Trong thị trường tiền điện tử, funding rate đóng vai trò rất quan trọng khi anh em tham gia giao dịch phái sinh. Việc nắm rõ cơ chế hoạt động và biết cách kết hợp khéo léo với leverage trading chính là chìa khóa giúp anh em tối ưu lợi nhuận và hạn chế rủi ro không đáng có. Ở bài viết này, Block24 sẽ giúp anh em tìm hiểu bản chất, cách tận dụng hiệu quả và có cả những mẹo để kiếm tiền từ funding rate nữa đó.

Funding rate là gì?

Funding rate (tỷ lệ tài trợ) là khoản phí định kỳ được trao đổi giữa người giữ lệnh mua (long) và bán (short) trong giao dịch hợp đồng tương lai trong thị trường tiền điện tử. Phí này được tính dựa trên chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lai (futures) và giá thị trường thực tế (spot), thường thể hiện theo tỷ lệ phần trăm.

Funding rate trên các sàn giao dịch
Funding rate trên các sàn giao dịch - Nguồn CoinGlass

Hiểu đơn giản, đây là phí mà bên long hoặc short phải trả cho bên còn lại sau mỗi khoảng thời gian nhất định (thường là mỗi 8 giờ). Mức này phụ thuộc vào chênh lệch giá giữa hợp đồng tương lai (futures) và giá thị trường giao ngay (spot). Anh em lưu ý là toàn bộ các khoản fee funding này không phải là phí thu bởi sàn, mà thực chất được chuyển qua lại giữa các trader. Tiền từ bên trả sẽ được cộng cho bên nhận. Sàn giao dịch chỉ đóng vai trò trung gian tính toán và thực thi việc trao đổi này.

Funding rate âm và dương là gì?

Funding rate dương xảy ra khi giá futures cao hơn giá spot. Lúc này trader giữ vị thế long sẽ trả phí Funding cho trader giữ vị thế short. Nói cách khác, phe long trả tiền cho phe short trong kỳ đó.

Funding rate dương cho cặp DOGEUSDT trên Binance
Funding rate dương cho cặp DOGEUSDT trên Binance

Ví dụ trong hình trên, cặp DOGEUSDT đang có Funding rate dương là 0.0005%. Thời gian còn lại cho lần funding kế tiếp là khoảng 7 tiếng 38 phút. Điều này nghĩa là nếu đang giữ lệnh long DOGEUSDT Perp, anh em sẽ phải trả 0.0005% giá trị vị thế sau 7 tiếng 38 phút. Ví dụ, mở long 10,000 USDT thì sẽ phải trả 0.05 USDT.

Funding rate âm cho cặp BTCUSDT trên Binance
Funding rate âm cho cặp BTCUSDT trên Binance

Ngược lại, Funding rate âm là khi giá futures thấp hơn giá spot. Trader giữ vị thế short sẽ trả phí cho trader giữ vị thế long. Trong hình trên, nếu đang giữ lệnh short BTCUSDT Perp, anh em sẽ phải trả 0.0031% giá trị vị thế sau 7 tiếng 41 phút.

Thành phần cấu thành Funding Rate

Interest rate

Interest Rate (lãi suất) là giá trị phản ánh chi phí vốn hay chi phí cơ hội giữa việc nắm giữ hai loại tài sản: tiền pháp định/stablecoin so với coin/token. Cụ thể là chênh lệch lãi suất vay giữa đồng tiền niêm yết (USD hoặc stablecoin) và đồng tiền định giá (BTC hoặc coin tương ứng)​. 

Ví dụ, Binance Futures mặc định áp dụng interest rate 0.03%/ngày, chia làm 3 lần thu phí funding mỗi 8 giờ (khoảng 0.01% mỗi lần)​. Sở dĩ có con số này là do giả định USDT mang lại lãi suất khoảng 0.06%/ngày và BTC (hoặc các coin khác) mang lại khoảng 0.03%/ngày. Như vậy giá trị chênh lệch là khoảng 0.03% (0.06% trừ 0.03%)​. Đây chính là interest rate được đưa vào tính funding rate. Và lưu ý, đây chỉ là những con số minh họa thôi anh em nhé, thực tế sẽ có sự thay đổi tùy diễn biến market.

Premium index

Cơ chế đằng sau

Premium index (chỉ số premium) là thành phần thứ hai của funding rate, phản ánh mức độ chênh lệch giá giữa thị trường futures vĩnh cửu và thị trường spot của tài sản. Cụ thể, premium index đo lường xem giá hợp đồng futures đang cao hơn hay thấp hơn so với giá index (giá trung bình của tài sản trên các sàn spot) bao nhiêu phần trăm. Nếu giá futures cao hơn giá spot, chỉ số premium sẽ dương. Ngược lại, giá futures thấp hơn thì là âm. 

Quy trình tính toán và điều chỉnh

Chỉ số premium có thể biến động mỗi phút do giá thay đổi nên sàn thường lấy trung bình theo thời gian, sử dụng phương pháp TWAP (Time Weighted Average Price) trong suốt khoảng giữa hai lần funding. Ví dụ, với chu kỳ funding 8 giờ, sàn sẽ lấy dữ liệu premium mỗi phút rồi tính trung bình trọng số 8 giờ đó​. Cách làm này nhằm tránh việc thao túng giá vào phút chót và làm cho funding rate “mượt” hơn.

Cụ thể công thức tính Premium Index là:

Premium Index = [max(0, Impact Bid Price − Index Price) − max(0, Index Price − Impact Ask Price)] / Index Price ​

Trong đó:

  • Impact Bid Price: Giá trung bình để thực hiện một lệnh mua với khối lượng xác định từ sổ lệnh
  • Impact Ask Price: Giá trung bình để thực hiện một lệnh bán với khối lượng tương tự từ sổ lệnh
  • Index Price: Giá tham chiếu, thường là giá trung bình của tài sản cơ sở trên các sàn giao dịch lớn

Vai trò của sàn giao dịch trong việc điều chỉnh rate

Các sàn giao dịch crypto (Binance, Bybit, OKX, v.v.) giữ vai trò rất quan trọng trong cơ chế funding rate, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru và công bằng, cụ thể như sau:

  • Thiết lập tham số và công thức: Sàn quyết định interest rate áp dụng cho các hợp đồng, thường là 0.03%/ngày. Sàn cũng đặt ra cách tính premium index (dựa trên giá chỉ số nào, lấy dữ liệu từ đâu) và áp dụng công thức tính funding.
  • Cung cấp Index price: Để tính premium chính xác, sàn phải cung cấp Index price (giá chỉ số spot) đáng tin cậy, thường bằng cách tổng hợp giá trung bình từ nhiều CEX lớn. Điều này ngăn chặn việc làm giá trên một sàn futures
  • Đặt ra các giới hạn: Chẳng hạn như giới hạn biên 0.05% và giới hạn trần funding (ví dụ 0.5% mỗi 8h)
  • Minh bạch thông tin: Các sàn đều hiển thị funding hiện tại, thời gian đếm ngược đến lần thanh toán kế tiếp và thường có bảng lịch sử funding rate cho từng cặp token

Công thức tính toán

Để dự trù được chi phí mỗi lần thực hiện giao dịch thì anh em cần phải biết được cách tính Funding rate của sàn, cũng như Funding fee cho mỗi loại hợp đồng Futures khác nhau (USDT-M Futures vĩnh cửu và COIN-M Futures vĩnh cửu). Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách xác định funding rate và funding fee cho từng loại, từ đó hỗ trợ anh em có cái nhìn toàn diện trước khi vào lệnh nhé.

Cách tính funding rate

Công thức tổng quát thường được sử dụng để tính Funding rate trong các hợp đồng Futures là:

Funding Rate(F) = Premium Index(P) + clamp(Interest Rate(I)−P, -0.05%, 0.05%)

Trong đó, hàm clamp(Interest Rate(I) - P, -0.05%, 0.05%) sẽ giới hạn giá trị của (I - P) trong khoảng từ -0.05% đến 0.05%​. Nói cách khác, phần chênh lệch giữa lãi suất và premium chỉ được phép dao động tối đa 0.05% để tránh làm funding rate biến động quá lớn.

USDT-M Futures vĩnh cửu

Hợp đồng USDT-Margined Futures (USDT-M) là loại hợp đồng tương lai vĩnh cửu sử dụng USDT (hoặc stablecoin tương đương USD) làm tài sản ký quỹ và thanh toán lãi/lỗ. Với hợp đồng USDT-M (ví dụ BTC/USDT Perpetual trên Binance, Bybit...), giá trị vị thế (Position Value) sẽ tính bằng:

Position Value = số lượng coin * giá Mark (giá tham chiếu khác giá spot)

Ví dụ, với 0.5 BTC lệnh long, nếu giá mark lúc đó là 90,000 USDT/BTC thì giá trị vị thế là 0.5 * 90,000 = 45,000 USDT. Funding Fee sẽ được tính như sau:

Funding Fee = Position Value * Funding rate

Trường hợp trên, nếu Funding rate = 0.01% thì funding fee là 45,000 * 0.01% = 4.5 USDT.
Lưu ý là phí này sẽ được trừ hoặc cộng vào tài khoản từ số dư USDT và nếu số dư không đủ thì sẽ trích trực tiếp vào margin ký quỹ. Từ đó kéo giá thanh lý (liquidation price) trở nên “gần hơn”, khiến traders dễ bị cháy lệnh nếu không để ý.

COIN-M Futures vĩnh cửu

Với hợp đồng COIN-M (ký quỹ bằng coin, ví dụ BTC/USD Perpetual trên một số sàn), giá trị hợp đồng thường được xác định theo đơn vị USD, ví dụ 1 hợp đồng tương đương 100 USD. Tuy nhiên, vì ký quỹ và lãi/lỗ đều tính bằng coin nên công thức tính giá trị vị thế hơi khác một chút: 

Position Value = Số lượng hợp đồng * ký quỹ danh nghĩa / giá Mark

Với ví dụ Halley có 10,000 hợp đồng BTCUSD, ký quỹ danh nghĩa mỗi hợp đồng là 1 USD, và giá mark đang là 8,000 USD/BTC, thì giá trị vị thế = 10,000 * 1 / 8,000 = 1.25 BTC. Funding Fee lúc này = 1.25 * 0.01% = 0.000125 BTC (nếu Funding rate = 0.01%).

Thanh toán định kỳ giữa các sàn

Phần lớn các sàn (như Binance, Bybit, OKX,...) đều đang áp dụng chu kỳ thanh toán sau mỗi 8 giờ. Các mốc thời gian cố định là 0:00, 8:00 và 16:00 UTC (tương ứng 7h, 15h, 23h giờ Việt Nam) trên Binance và nhiều sàn khác. Đối với một số nền tảng đặc thù (chẳng hạn như dYdX), Funding rate được thanh toán thường xuyên hơn (mỗi 1 giờ). 

Thời gian thanh toán funding fee trên sàn dYdX
Thời gian thanh toán funding fee trên sàn dYdX

Nếu đóng vị thế trước giờ funding thì anh em sẽ không phải trả hoặc nhận phí cho kỳ đó. Vì vậy, nếu là trader ngắn hạn thì anh em có thể chọn đóng mở lệnh theo giờ để tránh mất phí. Ngược lại, nếu muốn ăn phí thì phải đảm bảo mình còn đang giữ lệnh vào thời điểm thanh toán.

Ý nghĩa của Funding rate

Funding rate là yếu tố quan trọng với trader futures vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và chi phí giữ lệnh. Cứ sau mỗi kỳ hạn (thường 8 giờ), trader sẽ trả hoặc nhận Funding fee dựa trên vị thế mở. Việc theo dõi sát giúp quản lý vốn và tối ưu hiệu quả giao dịch.

Tương quan giữa giá Bitcoin và Funding rate
Tương quan giữa giá Bitcoin và Funding rate

Ngoài chi phí, Funding rate còn phản ánh tâm lý thị trường:

  • Funding rate dương cao: Phe Long chiếm ưu thế, thị trường dễ over-leverage và có nguy cơ điều chỉnh giảm
  • Funding rate âm sâu: Áp lực Short lớn, dễ xuất hiện short squeeze khiến giá bật tăng mạnh.

Do vậy, hiểu rõ Funding rate giúp vừa kiểm soát chi phí vừa đánh giá xu hướng thị trường khi kết hợp các tín hiệu khác.

Cơ hội kiếm tiền từ Funding rate

Sử dụng Arbitrage

Việc tận dụng Funding rate khéo léo có thể giúp anh em kiếm thêm một phần lợi nhuận. Chiến lược phổ biến nhất là Arbitrage với ý tưởng cơ bản như sau:

  1. Xác định coin có Funding rate dương cao: Điều này có nghĩa là phe long đang phải trả phí đáng kể cho phe short mỗi kỳ. Có thể tìm thông qua các dashboard trên CoinGlass, ưu tiên những coin có Funding rate > 0.1% chẳng hạn.
  2. Mua spot và short futures cùng một lượng: Chia vốn thành 2 phần, một phần mua coin trên thị trường spot, và một phần mở vị thế short futures đối với coin đó với volume tương đương. Như vậy anh em sở hữu coin thật để phòng hộ rủi ro giá tăng, và short futures để phòng rủi ro giá giảm.
  3. Nhận funding: Mỗi kỳ, vị thế short sẽ được nhận phí đều đặn từ phe long. Trong khi đó, coin spot vẫn tăng/giảm giá theo thị trường, vì đã short futures nên lãi/lỗ ở vị thế futures sẽ bù trừ với biến động giá spot. Tạo thành vị thế gần như “trung tính” về giá, chủ yếu kiếm lời nhờ Funding Fee.

Ví dụ, Halley mở vị thế short 10,000 USDT giá trị BTC và đồng thời mua 10,000 USDT BTC trên spot. Giả sử Funding rate đang là 0.01%, mỗi ngày Halley sẽ thu về được 10,000 * 0.01% * 3 = 3 USDT/ngày (vì 1 ngày có 3 kỳ). Nếu mỗi ngày Halley may mắn được 3 USDT thì tính ra mỗi năm là 1,095 USDT, tương đương lãi suất ~10.95%/năm. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp thuận lợi. Còn thực tế sẽ xuất hiện nhiều biến số, ví dụ như spread giữa spot và futures, funding rate âm “quá đà”,... khiến lợi nhuận không còn như ý muốn nữa. 

Các setup kiếm tiền từ Funding rate Arbitrage - Nguồn CoinGlass
Các setup kiếm tiền từ Funding rate Arbitrage - Nguồn CoinGlass

Cần lưu ý gì khi kiếm tiền với Funding Fee?

  • Tuy đã hedging biến động giá bằng cách long spot/ short futures, vị thế futures vẫn có thể bị thanh lý nếu dùng đòn bẩy cao và giá biến động mạnh. Vì vậy anh em cần phải thật sự kỷ luật và sử dụng đòn bẩy hợp lý.
  • Lãi suất Funding rate có thể thay đổi rất nhanh, nếu thấy mức lãi bị giảm mạnh thì nên tính toán chốt lời hoặc stop loss sớm, đặc biệt trong giai đoạn vĩ mô có nhiều biến động, thị trường nhạy cảm bởi tin tức,...
  • Xem đây là một công cụ tối ưu hoá lợi nhuận crypto và phòng ngừa rủi ro, không nên quá ham đầu cơ. Chỉ nên kiếm khi Funding rate rất cao và thị trường ổn định.

Hướng dẫn theo dõi Funding rate

Anh em có thể dễ dàng theo dõi Funding trên chính sàn mình đang giao dịch hoặc sử dụng các công cụ bên ngoài.

Lịch sử Funding rate trên Binance Futures
Lịch sử Funding rate trên Binance Futures

Đa số các sàn futures đều hiển thị tỷ lệ Funding rate và đồng hồ đếm ngược trên giao diện trading. Ngoài ra, trên Binance anh em có thể xem lại lịch sử rate cho tất cả các cặp futures trên sàn. Thông tin này đặc biệt hữu ích để so sánh và nắm bắt coin nào thường có Funding rate cao/thấp.

Thống kê BTC Funding rate trên CoinGlass
Thống kê BTC Funding rate trên CoinGlass

Bên cạnh đó, anh em có thể sử dụng các công cụ online (chẳng hạn như CoinGlass, Coinalyze,...). Các trang như CoinGlass tổng hợp dữ liệu Funding rate từ nhiều sàn phái sinh, với các bảng so sánh trực quan và heatmap (biểu đồ nhiệt) giúp anh em nhìn nhanh coin nào đang có rate cao bất thường. 

FAQ

Heatmap là gì?

Heatmap là một cách biểu diễn dữ liệu Funding rate dưới dạng ma trận màu sắc. Mỗi ô ứng với Funding rate của một cặp coin trên sàn tại thời điểm nhất định và được tô màu theo biên độ (xanh là thấp, đỏ là cao). 

Funding rate và Funding Fee khác nhau như thế nào?

Funding rate là tỷ suất, còn Funding Fee là  số tiền phí cụ thể được quy ra tiền (USDT hoặc coin) mà trader phải trả/nhận.
 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!