GameFi là lĩnh vực có sức hấp dẫn rất lớn ở thị trường Crypto bởi vì nó cho phép chúng ta kiếm được tiền khi chơi game thay vì chỉ giải trí đơn thuần. Vậy GameFi hoạt động như thế nào? Làm sao để chúng ta có thể kiếm tiền từ GameFi? Hãy cùng Block24 tìm hiểu ở trong bài viết dưới đây nhé!
GameFi là gì?
Tổng quan về GameFi
GameFi là lĩnh vực kết hợp giữa Game và Finance, nơi mà các trò chơi được tích hợp công nghệ blockchain để mang tới yếu tố tài chính phi tập trung (DeFi) cho người chơi. Trong GameFi, chúng ta kiếm được tiền thông qua việc giao dịch phần thưởng dưới dạng token hoặc NFT nhận được khi chơi game.

Có thể nói đây là lĩnh vực thúc đẩy và dẫn dắt thị trường Crypto đạt đỉnh uptrend cuối năm 2021, với dự án tiên phong là Axie Infinity. Cho đến năm 2025, mặc dù GameFi không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng đây vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn, sở hữu lượng người dùng tăng trưởng đều, thậm chí còn cao hơn giai đoạn 2021.
Bối cảnh ra đời
GameFi ra đời trong bối cảnh giao thoa:
- Công nghệ blockchain đủ khả năng hỗ trợ DeFi hoạt động mượt mà
- Game truyền thống nên nâng cao quyền sở hữu tài sản in-game của người chơi.
Cụ thể hơn, người chơi không thực sự sở hữu vật phẩm hoặc tiền ở trong các tựa game truyền thống, chúng chỉ có giá trị khi nhà phát hành còn hỗ trợ. Người dùng có thể bị mất các vật phẩm đó khi máy chủ của nhà phát hành gặp lỗi hoặc bị hack.
Ngoài ra, mô hình kinh tế của những game truyền thống không có khả năng chống kiểm duyệt. Do đó, việc giao thương vật phẩm giữa người chơi cần tới bên trung gian thứ 3 để có thể mua hoặc bán an toàn.

Vì vậy, ý tưởng kết hợp Game & DeFi đã xuất hiện. Axie Infinity là dự án đưa khái niệm GameFi cũng như cơ chế Play-to-Earn lên tầm cao mới. Cần phải nói thêm, sự thành công của Axie Infinity nói riêng và GameFi nói chung được cộng hưởng rất nhiều bởi đại dịch Covid-19, khi mà hàng triệu người không thể đi làm vì lệnh giãn cách. Và Play-to-Earn là giải pháp mà họ tìm đến.
Cơ chế hoạt động của GameFi
Gameplay hấp dẫn
Gameplay của GameFi sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc tích hợp cơ chế blockchain. Thậm chí, bây giờ đã có nhiều dự án cung cấp đầy đủ dịch vụ tích hợp công nghệ blockchain vào game truyền thống. Do đó, các nhà phát triển có thể thoải mái sáng tạo gameplay hấp dẫn nhất.
Hai ví dụ để bạn thấy rõ đó là The Sandbox và Decentraland. Công nghệ blockchain trong các dự án này chủ yếu đóng vai trò xác nhận quyền sở hữu tài sản in-game, chứ không ảnh hưởng đến gameplay mà nhà phát hành xây dựng.

Cơ chế Play to Earn
Nhờ vào tính chống kiểm duyệt của công nghệ blockchain, GameFi có thể phát triển cơ chế Play-to-Earn, cho phép người dùng vừa chơi vừa kiếm tiền.
Cách hoạt động thì rất đơn giản, người chơi sẽ tham gia GameFi như các tựa game truyền thống. Phần thưởng trong game như vật phẩm, tiền tệ,... sẽ được ghi nhận bởi hệ thống blockchain. Sau đó, người chơi có thể dễ dàng mua bán, trao đổi các phần thưởng này trên sàn giao dịch Crypto hoặc NFT.

Ví dụ ở trong ảnh là SLP - phần thưởng mà bạn nhận được sau khi thắng trận PvP trong game Axie Infinity. Token này hiện đang được niêm yết ở trên sàn giao dịch Binance, người chơi có thể chuyển chúng lên sàn để bán ra tiền thực.
So với mô hình game truyền thống, người dùng GameFi không cần một bên trung gian thứ 3 uy tín để tiến hành giao dịch. Đây chính là cơ chế quan trọng nhất tạo nên sự hấp dẫn của GameFi, thu hút hàng triệu người chơi mỗi ngày (daily active users), theo số liệu từ Footprint Analytics.
Mô hình kinh tế
Mô hình kinh tế mà chúng ta thường thấy trong GameFi là hệ thống token kép (dual token), bao gồm:
- Governance token: Dùng để quản trị và đầu tư vào dự án.
- Utility token: Đóng vai trò tiền tệ ở trong game. Được sử dụng để làm phần thưởng khi người chơi hoàn thành nhiệm vụ hoặc tiêu hao trong tính năng của game, ví dụ như nâng cấp vũ khí, ghép nhân vật để đạt độ hiếm cao hơn,...
Ngoài ra, GameFi thường có một số vật phẩm ở dưới dạng NFT, cho phép người dùng tự do mua bán để kiếm thêm lợi nhuận.
Cộng đồng & quản trị

Kết hợp từ 2 lĩnh vực là game và tài chính, GameFi sở hữu cộng đồng cực kỳ lớn, từ những người chơi game đơn thuần cho đến các nhà đầu tư, từ trại farm được thành lập như một xưởng cày game kiếm tiền tới tầng lớp lao động muốn gia tăng thu nhập.
Các dự án GameFi có thể quản trị cộng đồng và sản phẩm của họ thông qua Tổ chức Tự trị Phi tập trung (DAO). Những người nắm giữ Governance token sẽ có quyền biểu quyết đề xuất quản trị của DAO, góp phần định hướng phát triển dự án họ đầu tư.
Ví dụ, hình bên trên là trang DAO của Decentraland. Những người nắm giữ token MANA có thể vote cho các đề xuất (proposals).
Quyền sở hữu tài sản
Đây là điểm tạo nên sự khác biệt của GameFi với thị trường game truyền thống. Quyền sở hữu là việc người chơi có mọi quyền quyết định với tài sản trong game, bao gồm chuyển sang ví khác, mua bán trên sàn giao dịch, lưu trữ trên ví non-custodial, stake để kiếm lợi nhuận,...
Những hoạt động trên đều được ghi nhận trong blockchain và không ai có thể kiểm soát, kể cả nhà phát hành game.
So sánh GameFi và Game truyền thống
Dưới đây là bảng so sánh ưu nhược điểm của GameFi với game truyền thống:
| GameFi | Game truyền thống | |
Ưu điểm | Khả năng kiếm tiền | Người dùng tự do mua bán vật phẩm, tiền tệ trong game | Phải có trung gian uy tín để giao dịch |
Quyền sở hữu tài sản | Người dùng hoàn toàn sở hữu tài sản | Phụ thuộc nhà phát triển | |
Công nghệ blockchain | Giúp minh bạch mọi hoạt động và giao dịch ở trong game. Giải phóng người chơi khỏi sự kiểm soát của nhà phát hành | Bị nhà phát hành kiểm soát | |
Người chơi tham gia quản trị | Bỏ phiếu đề xuất thông qua DAO | Nhà phát hành nắm toàn quyền quản trị game | |
Nhược điểm | Phức tạp | Do blockchain là công nghệ mới nên còn khá lạ với nhiều người chơi và nhà phát triển | Đơn giản, phù hợp với phần lớn chuyên môn đào tạo của các nhà phát triển |
Trải nghiệm kém mượt | Phải ký xác nhận trên ví khiến cho trải nghiệm game bị đứt quãng | Xác thực trực tiếp trong game nên không gây đứt quãng trải nghiệm | |
Gameplay | Kém phong phú hơn do chưa có nhiều nhà phát hành game chọn đi theo con đường blockchain | Phong phú do lịch sử phát triển lâu đời | |
Rủi ro biến động giá | Bởi vì có mô hình kinh tế và giao dịch tự do nên giá của vật phẩm và tiền tệ có thể biến động theo nhu cầu của người chơi | Có nhưng hạn chế do người chơi không có cơ chế theo dõi giá |
Các Xu hướng GameFi mới nổi
Tap-to-earn
Tap to Earn, hay một số người còn gọi là Play to Airdrop, là xu hướng GameFi xuất hiện kể từ khi Telegram ra mắt tính năng mini-app và TON blockchain.
Lối chơi của Tap to Earn rất đơn giản, người chơi chỉ tap (nhấn) vào màn hình để kiếm điểm thưởng. Điểm thường là tiêu chí để dự án airdrop token trong tương lai.
Tap to Earn trở thành xu hướng mới là nhờ vào lượng người dùng khổng lồ (lên đến gần 1 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng) của Telegram. Từ đó, những game Tap-to-Earn tiên phong như Notcoin, Hamster Kombat hay CatizenAI liên tục xác lập kỷ lục về lượng người chơi.
Fully onchain game

Fully onchain game là thuật ngữ chỉ những trò chơi được tích hợp hoàn toàn blockchain vào cơ chế hoạt động. Ví dụ như hành động của người chơi, kết quả sau mỗi trận chiến, vị trí nhân vật,... tất cả sẽ được lưu trữ trên blockchain và ai cũng có thể kiểm tra lại.
Cơ chế này giúp trò chơi trở nên minh bạch hoàn toàn, không một ai có thể kiểm soát diễn biến game ngay cả nhà phát hành. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến là Dark Forest, Nine Chronicles,...
Casino-style game
Đây là xu hướng tất yếu vì các Casino-style game Web2 tồn tại rất nhiều rủi ro gian lận và thiếu công bằng. Lo ngại này có thể được giải quyết bởi công nghệ blockchain và tính ngẫu nhiên từ cơ chế provably fair.
Một số ví dụ về Casino-style Web3 game bao gồm: Dexsport, PlusDotBet,... Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối, bạn phải cẩn trọng khi tham gia GameFi dạng này nhé.
Một số dự án GameFi nổi bật
Axie Infinity
Nếu nói tới những dự án GameFi nổi bật thì không thể nào không nhắc tới Axie Infinity. Đây là cái tên đưa cơ chế Play-to-Earn và GameFi đến với mọi người. Gần đây, Axie Infinity công bố những hình ảnh trong hành trình mới vào ngày 06/03/2025 và đang cho phép người dùng đăng ký sớm.
Đây sẽ là sự trở lại mạnh mẽ của “ông vua GameFi”, hứa hẹn những trải nghiệm hấp dẫn với thế giới metaverse đầy màu sắc.
The Sandbox

The Sandbox là một metaverse, nơi người chơi có thể tham gia mini game được tạo bởi chủ sở hữu đất ở trong thế giới ảo này. Khi hoàn thành các thử thách mini game, bạn có thể nhận được phần thưởng như token, vật phẩm rồi sau đó bán chúng trên sàn giao dịch để kiếm tiền.
Notcoin

Notcoin là GameFi tiên phong cho xu hướng Tap-to-Earn. Với việc dễ tiếp cận, Notcoin nhanh chóng thu hút được hơn 5 triệu người chơi ngay trong tuần đầu tiên ra mắt.
Hiện tại, Notcoin đang hoạt động như một portal để điều hướng người dùng đến những mini app khác trên Telegram. Theo số liệu từ chính Telegram, Notcoin đạt trung bình 1,2 triệu người chơi mỗi tháng.
Hướng dẫn trải nghiệm GameFi chi tiết
Bạn có thể chơi GameFi với 4 bước sau:
Bước 1: Tìm kiếm và chọn ví non-custodial phù hợp. Ví dụ, đối với những game tương thích EVM thì có thể chọn Metamask, hoặc sử dụng ví của chính nhà phát hành game (nếu có) để tương thích tốt nhất, giống như trường hợp Ronin Wallet với Axie Infinity.

Bước 2: Tạo ví và lưu trữ cụm từ bí mật (12 seed phrase) cẩn thận.

Bước 3: Liên kết ví với GameFi để tham gia chơi game kiếm tiền thông qua nút Connect Wallet trong game.

Bước 4: Kiểm tra trên trang chủ của GameFi mà bạn chọn được tích hợp với mạng blockchain nào, rồi nạp phí gas để có thể giao dịch.

Tương lai của GameFi
Với những ưu điểm như cơ chế Play-to-Earn, quyền sở hữu tài sản,... GameFi đã thay đổi cách tiếp cận của người chơi đối với ngành công nghiệp game. Theo dự phóng của Business Research Insights, GameFi có thể đạt vốn hóa 160 tỷ USD trước năm 2033, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 27,13%.
Ngoài ra, sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ blockchain cũng giúp GameFi cải tiến với nhiều tính năng mới được tích hợp. Tuy nhiên, để dự đoán chính xác tương lai là rất khó vì GameFi có nhiều hướng để build, ví dụ như xây dựng cơ chế Play-to-Earn bền vững, triển khai fully onchain với những tựa game AAA hoặc kết hợp với Metaverse,...
Tất cả những hướng đó đều có thể xảy ra và hiện tại, các nhà phát triển vẫn đang tích cực nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai.
FAQ
GameFi và Play-to-earn khác nhau gì?
GameFi là tên gọi chung của lĩnh vực, còn Play to Earn là thuật ngữ chỉ cơ chế chơi game để kiếm tiền trong GameFi.
GameFi có phải là Metaverse không?
Không. Mặc dù 2 khái niệm này đều có điểm chung là ứng dụng công nghệ blockchain, tuy nhiên, chúng có sự khác biệt như sau:
- GameFi: Được thiết kế như game truyền thống, sở hữu gameplay và cốt truyện để người dùng khám phá.
- Metaverse: Là không gian ảo, mô phỏng lại thế giới thực của chúng ta. Không gian này đề cao tính tương tác giữa những người tham gia và có khả năng mở rộng, sáng tạo không ngừng.
Game blockchain, Game NFT, GameFi có phải là một?
Mặc dù chúng đều được dùng để chỉ GameFi trong các cuộc trò chuyện thông thường, nhưng nếu xét kỹ hơn, mỗi thuật ngữ có thể nói tới các khía cạnh khác nhau như sau:
- Game blockchain: Chỉ các tựa game theo cơ chế fully onchain.
- Game NFT: Thường dùng để nói đến các tựa game tập trung vào NFT, ví dụ như game đấu thẻ bài.
- GameFi: Thường dùng để chỉ lĩnh vực game thế hệ Web3 nói chung. Tuy nhiên, cũng có một số người sử dụng thuật ngữ GameFi để chỉ các tựa game theo cơ chế Play-to-Earn.
Điểm khác biệt giữa DeFi và GameFi là gì?
DeFi tập trung vào các hoạt động tài chính như lending (cho vay), staking hoặc cung cấp thanh khoản. Còn GameFi thì tập trung vào giải trí có ứng dụng blockchain và mô hình kinh tế trong game.
GameFi có triển vọng trong tương lai không?
Dù đã qua thời điểm đỉnh cao 2021 nhưng GameFi vẫn đang tiếp tục phát triển. Điều này được thể hiện ở dữ liệu thống kê của Footprint Analytics, cho thấy hơn 5 triệu người chơi GameFi mỗi ngày.
Thêm vào đó, có nhiều dự án GameFi nhận được số tiền đầu tư rất lớn, gần đây nhất phải kể đến là Gunzilla Games huy động hơn 82 triệu USD, Azra Games huy động 57,7 triệu USD,...
Trên đây là bài tổng quan về GameFi và hướng dẫn cách để bạn có thể chơi game kiếm tiền với công nghệ Web3. Theo bạn, game với mô hình kinh tế có hấp dẫn hơn so với game truyền thống không? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn ở phần bình luận để thảo luận cùng với anh em trong cộng đồng Block24 nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!
Bình luận