Trong vòng hai tháng qua, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến một trong những đợt sụt giảm nhanh nhất trong lịch sử. Tổng vốn hóa của S&P 500 và thị trường Crypto đã bốc hơi hơn 5,5 nghìn tỷ USD, một con số khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn.

 

Điều đáng nói là sự thay đổi tâm lý thị trường diễn ra quá nhanh – từ trạng thái "hưng phấn tột độ" sang "hoảng sợ cực độ" chỉ trong vài tuần. Vậy điều gì thực sự đang xảy ra? Đây có phải là hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại, hay còn những nguyên nhân sâu xa hơn? Anh em hãy cùng Block24 đi tìm câu trả lời thông qua bài viết sau nhé!

Cú sốc bất ngờ đối với thị trường

Thị trường tài chính toàn cầu thực sự đã trải qua cú sốc, đa phần nhà đầu tư đều không kịp trở tay với những diễn biến bất ngờ. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhìn lại timeline những sự kiện quan trọng trong khoảng gần 1 năm qua.

  • Giữa năm 2024: Các dấu hiệu đầu tiên của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn bắt đầu xuất hiện. Thị trường vẫn ổn định vì nhà đầu tư tin rằng ảnh hưởng thực tế sẽ không quá nghiêm trọng.
  • Tháng 12/2024: Chính quyền Mỹ đẩy mạnh các đe dọa áp thuế, nhưng S&P 500 vẫn liên tục lập đỉnh. Nhà đầu tư dường như vẫn chưa lo ngại về các chính sách thương mại mới.
  • Ngày 1/2/2025: Chiến tranh thương mại chính thức nổ ra. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiếp tục tăng, chứng tỏ rằng đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cú sập sau đó.
  • Ngày 20/2/2025 - Hiện tại: Chỉ số S&P 500 đã mất 4,5 nghìn tỷ USD vốn hóa, trung bình giảm 350 tỷ USD mỗi ngày trong suốt 13 ngày liên tiếp. Nasdaq cũng lao dốc, hiện chỉ cách vùng bear market khoảng 8%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2022.
Thị trường tài chính toàn cầu ngập trong sắc đỏ
Thị trường tài chính toàn cầu ngập trong sắc đỏ

Điểm đáng chú ý là các dấu hiệu suy giảm không xuất hiện ngay khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Nếu thuế quan thực sự là nguyên nhân chính, thì đúng ra thị trường đã phản ứng sớm hơn. Thay vào đó, các chỉ số chứng khoán vẫn đạt đỉnh vào đầu tháng 2 (trước khi lao dốc vào cuối tháng). Điều này cho thấy một yếu tố khác đã khiến tâm lý thị trường thay đổi một cách đột ngột.

 

Không chỉ thị trường chứng khoán, Crypto cũng chứng kiến một trong những đợt bán tháo mạnh nhất lịch sử. Tổng vốn hóa thị trường crypto giảm hơn 1 nghìn tỷ USD chỉ trong vài tuần, ngay cả khi những tin tức tích cực liên tiếp xuất hiện.

 

Đặc biệt, Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất hiện nay cũng không thể giữ được các mốc giá quan trọng. US Bitcoin Reserve (quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược của Mỹ) đáng lẽ phải trở thành một trong những chính sách lớn nhất thúc đẩy thị trường, lại trở thành sự kiện "Sell the News" khi giá giảm mạnh ngay sau thông báo.

 

Điều này khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi: Nếu chiến tranh thương mại không phải nguyên nhân chính, vậy điều gì mới thực sự khiến thị trường sụp đổ?

 

Nếu nhìn vào dữ liệu của các quỹ đầu tư, có thể thấy rằng các tổ chức lớn đã bắt đầu rút vốn khỏi thị trường từ trước khi cú sập diễn ra:

  • Hedge funds (các quỹ phòng hộ) giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu công nghệ xuống mức thấp nhất trong 22 tháng, ngay trước khi Nasdaq giảm mạnh.
  • Warren Buffett liên tục bán ra cổ phiếu Apple từ giữa năm 2024, nâng tổng lượng tiền mặt nắm giữ của Berkshire Hathaway lên mức kỷ lục.
  • Ngày 9/2/2025, các quỹ đầu tư mở vị thế short Ethereum lớn nhất trong lịch sử, ngay trong thời điểm thị trường vẫn đang kỳ vọng vào sự bùng nổ của thị trường Crypto với một altcoin season.
Đã không có altcoin season nào xảy ra
Đã không có altcoin season nào xảy ra

Khi xâu chuỗi những sự kiện trên lại với nhau, có thể thấy rằng sự sụt giảm của thị trường không hoàn toàn là cú sốc bất ngờ, mà là kết quả của một sự dịch chuyển dòng tiền đã được chuẩn bị trước. Khi tâm lý thị trường thay đổi từ lạc quan sang hoảng loạn, áp lực bán càng lớn do cuộc tháo chạy hàng loạt của cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân.

Nguyên nhân thực sự đến từ sự đảo ngược khẩu vị rủi ro

Rõ ràng, đã có sự thay đổi đột ngột trong khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà tạo lập thị trường. Vậy điều gì đã kích hoạt sự đảo ngược này?

 

Chỉ vài tháng trước, thị trường vẫn đang trong trạng thái lạc quan cực độ:

  • Tháng 12/2024, chỉ số Fear & Greed trên thị trường Crypto đạt mức 92+, phản ánh tâm lý cực kỳ hưng phấn. Lúc này, mọi người đang rất kỳ vọng vào US Bitcoin Reserve và những chính sách mới của chính quyền Trump.
  • Hơn nữa, các dự báo vĩ mô thậm chí còn đánh giá rằng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ là 0%, khiến nhà đầu tư càng yên tâm đổ vốn vào các tài sản rủi ro. Sự hưng phấn này dẫn đến việc phân bổ vốn quá mức vào các tài sản đầu cơ, chính điều này đã tạo tiền đề cho một cú đảo chiều mạnh.
  • Đầu năm 2025, khi các dấu hiệu bất ổn xuất hiện, tâm lý thị trường nhanh chóng chuyển từ lạc quan sang bi quan. Chỉ số Fear & Greed của Crypto lúc đó chỉ còn 17, mức thấp nhất kể từ bear market năm 2022.
Fear & Greed của Crypto từng rơi về 17 vào đầu năm 2025
Fear & Greed của Crypto từng rơi về 17 vào đầu năm 2025

Điều đáng nói là có vẻ như các quỹ đầu tư lớn đã nhận thấy dấu hiệu bất ổn và chủ động cắt giảm rủi ro trước khi tâm lý thị trường đảo chiều. Đến khi cuộc khủng hoảng thực sự diễn ra, họ càng bán tháo mạnh hơn, kích hoạt panic sell trên thị trường.

 

Sự đảo ngược khẩu vị rủi ro gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ hệ thống tài chính:

  • Các quỹ cổ phiếu nhỏ (small-cap) bị rút ròng 3,5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2024.
  • Quỹ cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid-cap) mất 2,1 tỷ USD.
  • Quỹ cổ phiếu nhóm công nghệ mất 1,9 tỷ USD.

Như vậy, một lần nữa chúng ta thấy rằng tâm lý đầu tư luôn là tác nhân chính đằng sau biến động giá. Khi thị trường chuyển từ một cực này sang cực khác quá nhanh, hậu quả là những đợt bán tháo theo hiệu ứng domino.

Điều gì sẽ đến tiếp theo và nhà đầu tư cần làm gì?

Tâm lý thị trường hiện vẫn còn bất ổn và có thể thay đổi nhanh chóng bất cứ khi nào, do đó, nhiều khả năng biến động giá sẽ còn tiếp tục xảy ra.

 

Chỉ số VIX (Volatility Index - chỉ số đo lường biến động thị trường) đã tăng 70% trong một tháng, phản ánh cho việc các nhà đầu tư đang rất lo lắng và bất ổn.

VIX tăng đến 70% trong vòng 1 tháng
VIX tăng đến 70% trong vòng 1 tháng

Chỉ số Dow Jones những ngày qua thường biến động trên 1000+ điểm. Trong bối cảnh thị trường như hiện tại, điều này có thể sẽ thường xuyên xảy ra.

 

Nếu có một bài học nào cần rút ra từ đợt sụt giảm vừa qua, thì đó chính là: Cần đón đầu sự thay đổi trong tâm lý thị trường:

  • Chúng ta có thể theo dõi liên tục để phát hiện sớm sự thay đổi khẩu vị rủi ro, trước khi số đông còn lại của thị trường kịp nhận ra.
  • Theo dõi dòng tiền của các quỹ đầu tư tổ chức có thể giúp phát hiện tín hiệu quan trọng về tâm lý thị trường trong tương lai.
  • Thay vì chạy theo các tin tức hot nhất thời, cần phân tích dữ liệu về dòng vốn và tâm lý thị trường để có lợi thế trong dài hạn.

 

Liệu sau “cơn mưa trời lại sáng”, cú sốc vừa qua có mở đường cho một chu kỳ tăng giá mới, hay đó chỉ là màn khởi động của một giai đoạn điều chỉnh lớn hơn? Chỉ thời gian mới có thể trả lời. Ý kiến của anh em như thế nào? Hãy comment xuống phía dưới để trao đổi cùng cộng đồng Block24 nhé!