Trong những năm gần đây, AI và blockchain đang có xu hướng xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Anh em có thể thấy số lượng dự án crypto ứng dụng AI đang tăng một cách chóng mặt. Theo báo cáo của Messari, số lượng dự án DePIN x AI đã tăng 12 lần từ năm 2022 đến hết năm 2024. Nhiều trend mới, hidden gem cũng được tạo ra xung quanh 2 công nghệ này. 

Tiềm năng là vậy nhưng liệu đây chỉ là bong bóng hay là có những ứng dụng hữu ích thực tế? Tương lai của sự kết hợp AI x Crypto sẽ như thế nào? Hãy cùng Block24 phân tích góc nhìn của quỹ đầu tư nổi tiếng A16z trong vấn đề này nhé. 

Tổng quan AI x Crypto

Vì sao AI và blockchain đang hội tụ?

Web3 x AI Market Map - Nguồn Decasonic
Web3 x AI Market Map - Nguồn Decasonic

Thực tế, AI rất mạnh trong xử lý dữ liệu và tự động hóa nhưng lại dễ tạo ra thông tin sai và phụ thuộc vào data tập trung. Trong khi đó, blockchain có đặc điểm minh bạch, dữ liệu được lưu trữ decentralized, sẽ hỗ trợ AI hoạt động một cách đáng tin cậy, phục vụ lợi ích người dùng.

Chính sự kết hợp này mở ra nhiều use case mới. AI có thể học và hành động tốt hơn nhờ dữ liệu từ blockchain. Đây là lý do vì sao AI x Crypto được xem là cặp đôi công nghệ chiến lược cho tương lai internet, theo quan điểm của đội ngũ phân tích a16z.

Ba trụ cột thúc đẩy AI x Crypto

  • Dữ liệu và danh tính số: AI muốn hoạt động hiệu quả thì cần hiểu rõ người dùng (sở thích, hành vi,...) nhưng data đó thường nằm rải rác và bị các nền tảng lớn kiểm soát. Blockchain giúp giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép users tự nắm quyền sở hữu dữ liệu và danh tính số của chính mình.
  • Hạ tầng tính toán phi tập trung: Blockchain cho phép phân phối tài nguyên tính toán trên quy mô rộng, huy động sức mạnh từ cộng đồng để phục vụ AI.
  • Mô hình kinh tế mới: AI x Crypto mang đến những business model đột phá, ví dụ như thanh toán vi mô (micropayment) tự động giữa các AI với nhau, chia sẻ doanh thu cho người đóng góp dữ liệu/nội dung, xác định quyền sở hữu trí tuệ cho nội dung do AI tạo ra,...

Theo góc nhìn của a16z, đây là 3 trụ cột chính tạo nên xu hướng AI x Crypto. Để chi tiết hơn, chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn về 11 Use case nổi bật dựa theo những nhu cầu thực tiễn trên nhé.

11 use case nổi bật trong AI x Crypto

Dữ liệu và danh tính số trong Crypto

Use case 1: Phát triển dữ liệu bền vững cho AI

Tính đến Q2/2025, AI hiện rất mạnh, tuy nhiên lại thiếu trí nhớ dài hạn. Ví dụ như mỗi lần anh em mở ứng dụng AI như Grok, Gemini,... là lại phải bắt đầu từ con số 0. Điều này khiến trải nghiệm khó mà cá nhân hóa thực sự.

Pin AI - Dự án hỗ trợ quản lý dữ liệu cá nhân hoá cho AI
Pin AI - Dự án hỗ trợ quản lý dữ liệu cá nhân hoá cho AI

Một hướng giải quyết tiềm năng là đưa dữ liệu cá nhân lên blockchain. Anh em có thể “gom” những thông tin chính như thói quen, sở thích, phong cách làm việc vào một “hồ sơ kỹ thuật số” do bản thân kiểm soát. Mỗi khi dùng AI, bộ hồ sơ đó sẽ được “gọi ra” để ứng dụng hiểu rõ anh em hơn, không cần hỏi lại từ đầu. Điểm hay ở đây là dữ liệu nằm trên blockchain:

  • Bền vững: Không bị mất khi đổi sang ứng dụng khác
  • Tương thích: Dùng được với nhiều AI khác nhau
  • Có thể cấp quyền: Anh em toàn quyền quyết định AI nào truy cập dữ liệu

Use case 2: Xác định danh tính AI Agent

Song song với dữ liệu người dùng, một vấn đề khác là danh tính của các AI agent. Bài toán đặt ra là làm sao để theo dõi và quản lý danh tính của chúng?

Blockchain chính là mảnh ghép phù hợp để xây lớp identity cho AI agent. Nhờ đặc điểm không cần cấp phép và có thể tương tác công khai, một danh tính agent trên blockchain (ví dụ dạng NFT hoặc smart contract) sẽ không phụ thuộc vào công ty nào và có thể được bất cứ nền tảng nào chấp nhận tích hợp. 

Use case 3: Chống deepfake và bot

Khi AI phát triển quá nhanh, một vấn đề nan giải nảy sinh: Phân biệt người thật với AI. Kỷ nguyên deepfake, bot tự động đi “comment dạo” khiến chúng ta khó biết được liệu mình đang tương tác với con người hay máy móc trên mạng. 

Vậy nên, “Proof of Personhood” hay bằng chứng xác thực con người, là một thành phần thiết yếu của kỷ nguyên số mới. Hiểu nôm na, đây là cách để một người chứng minh “tôi là người thật” trên môi trường online.

Sản phầm World ID của Worldcoin
Sản phầm World ID của Worldcoin

Ví dụ, Worldcoin (World ID) dùng máy quét mống mắt để tạo một mã ID duy nhất cho mỗi cá nhân, sau đó áp dụng zero-knowledge proof để xác minh “đúng là người thật” mà không cần tiết lộ danh tính cụ thể. 

Hạ tầng phi tập trung cho AI

Use case 4: Mạng lưới tính toán phi tập trung

Ngoài ra, AI bị ràng buộc rất nhiều bởi hạ tầng vật lý, cụ thể là sức mạnh tính toán và phần cứng máy móc như chip xử lý, GPU. Các mô hình AI lớn đòi hỏi cụm máy chủ khổng lồ, điện năng tiêu thụ cực khủng và hiện nay chỉ những “tay to” như Google, OpenAI, Microsoft,… mới đủ khả năng cung cấp. Vậy nên, họ đang độc quyền luôn mảng AI.

Thông tin GPU được cung cấp bởi Akash
Thông tin GPU được cung cấp bởi Akash

Giải pháp cho vấn đề này chính là DePIN, là các mạng phi tập trung được cộng đồng cùng xây dựng và vận hành. Chẳng hạn như Gensyn, Io.net, Akash… kết nối hàng loạt máy tính cá nhân, máy chủ nhàn rỗi lại với nhau, tạo thành một thị trường tài nguyên tính toán tự do. 

Use case 5: Hệ thống điều phối giữa agent, nhà cung cấp và người dùng

Hiện tại, đa số AI agent hoạt động khá đơn lẻ. Ví dụ, một chatbot AI muốn gọi một dịch vụ khác như đặt vé máy bay, phải thông qua API do người lập trình tích hợp sẵn. Không có một “chợ” chung để các AI agent tự tìm đến nhau hay thương thảo trao đổi dịch vụ cả.

Blockchain có thể cung cấp hạ tầng chuẩn mở cho tương tác này. Thay vì mỗi công ty tự phát triển API đóng và thiết kế riêng cách AI nói chuyện, ta có các giao thức on-chain với vai trò “quy tắc chung”.

Trang chủ dự án Halliday
Trang chủ dự án Halliday

A16z có nhắc đến startup Halliday. Đây là dự án tạo ra một giao thức chuẩn hóa luồng công việc AI trên nhiều hệ thống, đặt vào đó các cơ chế bảo vệ ở tầng giao thức để đảm bảo AI agent không vượt quá phạm vi cho phép. Các dự án khác như Catena, Skyfire, Nevermind cũng đang tập trung vào giải quyết thanh toán tự động giữa AI agent, cho phép chúng hợp tác “tiền bạc” một cách an toàn mà không cần con người trung gian.

Use case 6: Đồng bộ trạng thái giữa các ứng dụng AI

AI đang giúp con người tạo ra phần mềm một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này dẫn tới một hệ quả: Sẽ có rất nhiều ứng dụng tuỳ biến do AI tạo ra. Mỗi người có thể nhờ AI viết cho mình một app, một workflow riêng để dùng. 

Nghe thì hay, nhưng mặt trái là một rừng app dị biệt không theo chuẩn chung nào, rất dễ loạn. Ngay cả 2 chương trình có chức năng y hệt nhưng do AI khác nhau viết cũng có thể “lệch” hoàn toàn về cấu trúc, định dạng đầu ra,… và không tương thích khi cần trao đổi.

Giải pháp cho vấn đề này, theo A16z, lại là blockchain. Nhờ cơ chế khuyến khích bằng token và đồng thuận phi tập trung, chúng ta có thể tạo ra một lớp giao thức đồng bộ cho các ứng dụng AI hoạt động trên phạm vi rộng. Ngoài ra, vì on-chain nên có thể thiết kế cơ chế mở để mọi người cùng đóng góp, tức là dev nào viết module tích hợp mới, cải tiến sản phẩm sẽ được thưởng token.

Thanh toán và bản quyền nội dung

Use case 7: Ví thanh toán hỗ trợ chia sẻ doanh thu

AI đã và đang làm cho việc tìm kiếm thông tin, học tập, làm việc tiện lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mặt trái là chúng xáo trộn mô hình kinh tế của internet hiện tại. Nhiều website giáo dục mất lượng truy cập vì user chọn hỏi AI thay vì đọc bài viết. Một số tờ báo thậm chí đã kiện OpenAI vì sử dụng nội dung của họ để huấn luyện AI mà không xin phép.

Chờ đợi chính sách pháp lý là quá chậm. Giới công nghệ hướng đến giải pháp tích hợp cơ chế chia tiền trực tiếp vào hạ tầng internet mới. Cụ thể, khi tạo ra giao dịch, AI sẽ tự động “bỏ tiền” trả cho các nguồn dữ liệu đã giúp nó đưa ra quyết định. Để triển khai được mô hình này ở quy mô lớn, cần có:

  • Hệ thống micropayment với phí cực thấp
  • Giao thức định danh & định giá đóng góp nội dung
  • Cơ chế quản trị minh bạch để chống gian lận
Trang chủ dự án Splits
Trang chủ dự án Splits

May mắn là các mảnh ghép này đang hình thành. Các giải pháp Layer 2 blockchain hiện đã xử lý giao dịch siêu rẻ. Đặc biệt, Catena Labs đang thử nghiệm thanh toán AI và 0xSplits cung cấp sẵn công cụ chia tiền tự động. Trong tương lai, chỉ một hành vi như nhờ AI mua giùm laptop có thể kích hoạt hàng loạt “nanopayment”. Kết quả là, bài review & tác giả mà AI sử dụng thông tin sẽ có nhuận bút.

Use case 8: Quản lý bản quyền nội dung trên blockchain

Cùng với thanh toán, câu chuyện bản quyền nội dung trong thời đại AI cũng nhức nhối không kém. AI có thể tạo ra văn bản, hình ảnh, âm nhạc… chỉ trong vài giây, và chúng thường dựa trên việc “học lỏm” từ tác phẩm có sẵn.

Chúng ta có thể sử dụng blockchain để phát triển hệ thống đăng ký sở hữu trí tuệ (IP registry) công khai. Anh em hãy tưởng tượng hệ thống này giống như 1 kho đăng ký on-chain, mỗi tác phẩm, mỗi dữ liệu quan trọng đều có bằng chứng sở hữu (proof of ownership) rõ ràng. Nhờ tính bất biến, ai tạo ra nội dung gì, khi nào đều được ghi nhận vĩnh viễn.

Trang chủ dự án Story Protocol
Trang chủ dự án Story Protocol

Tính tới tháng 6/2025, market đã xuất hiện hạ tầng chuyên biệt cho đăng ký và cấp phép IP on-chain, ví dụ như Story Protocol. Thậm chí, Story Protocol còn phát hành cả blockchain riêng tối ưu cho việc này. 

Use case 9: Hệ thống thanh toán cho Webcrawler

Gần một nửa lưu lượng internet hiện nay là bot, đặc biệt là webcrawler AI chuyên quét hàng tỷ trangnhằm huấn luyện mô hình. Đa số bot đều “hút” dữ liệu miễn phí, trong khi chủ web vẫn phải trả tiền máy chủ và băng thông. 

Không lạ khi tỷ lệ trang web chặn bot AI tăng vọt, từ 9% (tháng 7/2024) lên 37% (tháng 6/2025), báo hiệu nguy cơ internet ngày càng đóng kín nếu không có cơ chế chia sẻ giá trị.

Số lượng request trong ngày được tạo bởi bot - Nguồn Cloudflare
Số lượng request trong ngày được tạo bởi bot - Nguồn Cloudflare

Giải pháp công bằng là buộc crawler phải trả phí truy cập. Anh em hình dung mỗi website sẽ cài một “bouncer agent” on-chain, tức là khi bot AI muốn vào, nó phải mang ví crypto để thương lượng giá qua giao thức x402 (tương tự HTTP 402). 

Nếu giá được chấp thuận, bot gửi micropayment và lấy dữ liệu, người thật vẫn được đọc nội dung miễn phí sau khi chứng minh danh tính (như World ID). Blockchain bảo đảm thanh toán tự động, truy vết minh bạch và phí cực thấp nhờ các Layer 2.

Khi mô hình này hoạt động, dòng tiền sẽ chảy trực tiếp từ AI tới website và cuối cùng là tác giả gốc, qua các công cụ chia tiền như 0xSplits. Chủ web có doanh thu duy trì nội dung, AI tiếp tục được crawl hợp pháp.

Use case 10: Phát triển tính cá nhân hoá cho quảng cáo

Quảng cáo cũng sẽ phải chuyển mình khi AI x Crypto lên ngôi. Hiện nay, quảng cáo online khiến người dùng “ghét cay ghét đắng” vì 2 lý do:

  • Quảng cáo linh tinh không đúng nhu cầu thì phiền phức
  • Quảng cáo “siêu nhắm trúng đích” thì lại đáng sợ, làm user có cảm giác bị theo dõi

Vậy làm sao để quảng cáo vừa hiệu quả vừa tôn trọng người dùng? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp giữa AI agent cá nhân hóa và blockchain. Anh em hình dung mỗi người dùng sẽ có một AI “đại diện”, hiểu rõ mình thích gì, muốn gì dựa trên dữ liệu cá nhân được bảo mật.

Như vậy, nhà quảng cáo chỉ biết “anh A thuộc nhóm thích chơi tennis” chứ không cần biết cụ thể anh A là ai hay lịch sử web của ảnh ra sao. AI của người dùng sau đó sẽ chọn lọc quảng cáo phù hợp, thậm chí tùy chỉnh nội dung quảng cáo cho đúng gu trước khi hiển thị. 

Use case 11: Trợ lý AI sở hữu bởi người dùng

Use case cuối cùng này khá thú vị: AI companion, tức những AI đóng vai “bạn đồng hành” với con người. Hiện nay, nhiều người dành thời gian online nhiều hơn gặp gỡ ngoài đời và không ít thời gian ấy là tương tác với các hệ thống do AI hỗ trợ như news feed, trợ lý ảo, nội dung do AI đề xuất,...

Replika - Dự án phát triển các AI Companion
Replika - Dự án phát triển các AI Companion

Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ kiểm soát những AI đồng hành này? Nếu câu trả lời là các công ty lớn thì khá “căng” vì khi đó, việc tương tác thân mật của anh em với AI, vốn rất riêng tư và cá nhân, sẽ chịu sự chi phối của bên thứ ba.

Giải pháp sẽ là sử dụng  AI companion “thuần blockchain” sở hữu đặc điểm sau: 

  • Chạy mô hình AI mã nguồn mở
  • Lưu trữ dữ liệu tương tác trên hạ tầng phi tập trung
  • Quyền sở hữu thuộc về người dùng. 

Cơ hội và thách thức của AI x Crypto

Quy mô thị trường, token DePIN và tăng trưởng

AI x Crypto đang trở thành một mảng thu hút đầu tư cực mạnh vì kết hợp hai xu hướng công nghệ lớn nhất hiện nay. Đặc biệt, mảng DePIN đã tăng vốn hóa từ 20 - 25 tỷ USD (2023) lên trên 50 tỷ USD trong năm 2024 với hơn 1170 dự án đang hoạt động, theo DePIN.Ninja & Messari.

Vốn hoá các dự án DePIN - Nguồn Messari
Vốn hoá các dự án DePIN - Nguồn Messari

Các token liên quan như FET, AGIX hay nền tảng cung cấp API AI phi tập trung đều tăng trưởng mạnh nhờ làn sóng AI. Những quỹ lớn như a16z, YZi Labs cũng liên tục rót vốn vào các dự án AI x Blockchain.

Rào cản hạ tầng, pháp lý và UX

Dẫu vậy, sự giao thoa giữa AI và Crypto vẫn gặp một số rào cản:

  • Hạ tầng: Mạng phi tập trung chưa chứng minh đủ nhanh cho mô hình AI “khủng”, blockchain vẫn phải tối ưu để gánh hàng tỷ micropayment/ngày và tránh “phân mảnh” giao thức
  • Pháp lý: Dự án Worldcoin bị nhiều quốc gia điều tra, token thưởng có thể bị xem là chứng khoán, trách nhiệm khi AI gây lỗi chưa rõ 
  • Trải nghiệm người dùng (UX): Ví crypto phức tạp, phí gas, seed phrase,… khiến người mới ngán ngẩm. Cần ẩn bớt phần blockchain, dùng account abstraction, embedded wallet, onboarding kèm ưu đãi để thuyết phục newbie

Dự báo xu hướng AI x Crypto đến 2030

Vai trò của AI agent trong hệ sinh thái Web3

Đến năm 2030, AI agent có thể trở thành một phần quen thuộc trong hệ sinh thái Web3. Mỗi người dùng sẽ sở hữu một hoặc nhiều agent đại diện. Các agent này không chỉ tương tác với users mà còn giao dịch, thuê dịch vụ lẫn nhau trên mạng lưới on-chain. Điều này tạo nên một “nền kinh tế tự động” và AI có thể hoàn thành tác vụ 100% không cần con người can thiệp.

Hạ tầng Web3 sẽ sớm hình thành các giao thức chuẩn cho phép AI agent kết nối và vận hành dễ dàng. Khi đó, AI agent có thể sở hữu ví, tài sản. Theo dự báo của Gartner, đến năm 2030, các “machine customers” có thể tham gia tới 30 nghìn tỷ USD giao dịch toàn cầu và một phần đáng kể trong đó sẽ diễn ra trên Web3.

Tác động tới nền kinh tế số và quyền sở hữu dữ liệu

AI x Crypto có tiềm năng reset nền kinh tế số theo hướng công bằng và bền vững hơn. Thay vì mô hình “miễn phí để đổi dữ liệu” như Web2, chúng ta có thể chuyển sang mô hình “pay-for-value”, ai tạo giá trị sẽ được thưởng. 

Blockchain đảm bảo thanh toán minh bạch, AI đảm nhận vai trò trung gian xử lý. Nhờ đó, người sáng tạo nội dung sẽ có doanh thu, các nền tảng dịch chuyển sang cung cấp dịch vụ thay vì độc quyền dữ liệu, còn quyền lực dần chuyển vào tay cộng đồng thay vì các tập đoàn lớn. Hệ sinh thái sẽ mở hơn, mọi người cùng hưởng lợi từ sự phát triển của AI.

Về dữ liệu cá nhân, AI x Crypto mở đường cho khái niệm “Self-Sovereign Data”, người dùng sở hữu, kiểm soát và kiếm lời từ chính dữ liệu của mình. 

Nhận định cá nhân

Theo mình, các use case mà A16z đưa ra thực sự mang tính đột phá, không chỉ mở ra hướng đi mới cho công nghệ mà còn thay đổi cách con người tương tác và tiêu thụ nội dung trên internet tương lai. 

Tuy nhiên, dù ý tưởng rất tiềm năng và đã có một số dự án bắt đầu hiện thực hóa, thị trường hiện tại vẫn còn khá non trẻ. Người dùng phần lớn chưa có nhu cầu rõ ràng với các ứng dụng này và hạ tầng kỹ thuật, từ blockchain cho đến AI agent, vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Vì vậy, để 11 use case này thực sự đi vào đời sống, mình nghĩ chúng ta cần thêm nhiều thời gian để hệ sinh thái AI x Crypto trưởng thành.

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!