Năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ của các dự án DePIN. Theo DePINScan, tổng market cap của các dự án DePIN đã đạt con số ~16 tỷ USD. Đặc biệt, số lượng các dự án DePIN mới đã tăng gần 2 lần so với năm 2023, đạt trên 1100 dự án, cho thấy xu hướng này đang thu hút nguồn lực mạnh mẽ từ các nhà phát triển công nghệ và các quỹ đầu tư lớn.
Vậy DePIN là gì? Liệu trend DePIN có thể duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025? Hãy cùng block24.ai tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé
Bản chất DePIN là gì?
DePIN (Decentralized Physical Infrastructure Network) được thiết kế để quản lý, vận hành hạ tầng vật lý theo cách phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain.
Với DePIN, ai cũng có thể đóng góp tài nguyên, ví dụ như băng thông, điện năng, dung lượng lưu trữ,.. vào hệ thống. Những tài nguyên này được chia sẻ và phân phối thông qua mạng blockchain một cách minh bạch và an toàn.
Đổi lại, người đóng góp sẽ nhận được token như một phần thưởng, thể hiện quyền sở hữu, quyền tham gia quản lý hệ thống hoặc quyền sử dụng các dịch vụ mạng. DePIN đã tạo ra một mô hình hạ tầng “cùng xây - cùng hưởng”, giá trị được phân phối công bằng giữa những người tham gia thay vì tập trung vào một bên duy nhất.
Phân loại DePIN
PRNs
PRNs – Physical Resource Networks là các dự án DePIN hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng có hình dạng vật lý cụ thể và phải được triển khai tại một địa điểm rõ ràng. Một số ví dụ minh họa là:

- Helium Network: Người dùng mua các thiết bị Hotspot lắp đặt tại nhà để cung cấp mạng không dây cho các thiết bị IoT. Khi cung cấp mạng thành công, người dùng được thưởng bằng token HNT
>>> Tìm hiểu dự án Helium Network - Hivemapper: Dự án xây dựng một bản đồ toàn cầu bằng cách sử dụng dữ liệu hình ảnh từ thiết bị dashcam (camera hành trình) của user. Dashcam giống như một node trong mạng lưới tài nguyên vật lý toàn cầu. Những người đóng góp dữ liệu sẽ nhận được phần thưởng bằng token HONEY
DRNs
DRNs – Digital Resource Networks là các mạng lưới hoạt động trên các tài nguyên không có hình dạng vật lý cụ thể, chẳng hạn như dữ liệu, dung lượng lưu trữ, sức mạnh tính toán hoặc dịch vụ kỹ thuật số khác. Những tài nguyên này có thể được truy cập và sử dụng ở mọi nơi.
Một số dự án DePIN DRNs là:

- Filecoin: User chia sẻ dung lượng lưu trữ chưa sử dụng trên ổ cứng máy tính của họ. Khi người khác sử dụng dung lượng đó, user sẽ được trả thưởng bằng token FIL
>>> Tìm hiểu dự án Filecoin - Aethir: Dự án DePIN cung cấp cơ sở hạ tầng GPU phi tập trung, sử dụng trong lĩnh vực AI và Gaming
So sánh PRNs và DRNs
Để so sánh PRNs và DRNs, anh em cùng tham khảo bảng dưới đây nhé:
Đặc điểm | PRNs | DRNs |
Loại tài nguyên | Tài nguyên vật lý hữu hình như phần cứng, máy móc, hạ tầng mạng không dây, pin năng lượng mặt trời,... | Tài nguyên kỹ thuật số vô hình, ví dụ như dữ liệu, dung lượng lưu trữ, sức mạnh tính toán, dịch vụ trực tuyến,... |
Mức độ phụ thuộc vào vị trí | Phải đặt tại một địa điểm cụ thể để cung cấp dịch vụ | Có thể được truy cập và cung cấp từ mọi nơi |
Khả năng truy cập | Bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý và vị trí đặt thiết bị | Không giới hạn, cần có kết nối Internet |
Độ khó triển khai ban đầu | Khá phức tạp vì cần lắp đặt thiết bị vật lý tại địa điểm cụ thể | Dễ hơn vì chỉ cần kết nối và sử dụng tài nguyên số có sẵn |
Chi phí ban đầu | Thường cao do phải mua thiết bị vật lý | Thấp hơn, thường tận dụng tài nguyên số hiện có của cá nhân |
Khả năng mở rộng | Khó hơn do cần mở rộng phần cứng và cơ sở vật chất ở nhiều địa điểm khác nhau | Dễ hơn do không bị ràng buộc bởi vị trí địa lý |
Sự bùng nổ của xu hướng DePIN
Anh em đều thấy rõ sự phát triển vượt bậc của AI trong những năm gần đây, với hàng loạt ứng dụng đột phá thay đổi cách con người sống và làm việc.

Sự bùng nổ của AI kéo theo nhu cầu khổng lồ về tài nguyên tính toán. Đây chính là một thách thức lớn đối với mô hình hạ tầng truyền thống vốn mang tính tập trung và chi phí cao. DePIN là giải pháp cho vấn đề này.
>>> Link các bài viết về chủ đề AI & DePIN

Quan sát biểu đồ trên, anh em có thể thấy năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ toàn diện của DePIN. Bốn chỉ số chính gồm số lượng dự án, vốn hoá thị trường, doanh thu và mức độ nhận diện (mindshare) đều có mức tăng ấn tượng:
- Tính riêng từ năm 2022 đến 2024, số lượng dự án DePIN tăng khoảng 12 lần
- Cũng trong vòng 2 năm, vốn hoá DePIN tăng từ dưới 5 tỷ USD lên 50 tỷ USD, gấp 10 lần. Đồng thời, thị phần của DePIN trong tổng vốn hoá Altcoins cũng tăng đều từ 2% lên 5%
- Doanh thu mảng DePIN có bước nhảy vọt đáng kể, tăng 100 lần so với năm 2022. Đáng chú ý, doanh thu từ các ứng dụng AI chiếm tới 70%, điều này cho thấy việc DePIN đang trở thành hạ tầng thiết yếu cho các ứng dụng AI
- Chỉ số “Mindshare” đo lường mức độ quan tâm hay tần suất xuất hiện của DePIN trong cộng đồng Crypto nói riêng và công nghệ nói chung. Từ năm 2022 đến 2024, chỉ số này tăng tới 25 lần, chạm mốc 49%.
Sự tăng trưởng trên không chỉ đến từ nhu cầu hạ tầng phi tập trung ngày càng cao mà còn nhờ sự quan tâm mạnh mẽ của các quỹ đầu tư truyền thống.

Báo cáo từ Messari cho thấy dòng vốn tư nhân trong năm 2024 đổ vào DePIN ở giai đoạn Pre-seed & Seed nhiều hơn cả Series A:
- Pre-seed & Seed: 58 thương vụ, 178 triệu USD được huy động
- Series A: 15 thương vụ, 173 triệu USD được huy động
Theo góc nhìn cá nhân mình, việc có nhiều deal ở vòng Pre-seed/Seed với tổng số vốn lớn hơn Series A phản ánh niềm tin của các quỹ mạo hiểm vào tiềm năng tăng trưởng sắp tới của DePIN. Vậy nên, họ xác định xuống tiền ở phase “gieo mầm” để tối đa hóa lợi nhuận.
Cơ chế hoạt động DePIN
Thành phần quan trọng

- Nhà cung cấp hạ tầng: Cá nhân hoặc tổ chức sở hữu và lắp đặt thiết bị vật lý như điểm phát sóng, tấm pin năng lượng mặt trời, máy chủ, thiết bị IoT,... Họ có vai trò vận hành, bảo trì để đảm bảo hạ tầng hoạt động liên tục
- Người sử dụng dịch vụ: Là bên cần truy cập hoặc sử dụng hạ tầng. Họ trả phí bằng token hoặc hình thức thanh toán khác (tuỳ dự án)
- Cơ chế token và mạng blockchain: Dùng để xác thực quyền sở hữu, theo dõi đóng góp của từng node, quản lý việc phát hành và phân phối token
- DAO: Cộng đồng gồm các holders, nhà phát triển, nhà đầu tư, người dùng. Họ có vai trò giám sát, quyết định các quy tắc tham gia
Mô hình hoạt động (Flywheel)

Vòng lặp tăng trưởng của dự án DePIN có 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Mở rộng hạ tầng
- Khi nhiều bên tham gia xây dựng hạ tầng, chi phí duy trì và mở rộng được chia nhỏ
- Việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn, thu hút thêm nhà cung cấp mới
- Hạ tầng vì thế ngày càng lớn và phủ sóng rộng rãi hơn
- Giai đoạn 2: Tăng độ phủ
- Hạ tầng càng lớn, người dùng càng tiếp cận dịch vụ ở nhiều nơi
- Dự án có thêm người dùng mới, nhu cầu tăng khiến việc trao đổi, giao dịch sôi động hơn
- Cung và cầu liên tục thúc đẩy nhau, tạo nên hiệu ứng mạng (network effect)
- Giai đoạn 3: Giá trị token tăng
- Khi lượng người dùng và lượng giao dịch nhiều, token của dự án trở nên có giá trị hơn vì cần sử dụng token để mua sản phẩm, dịch vụ
- Nhiều người muốn nắm giữ token để tham gia, đầu tư, stake hoặc nhận thưởng
- Thanh khoản tăng, việc mua bán token trở nên dễ dàng, thu hút thêm dòng vốn và người dùng mới
Rủi ro và cơ hội DePIN là gì?
Cơ hội của ứng dụng DePIN
- Sự quan tâm đến Web3 và ứng dụng thực tiễn: Mục tiêu của crypto là hướng tới mass adoption với những ứng dụng cụ thể. DePIN đang hiện thực hóa mục tiêu này.
- Định vị khác biệt trên thị trường: So với các dự án thuần blockchain, việc gắn với cơ sở hạ tầng vật lý giúp DePIN có một lợi thế rõ ràng: giá trị và tác động trực tiếp đến thế giới thực. Chính yếu tố “thật” và “đo đếm được” tạo nên ưu thế cạnh tranh cho DePIN
- Tính bền vững và khả năng mở rộng: Giữa bối cảnh kinh tế biến động, các mô hình dòng tiền/doanh thu thật sẽ có sức sống bền vững hơn so với dự án chỉ dựa vào dòng tiền đầu cơ
- Xu hướng phi tập trung hóa hạ tầng: Chuyển đổi năng lượng sạch, chia sẻ mạng lưới IoT hoặc mạng viễn thông phi tập trung đều là xu hướng lớn ở thị trường truyền thống
Rủi ro của ứng dụng DePIN
- Hạn chế về công nghệ và hiệu suất: DePIN là một ứng dụng của blockchain nhưng bản thân blockchain cũng gặp giới hạn về tốc độ, phí giao dịch, khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn.
- Biến động về giá token: Nhiều mô hình DePIN sử dụng token để khuyến khích đóng góp vào dự án. Đây là con dao hai lưỡi vì nếu giá token giảm sâu, động lực đóng góp cho mạng lưới có thể giảm, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ dự án
- Rào cản pháp lý: Vì DePIN vẫn là lĩnh vực mới, quy định pháp lý liên quan đến việc chia sẻ tài nguyên, huy động vốn, phát hành token,... còn thiếu sự rõ ràng
- Khó khăn trong quản lý hạ tầng: Khác với các ứng dụng thuần kỹ thuật số, DePIN gắn liền với tài sản vật lý. Việc vận hành và bảo dưỡng hệ thống máy móc đòi hỏi chi phí và quy trình phức tạp hơn
- Thiếu tính tiêu chuẩn hoá: Mỗi dự án DePIN phát triển giao thức, phần cứng, phần mềm riêng, dẫn đến khó tương thích
DePIN crypto là gì?
Nguồn gốc trend DePIN crypto là gì?
Trend DePIN Crypto bắt đầu manh nha từ năm 2014 - 2017. Trong giai đoạn này, dự án Golem khởi xướng ý tưởng chia sẻ tài nguyên CPU để render đồ họa và sử dụng cho ứng dụng tính toán phức tạp. Render Network và Akash cũng đặt nền móng đầu tiên cho thị trường tài nguyên đám mây phi tập trung.

Các dự án mở ra nhận thức rằng cơ sở hạ tầng vật lý bao gồm dung lượng lưu trữ, sức mạnh tính toán cũng có thể token hóa và phân phối đến cộng đồng. Đây chính là tiền đề để phát triển các dự án DePIN chuyên về computing sau này.
Từ năm 2019, DePIN chuyển trọng tâm sang hạ tầng không dây (wireless), mở ra làn sóng mới với dự án Helium (HNT). Số lượng thiết bị phát sóng (hotspot) Helium vào cuối năm 2020 chỉ khoảng 10,000 chiếc, nhưng đến giữa năm 2021 đã tăng lên 100,000 và vượt mốc 900,000 cuối năm 2022. Trong giai đoạn này, giá token HNT của Helium cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng từ dưới 1 USD năm 2020 lên hơn 50 USD năm 2021.

Bên cạnh Wireless, cộng đồng nhà phát triển cũng bắt đầu chú ý đến “AI on blockchain”. Đỉnh điểm là với sự ra đời của ChatGPT 3.5 vào năm 2023, đi kèm với nhiều ứng dụng AI đột phá. Tại đây, DePIN được quan tâm hơn bao giờ hết nhờ cung cấp cơ sở hạ tầng cho AI với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các mô hình truyền thống.
Sức nóng của DePIN & AI thu hút các quỹ đầu tư tên tuổi tham gia. Hàng loạt startup và dự án mới nối gót nhau ra đời, lượng vốn đầu tư ngày càng tăng,... tạo nên một thị trường DePIN sôi động.
Top 6 dự án DePIN Crypto đáng chú ý 2025
Filecoin | Akash Network | Io.net | Helium | IoTeX | Bittensor | |
Mô tả | Mạng lưu trữ phi tập trung, cho phép thuê không gian lưu trữ | Thị trường điện toán đám mây phi tập trung, mua bán tài nguyên tính toán | Mạng lưới tính toán phi tập trung cho AI, sử dụng GPU nhàn rỗi | Mạng không dây phi tập trung cho các thiết bị IoT | Nền tảng blockchain cho IoT, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu | Nền tảng AI phi tập trung |
Lợi thế | Dự án lâu đời. Có ứng dụng thực tế rõ ràng | Dự án tiên phong trong mảng “cloud computing phi tập trung”. Chi phí rẻ hơn các cloud truyền thống (AWS, Azure) | Dự án mới nổi, nằm trong trend đang hot. Sở hữu lượng GPU lớn nhất trên thị trường. Có ứng dụng thực tiễn | Sản phẩm thực tế rõ ràng: thiết bị IoT, mạng LoRaWAN.
Đi đầu trong mô hình “people-powered network” - DeWi (Decentralized Wireless) | Có khả năng mở rộng và hiệu suất cao. Sản phẩm thực tế hữu ích như camera an ninh sử dụng blockchain và thiết bị thu thập dữ liệu thời gian thực | Dự án AI phi tập trung tăng trưởng nhanh.
Cộng đồng developer & researcher chất lượng |
Hạn chế | Cạnh tranh với các giải pháp tập trung như AWS, Google Cloud. Phí mạng và quản lý phần thưởng khá phức tạp với người mới | Nhiều đối thủ cạnh tranh từ các dự án DePIN tới công ty truyền thống.
Các rủi ro về độ trễ, bảo mật, băng thông khi sử dụng sản phẩm | Cạnh tranh với các nhà cung cấp truyền thống | Việc sử dụng token để duy trì mạng cần adoption thực sự của người dùng IoT.
Từng bị chỉ trích vì lạm dụng tiền của nhà đầu tư, mô hình Ponzi | Cạnh tranh trong lĩnh vực IoT. Việc ứng dụng blockchain vào IoT vẫn chưa thực sự phổ biến | Cạnh tranh cực lớn từ các tổ chức AI tập trung và chính phủ |
Huy động | $205.92M | $2.8M | $30M | $364.80M | $69.92M | Chưa được công khai |
Backers | Pantera Capital, Blockchain Capital, Sequoia Capital, Y Combinator, DCG, USV | Infinite Capital, George Burke | Hack VC, Solana Labs, OKX Ventures, Multicoin Capital, 6MV, Delphi Ventures, Amber Group | a16z, Multicoin, Pantera, Tiger Global, USV, GV, Ribbit Capital | HashKey Capital, Shima Capital, Amber Group, Draper Dragon, DHVC, Ethereum Foundation, AU21 Capital | Chưa được công khai |
FAQ
DePIN khác gì mô hình kinh tế chia sẻ?
Tiêu chí | DePIN | Mô hình kinh tế chia sẻ |
Cấu trúc quản lý | Phi tập trung, sử dụng công nghệ blockchain để phân phối quyền quản lý cho cộng đồng tham gia | Tập trung, do một công ty hoặc tổ chức quản lý |
Quyền sở hữu và kiểm soát | Người tham gia có quyền sở hữu một phần của mạng lưới thông qua token, cho phép họ tham gia vào việc quản trị và hưởng lợi từ sự phát triển của hệ thống | Người tham gia chỉ đóng vai trò cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ. Quyền sở hữu và kiểm soát thuộc về công ty quản lý nền tảng |
Phân phối lợi nhuận | Lợi nhuận được phân phối trực tiếp đến các thành viên tham gia dựa trên đóng góp của họ | Lợi nhuận chủ yếu được thu bởi công ty quản lý nền tảng. Người tham gia nhận được phần nhỏ từ phí dịch vụ hoặc hoa hồng |
Tính minh bạch | Minh bạch cao nhờ sử dụng blockchain | Tính minh bạch thấp hơn |
Một số ví dụ | Helium , Filecoin | Uber, Airbnb |
Giới chuyên môn đánh giá trend DePIN 2025 như thế nào?
Theo báo cáo của Messari, DePIN vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ với 350 token mà sở hữu market cap lên tới 50 tỷ USD. Giới chuyên môn dự đoán DePIN sẽ tiếp tục mở rộng vào năm 2025, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, mạng không dây và năng lượng.
Các quỹ Web3 cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với DePIN. Borderless Capital - một quỹ đầu tư Web3, đã ra mắt DePIN Fund III trị giá 100 triệu USD vào tháng 9/2024. Álvaro Gracia - đối tác tại Borderless, cho rằng DePIN sẽ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, hiệu quả hơn nhiều so với mô hình Web 2.0.
Ở góc nhìn của các quỹ truyền thống, một số công ty đầu tư như VanEck đã nhấn mạnh tiềm năng của DePIN trong việc đưa hàng tỷ người dùng vào Web3.
DePIN đang được ứng dụng vào đời sống như thế nào?
- Chia sẻ tài nguyên máy tính: Cho thuê CPU, GPU, dung lượng lưu trữ nhàn rỗi. Người dùng sẽ được sử dụng dịch vụ giá rẻ, còn người cho thuê sẽ được thưởng bằng token. Dự án nổi bật: Io.net, Filecoin
- Quản lý chuỗi cung ứng và logistics: Dùng cảm biến và blockchain để theo dõi, xác minh lộ trình hàng hóa, ví dụ Ambrosus
- Hạ tầng năng lượng tái tạo: Xây dựng mạng lưới cung ứng năng lượng xanh (điện mặt trời, điện gió) ở quy mô cộng đồng, ví dụ Glow
- Mạng viễn thông: Giúp mọi người tự thiết lập và chia sẻ sóng di động (như LoRaWAN, 5G), ví dụ Helium
- Thu thập dữ liệu cảm biến: Sử dụng thiết bị IoT (sensor) để đo lường, giám sát môi trường, giao thông,... ví dụ như Geodnet
- Ứng dụng bản đồ: Gắn camera lên xe cộ để thu thập hình ảnh, tạo bản đồ phi tập trung, ví dụ như Hivemapper
Bình luận