Gas fee (phí gas) là khoản phí mà người dùng phải trả để thực hiện giao dịch trên các EVM chain (blockchain tương thích EVM). Phí này được thanh toán bằng token gốc của mạng như ETH, BNB, POL,... dùng để trả cho thợ đào hoặc người xác thực giao dịch. Hãy cùng Block24 tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau đây nhé.

Gas fee là gì?

Gas fee là khái niệm chỉ phí giao dịch trên các blockchain tương thích EVM như Ethereum, BSC, Polygon,... được tính bằng đơn vị "gas". Đây là khoản phí phải trả cho các thợ đào (miners) hoặc người xác thực (validators) để họ xử lý và xác nhận giao dịch.

Gas fee là phí giao dịch trên các EVM chain
Gas fee là phí giao dịch trên các EVM chain

Người dùng cần quan tâm đến phí gas vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận giao dịch, nếu phí quá cao, phần lãi có thể bị hao hụt đáng kể, thậm chí dẫn đến lỗ. Còn nếu bạn trả gas fee quá thấp, có thể khiến giao dịch bị chậm hoặc thất bại, trong khi phí vẫn bị trừ. Vì vậy, việc theo dõi và điều chỉnh gas fee hợp lý là rất quan trọng để giao dịch hiệu quả và tiết kiệm.

Gas fee được tính như thế nào?

Gas fee được tính theo công thức sau:

Công thức tính gas fee
Công thức tính gas fee

Trong đó:

  • Gas limit: Là số lượng gas tối đa mà người dùng sẵn sàng chi trả cho một giao dịch hoặc hoạt động trên blockchain. 
  • Gas price: Mức giá mà người dùng sẵn sàng chi trả cho mỗi đơn vị gas, tính bằng Gwei.

Ví dụ gửi ETH trên mạng Ethereum:

  • Gas Limit: 21,000 gas
  • Gas price: 30 Gwei
  • 1 Gwei = 0.000000001 ETH

Vậy Gas fee = 21,000 × 30 Gwei = 630,000 Gwei = 0.00063 ETH

Cách tính gas fee trên một số EVM chain cũng tương tự Ethereum, nhưng khác nhau về token gốc dùng để thanh toán phí, chẳng hạn như BSC sử dụng BNB, Polygon sử dụng POL. Đối với các Layer 2 như Base, Arbitrum,... gas fee vẫn tính bằng ETH (của mạng tương ứng), nhưng thường rẻ hơn Ethereum.

Tại sao cần có phí gas?

Phí gas trên các EVM chain là thành phần hết sức quan trọng bởi các lý do:

  • Bù đắp chi phí tính toán: Phí gas được sử dụng để trả cho các node, vì họ cung cấp tài nguyên tính toán như CPU, bộ nhớ và dung lượng lưu trữ để xử lý giao dịch. Gas fee đảm bảo các node có động lực kinh tế để duy trì và vận hành blockchain, giảm rủi ro mạng ngừng hoạt động.
  • Ngăn chặn spam: Nếu giao dịch miễn phí, mạng rất dễ bị tắc nghẽn do hành vi spam. Nhưng nếu yêu cầu trả phí gas cho mỗi giao dịch, người dùng sẽ phải sử dụng mạng một cách có trách nhiệm hơn, giúp blockchain hoạt động ổn định.
  • Phân bổ tài nguyên công bằng: Blockchain chỉ xử lý được giới hạn một số giao dịch trong mỗi block, do đó giao dịch nào trả phí cao hơn được ưu tiên xử lý trước. Cơ chế này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, đảm bảo phân bổ công bằng, hiệu quả.
  • Tăng tính phi tập trung: Phí gas tạo động lực kinh tế cho các node để họ tích cực tham gia bảo mật mạng, từ đó duy trì và nâng cao tính phi tập trung.
4 lý do cần có phí gas
4 lý do cần có phí gas

Gas fee và tình trạng nghẽn mạng

Gas fee phản ánh rõ ràng tình trạng mạng, đặc biệt là trên các blockchain sử dụng cơ chế đấu giá (ưu tiên giao dịch trả phí cao) như Ethereum.

Trong điều kiện hoạt động bình thường với lượng giao dịch vừa phải, hệ thống sẽ tính toán để người dùng có thể sử dụng mạng với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, khi có quá nhiều người gửi giao dịch cùng lúc, mạng sẽ bị nghẽn và kéo theo gas fee tăng cao.

Phí gas trên Ethereum từng lên đến cả trăm USD khi nghẽn mạng
Phí gas trên Ethereum từng lên đến cả trăm USD khi nghẽn mạng

Ethereum sau bản cập nhật EIP-1559 đã giới thiệu khái niệm base fee, là mức phí tối thiểu được tự động điều chỉnh tùy theo tình trạng mạng. Khi quá tải, base fee sẽ tự tăng lên, người dùng vẫn có thể tự thêm một phần "tip" (Priority Fee) để được ưu tiên xác nhận nhanh hơn.

Công thức tính: Total Fee = (Base Fee + Priority Fee) × Gas Used

Thay đổi về cách tính Gas fee trên Ethereum sau EIP-1559
Thay đổi về cách tính Gas fee trên Ethereum sau EIP-1559

Không chỉ Ethereum, nhiều blockchain PoS khác cũng gặp tình trạng tắc nghẽn khi lượng giao dịch tăng đột biến. Chẳng hạn BSC, dù có khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây vẫn có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào.

Tóm lại, tình trạng nghẽn mạng khiến trải nghiệm người dùng bị gián đoạn, và cũng là nguyên nhân đẩy gas fee lên cao. Đây là lý do tại sao nhiều người dùng và nhà phát triển đang chuyển sang các blockchain (L1 và L2) có phí thấp hơn.

Công cụ kiểm tra gas fee

Mỗi mạng sẽ có tương ứng một công cụ kiểm tra gas fee khác nhau (Gas Tracker), thường được tích hợp sẵn trong các blockchain explorer.

Ví dụ Gas Tracker của mạng Ethereum có địa chỉ Website: https://etherscan.io/gastracker

Giao diện của công cụ này hiển thị 3 mức gas fee khác nhau, tương ứng với tốc độ và mức ưu tiên, rất thích hợp cho người dùng muốn canh thời điểm để tiết kiệm chi phí giao dịch.

Giao diện công cụ Gas Tracker của etherscan
Giao diện công cụ Gas Tracker của etherscan
  • Low: Mức ưu tiên thấp với phí gas rẻ nhất, giao dịch vẫn sẽ được xử lý nếu mạng không nghẽn.
  • Average: Mức ưu tiên trung bình, được sử dụng phổ biến.
  • High: Mức ưu tiên cao, dành cho những ai muốn giao dịch được xử lý nhanh, ví dụ trong các sự kiện đông người tham gia như mint NFT, mua token IDO,…

Một số công cụ tương tự:

Tips tiết kiệm phí gas hiệu quả

Sau đây là một vài tips giúp tiết kiệm phí gas hiệu quả:

  • Tránh các sự kiện đặc biệt: Nếu không tham gia sự kiện on-chain quy mô lớn của một dự án nào đó, chằng hạn như như mint NFT, claim token, IDO,... thì bạn nên tránh giao dịch tại khung giờ diễn ra các hoạt động này.
  • Ưu tiên sử dụng các Layer 2: Bởi vì mạng layer 2 có khả năng xử lý nhiều giao dịch hơn, nhanh hơn, với phí thấp hơn nhiều so với Layer 1.
  • Chọn thời điểm gas fee thấp để giao dịch: Sử dụng các công cụ theo dõi phí gas theo thời gian thực để chọn thời điểm giao dịch phù hợp. Việc canh đúng thời điểm gas thấp vừa giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí, vừa đảm bảo giao dịch được xử lý nhanh.
  • Hạn chế spam giao dịch: Việc gửi nhiều giao dịch liên tục hoặc huỷ/thay thế một giao dịch nhiều lần có thể khiến bạn tốn phí gas và tắc nghẽn thêm mà vẫn không thành công. Nếu một giao dịch đang bị treo, bạn chỉ nên thay thế (replace) bằng một giao dịch mới với gas price cao hơn khi thực sự cần gấp.
  • Tùy chỉnh gas price: Trong các ví như MetaMask, bạn có thể điều chỉnh thủ công gas price thay vì dùng mức mặc định. Nếu không cần xử lý ngay lập tức, nên giảm gas price xuống một chút để tiết kiệm phí. Tuy nhiên, không nên giảm quá nhiều để tránh việc bị treo quá lâu hoặc thất bại.
Điều chỉnh gas fee thủ công trên ví MetaMask
Điều chỉnh gas fee thủ công trên ví MetaMask

FAQ

Gas Limit và Gas Price khác gì nhau?

Gas Limit là lượng gas tối đa bạn cho phép dùng cho giao dịch. Còn Gas Price là mức giá bạn sẵn sàng trả cho mỗi đơn vị gas (tính bằng Gwei). Riêng mạng Ethereum, sau EIP-1559 Gas Price được chia thành 2 phần:

  • Base Fee: tự động điều chỉnh theo mạng.
  • Priority Fee (tip): người dùng thêm vào để tăng ưu tiên giao dịch.

Làm thế nào để dự đoán và điều chỉnh phí gas trong MetaMask?

MetaMask hiển thị gợi ý 3 mức gas (Low, Average, High), bạn có thể chọn theo hoặc nhấn Edit để chỉnh Gas Limit và Gas Price thủ công.

Giao dịch nào tốn gas fee nhiều nhất?

Giao dịch tương tác smart contract phức tạp như swap trên DEX, mint NFT, stake, claim reward,... tốn gas nhiều hơn so với gửi token giữa các ví thông thường.

Blockchain nào không tốn gas fee?

Một số blockchain như EOS hoặc Internet Computer áp dụng mô hình không yêu cầu người dùng trả trực tiếp phí giao dịch, mà chi phí được xử lý bởi cơ chế tài nguyên hoặc được tài trợ bởi hệ thống.

Gas fee có hoàn lại nếu giao dịch thất bại không?

Không. Dù giao dịch thất bại thì gas fee vẫn bị tiêu tốn.

Có nên đặt phí gas fee cực thấp để tiết kiệm không?

Không nên. Gas fee quá thấp có thể khiến giao dịch bị treo lâu, không được xử lý, thậm chí bị huỷ, thêm mất thời gian và chi phí để gửi lại.