Bạn đã bao giờ tự hỏi: Tại sao ngày càng nhiều người chọn sàn DEX thay vì CEX? Hay làm thế nào mà những cái tên như Uniswap hay PancakeSwap lại trở thành những dApp cốt cán trong thị trường DeFi? Sự phát triển mạnh mẽ của các sàn DEX đang dần định hình lại cách chúng ta tiếp cận thị trường crypto một cách minh bạch hơn, bảo mật hơn và không cần trung gian.
Vậy sàn DEX là gì? Đâu là top 5 DEX lớn nhất trong thị trường năm 2025? Hãy cùng Block24 tìm hiểu trong bài viết sau!
Sàn DEX là gì?
DEX là sàn giao dịch crypto hoạt động hoàn toàn phi tập trung, nơi user có thể mua bán crypto trực tiếp với nhau mà không cần qua bất kỳ bên trung gian nào như ngân hàng, sàn giao dịch tập trung (CEX) hay tổ chức tài chính.

Thay vì phải gửi tài sản lên sàn để thực hiện giao dịch như ở CEX, DEX cho phép bạn giữ toàn quyền kiểm soát ví cá nhân và tài sản của mình. Giao dịch được thực hiện thông qua smart contract với các đoạn mã tự động chạy trên blockchain, giúp đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và không thể bị can thiệp.
Nói cách khác, sàn giao dịch phi tập trung giống như một “chợ điện tử” nơi người mua và người bán có thể kết nối trực tiếp với nhau, thông qua các quy tắc đã được lập trình sẵn. Bạn không cần tạo tài khoản, không cần KYC, chỉ cần một ví crypto tương thích là có thể bắt đầu giao dịch.
Không chỉ giúp bảo vệ quyền riêng tư, DEX còn giảm thiểu rủi ro từ việc sàn bị hack hoặc tạm ngừng hoạt động, điều từng xảy ra không ít lần với các sàn CEX.
Các sàn giao dịch phi tập trung nổi bật hiện nay có thể kể đến như Uniswap, PancakeSwap, Curve, 1inch hay Sushiswap. Đây cũng là những nền tảng đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển của DeFi.
Từ năm 2020 đến nay, các sàn giao dịch phi tập trung đã có những bước tiến vượt bậc cả về công nghệ lẫn quy mô người dùng. Uniswap thường xuyên ghi nhận khối lượng giao dịch hàng ngày trên 1 tỷ USD, thậm chí có thời điểm vượt qua cả Coinbase. Ngoài ra, các DEX như Curve, PancakeSwap, Sushiswap hay 1inch cũng đang mở rộng hệ sinh thái với multi-chain và tích hợp thêm các tính năng như:
- AMM nâng cấp (Uniswap v4, Curve V2): cải thiện hiệu suất giao dịch và tối ưu phí gas.
- Order book on-chain (dYdX, Vertex): mang lại trải nghiệm giao dịch chuyên nghiệp hơn trên blockchain.
- RFQ (Request For Quote) và tích hợp DEX aggregator (Matcha, 1inch): tối ưu giá và tăng thanh khoản cho người dùng.
- Tích hợp cross-chain: nhờ vào công nghệ bridging và giao thức như LayerZero, các DEX đang tiến dần đến khả năng giao dịch tài sản xuyên blockchain một cách liền mạch.
Cách hoạt động của DEX
Sàn DEX hoạt động dựa trên một nguyên tắc rất khác so với sàn CEX. Thay vì phải nạp tiền vào ví của sàn, bạn sẽ giữ toàn bộ tài sản trong ví cá nhân của mình. Việc mua bán được thực hiện trực tiếp giữa user với nhau, thông qua các smart contract thay vì bên trung gian.
Ở DEX, bạn không cần “gửi gắm” tiền cho bên thứ ba để xử lý giao dịch. Tất cả mọi thứ từ khớp lệnh, chuyển tài sản đến xác nhận, đều diễn ra tự động và minh bạch trên blockchain. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro bị hack, gian lận, đồng thời tăng tính bảo mật và quyền kiểm soát cho user.
Dưới đây là quy trình đơn giản hóa của một giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung:

Để hiểu đơn giản, hãy cùng đi qua ví dụ cụ thể của 1 User muốn swap 1 ETH sang USDT trên một DEX như Uniswap:
Bước 1: Kết nối ví Web3 như MetaMask hoặc Trust Wallet
Bước 2: Đặt lệnh swap:
- Cặp giao dịch: ETH → USDT
- Số lượng: 1 ETH
- Slippage: 0.5%
Bước 3: DEX kiểm tra liquidity pool ETH/USDT xem có đủ USDT để đổi
- Nếu có đủ: tiếp tục giao dịch
- Nếu không đủ: giao dịch thất bại, tài sản vẫn nằm trong ví user
Bước 4: Khi điều kiện được đáp ứng, smart contract của DEX tự động:
- Trích 1 ETH từ ví user
- Hoán đổi theo tỷ giá trong pool (có tính đến slippage)
- Gửi số USDT tương ứng về ví user
Bước 5: Giao dịch hoàn tất, user nhận được USDT trong ví cá nhân.
Một điểm đặc trưng của sàn giao dịch phi tập trung là mọi giao dịch đều được ghi lại công khai trên blockchain. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng kiểm tra tính minh bạch và đảm bảo rằng không có ai có thể chỉnh sửa hay can thiệp vào dữ liệu giao dịch.
Khi sử dụng DEX, bạn sẽ gặp hai loại phí chính:
- Phí mạng (gas fee): Trả cho mạng lưới blockchain (như Ethereum) để xác nhận giao dịch
- Phí giao dịch: Tùy từng sàn, khoản phí này có thể được chia cho các nhà cung cấp thanh khoản, người nắm giữ token hoặc đưa vào quỹ phát triển dự án
Phần lớn các sàn giao dịch phi tập trung hiện nay đều hướng tới mô hình quản trị cộng đồng thông qua DAO. Điều này có nghĩa là các quyết định lớn như thay đổi phí, nâng cấp giao thức hay thêm token mới đều do cộng đồng biểu quyết. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả hoạt động, nhiều dự án vẫn có đội ngũ phát triển cốt lõi chịu trách nhiệm điều phối và triển khai các đề xuất.
Sự khác biệt giữa CEX và DEX
Dưới đây là bảng so sánh những điểm khác biệt chính giữa sàn CEX và DEX qua những tiêu chí quan trọng.

Ưu và nhược điểm của sàn DEX
Hãy cùng điểm qua cả hai khía cạnh ưu và nhược điểm của sàn giao dịch phi tập trung thông qua bảng sau.
Ưu điểm | Nhược điểm |
- Toàn quyền kiểm soát tài sản: Bạn giữ khóa ví, toàn quyền kiểm soát tài sản. Không ai có thể can thiệp hay đóng băng ví của bạn.
- Bảo mật và riêng tư cao: Không cần KYC, không lộ danh tính. Chỉ cần ví Web3 là có thể giao dịch.
- Dễ tiếp cận: Ai cũng có thể dùng DEX miễn có Internet và ví crypto, không phân biệt quốc tịch hay tài khoản ngân hàng.
- Hỗ trợ nhiều token & blockchain: DEX thường niêm yết nhiều altcoin và cho phép hoán đổi cross-chain.
- Giao dịch minh bạch, không trung gian: Thực hiện qua smart contract, công khai trên blockchain, không bị can thiệp. | - Khó dùng với người mới: Nhiều khái niệm kỹ thuật như gas fee, slippage, ví Web3 dễ gây bối rối.
- Không hỗ trợ fiat: Không nạp rút bằng VND, USD,... Người mới phải mua crypto từ CEX trước.
- Thanh khoản và trượt giá: Một số token thanh khoản thấp khiến lệnh lớn dễ trượt giá.
- Rủi ro smart contract và bot MEV: Có thể bị hack, khai thác hoặc bị bot "front-run" lệnh.
- Tự quản lý ví cá nhân: Quên seed phrase = mất tài sản. Không có tổng đài hỗ trợ như CEX.
- Pháp lý chưa rõ ràng: DEX thiếu sự bảo vệ pháp lý rõ ràng tại nhiều quốc gia. Các giao dịch và hoạt động có thể gặp rủi ro từ các quy định không ổn định.
- Rủi ro scam: DEX có thể chứa các dự án lừa đảo hoặc token không đáng tin cậy, không có cơ chế bảo vệ user như các sàn CEX. |
Phân loại sàn giao dịch phi tập trung
Phân loại theo cơ chế khớp lệnh: AMM và Order Book
Đây là cách phân loại phổ biến nhất, dựa trên cách sàn thực hiện việc khớp lệnh giữa người mua và người bán.
- Order Book DEX: Giống với các sàn CEX truyền thống, sàn DEX sử dụng “sổ lệnh” để user đặt lệnh mua/bán ở mức giá mong muốn. Lệnh chỉ được thực hiện khi có người khác khớp với mức giá đó. Một số cái tên tiêu biểu là dYdX, Kuma (trước đây là IDEX), Orderly Network...
- AMM DEX: Thay vì chờ khớp lệnh, bạn chỉ cần swap token với giá được tính toán theo công thức trong pool thanh khoản. Những cái tên nổi bật bạn chắc chắn đã nghe qua như Uniswap, PancakeSwap, Raydium, Balancer…
AMM ra đời như một giải pháp giúp khắc phục nhược điểm thanh khoản thấp và giao dịch chậm của order book DEX. Bạn không chỉ có thể giao dịch nhanh hơn, mà còn có thể trở thành nhà cung cấp thanh khoản (LP) để nhận thưởng từ phí giao dịch.

Phân loại theo nguồn thanh khoản: Liquidity Center vs Aggregator
Trong điều kiện thị trường biến động, việc dùng aggregator rất có lợi, vì họ có thể chia nhỏ giao dịch qua nhiều nguồn thanh khoản để tối ưu giá và giảm trượt giá. Dựa trên cách mà sàn tạo ra và sử dụng thanh khoản, ta có thể chia sàn giao dịch phi tập trung thành hai loại:
- AMM Liquidity Center: Đây là các sàn tự tạo pool thanh khoản của riêng mình. Bạn có thể tưởng tượng giống như họ sở hữu "chợ riêng", không phụ thuộc vào ai. Ví dụ: Uniswap, Sushiswap, PancakeSwap…
- DEX Aggregator: Là những “bộ máy tìm giá tốt nhất” cho user. Các nền tảng như 1inch, Matcha, Paraswap sẽ quét qua nhiều AMM khác nhau, so sánh giá và giúp bạn chọn được nơi swap lời nhất.

Phân loại theo hình thức giao dịch
Tùy vào nhu cầu của bạn, mỗi sàn giao dịch phi tập trung sẽ phục vụ một hình thức giao dịch khác nhau:
- Spot DEX: Đây là loại phổ biến nhất, bạn swap token trực tiếp. Ví dụ: Uniswap, PancakeSwap, Curve...
- Margin DEX: Cho phép bạn vay thêm tài sản để tăng quy mô giao dịch. Một số cái tên nổi bật: dYdX (có hỗ trợ margin)...
- Derivatives DEX: Dành cho những ai thích giao dịch hợp đồng tương lai, không cần sở hữu tài sản gốc. Tiêu biểu: GMX, Perpetual Protocol, dYdX…

Phân loại theo hệ sinh thái blockchain
Khác với sàn CEX hoạt động độc lập, hầu hết các DEX được xây dựng trên một blockchain cụ thể, đi theo hệ sinh thái riêng.
Ví dụ:
- Ethereum / L2: Uniswap, Curve, Sushiswap
- BNB Chain: PancakeSwap
- Solana: Raydium, Orca, PumpSwap
- Polygon: QuickSwap
- Cosmos: Osmosis
Nhiều DEX hiện nay cũng hỗ trợ multichain, cho phép bạn giao dịch trên nhiều blockchain cùng lúc. Tuy nhiên, thanh khoản mạnh nhất vẫn thường tập trung ở hệ sinh thái "gốc" của họ. Ví dụ: PancakeSwap hoạt động tốt nhất trên BNB Chain, còn Uniswap thì "bá chủ" trên Ethereum.

Tiêu chí đánh giá sàn DEX uy tín
Cùng điểm qua các tiêu chí quan trọng để đánh giá sàn giao dịch phi tập trung uy tín:
- Thời gian hoạt động và mức độ minh bạch: Sàn càng lâu đời càng đáng tin. Ưu tiên các dự án có cập nhật thường xuyên trên Twitter, Medium, công khai docs & roadmap rõ ràng.
- Bảo mật: Kiểm tra lịch sử bị hack, cách sàn xử lý & đền bù. Ưu tiên sàn đã được audit bởi bên thứ ba như CertiK, Hacken…
- Tính thanh khoản: TVL cao = thanh khoản tốt, ít trượt giá. Tránh sàn ít user hoặc thanh khoản thấp khi giao dịch khối lượng lớn.
- Phí giao dịch và phí gas: Phí swap ~0.3%. Gas thì tùy chain: Ethereum thường đắt, còn Solana, Arbitrum, BNB thì rẻ hơn.
- Trải nghiệm UX/UI: Giao diện rõ ràng, thao tác mượt, dễ dùng kể cả với người mới. Hãy thử các thao tác cơ bản như kết nối ví, swap, cung cấp LP để kiểm chứng.
- Tính năng hỗ trợ: Ngoài swap, sàn càng “xịn” nếu tích hợp thêm farming, staking, launchpad, NFT, bridge, ví non-custodial...
- Khả năng đổi mới: Ưu tiên sàn thường xuyên cập nhật, cải tiến sản phẩm. Ví dụ: Uniswap V3 với LP tập trung, Trader Joe cải tiến UI và yield strategy liên tục.
Không có sàn nào là tốt nhất cho tất cả mọi người – mà chỉ có sàn phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Để chọn đúng, bạn nên tự hỏi:
- Mình muốn giao dịch token nào, thuộc hệ sinh thái nào?
- Mình muốn swap đơn thuần hay tham gia farming, staking?
- Mình thích sàn AMM, order book, hay aggregator?
- Mình ưu tiên rủi ro thấp hay lợi nhuận cao?
Top 5 DEX phổ biến nhất 2025
Các sàn giao dịch phi tập trung được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong từng hệ sinh thái bao gồm:
- Uniswap (Ethereum)
- PancakeSwap (BNB Chain)
- Raydium (Solana)
- Orca (Solana)
- Aerodrome (Base)
Dưới đây là bảng so sánh chi tiết 5 sàn DEX trên theo các tiêu chí chính (số liệu được tính đến thời điểm viết bài 10/4/2025 theo Defilama):

Uniswap (UNI)
Uniswap là cái tên không thể thiếu khi nhắc đến các sàn DEX. Ra đời từ năm 2018, Uniswap đã tạo ra một cuộc cách mạng với mô hình AMM, cho phép user giao dịch token trực tiếp với pool thanh khoản mà không cần qua bên trung gian.
Điểm nổi bật của Uniswap:
- Là sàn giao dịch phi tập trung tiên phong trên Ethereum và hiện mở rộng sang hơn 11 chain khác như Arbitrum, Optimism, Polygon, Base…
- Hỗ trợ hàng nghìn token, khối lượng giao dịch hàng ngày vượt 793 triệu USD, theo dữ liệu từ Uniswap (10/4/2025).
- Phiên bản mới nhất là Uniswap V4, giúp tiết kiệm chi phí rõ rệt.
- Cho phép user tham gia quản trị thông qua UNI token.
- Giao diện thân thiện.

PancakeSwap (CAKE)
PancakeSwap là sàn DEX nổi bật nhất trên hệ sinh thái BNB Chain. Ra mắt từ năm 2020, nền tảng này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ tốc độ xử lý nhanh, phí thấp và cực kỳ nhiều tính năng kiếm lợi nhuận.
Điểm nổi bật của PancakeSwap:
- Phí giao dịch thấp nhờ tận dụng ưu thế mạng BNB Chain.
- Hỗ trợ đa chuỗi, ngoài chủ đạo BNB chain còn có Ethereum, Arbitrum, Linea, Base…
- Đa dạng sản phẩm: swap, farming, staking, perp, NFT, bridge, IFO...
- Tích hợp cơ chế thanh khoản tập trung tương tự Uniswap V3, nhưng nhiều lựa chọn hơn về phí (0.01%, 0.05%, 0.25%, 1%).
- Hỗ trợ liquid staking giúp tối ưu vốn.

Raydium
Raydium là sàn giao dịch phi tập trung hàng đầu trên Solana - blockchain nổi bật nhờ tốc độ siêu nhanh và phí rẻ. Khác với nhiều DEX khác chỉ dùng AMM, Raydium còn tích hợp orderbook từ sàn CEX Serum, giúp lệnh được khớp chính xác và thanh khoản sâu hơn.
Điểm nổi bật của Raydium
- Giao dịch gần như tức thì với chi phí cực thấp (chỉ vài xu).
- Hỗ trợ cả AMM và order book, đây là điều hiếm thấy ở các DEX khác.
- Tích hợp sâu vào hệ sinh thái Solana, đặc biệt là các dự án NFT và GameFi.
- Cung cấp nhiều chương trình staking và farming với APR hấp dẫn.

Orca
Cũng hoạt động trên Solana, Orca gây ấn tượng nhờ thiết kế tối giản, thân thiện với user mới. Dù không có quá nhiều tính năng như Raydium, nhưng điểm mạnh của Orca nằm ở việc tối ưu trải nghiệm giao dịch.
Điểm nổi bật của Orca:
- Giao diện đơn giản, dễ dùng, phù hợp cho người mới.
- Giao dịch gần như tức thì, phí thấp nhờ tận dụng hạ tầng Solana.
- Tính thanh khoản cao, slippage thấp.
- Có tính năng “Whirlpools” cung cấp thanh khoản tập trung giống CLMM, giúp tăng lợi nhuận.

Aerodrome
Aerodrome là một trong những DEX phát triển nhanh nhất trên Base. Dù chỉ mới xuất hiện từ năm 2023, Aerodrome đã nhanh chóng vươn lên top 1 về khối lượng giao dịch và TVL trên Base.
Điểm nổi bật của Aerodrome:
- Sử dụng mô hình ve(3,3) tương tự Velodrome trên Optimism, khuyến khích user stake token AERO để tham gia quản trị và tăng phần thưởng.
- Tích hợp liquidity bribing, giúp các giao thức khác “mua” thanh khoản từ người nắm giữ AERO.
- TVL tăng trưởng ổn định, khối lượng giao dịch đáng kể trên Base.
- Giao diện đơn giản, dễ sử dụng.

Những lưu ý khi giao dịch trên DEX
Để giao dịch an toàn và hiệu quả trên DEX, bạn nên lưu ý:
- Kiểm soát ví cá nhân: Tài sản nằm trong ví của bạn, không ai truy cập được trừ khi bạn ký nhầm. Luôn đọc kỹ nội dung giao dịch trước khi xác nhận.
- Tránh token giả: Ai cũng có thể tạo token và list lên DEX. Hãy kiểm tra contract từ nguồn chính thức như CoinGecko, CoinMarketCap,…
- Chú ý trượt giá (slippage): Đặc biệt với token thanh khoản thấp. Thiết lập mức slippage phù hợp và kiểm tra kỹ số lượng nhận.
- Phí giao dịch: Swap tốn phí gas và phí pool. Ưu tiên các DEX tối ưu phí như Uniswap v4, 1inch,…
- Ưu tiên mạng phổ biến: Giao dịch trên Ethereum, Arbitrum, Base, Polygon… để có thanh khoản tốt và phí hợp lý.
- Tránh scam: Cảnh giác với link giả, airdrop lừa đảo, và giao dịch yêu cầu “approve” token. Không kết nối ví bừa bãi và nên dùng công cụ như Revoke.cash để kiểm tra quyền truy cập.
Câu hỏi phổ biến về sàn giao dịch phi tập trung
Người mới nên sử dụng sàn DEX hay sàn CEX?
Nếu bạn là người mới, sàn CEX (như Binance, OKX…) sẽ dễ tiếp cận hơn nhờ giao diện thân thiện, có hỗ trợ khách hàng và không cần kết nối ví. Tuy nhiên, sàn DEX mang lại quyền tự quản tài sản, không cần KYC và phù hợp với ai đã quen dùng ví như MetaMask, Trust Wallet,…
Nếu bạn ưu tiên tính đơn giản và hỗ trợ, hãy bắt đầu với CEX. Nếu bạn muốn toàn quyền kiểm soát tài sản và tham gia DeFi, có thể bắt đầu khám phá DEX với số vốn nhỏ để làm quen.
Sàn DEX có thật sự an toàn không?
sàn giao dịch phi tập trung có thể rất an toàn, nhưng phụ thuộc vào cách bạn sử dụng. DEX không giữ tài sản của bạn - bạn là người kiểm soát ví, điều này vừa là điểm mạnh, vừa là rủi ro nếu bạn không cẩn thận.
Một số rủi ro cần lưu ý:
- Ký nhầm giao dịch độc hại hoặc kết nối ví vào website giả mạo
- Mua nhầm token lừa đảo có tên giống token uy tín
- Mất quyền kiểm soát ví nếu bị hack hoặc để lộ seed phrase
Tóm lại, sàn giao dịch phi tập trung an toàn nếu bạn bảo vệ tốt ví cá nhân và kiểm tra kỹ giao dịch. Hãy ưu tiên các nền tảng uy tín, và dùng thêm các công cụ bảo mật như Revoke.cash, Wallet Guard,…
Trên đây là toàn cảnh về sàn DEX là gì, từ khái niệm, cách hoạt động, phân loại cho đến top 5 nền tảng hàng đầu hiện nay. Có thể thấy, sàn giao dịch phi tập trung không chỉ là nơi giao dịch token, mà còn là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái DeFi, nơi user thực sự làm chủ tài sản của mình.
Tuy nhiên, không có sàn nào là hoàn hảo. Mỗi DEX đều có điểm mạnh – điểm yếu riêng, và lựa chọn đúng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn.
Vậy bạn đã từng sử dụng sàn DEX nào trong số 5 cái tên kể trên? Trải nghiệm của bạn ra sao? Hãy chia sẻ góc nhìn và đánh giá của bạn ở phần bình luận để cùng thảo luận với cộng đồng Block24 nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!
Bình luận