Đạt hơn 2.23 tỷ USD vốn hoá thị trường, Bittensor là một trong những dự án AI hàng đầu trong thị trường crypto. Không những thế, vào đầu năm 2023 khi bàn luận về vấn đề của AI trong thị trường tài chính, Vitalik Buterin đã đề cập đến Bittensor như một giải pháp.
Vậy dự án Bittensor là gì? Liệu có nên đầu tư đồng TAO trong năm 2025? Hãy cùng Block24 tìm hiểu trong bài viết sau!
Bittensor (TAO) là gì?
Bittensor (TAO) là một mạng lưới máy học (machine learning) phi tập trung, mã nguồn mở, cho phép người dùng cung cấp và giao dịch các tài sản số như sức mạnh tính toán, lưu trữ dữ liệu, AI và nhiều lĩnh vực khác.
Không giống như các hệ thống AI truyền thống như ChatGPT của OpenAI hay Gemini của Google đều bị kiểm soát bởi các tập đoàn công nghệ lớn, bất kỳ ai cũng đều có thể tham gia vào Bittensor để đóng góp tài nguyên tính toán, dữ liệu và mô hình AI để nhận phần thưởng bằng token TAO.
Hãy tưởng tượng Bittensor như một "chợ trời" dành cho AI: thay vì chỉ một vài công ty lớn kiểm soát tất cả, bất kỳ ai có tài nguyên đều có thể mang "hàng hóa" của mình (các mô hình AI, sức mạnh tính toán) đến để trao đổi và nhận phần thưởng.
Công nghệ cốt lõi của Bittensor bao gồm một blockchain Layer 1 hoạt động giống như mô hình subnet của Avalanche, mỗi subnet là các mạng lưới AI nhỏ hoạt động độc lập. Với cơ chế phi tập trung, Bittensor xây dựng một thị trường AI mở, nơi mà các nhà phát triển, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể mua, bán và sử dụng các mô hình AI trên blockchain một cách minh bạch và bình đẳng.

Bittensor giải quyết vấn đề gì?
Bittensor ra đời nhằm khắc phục những hạn chế của AI tập trung, tạo ra một hệ sinh thái AI phi tập trung, minh bạch và có động lực kinh tế rõ ràng. Dưới đây là những vấn đề cốt lõi mà Bittensor hướng đến giải quyết:

Giảm sự kiểm soát của các tổ chức lớn
Theo Bittensor, hiện nay các mô hình AI tiên tiến nhất như ChatGPT của OpenAI hay Gemini của Google đều bị kiểm soát bởi các tập đoàn công nghệ lớn. Điều này tạo ra một môi trường độc quyền, nơi dữ liệu, thuật toán và kết quả đầu ra của AI không thể tiếp cận công khai. Bittensor mang đến một giải pháp mở, cho phép bất kỳ ai cũng có thể đóng góp và hưởng lợi từ hệ sinh thái AI, thay vì phụ thuộc vào các tổ chức trung gian.
Giảm chi phí phát triển AI
Việc đào tạo các mô hình AI yêu cầu lượng lớn tài nguyên tính toán, bao gồm GPU mạnh mẽ và bộ nhớ dung lượng cao. Điều này khiến các nhà phát triển nhỏ lẻ hoặc startup khó tiếp cận công nghệ AI tiên tiến. Bittensor tận dụng mạng lưới phi tập trung để chia sẻ tài nguyên, giúp giảm tải chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận AI.
Tạo động lực kinh tế cho cộng đồng AI
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành AI là thiếu cơ chế khuyến khích các nhà phát triển chia sẻ mô hình và dữ liệu của họ. Bittensor sử dụng token TAO để thưởng cho những người đóng góp tài nguyên hoặc cung cấp mô hình AI có giá trị. Đây là cách mà Bittensor tạo ra một thị trường AI mở, nơi các nhà nghiên cứu, kỹ sư AI có thể kiếm được lợi nhuận từ việc chia sẻ kiến thức và công nghệ.
Cải thiện độ tin cậy và khả năng mở rộng của AI
Bittensor sử dụng một mạng lưới phi tập trung gồm các "nơron thần kinh kỹ thuật số" để đánh giá, xác thực và tối ưu hóa mô hình AI. Thay vì dựa vào một tổ chức duy nhất để kiểm duyệt AI, hệ thống này giúp đảm bảo chất lượng đầu ra thông qua cơ chế đồng thuận giữa các validator và miner, tạo nên một hệ sinh thái AI công bằng và hiệu quả.
Nhờ những giải pháp trên, Bittensor không chỉ định hình lại cách AI được xây dựng và triển khai mà còn mở ra cơ hội cho một nền kinh tế AI phi tập trung, nơi mọi người đều có thể tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Các thành phần chính của nền tảng Bittensor
Nền tảng Bittensor bao gồm 3 thành phần chính: hệ thống các subnets, blockchain Bittensor và bộ công cụ Bittensor SDK. Nhìn chung, Bittensor vận hành theo mô hình tương đối giống Bitcoin. Tuy nhiên người dùng thay vì giao dịch trên mạng lưới thì sẽ đóng góp tài nguyên tính toán và mô hình AI vào hệ thống.

Hệ thống các subnet
Subnet là nền tảng cốt lõi của Bittensor, đóng vai trò như các thị trường cạnh tranh theo cơ chế khuyến khích, nơi mà các loại tài nguyên số liên quan đến AI được tạo ra và đánh giá. Mỗi subnet phục vụ một nhu cầu với những tiêu chuẩn riêng và bao gồm các thành phần:
- Nhóm thợ đào (Miners): Những người cung cấp tài nguyên AI, xử lý dữ liệu hoặc tạo ra mô hình học máy.
- Nhóm người xác thực (Validators): Đánh giá chất lượng đầu ra của thợ đào để đảm bảo tiêu chuẩn subnet.
- Cơ chế khuyến khích: Mỗi subnet có hệ thống phần thưởng riêng, nhằm khuyến khích đóng góp giá trị cao nhất cho mạng lưới.

Ví dụ: Subnet text prompting do Open Tensor Foundation phát triển sẽ đánh giá khả năng hoàn thành yêu cầu văn bản của các thợ đào thông qua các validator.
Hiện tại mạng lưới Bittensor có 32 subnet, mỗi subnet chuyên xử lý một loại dữ liệu khác nhau từ hình ảnh đến văn bản,... Người dùng có thể tạo subnet riêng nếu sở hữu đủ lượng TAO token cần thiết. Việc xây dựng và triển khai một subnet mới trên Bittensor gồm ba giai đoạn:
- Thử nghiệm cục bộ – Chạy thử validator và miner trên hệ thống nội bộ để kiểm tra cơ chế khuyến khích.
- Thử nghiệm trên testnet – Kết nối với testnet của Bittensor để kiểm tra khả năng hoạt động.
- Triển khai trên mainnet – Chính thức tích hợp vào mạng Bittensor, cho phép tương tác thực tế với hệ sinh thái.
Các subnet hiện có có thể được khám phá qua Taostats, nơi cung cấp danh sách subnet và mã nguồn liên quan.

Blockchain Bittensor
Blockchain Bittensor hoạt động như một sổ cái ghi nhận toàn bộ giao dịch, bao gồm số dư, phần thưởng, và các hoạt động trong hệ sinh thái. Blockchain này cũng sử dụng token TAO như một đơn vị khuyến khích chính. Một số vai trò của blockchain Bittensor bao gồm:
- Lưu trữ và xác thực dữ liệu giao dịch giữa các thợ đào và người xác thực.
- Cơ chế thưởng TAO dựa trên hiệu suất, giúp tối ưu hóa đóng góp AI.
- Hỗ trợ staking để các bên có thể đặt cược vào các validator mà họ tin tưởng.
Bộ công cụ Bittensor SDK
Bittensor SDK là tập hợp các công cụ mã nguồn mở giúp lập trình viên và nhà phát triển dễ dàng tham gia hệ sinh thái. Bộ công cụ này hỗ trợ:
- Kết nối giữa miners và validators trong subnets.
- Tương tác với blockchain Bittensor.
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn, giúp người mới bắt đầu xây dựng và thử nghiệm các mô hình AI trên nền tảng.
Các vai trò trong hệ sinh thái Bittensor
Bittensor được vận hành bởi 4 nhóm tác nhân chính, tương ứng với các vai trò khác nhau, tất cả đều đóng góp quan trọng đối với việc duy trì và phát triển hệ thống:
- Miners hoạt động như các server hoặc node trong subnet, thực hiện các tác vụ AI theo yêu cầu từ người dùng hoặc validators để nhận phần thưởng.
- Validators có nhiệm vụ đánh giá chất lượng đầu ra của miners, đảm bảo rằng chỉ những kết quả tốt nhất mới được ghi nhận và nhận phần thưởng TAO. Nếu miner không đáp ứng được tiêu chuẩn, họ có thể bị loại khỏi subnet và phải tìm một subnet khác phù hợp hơn.
- Subnet Creators sẽ quản lý cơ chế khuyến khích và thiết lập tiêu chuẩn cho subnet.
- Stakers có thể staking vào các validator mà họ tin tưởng để nhận phần thưởng.
Đặc điểm nổi bật của Bittensor
Cơ chế đồng thuận độc đáo
Bittensor sử dụng cơ chế đồng thuận Yuma, một loại Delegated Proof of Stake (DPoS) thay vì PoW hoặc PoS. Nhờ cơ chế đồng thuận này, Bittensor có thể xác định phần thưởng TAO cho miners và validators dựa trên đánh giá từ hệ thống validator trong subnet. Không chỉ đơn thuần phân bổ phần thưởng, cơ chế này còn được thiết kế để ưu tiên những validator đáng tin cậy hơn.
Cách AI được đào tạo & sử dụng
Người dùng có thể cung cấp dữ liệu, tài nguyên tính toán hoặc trực tiếp phát triển các mô hình AI trên Bittensor. Các mô hình này được chạy trên các subnets – mỗi subnet chuyên xử lý một loại tác vụ AI khác nhau. Các mô hình AI do người tham gia cung cấp sẽ được đánh giá và thưởng token TAO.
Cách Bittensor khuyến khích đóng góp vào hệ sinh thái AI
Nhờ vào mô hình khuyến khích dựa trên đóng góp thực tế, Bittensor tạo ra động lực mạnh mẽ cho cả validator và miner:
- Validators phải liên tục cung cấp đánh giá chính xác, nhanh chóng và có tính dự đoán cao để giữ vững độ tín nhiệm.
- Miners phải nỗ lực nâng cao chất lượng công việc để đạt được đánh giá tổng hợp cao nhất từ cộng đồng validator. Nếu miner cung cấp kết quả chất lượng cao, họ sẽ được nhận nhiều phần thưởng hơn.
Bên cạnh đó với cơ chế staking, người dùng có thể nhận lợi nhuận khi hỗ trợ mạng lưới.
So sánh với các dự án Crypto x AI khác
Sau đây là một số điểm khác biệt chính giữa Bittensor và một số dự án khác cùng thuộc lĩnh vực Crypto x AI, bao gồm: Fetch.ai, SingularityNET và Ocean Protocol.

Tuỳ vào mục tiêu, mỗi dự án đóng một vai trò riêng và có điểm mạnh khác nhau:
- Bittensor tập trung đào tạo và đánh giá AI theo mô hình phi tập trung.
- Fetch.ai hướng đến tự động hoá thông minh, đặc biệt là cho IoT.
- SingularityNET tạo thị trường AI mở, cho phép mua/bán dịch vụ AI dễ dàng.
- Ocean Protocol giải quyết vấn đề dữ liệu cho AI, đảm bảo quyền riêng tư và kiểm soát dữ liệu.
TAO Tokenomics
TAO token được thiết kế tương tự Bitcoin với tổng cung 21,000,000 TAO và phân bổ dần theo dạng phần thưởng khối dành cho miner và validator. Bên cạnh đó, cũng giống như Bitcoin, TAO có chu kỳ halving xảy ra 4 năm một lần. Kỳ halving đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 12 năm 2025.
Token Key Metrics
- Token name: Bittensor
- Ticker: TAO
- Blockchain: Bittensor
- Token type: Utility, Governance
- Total supply: 21,000,000 TAO
- Circulating supply: 8,447,703 TAO
Token Use Cases
TAO có nhiều ứng dụng trong hệ sinh thái Bittensor, bao gồm:
- Quản trị: Người nắm giữ token TAO có quyền tham gia vào các đề xuất và quyết định quan trọng về hướng phát triển của mạng lưới.
- Phần thưởng cho Miners và Validators: Những người đóng góp tài nguyên AI và xác thực kết quả được thưởng TAO dựa trên hiệu suất hoạt động.
- Staking: Người dùng có thể stake TAO vào validators để kiếm phần thưởng, góp phần tăng cường tính bảo mật của hệ thống.
- Tạo và quản lý Subnet: Các developer cần TAO để triển khai subnet mới, đồng thời duy trì và mở rộng mạng lưới của họ.
- Thanh toán: TAO được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong hệ sinh thái, bao gồm truy cập dịch vụ AI và mua các mô hình machine learning.
- Phí giao dịch: TAO được sử dụng để thanh toán phí giao dịch và hợp đồng thông minh trên blockchain Bittensor.
Token Allocation
TAO có tổng cung tối đa là 21 triệu token, không pre-mine, không phân bổ trước cho nhà đầu tư hay đội ngũ sáng lập. Mô hình phân bổ lấy cảm hứng từ Bitcoin với tốc độ mint tuyến tính:
- Mỗi 12 giây: 1 TAO được mint.
- Mỗi 10 phút: 50 TAO được mint.
- 100% TAO được phân bổ cho miners và validators.
Token release schedule
TAO sẽ có 12 lần halving bắt đầu từ năm 2025 và dự kiến tới năm 2069, toàn bộ 21 triệu token TAO sẽ được lưu hành trên thị trường.

Nhận xét chung về tokenomics & lịch vesting
Với cơ chế halving, TAO token có thể giảm phát dần theo thời gian. Tuy nhiên điểm đặc biệt của token TAO khác với Bitcoin là việc halving TAO sẽ dựa trên lượng token được phát hành chứ không phải số lượng khối đã được khai thác. Điều này giúp điều chỉnh tốc độ phát hành token một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, TAO có một ưu điểm lớn so với nhiều dự án khác là không có vòng gọi vốn private, không có pre-mine và không phân bổ cho đội ngũ sáng lập. Điều này giúp loại bỏ hoàn toàn áp lực xả từ nhà đầu tư sớm hoặc team phát triển, đảm bảo rằng token TAO chỉ được phân phối thông qua quá trình khai thác AI.
Với mô hình này, những người tham gia đóng góp tài nguyên AI và xác thực dữ liệu thực sự sẽ là những người hưởng lợi chính.
Mua và nắm giữ TAO token ở đâu?
Các bạn có thể mua TAO trên các sàn giao dịch đã niêm yết TAO token như: Binance, OKX, MEXC, BingX, Gate.io, Kucoin,... Đồng thời bạn cũng có thể lưu trữ token TAO trên các ví sàn, Bittensor Wallet,...
Các thông tin khác của dự án
Đội ngũ phát triển
Bittensor được tạo ra vào năm 2021 bởi Opentensor Foundation, với sự dẫn dắt của hai nhà sáng lập Jacob Steeves và Ala Shaabana. Cả hai đều là những người đam mê AI và blockchain, muốn xây dựng một hệ sinh thái AI phi tập trung, nơi mọi người có thể cùng đóng góp và hưởng lợi.
- Jacob Steeves (CEO): Là một chuyên gia về machine learning và hệ thống phi tập trung, Jacob có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện toán phân tán và blockchain. Trước khi sáng lập Bittensor, anh đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu về AI và cơ chế đồng thuận phi tập trung.
- Ala Shaabana (Co-Founder): Trước khi đồng hành cùng Jacob để xây dựng Bittensor, Ala từng làm kỹ sư phần mềm tại VMware và FirmChannel. Anh có thế mạnh về kiến trúc phần mềm và hệ thống phân tán, giúp nền tảng Bittensor vận hành trơn tru và hiệu quả.

Ngoài hai nhà sáng lập, Bittensor còn có sự đóng góp lớn từ cộng đồng nhà phát triển mã nguồn mở và những chuyên gia blockchain. Đây chính là yếu tố giúp hệ sinh thái ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ.
Nhà đầu tư và đối tác
Hiện tại, Bittensor nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều quỹ đầu tư lớn trong thị trường crypto như Digital Currency Group, Polychain Capital, FirstMark Capital và GSR.

Roadmap
Thời gian qua Bittensor phát triển liên tục và từng bước hoàn thiện nền tảng và mở rộng hệ sinh thái của mình. Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Bittensor:
- 03/01/2021: Ra mắt mainnet với tên gọi ban đầu là Kusangi.
- 21/11/2021: Kusangi ngừng hoạt động và dự án thực hiện hard fork sang phiên bản Nakamoto.
- 08/08/2022: Giới thiệu bản cập nhật Synapse, cải thiện hiệu suất và khả năng mở rộng.
- 12/01/2023: Ra mắt phiên bản Finney, đánh dấu bước ngoặt quan trọng với việc giới thiệu cấu trúc subnet, giúp mở rộng khả năng phân tán và tối ưu hóa mô hình AI phi tập trung.

Tiềm năng phát triển trong tương lai của Bittensor
Nhờ vào sự kết hợp giữa AI và blockchain, Bittensor có tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới. Không chỉ thuộc sector AI, Bittensor còn thuộc các sector lớn khác như Layer 1, và được hậu thuẫn từ các quỹ lớn như Digital Currency Group, Polychain Capital, FirstMark Capital và GSR. Với nhu cầu AI ngày càng tăng, các dự án như Bittensor sẽ đóng vai trò nền tảng cốt lõi, cung cấp tài nguyên AI phi tập trung, giảm chi phí và tối ưu hoá hiệu suất.
Bên cạnh đó, với cơ chế khuyến khích rõ ràng của Bittensor, các nhà phát triển và người dùng có nhiều động lực hơn để tiếp tục đóng góp xây dựng mạng lưới.
Có nên đầu tư TAO trong năm 2025?
Hiện tại TAO đang được giao dịch ở mức giá khoảng 233.15 USD với vốn hoá thị trường khoảng gần 2 tỷ USD. Với những ưu điểm và tiềm năng đã kể tới ở bên trên, TAO vẫn là một trong các token tiềm năng trong năm 2025 cùng các yếu tố thúc đẩy sau:
- Thuộc nhiều sector quan trọng: Ngoài AI, Bittensor còn thuộc Layer 1, mở rộng cơ hội phát triển và tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng.
- Hậu thuẫn từ các quỹ lớn: Được đầu tư bởi các quỹ uy tín như Digital Currency Group, Polychain Capital, FirstMark Capital và GSR, giúp dự án có nguồn lực dồi dào để phát triển.
- Nhu cầu AI ngày càng tăng: Bittensor cung cấp tài nguyên AI phi tập trung, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu suất và thúc đẩy sự minh bạch trong thị trường AI.
- Cơ chế khuyến khích rõ ràng: Mô hình thưởng bằng token TAO tạo động lực thu hút developer và user, đảm bảo sự mở rộng bền vững của mạng lưới.
Tuy nhiên trong crypto, thời điểm đầu tư vô cùng quan trọng. Các bạn hãy nghiên cứu thật kỹ thị trường, DYOR và lựa chọn thời điểm đầu tư phù hợp.
Các dự án tương tự
- Fetch.ai (FET): Tích hợp AI vào IoT và tự động hóa.
- SingularityNET (AGIX): Marketplace phi tập trung cho AI.
- Ocean Protocol (OCEAN): Hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu AI.
Qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về Bittensor, cách thức hoạt động, đặc điểm nổi bật và tiềm năng phát triển của dự án. Với sự kết hợp giữa AI và blockchain, Bittensor mở ra nhiều cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn chính xác để đưa ra quyết định đầu tư TAO token một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!
Bình luận