Hiện nay, Layer 2 là hướng đi khả quan nhất để giải quyết vấn đề mở rộng của Ethereum và Optimism là dự án hàng đầu được Vitalik Buterin (Co-founder Ethereum) ủng hộ.
Vậy Optimism là gì? Quá trình phát triển và giải pháp của dự án này ra sao? Hãy cùng Block24 tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Optimism là gì?
Optimism là nền tảng blockchain Layer 2 (L2) được xây dựng để giải quyết những vấn đề về khả năng mở rộng của Ethereum.

Từ lâu, phí gas cao, nghẽn mạng, tốc độ xử lý chậm đã là bài toán hóc búa đối với Ethereum, cản trở quá trình phổ cập công nghệ blockchain đến tất cả mọi người.
Vì vậy, một giải pháp L2 như Optimism được ra đời là rất cần thiết để giúp giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ xử lý nhưng vẫn giữ được tính bảo mật cao của Ethereum.
Cơ chế hoạt động của Optimism layer 2
Tổng quan về Optimistic Rollups
Cụ thể hơn, giải pháp mà Optimism mang lại được gọi là Optimistic Rollups. Đây là sự kết hợp giữa Rollups (cuộn tổng hợp) và Optimistic (lạc quan) để xử lý các giao dịch. Cách hoạt động như sau:
- Optimism sẽ đưa các giao dịch ra ngoài một chain khác, được gọi là rollup chain (hoặc Layer 2) để xử lý. Điều này giúp tăng tốc độ xử lý và giảm phí gas do không phải phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của Ethereum.
- Sau đó, dữ liệu của các giao dịch đã xử lý xong sẽ được nén lại trong một bảng tổng hợp và gửi trở về Ethereum dưới dạng calldata để lưu trữ. Nhờ vậy, những giao dịch này vẫn nhận được tính bảo mật cao của Ethereum.
- Trong lúc bản tổng hợp được gửi về L1 (Ethereum), Optimism giả định lạc quan rằng tất cả giao dịch đều hợp lệ và không cần kiểm tra lại toàn bộ logic toán học của dữ liệu ở trên Ethereum. Optimistic ở đây sẽ giúp giảm tải dữ liệu cần xử lý nhằm tăng tốc độ giao dịch và tiết kiệm chi phí.
- Tuy nhiên, để đề phòng các sequencer (người tổng hợp giao dịch) không trung thực, Optimism cần có cơ chế phát hiện gian lận và biện pháp mà nền tảng L2 này sử dụng đó là Fault Proofs.
Fault Proofs
Đây là cơ chế phát hiện và xử lý gian lận được chính Optimism phát triển để bảo vệ an toàn cho nền tảng L2 của họ. Cách hoạt động của cơ chế này như sau:
- Khi sequencer gửi bản rollups chứa dữ liệu giao dịch đã được xử lý về L1 để dự trữ thì phải trải qua một giai đoạn được gọi là Challenge Period (giai đoạn thách thức). Giai đoạn này thường kéo dài trong 7 ngày.
- Trong giai đoạn đó, bất kỳ validator (người xác thực) nào cũng có thể kiểm tra trạng thái (state root) của bản rollups được gửi lên để so với logic toán học của dữ liệu trên Ethereum.
- Nếu các validator này phát hiện sai sót, họ sẽ tạo ra một thách thức kèm với fault proofs (bằng chứng gian lận) để chứng minh bản rollups đó không trung thực.
- Lúc này, smart contract trên Ethereum được thực thi để kiểm tra logic toán học dựa trên fault proofs. Nếu phát hiện gian lận, bản rollups sẽ bị hủy bỏ (giao dịch không hợp lệ) và sequencer gửi dữ liệu sai sẽ bị phạt.
- Nếu như trong 7 ngày Challenge Period mà không có validator nào thách thức thì dữ liệu được xem là hợp lệ và ghi nhận trên blockchain của Ethereum.
Fault Proof đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách hoạt động của Optimism và đây là cơ chế không thể thiếu ở trong tầm nhìn Superchain (sẽ trình bày ở phía dưới).
Ưu & nhược điểm OP là gì?
Optimism (OP) có một số ưu điểm bao gồm:
- Tốc độ giao dịch nhanh, các lệnh được hoàn thành gần như ngay lập tức trong điều kiện thị trường bình thường.
- Phí gas rẻ, chỉ dưới 0,01$ trong điều kiện thị trường bình thường.
- Thừa hưởng tính bảo mật của Ethereum.
- Tương thích hoàn toàn với EVM, giúp các dự án hệ sinh thái Ethereum có thể dễ dàng triển khai trên rollup chain của Optimism mà không cần phải lập trình lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì giải pháp này cũng có một số nhược điểm, ví dụ như:
- Thời gian rút tiền về L1 phải mất đến 7 ngày do Challenge Period nhưng người dùng thường chọn dịch vụ bridge bên thứ 3 để không phải chờ đợi khoảng thời gian này. Tuy nhiên, users sẽ phải phụ thuộc vào tính bảo mật của bridge chứ không phải Fault Proofs của Optimism.
- Hiện tại chưa có các giải pháp sequencer phi tập trung. Vì vậy, sẽ có rủi ro giao dịch bị kiểm duyệt, thiếu minh bạch do các sequencer tập trung gây ra.
Khởi nguồn 2020 - 2022
Ra mắt testnet & mainnet
Ban đầu, Optimism được lên ý tưởng bởi Plasma Group, một nhóm nghiên cứu các giải pháp cải thiện khả năng mở rộng của Ethereum, được thành lập vào năm 2019.
Cho đến đầu năm 2020, sau khi nghiên cứu kết hợp với ý tưởng của Vitalik Buterin, nhóm quyết định phát triển giải pháp được gọi là Optimistic Rollups và đổi tên thành Optimism Public Benefit Corporation (Optimism PBC).

Tháng 09/2020, sau khoảng thời gian thử nghiệm nội bộ Optimistic Virtual Machine (OVM), nhóm đã triển khai bản testnet công khai đầu tiên nhưng hạn chế đối tượng tham gia. Synthetix là một trong số ít các dự án được trải nghiệm OVM giai đoạn testnet này.
Đến ngày 15/01/2021, tức 1 năm sau khi ý tưởng Optimism được xây dựng thì dự án đã cho ra mắt bản mainnet ở chế độ soft launch dành cho một số đối tác nhất định và bản mainnet công khai dự kiến vào tháng 3 cùng năm.
Tuy nhiên phải cho đến ngày 16/12/2021, sau khi trải qua nhiều bản cập nhật cần thiết để tối ưu nền tảng thì bản public mainnet của Optimism mới được ra mắt chính thức. Giai đoạn này cũng đánh dấu cho sự khởi đầu của giải pháp Layer 2 Rollups trong việc nâng cao khả năng mở rộng của Ethereum.
Một năm sau đó (2022), Optimism PBC đã đề xuất và thực hiện rất nhiều sáng kiến quan trọng để nâng cấp giải pháp L2 của họ, ví dụ như: phiên bản đầu tiên của Fault Proofs tên là Cannon (tháng 03/2022), giới thiệu Optimism Collective, OP Labs PBC, Optimism Foundation (tháng 04/2022), ra mắt OP token (cuối tháng 05/2022) và airdrop cho người dùng, giới thiệu bản nâng cấp Bedrock (tháng 05/2022), giới thiệu OP Stack (10/2022) để mở đường cho sáng kiến Superchain,...
OP coin là gì?
OP là native token được tạo ra như một phương tiện giúp đội ngũ của Optimism điều tiết các hoạt động trên nền tảng L2 của họ. Token metrics của OP như sau:
- Tên: Optimism
- Ticker: OP
- Blockchain: OP Mainnet
- Contract: 0x4200000000000000000000000000000000000042
- Max supply: 4.294.967.296 OP
- Total supply: 4.294.967.296 OP
- Circulating supply: 1.620.702.846 OP (20/03/2025)
- Giá: 0.90$ (20/03/2025)
- Market cap: 1.464.808.564$ (20/03/2025)
- TGE: 22/05/2022
OP Token Allocation

Tổng 4.294.967.296 OP token được phân bổ như sau:
- Ecosystem Fund (25%): 1.073.741.824 OP
- RetroPGF (20%): 858.993.459 OP
- User airdrops (19%): 816.043.786 OP
- Core contributors (19%): 816.043.786 OP
- Sugar xaddies (17%): 730.144.441 OP
OP Token Release Schedule
Bởi vì phần lớn token được dùng để khuyến khích người dùng và dự án tham gia vào hệ sinh thái Superchain nên OP không có lịch trình mở khóa token cụ thể. Optimism chỉ đưa ra mức token lưu hành dự kiến trong các giai đoạn sau:
- Năm thứ 3 (05/2024 - 04/2025): 1.695.895.615 OP token lưu hành ngoài thị trường (chiếm khoảng 39,5% tổng cung)
- Năm thứ 4 (05/2025 - 04/2026): 2.458.161.470 OP token (chiếm 57,2% tổng cung)
- Năm thứ 5 (05/2026 - 04/2027): 2.827.999.809 OP token (chiếm 65,8%)
OP Token use case
Vai trò của OP token trong hệ sinh thái Optimism bao gồm:
- Tài trợ cho các dự án tham gia đóng góp giá trị vào sự phát triển chung của Optimism và Superchain.
- Airdrop để thu hút người dùng.
- Vai trò quản trị trong Optimism Collective.
Airdrop OP token lần 1
Ngày 26/04/2022, Optimism thực hiện chương trình airdrop đầu tiên để tri ân những người tham gia sớm trên giải pháp L2 của họ (trước ngày 23/06/2021) và người dùng tích cực trên Ethereum.
Trung bình, mỗi người dùng nhận được 776 OP (khoảng 1000$ ở thời điểm claim thưởng). Đối tượng nhận được ít nhất là DAO Voter của các dApp trên Ethereum với mức thưởng là 271 OP. Tổng cộng, có đến 248.699 người dùng đủ điều kiện để nhận airdrop OP token lần 1 này.
Sự kiện Airdrop 1 này của Optimism đã gây được sự chú ý lớn trên cộng đồng, kéo được rất nhiều người dùng mới tham gia nền tảng này.
OP Stack là gì?
Ngày 18/10/2022, Optimism giới thiệu OP Stack. Đây là bộ công cụ SDK (Software Development Kit) mã nguồn mở được Optimism phát triển để cho phép các dApp có thể nhanh chóng, dễ dàng triển khai blockchain L2 của họ mà không cần phải xây dựng lại từ đầu.
Đặc biệt hơn, bộ công cụ này được Optimism thiết kế theo mô hình modular blockchain, cho phép các nhà phát triển tùy chỉnh L2 của họ theo nhu cầu sản phẩm đang được xây dựng. Những thành phần trong OP Stack bao gồm:
- Data Availability (DA): Có thể tùy chọn lớp dữ liệu có sẵn từ Ethereum hoặc các dịch vụ DA khác như Celestia, Avail.
- Sequencing: Mặc định hiện nay là Single Sequencer của OP Stack. Sau này sẽ phát triển và tích hợp thêm các dịch vụ Sequencer phi tập trung.
- Consensus Layer (Lớp đồng thuận): Có thể tùy chọn giữa Rollup và Plasma.
- Execution Layer (Lớp thực thi): Mặc định là phiên bản EVM (Ethereum Virtual Machine) được chỉnh sửa cho nhẹ hơn. Sau này sẽ tích hợp thêm các VM khác.
- Settlement Layer (Lớp xác thực): Mặc định sử dụng Fault Proof. Sau này sẽ có thể tùy chọn những công nghệ xác thực khác, ví dụ như Zero-Knowledge Proof (ZKP).
- Governance: Lớp quản trị cho phép các nhà phát triển thực hiện hoạt động bỏ phiếu đề xuất cải tiến L2 mà họ xây dựng.
OP Stack là tiền đề quan trọng để Optimism có thể thực hiện tầm nhìn về hệ sinh thái Superchain rộng lớn.
Tăng trưởng 2023
Các đợt Airdrop
Airdrop lần 2 & 3
Bước sang năm 2023, Optimism tiếp tục triển khai Airdrop 2 (tháng 02/2023) và Airdrop 3 (tháng 09/2023) với giá trị lớn để khuyến khích người dùng tham gia vào hệ sinh thái này. Cụ thể:
- Airdrop 2: Phân phối 11.742.277 OP đến 307.965 địa chỉ ví đủ điều kiện. Tổng giá trị airdrop khoảng 28 triệu USD (~2,4$/OP).
- Airdrop 3: Phân phối 19.411.313 OP đến 31.870 địa chỉ ví đủ điều kiện. Tổng giá trị airdrop khoảng 26 triệu USD (~1,35$/OP).
Mục đích của 2 đợt airdrop này là thưởng cho những OP holder tham gia tích cực vào bỏ phiếu quản trị trong Optimism Collective.
Khái niệm RetroPGF
RetroPGF (viết tắt của Retroactive Public Goods Funding) là quỹ được quản lý bởi cộng đồng Optimism để thực hiện các vòng tài trợ cho những dự án, cá nhân hoặc tổ chức tạo ra giá trị tích cực (public goods).

Thay vì dự án phải kêu gọi vốn trước thì với RetroPGF, họ cố gắng tạo ra giá trị cho hệ sinh thái rồi sau đó sẽ được nhận tài trợ.
Nâng cấp BedRock
Vào ngày 06/06/2023, tức khoảng 1,5 năm sau lần đầu tiên được giới thiệu, bản nâng cấp Bedrock chính thức có hiệu lực và được triển khai trên OP Mainnet. Những lợi ích mà bản nâng cấp này mang lại bao gồm:
- Giảm phí gas, tăng tốc độ xử lý giao dịch.
- Ra mắt chính thức OP Stack, OP Chain và đổi tên L2 Optimism thành OP Mainnet.
- Rút gọn mã nguồn để OP Mainnet hoạt động ổn định và hạn chế lỗi có thể gặp phải.
- Điều chỉnh mã nguồn sao cho tương đồng nhất với Ethereum. Điều này giúp OP Mainnet và OP Stack tương thích với L1 Ethereum hơn.
- Mô-đun hóa cấu trúc của OP Mainnet và OP Stack để hướng tới Modular Blockchain.
Đây là bản nâng cấp quan trọng để mở đường cho sự ra đời của tầm nhìn Superchain Optimism.
Superchain là gì?
Superchain là hệ sinh thái rộng lớn bao gồm các blockchain L2 được xây dựng dựa trên bộ công cụ OP Stack của Optimism. Mỗi L2 nằm trong Superchain sẽ được gọi là OP Chain và OP Mainnet (L2 Optimism cũ) chính là OP Chain đầu tiên.

Mục tiêu của Superchain là tạo ra một sân chơi chung, nơi mỗi L2 hoạt động như một vệ tinh xung quanh L1 là Ethereum để tận dụng tính bảo mật cao. Ngoài ra, các thành viên sẽ chia sẻ với nhau mã nguồn, cơ sở hạ tầng, công nghệ và tương tác qua lại dễ dàng thông qua Native Interoperability.
OP Mainnet là gì?
OP Mainnet trước đây chính là Optimism, sau bản nâng cấp Bedrock, L2 này đã được đổi tên và cải tiến thêm với cơ chế Modular Blockchain, tăng tốc độ giao dịch, phí gas rẻ và tương thích hơn với Ethereum.
Với việc là OP Chain đầu tiên và được phát triển bởi chính Optimism, L2 này sẽ đóng vai trò như một người “anh cả” dẫn dắt và truyền tải những giá trị mà đội ngũ của dự án muốn xây dựng trên Superchain.
Sự ra đời của Base L2
Có chung tầm nhìn và nhận thấy được tiềm năng, Coinbase - sàn giao dịch Crypto lớn nhất Hoa Kỳ đã thông báo ra mắt testnet L2 Base ngay trong ngày Optimism công bố ý tưởng Superchain 23/02/2023. Có thể nói, Base là OP Chain thứ 2 của Superchain, sau OP Mainnet.

Tính cho đến thời điểm viết bài (21/03/2025), Base là thành viên L2 lớn nhất hệ sinh thái Superchain với DeFi TVL gần 2,7 tỷ USD, gấp 5 lần so với OP Mainnet.
Tầm nhìn Superchain 2024
Các nâng cấp quan trọng
Sau khi Superchain ra đời, trong năm 2024, Optimism đã triển khai nhiều bản nâng cấp quan trọng để nâng cao hiệu suất hệ sinh thái. Một số bản nâng cấp nổi bật bao gồm:
- Nâng cấp Canyon: Mainnet vào 11/01/2024, đồng bộ hóa với bản nâng cấp Shanghai và Capella của Ethereum. Ngoài ra, Canyon còn cải thiện hiệu suất của OP Mainnet và đặt nền tảng cho các bản nâng cấp tiếp theo.
- Nâng cấp Fjiord: Mainnet vào 10/07/2024, tập trung vào giảm phí gas và cải thiện trải nghiệm của người dùng.
- Nâng cấp Granite: Mainnet vào 11/09/2024, khắc phục một số lỗi kiểm toán và cải thiện cơ chế Fault Proofs.
Airdrop lần 4
Vào ngày 20/02/2024, Optimism thực hiện Airdrop 4 để tiếp tục tri ân cho 22.998 ví đủ điều kiện. Cụ thể:
- Tổng token airdrop: 10.343.757 OP, trị giá khoảng 39 triệu USD (~3,7$/OP).
- Tiêu chí: Những người sáng tạo và giao dịch NFT trên các L2 trong Superchain (OP Mainnet, Base, Zora) và L1 Ethereum.
- Tổng token đã airdrop tính luôn cả lần 4 là 255,9 triệu OP.
Airdrop lần 5
Gần đây nhất, Optimism cũng đã thực hiện lần Airdrop 5 vào ngày 15/09/2024 để khuyến khích người dùng tương tác với Superchain.
Tiêu chí airdrop lần này chủ yếu thưởng cho những người tương tác ít nhất 20 smart contract khác nhau ở bất kỳ OP Chain nào trong số: OP Mainnet, Base, Zora, Mode, Metal, Fraxtal, Cyber, Mint, Swan, Redstone, Lisk, Derive, BOB, Xterio, Polynomial, Race, Orderly.
Lần airdrop 5 này của Optimism có tới 10.368.678 OP được thưởng cho 54.723 ví đủ điều kiện. Nâng tổng số token đã airdrop cho người dùng lên 266.614.389 OP.
Định nghĩa cơ chế Optimism Collective
Optimism Collective có thể hiểu đơn giản là một tổ chức tự tri phi tập trung (DAO) quản lý, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển của Optimism thông qua các hoạt động như RetroPGF, tài trợ cho các dự án. Khác với nhiều DAO hiện nay, Optimism Collective được chia thành 2 nhánh hoạt động song song, bao gồm:
- Token House: Quyền biểu quyết ở nhánh này sẽ được quyết định bởi số lượng token OP mà người dùng nắm giữ. Token House cho phép bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào việc bỏ phiếu quản trị.
- Citizen’s House: Nhánh quản trị này sẽ lựa chọn các thành viên (citizen) có danh tiếng lớn hoặc đóng góp giá trị tích cực cho lợi ích chung mà không cần xét đến số lượng OP họ sở hữu.
Hai nhánh này bổ trợ và kiểm soát lẫn nhau để có thể phân phối nguồn lực một cách hiệu quả và công bằng nhất.
Cơ hội đầu tư 2025
So sánh Optimism và những L2 Ethereum khác
Tiêu chí | Optimism | Arbitrum | ZKsync Era | Polygon |
Công nghệ L2 | Optimistic Rollups | Optimistic Rollups | Zero-Knowledge Rollups | Sidechain |
Chi phí giao dịch | Thấp | Thấp | Rất thấp | Cực thấp |
Tương thích EVM | Tương thích hoàn toàn | Tương thích hoàn toàn | Tính tương thích thấp nhất trong bảng so sánh | Tương thích gần hoàn toàn |
Tính bảo mật | Thừa kế từ Ethereum | Thừa kế từ Ethereum | Thừa kế từ Ethereum | Phụ thuộc validator riêng |
DeFi TVL (31/03/2025) | 440 triệu USD | 2,397 tỷ USD | 77,44 triệu USD | 743 triệu USD |
Hệ sinh thái | Superchain | Orbit | Elastic Chain | AggLayer |
Tổng quan hệ sinh thái Superchain 2025
Tính đến ngày 18/03/2025, Superchain đã có tới 30 thành viên. Trong đó, nổi bật nhất là Base hậu thuẫn bởi Coinbase, Soneium phát triển bởi tập đoàn Sony, Ink xây dựng bởi sàn Kraken, Unichain L2 của DEX hàng đầu Uniswap, World Chain đứng sau bởi OpenAI - cha đẻ ChatGPT. Số liệu được cập nhật thường xuyên bởi Superchain Eco.
Hiện Optimism đang tích cực xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho Superchain như Stage 2 của Fault Proofs, Native Interoperability, tiếp tục nâng cao quy trình phân phối token trong Optimism Collective. Những cải tiến này sẽ cải thiện sức mạnh Superchain và thu hút thêm nhiều dự án tham gia vào trong hệ sinh thái.
Thông số hoạt động tính tới 2025
Tính tới tháng 03/2025, trung bình mỗi ngày các L2 trên Superchain xử lý hơn 10 triệu giao dịch, tổng số doanh thu là 16.300 ETH ~ 32,6 triệu USD và chiếm tới 45,7% thị phần Layer 2, theo Superchain Eco.
Cần phải nói thêm, con số doanh thu nhìn có vẻ không mấy ấn tượng này một phần là do công nghệ của Optimism làm giảm tối đa chi phí giao dịch. Điều này mang tới giá trị cho người dùng và thúc đẩy sự phát triển chung của Superchain.

Còn về hoạt động của Optimism Collective, tổ chức này đã thực hiện 5 lần Airdrop cho người dùng với tổng là 266.614.389 OP. Số OP còn lại để thực hiện User Airdrop là khoảng 549 triệu token. Ngoài ra, số OP để thực hiện các hoạt động phát triển chung cho Superchain còn lại trong quỹ bao gồm:
- Governance Fund: 134,26 triệu OP dùng để chi cho các hoạt động quản trị.
- Retro Fund: Còn lại 798,59 triệu OP dùng để khuyến khích các dự án tạo ra giá trị trong hệ sinh thái Superchain.
- Partner & Seed Fund: 249,58 triệu OP để thực hiện các vòng đầu tư vào những dự án tiềm năng và hợp tác với nền tảng khác.
Quan điểm cá nhân
Theo quan điểm cá nhân, mặc dù hiệu suất hoạt động mạng lưới hiện tại đang khá kém do điều kiện thị trường Crypto nhưng Optimism nói riêng và Layer 2 nói chung vẫn là giải pháp rất tiềm năng để thúc đẩy khả năng mở rộng Ethereum.
Trên thực tế, nhờ vào các giải pháp L2 này mà giờ đây chúng ta không còn lo ngại về phí gas giống như 3 năm trước nữa. Cùng với đó, hàng triệu giao dịch mỗi tháng từ các giao thức DeFi trên Superchain là minh chứng tốt nhất cho hiệu quả của liên minh L2 này.
Hiện tại, Superchain cũng chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và Optimism vẫn đang xây dựng thêm nhiều công nghệ nền tảng mới. Do đó, nếu bạn là một fan của Ethereum thì không thể bỏ qua tầm nhìn Optimism này được.
FAQ
Optimism và Ethereum khác nhau như thế nào?
Về bản chất, 2 blockchain này không khác nhau do cấu trúc hoạt động đều bao gồm block và chain. Điểm khác biệt là Ethereum có thể hoạt động độc lập còn Optimism (đúng hơn là OP Mainnet ở thời điểm hiện tại) phải phụ thuộc vào các Layer 1 như Ethereum làm cơ sở dữ liệu.
Để dễ hiểu hơn, bạn có thể hình dung Ethereum là công ty tổng (Layer 1) còn Optimism là nhánh con (Layer 2) được xây dựng để chuyên xử lý giao dịch.
OP Token có khác gì so với các token Layer 2 khác?
OP giống với hầu hết token của các Ethereum L2 khác hiện nay vì đều cùng chung tiêu chuẩn ERC-20. Điểm khác biệt giữa chúng chủ yếu là tokenomics mà các dự án áp dụng, ví dụ như tổng cung, tiện ích của token, có được sử dụng để làm phí gas hay không,...
Tại sao nhà đầu tư nên quan tâm đến Optimism?
Ethereum đang là hệ sinh thái lớn nhất ở trên thị trường Crypto nhưng mạng lưới L1 này gặp rất nhiều rào cản kỹ thuật khiến cho việc tiếp cận của người dùng trở nên khó khăn.
May thay, giải pháp của Optimism gần như giải quyết triệt để những vấn đề đó và mở ra một con đường tươi sáng hơn để phổ cập công nghệ blockchain đến mọi người. Vì vậy, Optimism sẽ đóng vai một "tay chơi lớn" trong chặng đường phát triển tiếp theo của blockchain và là một dự án mà các nhà đầu tư nên quan tâm tới.
Làm thế nào để tham gia airdrop của Optimism?
Các điều kiện để trúng airdrop của Optimism là không cố định qua mỗi vòng và phụ thuộc vào sự đóng góp của người dùng. Do đó, bạn hãy tham khảo điều kiện của những đợt airdrop trước và theo dõi mục tiêu mà Optimism Collective đang hướng tới.
Ví dụ, hiện tại tháng 3/2025, Optimism đang đẩy mạnh Superchain và vừa cho ra mắt chính thức Fault Proofs. Từ đó, chúng ta cân nhắc trải nghiệm tích cực OP Chain đã được tích hợp vào Superchain và rút tiền trực tiếp từ OP Mainnet về Ethereum. Rất có thể đây sẽ là tiêu chí mà Optimism sử dụng để airdrop đợt 6.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mua, hold OP token ở ví non-custody rồi sau đó vào vote cho các đề xuất cải tiến của Optimism Collective để tăng thêm tỷ lệ trúng airdrop nhé.
Trên đây là bài tổng quan về Optimism - giải pháp L2 hàng đầu với cơ chế Optimistic Rollups và hệ sinh thái Superchain. Optimistic sẽ là dự án đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ blockchain, hướng tới Mass adoption. Bạn đánh giá ra sao về Optimism? Hãy để lại ý kiến để thảo luận cùng với anh em trong cộng đồng Block24 nhé!
Bình luận