Cục Dự trữ Liên bang (FED), hay Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, là một trong những tổ chức quan trọng nhất trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế và tài chính thế giới. Hãy cùng Block24 tìm hiểu về lịch sử ra đời, cơ cấu tổ chức cũng như những cách mà FED đã dùng để kiểm soát lạm phát trong bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu về Cục Dự Trữ Liên Bang (FED)

FED là tổ chức gì?

FED (Federal Reserve System), hay Cục Dự trữ Liên Bang, được thành lập vào năm 1913 theo Đạo luật Dự trữ Liên bang, có nhiệm vụ thực hiện chính sách tiền tệ, quản lý cung tiền duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Mỹ. 

FED là gì?
FED là gì?

FED là tổ chức bán độc lập, có nghĩa là hoạt động độc lập tương đối với bộ máy chính quyền Hoa Kỳ nhưng vẫn chịu sự giám sát từ Quốc Hội. Điều này giúp cho các quyết định mà tổ chức đưa ra đều mang tính khách quan và phục vụ cho mục tiêu kinh tế, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị tạm thời.

Mục tiêu hoạt động của FED

FED luôn hoạt động dựa trên 3 mục tiêu chính đã quy định trong Đạo luật Dự trữ Liên bang 1913, đó là:

  • Ổn định giá cả: FED đảm bảo lạm phát luôn duy trì mức thấp và có thể dự đoán được, lý tưởng nhất là ở quanh mức 2%/năm. Tuy nhiên, mục tiêu này không phải lúc nào cũng thực hiện được, đơn cử là vào năm 2022, khi tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.
  • Tăng tỷ lệ việc làm: FED giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất có thể mà không gây ra lạm phát. Trong đại dịch COVID-19, FED đã hạ lãi suất về gần 0%, đồng thời bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường để cứu nền kinh tế và giúp người lao động có việc làm trở lại.
  • Ổn định hệ thống tài chính: FED đảm bảo hệ thống tài chính của Hoa Kỳ hoạt động ổn định và giữ lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ đầu tư & tiêu dùng dài hạn. Điều này được thực hiện thông qua việc kiểm soát lợi suất của trái phiếu đồng thời triển khai các chính sách nới lỏng khi cần thiết.

Lịch sử Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ

Sự kiện đặt nền móng cho lịch sử ra đời và phát triển của FED chính là cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra vào năm 1907. Vào thời kỳ này, Mỹ vẫn chưa có bất kỳ một ngân hàng trung ương chính thức nào để kiểm soát tình hình tài chính trong nước cũng như lạm phát. Các ngân hàng lớn tại thời điểm đó đều thiếu đi sự quản lý chung, dẫn đến thất bại trong việc duy trì thanh khoản. 

 

Nhằm quản lý cung tiền và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính tương tự trong tương lai, Quốc hội Mỹ dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson đã thông qua Đạo luật Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act) vào ngày 23/12/1913 và thành lập Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). 

Tổng thống Woodrow Wilson ký Đạo luật Dự trữ Liên bang
Tổng thống Woodrow Wilson ký Đạo luật Dự trữ Liên bang

Kể từ khi thành lập, FED đã thể hiện tầm quan trọng, đưa Mỹ vượt qua nhiều sự kiện kinh tế lớn, từ Đại suy thoái năm 1929 đến Khủng hoảng tài chính 2008 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 vào năm 2020. 

Chủ tịch FED là ai?

Vai trò của chủ tịch FED

Chủ tịch FED chính là người đứng đầu của Cục Dự trữ Liên Bang, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc duy trì mục tiêu hoạt động của tổ chức này. Vị trí này được coi là “chiếc la bàn” của toàn bộ nền kinh tế Mỹ, quyết định đến quyết sách của FED, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến lãi suất Cục Dự trữ Liên bang, lạm phát Hoa Kỳ và cả thị trường tài chính.

Chủ tịch FED tính đến tháng 5/2025 là Jerome Powell
Chủ tịch FED tính đến tháng 5/2025 là Jerome Powell

Chủ tịch FED là người chủ trì chính trong các cuộc họp của FOMC nhằm đưa ra các quyết định liên quan đến lãi suất. Ngoài ra, người này cũng đóng vai trò như là gương mặt đại diện của FED trong các phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ mỗi năm 2 lần.

Các nhiệm kỳ chủ tịch FED

Các nhiệm kỳ chủ tịch FED
Các nhiệm kỳ chủ tịch FED

Tính đến hiện tại, FED đã trải qua 16 nhiệm kỳ chủ tịch kể từ khi được thành lập. Trong đó, có 4 vị chủ tịch nổi bật là:

  • William McChesney Martin (1951 – 1970): Là người giữ chức chủ tịch FED lâu nhất khi nhiệm kỳ của ông kéo dài gần 19 năm.
  • Paul Volcker (1979-1987): Là người chấm dứt tình trạng lạm phát khủng khiếp của Mỹ với những chính sách mạnh mẽ.
  • Janet Yellen (2014 - 2018): Là nữ Chủ tịch FED đầu tiên tính đến thời điểm hiện tại. Trong nhiệm kỳ của mình, bà Yellen đã có những chính sách khéo léo nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng năm 2008.
  • Jerome Powell (2018 - hiện tại): Là Chủ tịch thứ 16 của FED, ông là người đã đưa nước Mỹ thoát khỏi 2 cuộc khủng hoảng lớn đó là Đại dịch COVID-19 và tỷ lệ lạm phát tăng cao từ năm 2021 - 2023. 

Lãi suất FED là gì?

Tổng quan lãi suất Cục dự trữ Liên bang

Lãi suất Cục Dự trữ Liên bang (Federal Funds Rate), hay còn gọi Lãi suất liên ngân hàng qua đêm, là mức lãi suất mà ngân hàng và các tổ chức ký quỹ sử dụng để thực hiện các khoản vay ngắn hạn nhằm đáp ứng đủ lượng tiền dự trữ. Đây được coi là cơ sở để FED đưa ra các chính sách tiền tệ đồng thời là động lực chính của các hoạt động kinh tế.

  • Khi FED tăng lãi suất, việc vay tiền sẽ khó khăn hơn, khiến cho chi phí sản xuất và kinh doanh tăng cao, hàng hoá và dịch vụ sẽ trở nên đắt đỏ. Điều này làm cho người dân thận trọng hơn trong việc mua sắm và đầu tư, từ đó làm hạ nhiệt nền kinh tế và kìm hãm được tốc độ lạm phát.
  • Ngược lại, khi lãi suất được nới lỏng, các ngân hàng sẽ thoải mái cho các tổ chức bên ngoài vay nhằm đẩy mạnh việc đầu tư và sản xuất, từ đó giá hàng hoá dịch vụ trở nên hợp lý hơn và kích thích tiêu dùng, làm nền kinh tế sôi động hơn.

FED quản lý lãi suất như thế nào?

FED quản lý lãi suất thông qua các hoạt động mua hoặc bán trái phiếu chính phủ, hay còn gọi là nghiệp vụ thị trường mở. Khi tổ chức này tiến hành mua vào trái phiếu với số lượng lớn, tiền sẽ được bơm vào các ngân hàng, từ đó tăng thanh khoản cho thị trường và làm cho lãi suất quỹ liên bang (Federal funds rate) hạ xuống. Ngược lại, nếu FED bán trái phiếu, tiền sẽ được rút ra khỏi ngân hàng, làm cho thị trường bị giảm thanh khoản và tăng lãi suất (do ảnh hưởng đến lượng dự trữ của họ tại FED).
 

Một yếu tố quan trọng nữa giúp FED quản lý lãi suất đó chính là tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Requirement Ratio - RRR). Đây là % tiền gửi mà các ngân hàng thương mại không được cho vay ra bên ngoài mà phải giữ lại trong kho dự trữ ngân hàng hoặc tại tài khoản dự trữ FED. Tỷ lệ này giúp đảm bảo thanh khoản hệ thống, hạn chế hiệu ứng domino khi có khủng hoảng xảy ra. Kể từ năm 2020, RRR được giữ ở mức 0%.

Biểu đồ IORB từ 2021 đến nay
Biểu đồ IORB từ 2021 đến nay. Nguồn: FRED

Ngoài ra, FED còn sử dụng lãi suất trả trên số dư dự trữ (Interest on Reserve Balances - IORB) để quản lý lãi suất. Theo đó, FED trả lãi cho các ngân hàng thương mại trên số tiền dự trữ của họ tại FED. Khi mức lãi IORB cao hơn lãi suất thị trường, các ngân hàng có động lực giữ tiền tại FED thay vì cho vay ra ngoài, làm giảm cung tiền và tăng lãi suất. Ngược lại, nếu IORB thấp hơn lãi suất thị trường, các ngân hàng sẽ tăng cho vay ngoài để kiếm lợi nhuận cao hơn, qua đó góp phần giảm lãi suất.
 

Trên đây là 3 công cụ chính nhằm giúp FED có thể quản lý lãi suất một cách chặt chẽ. Một điều mà bạn cần nắm rõ đó là FED không thể đưa ra mức lãi suất cụ thể mà chỉ có thể đưa ra một phạm vi mục tiêu (ví dụ như 3,5% - 4%), rồi sau đó mới sử dụng các công cụ trên để đưa nó về đúng phạm vi. 

Lãi suất hiện nay

Biểu đồ lãi suất FED. Nguồn: Global-rates
Biểu đồ lãi suất FED. Nguồn: Global-rates

Tính đến tháng 5/2025, lãi suất quỹ liên bang đã dao động trong khoảng 4,25% đến 4,50%. Mức lãi suất này đã được giữ nguyên kể từ cuộc họp tháng 1 năm 2025, sau ba lần cắt giảm liên tiếp vào cuối năm 2024. Đây có thể là tín hiệu khả quan cho thấy FED bắt đầu xem xét các biện pháp giảm lãi suất khi mà tình trạng lạm phát đang dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và lịch họp Cục Dự trữ Liên bang.

Cấu trúc tổ chức của FED

Bộ máy của FED được chia thành 3 tổ chức chính bao gồm Hội đồng Thống đốc, 12 Ngân hàng Dự trữ và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Mỗi thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của FED.

FOMC

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) là cơ quan có 12 thành viên, bao gồm 7 người thuộc Hội đồng Thống đốc và 5 người còn lại là chủ tịch của các Ngân hàng Dự trữ. Cơ quan sẽ họp định kỳ 8 lần trong năm nhằm đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ, bao gồm việc điều chỉnh lãi suất và quản lý bảng cân đối kế toán Cục Dự trữ Liên bang.

Hội đồng Thống đốc

Đây là cơ quan có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của 12 Ngân hàng Dự trữ và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách tiền tệ Mỹ. Hội đồng Thống đốc bao gồm 7 vị Thống đốc được bổ nhiệm bởi Tổng thống Hoa Kỳ và phải được phê chuẩn bởi Thượng viện. Một nhiệm kỳ của Thống đốc sẽ kéo dài 14 năm và họ không được phục vụ hơn một nhiệm kỳ, trừ khi được chọn để hoàn thành phần việc còn dang dở của vị Thống đốc khác.

12 Ngân hàng Dự trữ

Ngân hàng Dự trữ bao gồm 12 tổ chức đóng vai trò như chi nhánh đại diện của FED tại 12 khu vực trên lãnh thổ Hoa Kỳ, có nhiệm vụ giữ và phân phối tiền mặt cho các ngân hàng thương mại. 12 ngân hàng này giúp Fed điều hành chính sách tiền tệ thông qua việc thu thập thông tin kinh tế tại từng khu vực. Trong số các Ngân hàng Dự trữ, chi nhánh New York là quan trọng nhất vì nó nằm ở trung tâm tài chính nước Mỹ, đại diện cho FED trong nhiều giao dịch quan trọng. 

Vị trí 12 ngân hàng dự trữ
Vị trí 12 ngân hàng dự trữ

Chính sách tiền tệ của FED

Các công cụ tiền tệ

Dưới đây là 2 công cụ tiền tệ chính mà FED sử dụng để kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế Mỹ:

  • Nghiệp vụ thị trường mở: Đây là công cụ tiền tệ quan trọng nhất được FED sử dụng, có thể được giải thích dễ hiểu là việc mua vào hoặc bán ra trái phiếu chính phủ nhằm tăng giảm lãi suất như mong muốn.
  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Là số tiền mà FED yêu cầu hệ thống 12 ngân hàng trung ương phải đảm bảo trong kho bạc. Nếu tỷ lệ này tăng, các ngân hàng sẽ thắt chặt cho vay, từ đó tăng lãi suất. Nếu tỷ lệ này giảm, nguồn tiền dư thừa sẽ trở nên dồi dào, tạo điều kiện cho vay dễ dàng hơn và giảm lãi suất.

Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán Cục Dự trữ Liên bang có thể hiểu đơn giản là bảng danh mục đầu tư của FED, ghi lại tất cả tài sản mà tổ chức này nắm giữ cũng như các khoản nợ phải trả. Đây là thứ giúp Cục Dự trữ Liên bang đạt được các mục tiêu hoạt động của mình.
 

FED nắm giữ chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ, chiếm khoảng 60%-80% toàn danh mục. Các tài sản còn lại bao gồm chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS), vàng, tiền gửi ở các Ngân hàng Trung ương nước ngoài và các khoản vay khác. Trong khi đó, các khoản nợ của Cục Dự trữ Liên bang bao gồm toàn bộ dollar Mỹ dưới dạng tiền mặt đang lưu hành mà không do chính tổ chức này nắm giữ, cũng như toàn bộ tiền mà các ngân hàng thương mại và các tổ chức khác đã gửi tại FED.
 

Những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm trong thị trường tài chính thường có thói quen theo dõi những thay đổi trong bảng cân đối của FED nhằm đưa ra dự đoán về các thay đổi sắp tới trong chính sách tiền tệ của tổ chức này. Khi Cục Dự trữ Liên bang mua vào các tài sản như trái phiếu hoặc chứng khoán được thế chấp, có thể dự đoán được họ đang tìm cách bơm tiền nhằm kích thích kinh tế. Ngược lại, khi FED bán tài sản, cho thấy họ đang muốn thu hẹp cung tiền bên ngoài để kiểm soát tình trạng lạm phát.

Tầm ảnh hưởng của FED trong các thời kỳ

Đại suy thoái

Đại suy thoái thế kỷ 20
Đại suy thoái thế kỷ 20

Trong cuộc đại suy thoái diễn ra từ năm 1929 đến năm 1933, FED đã bị chỉ trích là có những phản ứng yếu ớt và thiếu sự linh hoạt trong chính sách. Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, kéo theo hàng nghìn ngân hàng phá sản và tỷ lệ thất nghiệp vượt 20%, FED vẫn không chịu giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống. Điều này đã dẫn đến việc nước Mỹ chịu tổn thất nặng nề và chìm trong khủng hoảng kéo dài.

Bong bóng Dotcom

Bong bóng Dotcom đầu những năm 2000 là kết quả của sự FOMO mù quáng vào cổ phiếu của các công ty công nghệ. Đứng trước cuộc khủng hoảng này, FED đã hạ lãi suất đều đặn từ 6,25% xuống còn 1% vào năm 2003 để kích thích kinh tế, ngăn chặn khủng hoảng tồi tệ hơn. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang còn giúp giảm áp lực tài chính cho các ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt là công ty công nghệ bằng cách sử dụng nghiệp vụ thị trường mở mua lại trái phiếu chính phủ nhằm tăng cung tiền.

Khủng hoảng kinh tế 2008

Khủng hoảng kinh tế năm 2008
Khủng hoảng kinh tế năm 2008

Khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng và cơn sốt bất động sản, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế. Đây có thể coi là một trong những thử thách lớn nhất của FED kể từ khi thành lập, buộc tổ chức này phải thực hiện các biện pháp mạnh tay nhất nhằm cứu vãn hệ thống tài chính. Trong cuộc khủng hoảng, Cục Dự trữ Liên bang đã giảm mạnh lãi suất xuống gần bằng 0% để kích thích chi tiêu và đầu tư, đồng thời triển khai chương trình nới lỏng định lượng (QE) nhằm bơm tiền vào thị trường, đây là lần đầu tiên FED sử dụng đến chính sách này.
 

Ngoài ra, FED còn thực hiện nhiều chính sách như tung ra các gói vay ngắn hạn cho các ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản, hỗ trợ thương vụ mua lại Bear Stearns của JPMorgan Chase hay mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt như trên, FED vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn cuộc khủng hoảng, để lại hậu quả lâu dài cho nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.

Covid 2020

Đại dịch Covid năm 2020
Đại dịch Covid năm 2020

Đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đã làm tê liệt nền kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ thống tài chính, trong đó có Mỹ. Trước tình hình đó, FED đã triển khai nhiều chính sách để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện một cuộc suy thoái như năm 2008, tiêu biểu là:

  • Giảm 1,5 điểm phần trăm lãi suất Cục Dự trữ Liên bang chỉ trong tháng 03/2020, từ mức 1,5%-1,75 về gần 0% và duy trì nó trong nhiều tháng sau đó. 
  • Triển khai chương trình mua vào trái phiếu và chứng khoán được thế chấp với trị giá ít nhất là 700 tỷ USD.
  • Cho các công ty chứng khoán vay lãi suất thấp với thời hạn lên đến 90 ngày nhằm duy trình thanh khoản cho thị trường tín dụng. 

Nhờ những phản ứng kịp thời, FED đã ngăn chặn sự gián đoạn của thị trường tài chính và làm giảm thiệt hại nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những chính sách này cũng tạo ra mầm mống của một thời kỳ lạm phát sau đó, kéo dài từ 2022 đến 2024.

FED tăng giảm lãi suất ảnh hưởng Crypto ra sao?

Tương quan giữa lãi suất FED và giá BTC - Nguồn RIA Simple Visor
Tương quan giữa lãi suất FED và giá BTC - Nguồn RIA Simple Visor

Lãi suất Cục Dự trữ Liên bang có tác động mạnh mẽ đến thị trường Crypto. Khi FED tăng lãi suất, việc đầu tư vào trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, khiến dòng vốn bị rút khỏi các kênh đầu tư rủi ro, trong đó có Bitcoin, dẫn đến giá trị của thị trường tiền mã hóa suy giảm. Ngược lại, khi FED giảm lãi suất, các nhà đầu tư không còn mặn mà với tài sản an toàn nữa mà có xu hướng đi tìm các loại tài sản mang lại lợi nhuận lớn hơn.
 

Thật vậy, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2021, việc duy trì mức lãi suất gần như bằng 0 của FED đã tạo cơ hội cho thị trường Crypto bùng nổ mạnh mẽ. Giá Bitcoin trong thời gian đó liên tục phá đỉnh và đạt mức ATH tại 69.000 USD vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, khi FED bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ từ năm 2022 với các động thái liên tục tăng lãi suất, giá BTC đã lao dốc và chạm đáy ~ 16.000 USD hồi tháng 11/2022. 
 

Dẫu vậy, theo cá nhân mình, chính sách lãi suất từ FED sẽ không còn ảnh hưởng lớn đến Crypto trong tương lai. Thay vào đó, tâm lý thị trường, quy định pháp lý và sự chấp nhận của các tổ chức lớn dần trở thành khía cạnh quan trọng, chi phối sự tăng trưởng của thị trường non trẻ này.

FAQ

FED có phụ thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ không?

Không. FED là một cơ quan bán độc lập, đảm bảo đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ mà không bị tác động bởi chính phủ.

Chủ tịch của FED hiện tại là ai?

Tính đến tháng 5/2025, người đang giữ vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang là ông Jerome Powell, được Tổng thống Donald Trump đề cử vào năm 2018. Trước đó, ông đã được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc năm 2011. 

Ai sở hữu FED?

FED không thuộc sở hữu của bất kỳ cá nhân hay tổ chức tư nhân nào. Đây là một cơ quan được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ để phục vụ lợi ích công.

Xem lịch họp của FED ở đâu?

Lịch họp Cục Dự trữ Liên bang được công bố trên trang web chính thức của tổ chức: federalreserve.gov

Tại sao nên theo dõi lịch họp của FED?

Các cuộc họp của FOMC nhằm đưa ra các quyết định về lãi suất Cục Dự trữ Liên bang, từ đó ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Vì vậy, việc theo dõi lịch họp cũng như các quyết định lãi suất của FED giúp bạn có thêm góc nhìn đầu tư phù hợp.

Có phải FED in tiền không?

FED không trực tiếp in tiền như nhiều người từng nghĩ, mà chỉ kiểm soát cung tiền thông qua các công cụ như nới lỏng định lượng và nghiệp vụ thị trường mở, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến lượng tiền lưu thông.

FED nói gì về Bitcoin?

FED không có quan điểm chính thức về Bitcoin, nhưng các quan chức FED, bao gồm cả Jerome Powell đã từng bày tỏ quan điểm tiêu cực tính biến động và rủi ro của Crypto. Họ cũng nhấn mạnh rằng FED không có kế hoạch cấm Bitcoin nhưng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thị trường Crypto.

Kết luận

Có thể nói, Cục Dự trữ Liên bang (FED) là một trong những tổ chức tài chính quan trọng nhất thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính, trong đó có Crypto. Qua việc hiểu về FED, bạn có thể tự lý giải cho các hành động của tổ chức này đồng thời dự đoán tình hình kinh tế Mỹ và thế giới trong tương lai. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này của Block24.