, nghe có vẻ “công nghệ cao” nhưng anh em có thể tưởng tượng thế này cho dễ hiểu nhé: Giả sử mọi người trong xóm cùng góp tiền vào một ống heo chung. Mỗi lần có người bỏ tiền hay lấy tiền, sẽ có một con robot “thủ quỹ” tự động ghi lại vào sổ và thông báo cho tất cả mọi người. Như vậy, không ai sửa được sổ, cũng không ai làm chủ ống heo, mọi thứ rõ ràng, minh bạch.
DApp cũng giống vậy: Là ứng dụng chạy trên blockchain, không cần ai đứng giữa, hoạt động tự động nhờ các “hợp đồng thông minh” giống như con robot trong ví dụ trên vậy.
Cách hoạt động của dApp
dApp hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa Front-end và smart contract (hợp đồng thông minh) trên blockchain. Giao diện front-end (website hoặc mobile app) tương tác với người dùng, sau đó gửi các yêu cầu giao dịch tới blockchain để kích hoạt các smart contract tương ứng.
Ở đây, mỗi smart contract là một chương trình code được lưu tại blockchain. Các chương trình này sẽ tự động thực thi khi thỏa mãn điều kiện được lập trình sẵn. Toàn bộ các node trong mạng blockchain sẽ cùng xác thực và thực thi logic của smart contract, đảm bảo kết quả output là đồng nhất và không thể bị làm giả.

Quy trình tương tác cơ bản với dApp diễn ra như sau:
- Bước 1: User kết nối ví blockchain (ví dụ MetaMask) với giao diện dApp
- Bước 2: Thực hiện hành động (ví dụ: nhấn nút “Swap” để đổi token)
- Bước 3: DApp gửi giao dịch từ ví lên blockchain
- Bước 4: Blockchain xử lý và xác nhận giao dịch
- Bước 5: Kết quả hiển thị cho người dùng (ví dụ: swap thành công)
Hành trình sử dụng của một user trên dApp không khác nhiều so với ứng dụng truyền thống. Anh em có thể hình dung 5 bước trên giống như việc chúng ta vào một app đặt đồ ăn như sau:
- Bước 1: User mở app giao đồ ăn và đăng nhập tài khoản
- Bước 2: User chọn món ăn và bấm “Đặt hàng” (giống thực hiện hành động trên dApp)
- Bước 3: App gửi đơn hàng đến nhà hàng (giống như dApp gửi giao dịch từ ví lên blockchain). Khi này hệ thống biết anh em đặt gì và từ đâu
- Bước 4: Nhà hàng nhận đơn và bắt đầu nấu (giống như blockchain xử lý và xác nhận giao dịch)
- Bước 5: User nhận được món ăn và thông báo hoàn tất. Trong dApp là giao dịch xong, token đã về ví, giống như đồ ăn đã đến tay
Lợi ích dApp mang lại
So với mô hình tập trung, dApp có nhiều lợi ích đột phá đó là:
- Không có điểm “tử huyệt”: Vì chạy trên mạng lưới phi tập trung, dApp không có server trung tâm nào để trở thành điểm tấn công duy nhất. Nếu một node hoặc một phần mạng gặp sự cố, các node khác vẫn duy trì hoạt động, giúp dApp có độ sẵn sàng cao và ít downtime hơn hẳn. Điều này khác với ứng dụng thường, chỉ cần server gặp lỗi là toàn bộ dịch vụ có thể sập.
- Tính minh bạch: Các giao dịch và dữ liệu của dApp đều lưu trên sổ cái blockchain công khai. Người dùng có thể tự kiểm chứng cách dApp vận hành, kiểm tra lịch sử giao dịch,...
- Không bị kiểm soát: Không một cá nhân hay tổ chức nào có quyền kiểm soát dApp sau khi ứng dụng được triển khai lên blockchain. Mọi thay đổi đều phải thông qua cơ chế đồng thuận của mạng lưới hoặc bỏ phiếu cộng đồng.
- Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Với dApp, người dùng có quyền kiểm soát tối đa danh tính và dữ liệu của mình. Để sử dụng dApp, anh em chỉ cần một ví blockchain ẩn danh, không cần phải khai báo quá nhiều thông tin cá nhân (họ tên, gmail, số điện thoại,...) như những ứng dụng truyền thống
- Thanh toán dễ dàng: dApp thường có token để làm phương tiện trao đổi giá trị, cho phép thanh toán, giao dịch tài sản một cách liền mạch
So sánh ứng dụng phi tập trung với ứng dụng truyền thống
Điểm giống nhau
Về mặt trải nghiệm bên ngoài, dApp và ứng dụng truyền thống có thể trông khá giống nhau. Cả hai đều là phần mềm ứng dụng cho phép người dùng thực hiện một hoặc nhiều chức năng nhất định, chẳng hạn như: giao dịch tài chính, chơi game, nhắn tin, tương tác trên mạng xã hội,...

Nếu nhìn thuần túy từ phía user, một dApp có thể không khác nhiều so với web app mà anh em vẫn đang dùng. Ví dụ: Giao diện một sàn DEX (sàn giao dịch phi tập trung) như Uniswap thực chất là một website, cũng có nút “Swap”, ô nhập số lượng token,... y hệt như sàn CEX (sàn giao dịch tập trung).
Tương tự, một game blockchain như Axie Infinity cũng có app và đồ họa, lối chơi giống game thông thường. Do đó, trải nghiệm sử dụng cơ bản có thể tương đồng, user vẫn cần học cách dùng giao diện, nhấn nút để thực hiện chức năng mong muốn.

Ngoài ra, cả hai loại ứng dụng đều cần được thiết kế thân thiện để thu hút người dùng, đều phải xử lý các vấn đề về hiệu năng, bảo mật ở mức nào đó.
Điểm khác nhau
Đặc điểm | dApp | Ứng dụng tập trung |
Kiến trúc hạ tầng | Dựa trên mạng lưới phi tập trung (blockchain), không có server trung tâm | Kiến trúc client-server, máy chủ do công ty hoặc tổ chức tập trung sở hữu và quản lý. |
Quyền kiểm soát và quản trị | Mã code hoạt động tự động theo smart contract, cập nhật cần sự đồng thuận cộng đồng | Công ty kiểm soát toàn bộ mọi hoạt động: Cập nhật, kiểm duyệt, ngừng dịch vụ,... |
Dữ liệu và bảo mật | Dữ liệu bất biến trên blockchain, tài sản nằm trong ví cá nhân | Dữ liệu lưu trữ tập trung, dễ bị hack hoặc bị công ty khai thác |
Tính riêng tư | Giao dịch công khai nhưng danh tính ẩn danh qua địa chỉ ví, không cần cung cấp thông tin cá nhân | Thông tin người dùng được lưu trữ và quản lý bởi bên thứ ba |
Cách thức đăng nhập | Kết nối ví blockchain, xác thực bằng chữ ký số, không cần thông tin cá nhân | Đăng ký tài khoản, dùng email/mật khẩu hoặc xác thực qua bên thứ ba (Google, Facebook,...) |
Quyền kiểm soát tài sản | Người dùng hoàn toàn kiểm soát private key và tài sản của mình | Người dùng phụ thuộc vào hệ thống và công ty để truy cập hoặc khôi phục tài khoản |
So sánh ưu nhược điểm
Tiêu chí | dApp | Ứng dụng tập trung |
Minh bạch dữ liệu | Dữ liệu lưu trữ công khai trên blockchain, minh bạch hoàn toàn | Dữ liệu được kiểm soát bởi tổ chức, nhóm tổ chức, thiếu minh bạch |
Bảo mật | Mạng phân tán, khó bị tấn công toàn diện | Có điểm tập trung, dễ trở thành mục tiêu của hacker |
Tích hợp tài chính phi tập trung | Dễ dàng tích hợp coin/token để giao dịch toàn cầu tức thời, không cần cổng thanh toán truyền thống | Phụ thuộc vào cổng thanh toán truyền thống, quy trình thanh toán phức tạp hơn |
Trải nghiệm người dùng | Khó khăn ban đầu với đa số người dùng, cần biết về ví, phí gas, thuật ngữ crypto | Dễ sử dụng, thân thiện với đa số người dùng phổ thông |
Tốc độ và khả năng mở rộng | Thường kém về tốc độ và khả năng xử lý lượng giao dịch lớn, dễ bị tắc nghẽn | Tốc độ xử lý nhanh, dễ dàng mở rộng, chịu tải lớn tốt hơn |
Khung pháp lý | Khung pháp lý chưa rõ ràng, tiềm ẩn rủi ro pháp lý | Khung pháp lý ổn định, rõ ràng, dễ dàng hoạt động và phát triển trong khuôn khổ pháp luật |
Phân loại dApp Crypto
Dựa trên mục đích sử dụng, chúng ta có thể chia dApp thành một số nhóm chính như sau:
Loại dApp | Mô tả | Ví dụ |
Tài chính phi tập trung (DeFi) | Đây là nhóm dApp về dịch vụ tài chính trên blockchain, bao gồm sàn giao dịch, lending/borrowing, yield farming,... | Uniswap: Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) cho phép swap token tự động Compound: Nền tảng cho vay thế chấp tài sản crypto MakerDAO: Ứng dụng phát hành stablecoin phi tập trung |
GameFi | Nhóm dApp này kết hợp giải trí, chơi game với sở hữu tài sản số | Axie Infinity: Game NFT cho phép người chơi thu thập, chiến đấu bằng các “thú cưng” kỹ thuật số (Axies) và kiếm token AXS The Sandbox: Thế giới ảo (metaverse), user có thể mua bán đất đai, tài sản NFT và tương tác xã hội trong môi trường 3D |
NFT Marketplace | Đây là các dApp chuyên về mua bán NFT phi tập trung | OpenSea: Chợ NFT lớn nhất cho phép đấu giá và trao đổi mọi loại NFT (tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm số, vật phẩm game) giữa những người dùng với nhau Blur: Marketplace NFT với mô hình thưởng token cho người giao dịch |
SocialFi | dApp phục vụ giao tiếp, chia sẻ nội dung mà không qua máy chủ tập trung | Mirror.xyz: Nền tảng xuất bản bài viết on-chain và NFT hóa nội dung Steemit: Nền tảng mạng xã hội/blog phi tập trung trên blockchain Steem, user viết bài và được thưởng token STEEM dựa trên lượt upvote |
Wallet | Đây là ví crypto dùng để lưu trữ coin/token. Một số ví còn hỗ trợ tính năng swap, stake, gửi nhận token,... | Các ví nổi bật như Metamask, Trust Wallet, Phantom |
Cẩn trọng với dApp scam
Bên cạnh tiềm năng, dApp cũng có không ít rủi ro scam mà anh em cần cảnh giác. Do tính chất phi tập trung và ẩn danh, kẻ xấu có thể lợi dụng dApp để thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tài sản người dùng theo nhiều cách tinh vi.

- Rug pull (bỏ dự án giữa chừng): Đây là kiểu lừa đảo mà team phát triển dự án tung token và kêu gọi đầu tư, sau đó bất ngờ rút hết vốn và biến mất. Bỏ lại nhà đầu tư với những token gần như vô giá trị. Nhiều dApp DeFi/DAO mới ra mắt với lời hứa hẹn “ngọt mật”, nhưng sau khi huy động được một lượng tiền lớn qua ICO hoặc yield farm, team sáng lập bán tháo token hoặc rút thanh khoản, làm giá token rơi tự do
- Phishing (lừa đảo giả mạo): Đây là hình thức phổ biến nhắm vào người dùng dApp, đặc biệt người mới. Kẻ gian tạo ra các trang web hoặc ứng dụng giả mạo trông giống hệt giao diện dApp uy tín, dụ người dùng kết nối ví và nhập private key hoặc seed phrase. Một khi nạn nhân tiết lộ khóa bí mật, hacker sẽ đánh cắp ví và toàn bộ tài sản bên trong
- Ponzi và mô hình đa cấp: Một số dApp được thiết kế theo mô hình Ponzi - trả thưởng cho người cũ bằng tiền người mới, ví dụ các dự án cho lãi suất cực cao phi thực tế. Dấu hiệu nhận biết là lợi nhuận cam kết quá tốt (ví dụ lãi 1%/ngày), thiếu sản phẩm thực tế, tập trung chủ yếu mời gọi người mới
- DApp có mã độc: Kẻ tấn công có thể viết smart contract với lỗ hổng hoặc chức năng ẩn nhằm đánh cắp tiền khi người dùng tương tác
- Tấn công vào lỗ hổng giao thức: Ngay cả dApp nổi tiếng cũng có thể dính lỗi code. Hacker có thể tận dụng lỗ hổng trong smart contract để rút tiền từ pool, tạo thêm token, làm sai lệch số dư,…
Để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo, anh em nên cập nhật các tin tức bảo mật mới nhất và thực hiện một số biện pháp cơ bản như:
- Luôn truy cập dApp qua web chính thức, không bấm vào link lạ
- Không tiết lộ private key hoặc seed phrase
- Cảnh giác với các sự kiện airdrop, retroactive. Cần phải đọc kỹ thông tin chính thống từ kênh truyền thông của dự án
- Sử dụng các sản phẩm ví uy tín như Metamask, Phantom,... MetaMask đã tích hợp dịch vụ cảnh báo các địa chỉ hoặc token nghi ngờ lừa đảo để bảo vệ người dùng tốt hơn
dApp và pháp lý Việt Nam
Tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho dApp và crypto nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam không cấm hẳn việc sở hữu, giao dịch crypto hoặc sử dụng dApp, nhưng cũng chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý và bảo vệ người dùng tham gia.

Các dApp thường sử dụng crypto trong các giao dịch. Tuy nhiên, anh em nhớ rằng tại Việt Nam, crypto không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, chỉ có Đồng Việt Nam là tiền pháp định duy nhất. Việc dùng crypto để thanh toán công khai có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu hình sự theo luật tiền tệ. Nhưng cần lưu ý rằng, pháp luật không cấm cá nhân đầu tư, nắm giữ hay mua bán crypto như một loại tài sản, do vẫn còn vùng “xám” pháp lý.
Tương tự, việc phát triển và sử dụng dApp ví dụ như viết smart contract, vận hành sàn DEX, chưa có văn bản luật cụ thể điều chỉnh. Các hoạt động này có thể bị chi phối gián tiếp bởi các luật khác (luật CNTT, luật doanh nghiệp, luật chứng khoán nếu có huy động vốn,...). Nhận thức được sự bùng nổ của crypto và blockchain, Chính phủ Việt Nam vài năm qua đã chủ động nghiên cứu, định hướng quản lý lĩnh vực này.
Vào ngày 10/3/2025, theo VNExpress, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết thí điểm quản lý tài sản số và báo cáo Thường trực Chính phủ. Nghị quyết này dự kiến có nội dung về cho phép vận hành sàn crypto. Tại họp báo thường kỳ ngày 6/4/2025, Bộ Tài chính cũng được giao trọng trách hoàn thiện khung pháp lý cho các loại tài sản/tiền mã hoá. Các hoạt động trên cho thấy Chính phủ đang gấp rút xây dựng hành lang pháp lý cho loại tài sản đặc biệt này.
Tương lai của dApp trong IoT
Theo báo cáo từ Precedence Research, thị trường Blockchain trong lĩnh vực IoT đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Cụ thể, market size đạt khoảng 134.41 triệu USD năm 2021 và dự kiến tăng lên đến 1.974 tỷ USD vào năm 2030. Đây là một con số đầy hứa hẹn cho những ứng dụng dApp vào trong lĩnh vực IoT.

Lý do cho tiềm năng tăng trưởng này là dApp giúp giải quyết những nhược điểm của IoT truyền thống:
- Bảo mật kém: Các thiết bị IoT thiếu chuẩn xác thực, dễ bị xâm nhập bởi hacker
- Thiếu niềm tin: Hệ sinh thái IoT hiện nay chủ yếu dựa vào các hệ thống tập trung, tạo ra nhiều rủi ro về tính tin cậy
- Khả năng mở rộng thấp: Khi số lượng thiết bị ngày càng tăng nhanh, các hệ thống IoT truyền thống gặp khó khăn trong việc xử lý dữ liệu hiệu quả
- Chi phí vận hành cao: Các giao dịch nhỏ lẻ trong mạng IoT thường yêu cầu xác thực từ bên thứ ba, làm tăng chi phí vận hành
Vì vậy, chúng ta có thể hình dung một số usecases tiềm năng của dApp trong IoT ở tương lai là:
- Chuỗi cung ứng và logistics: dApp giúp minh bạch hóa, theo dõi nguồn gốc sản phẩm, tối ưu hóa quy trình,...
- Nhà thông minh (Smart homes): dApp cung cấp nền tảng bảo mật và tin cậy cho các thiết bị thông minh trong nhà
- Công nghiệp oto: dApp giúp xác minh lịch sử xe cộ, giao dịch mua bán rõ ràng, chính xác, cũng như hỗ trợ bảo trì, quản lý xe,...
FAQ
Facebook, TikTok có phải ứng dụng phi tập trung không?
Facebook, TikTok không phải là ứng dụng phi tập trung. Đây là những ứng dụng tập trung do các công ty Meta và ByteDance sở hữu và vận hành.
Bitcoin có phải dApp không?
Bitcoin là một hệ thống tiền mã hóa phi tập trung, chứ không phải một “ứng dụng” hay dApp theo nghĩa thông thường mà người dùng tương tác qua giao diện. Anh em có thể coi Bitcoin là một giao thức/ mạng lưới blockchain nền tảng, còn dApp thường là thứ được xây dựng bên trên nền tảng đó.
Sự khác biệt giữa dApp và hợp đồng thông minh là gì?
Một hợp đồng thông minh (smart contract) là đoạn code chương trình được triển khai trên blockchain, tự động thực thi khi thỏa mãn các điều kiện đã định. Còn dApp (ứng dụng phi tập trung) thường bao gồm một hoặc nhiều hợp đồng thông minh ở phía backend, kết hợp thêm giao diện để người dùng tương tác. Nói cách khác, hợp đồng thông minh là thành phần nền tảng của dApp, chịu trách nhiệm xử lý logic, còn dApp là ứng dụng hoàn chỉnh cung cấp chức năng cho end-user, thường có giao diện thân thiện.
dApp và protocol khác nhau như thế nào?
Anh em có thể hiểu Protocol (giao thức) giống như hệ điều hành hoặc luật chơi. Protocol đặt ra các quy tắc, nền tảng để mọi thứ hoạt động đúng và tương tác được với nhau. Ví dụ như Ethereum protocol là “luật chơi” của mạng Ethereum: Quy định cách giao dịch, cách máy tính xử lý hợp đồng thông minh,…
DApp là ứng dụng cụ thể chạy trên nền tảng đó. Giống như app chạy trên điện thoại, nhưng thay vì chạy trên iOS hay Android thì chạy trên Ethereum. Hiểu đơn giản, Protocol là quy tắc “ẩn” ở phía sau, không có giao diện người dùng. DApp thì là “mặt tiền” mà anh em có thể bấm vào xài.
Bình luận