Một bức ảnh trên internet có thể được bán với giá hàng triệu đô, người mua không sở hữu bức ảnh vật lý, không thể treo nó lên tường, nhưng lại có “quyền sở hữu duy nhất” trên blockchain. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng đó chính là thế giới của NFT.
Vậy NFT là gì? Vì sao nó trở thành cơn sốt toàn cầu, và liệu đây có phải là tương lai của tài sản trên Internet? Anh em hãy cùng Block24 tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
NFT là gì?
NFT là viết tắt của Non-fungible token (tạm dịch: token không thể thay thế), một dạng tài sản kỹ thuật số duy nhất, đại diện cho quyền sở hữu trên môi trường blockchain.
Theo wikipedia: “Mỗi NFT có thể đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị và vì vậy, chúng không thể hoán đổi cho nhau.” Điều này có nghĩa là khác với các đồng coin/token thông thường (có thể hoán đổi lẫn nhau), mỗi NFT là duy nhất và không thể thay thế bằng bất kỳ NFT nào khác.
Ngoài ra, NFT cho phép người nắm giữ chứng minh quyền sở hữu đối với một tài sản kỹ thuật số, đó có thể là một bức tranh, bản nhạc, video, vật phẩm trong game, hoặc thậm chí là... một dòng tweet.

Lịch sử ra đời và phát triển của NFT
NFT đã trải qua hành trình dài, từ một thử nghiệm nhỏ đến cuộc cách mạng về quyền sở hữu kỹ thuật số. Giờ đây đang chuyển mình từ trào lưu đầu cơ sang nền tảng công nghệ được ứng dụng thực tiễn. Sau đây là những cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của NFT.
2012–2013: Những ý tưởng đầu tiên về NFT
Khái niệm về tài sản kỹ thuật số độc nhất bắt đầu xuất hiện qua dự án Colored Coins trên blockchain Bitcoin. Mặc dù còn hạn chế về tính năng, đây là tiền đề cho ý tưởng "token không thể thay thế".
2017: NFT gây chú ý với CryptoPunks & CryptoKitties
2017 là cột mốc cực kỳ quan trọng đối với NFT với sự xuất hiện của những bộ sưu tập đầu tiên, nổi tiếng nhất là:
- CryptoPunks: Bao gồm 10.000 punks dưới dạng pixel art, được phát hành miễn phí trên Ethereum, nay có giá từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD/NFT.
- CryptoKitties: Các NFT đại diện cho những chú mèo ảo trong trò chơi CryptoKitties từng làm nghẽn cả mạng Ethereum, lần đầu tiên giới thiệu khái niệm NFT đến cộng đồng.

2018–2019: NFT mở rộng
Với sự xuất hiện của nhiều nền tảng hỗ trợ tạo và mua bán NFT như OpenSea, SuperRare, Rarible,... NFT được ứng dụng trong game Web3, sưu tầm nghệ thuật, âm nhạc, tuy nhiên vẫn chỉ là một thị trường nhỏ.
2020–2021: Thời kỳ bùng nổ của NFT
2021 là năm diễn ra cơn sốt NFT trên toàn cầu, đồng thời cũng là năm tăng giá mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm hiện tại. Một số hoạt động đáng chú ý trên thị trường NFT trong giai đoạn này bao gồm:
- Các thương hiệu lớn như Adidas, Coca-Cola, Gucci “đua nhau” tham gia NFT.
- Sự ra đời của các bộ sưu tập nổi tiếng như Bored Ape Yacht Club (BAYC), Art Blocks, cùng hàng loạt nền tảng NFT mới.
- Nghệ sĩ Beeple bán tác phẩm tranh NFT với giá 69 triệu USD tại phiên đấu giá của Christie's.

2022–2023: Giai đoạn giảm nhiệt và điều chỉnh
Giá phần lớn bộ sưu tập NFT lao dốc cùng với thị trường Crypto trong giai đoạn downtrend. Tuy vậy, các dự án chất lượng và có cộng đồng mạnh vẫn tiếp tục phát triển. Đợt thanh lọc này cũng chính thức đưa NFT phát triển từ “cơn sốt đầu cơ” sang ứng dụng thực tế và bền vững hơn.
2024 đến nay: Tái định hình và mở rộng quy mô
NFT tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực âm nhạc, game Web3, bằng cấp, chứng chỉ, vé sự kiện,... Nhiều NFT còn được tích hợp thêm tiện ích thay vì chỉ là tài sản số sưu tầm, ví dụ: dùng để quản lý DAO, truy cập nội dung độc quyền, điều kiện nhận airdrop,...
Đặc biệt, NFT đã xuất hiện nhiều hơn trên các blockchain khác ngoài Ethereum, tiêu biểu là Solana, các mạng Layer 2, thậm chí cả trên Bitcoin (với Ordinals).
NFT hoạt động như thế nào?
NFT được tạo ra thông qua quá trình gọi là minting (đúc), tức là đưa một tài sản kỹ thuật số lên on-chain, cụ thể theo quy trình:
- Người tạo NFT (creator) chuẩn bị tài sản (dạng file kỹ thuật số) cùng với metadata (tên, mô tả, thuộc tính...).
- Creator gửi một giao dịch đến smart contract để yêu cầu mint NFT.
- Một block mới được tạo trên blockchain, chứa thông tin về NFT như địa chỉ người tạo, ID token, metadata… Chúng được mã hóa và xác thực bởi các validator.
- NFT được ghi nhận vĩnh viễn trên blockchain và không thể thay đổi.
- Mỗi NFT đi kèm với một smart contract để gán quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số và quản lý việc chuyển nhượng trong tương lai.

Đặc biệt, các NFT có thể “lai tạo” với nhau để tạo ra một NFT mới dựa trên cơ chế "breeding". Tính năng đặc biệt này được sử dụng phổ biến trong các dự án game hoặc bộ sưu tập, điển hình như CryptoKitties khi người chơi có thể ghép nối các chú mèo ảo lại với nhau.
Đặc điểm của NFT
- Tính độc nhất: Mỗi NFT là một tài sản kỹ thuật số duy nhất, mang đặc điểm riêng biệt không trùng lặp với bất kỳ NFT nào khác, kể cả khi chúng thuộc cùng một bộ sưu tập. Ví dụ như CryptoPunk #3100 và CryptoPunk #7804 đều thuộc CryptoPunks, nhưng khác nhau hoàn toàn về ngoại hình, độ hiếm và giá trị.
- Không thể phân chia: Không giống như Bitcoin chia nhỏ thành 100 triệu đơn vị satoshi, NFT không thể phân tách. Chúng ta không thể mua “nửa con mèo” trong CryptoKitties hay “1/10 bức tranh” trong Beeple's Everydays.
- Tính khan hiếm được lập trình: Số lượng NFT được giới hạn sẵn trong smart contract, điều này tạo nên giá trị sưu tầm và tính khan hiếm. Ví dụ, chỉ có 10.000 NFT Bored Ape và không thể mint thêm trong tương lai.
- Gắn liền với metadata: Không chỉ là token, NFT còn chứa liên kết đến hình ảnh, video, âm thanh, cùng các dữ liệu mô tả đi kèm (metadata). Những yếu tố này tạo nên giá trị độc đáo của mỗi NFT. Chẳng hạn như trong game Web3, metadata trong NFT là thông tin chỉ số sức mạnh, level, công dụng của vật phẩm, đặc điểm ngoại hình nhân vật,…
- Giao dịch tự do: Chủ sở hữu NFT có thể mua bán, chuyển nhượng hoặc đấu giá NFT trên các marketplace như OpenSea, Blur, Magic Eden,...

Ứng dụng của NFT
NFT đang dần được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật, giải trí, tài chính, giáo dục, đến danh tính cá nhân, metaverse,…
- Nghệ thuật số: Mua hoặc bán các tác phẩm nghệ thuật trực tiếp, không cần qua các bên trung gian như phòng tranh hoặc công ty đấu giá như cách thức thông thường. Ví dụ: Bộ sưu tập CryptoPunks của Larva Labs được mua bán trực tiếp trên OpenSea, các giao dịch diễn ra trên blockchain Ethereum.
- Sưu tầm: Tương tự như tem hay thẻ bài truyền thống, NFT là vật phẩm kỹ thuật số có giá trị sưu tầm. Ví dụ: NBA Top Shot là bộ sưu tập NFT dạng video highlight các khoảnh khắc bóng rổ nổi bật từ NBA, chẳng hạn như một pha dunk của LeBron James. Fan hâm hộ mua các NFT này để sở hữu hoặc giao dịch, giống như sưu tầm tem hay thẻ Pokémon.
- Game Web3: NFT được dùng để đại diện cho vật phẩm và nhân vật trong game, cho phép người chơi thực sự sở hữu tài sản và tự do mua bán. Ví dụ: Trong game Axie Infinity, các nhân vật (Axies) và vật phẩm như đất đai đều là NFT. Người chơi có thể mua, nuôi, chiến đấu hoặc bán Axies trên thị trường.
- Âm nhạc: Nghệ sĩ có thể phát hành bài hát, album, hoặc vé concert dưới dạng NFT. Họ cũng nhận được phần trăm doanh thu khi các NFT này được giao dịch trên thị trường. Ví dụ: Nghệ sĩ Kings of Leon phát hành album "When You See Yourself" dưới dạng NFT vào năm 2021 trên nền tảng YellowHeart. Ngoài nhạc, NFT còn bao gồm vé VIP cho concert và phiên bản limited của album.
- Vé membership: NFT dùng làm vé tham gia sự kiện, truy cập và sử dụng nội dung độc quyền hoặc trở thành hội viên. Ví dụ: Mỗi NFT Bored Ape là một vé thành viên để tham gia các sự kiện độc quyền, như bữa tiệc riêng tại Miami hoặc các buổi hòa nhạc, gặp gỡ người nổi tiếng.
- Bất động sản số: NFT đại diện cho quyền sở hữu đất ảo trong metaverse, nơi người dùng có thể xây dựng, cho thuê hoặc mua bán. Ví dụ: Trong metaverse của Decentraland, người dùng có thể mua các lô đất ảo dưới dạng NFT, sau đó xây dựng cửa hàng, phòng triển lãm, hoặc cho thuê đất để kiếm lợi nhuận.
- Chứng chỉ, bằng cấp và danh tính số: NFT có thể dùng làm bằng cấp, chứng nhận hoặc hồ sơ danh tính trên Web3. Ví dụ: Trường MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã thử nghiệm phát hành bằng cấp dưới dạng NFT trên blockchain vào năm 2017. Sinh viên nhận có thể chia sẻ NFT này với nhà tuyển dụng để xác thực mà không cần qua trung gian.
- DeFi: NFT sẽ được thế chấp để vay vốn trong các ứng dụng DeFi. Ví dụ: Aavegotchi là một kết hợp NFT và DeFi, cho phép người dùng thế chấp các NFT Aavegotchi trên các giao thức DeFi như Aave để vay stablecoin.
4 lý do khiến NFT trở thành cơn sốt toàn cầu
2021 là năm chứng kiến NFT trở thành cơn sốt trên phạm vi toàn cầu nhờ sự mới mẻ, sáng tạo, đặc biệt là “được PR” bởi các thương hiệu và người nổi tiếng.
Giải pháp đầy sáng tạo và thực tiễn
NFT mang đến giải pháp có tính ứng dụng thực tiễn cao khi giải quyết nhu cầu cấp bách.
Với NFT, các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền trực tiếp từ tác phẩm của họ mà không cần qua trung gian. Đồng thời xác nhận quyền sở hữu duy nhất đối với tài sản kỹ thuật số thông qua công nghệ blockchain, giải quyết vấn đề giả mạo và vi phạm bản quyền trên internet.
Tác phẩm "Everydays: The First 5000 Days" của nghệ sĩ Beeple từng được bán với giá 69,3 triệu USD vào tháng 3/2021, đánh dấu lần đầu tiên một tác phẩm nghệ thuật số hóa đạt giá trị tương đương với tác phẩm nghệ thuật vật lý truyền thống.
Cơ hội đầu tư với lợi nhuận cao
Thị trường NFT mở ra cơ hội đầu tư mới với tiềm năng sinh lời hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư lẫn nhà sáng tạo nghệ thuật.
Bộ CryptoPunks, gồm 10.000 hình ảnh pixel độc nhất, ban đầu phát hành miễn phí nhưng sau đó một số đã được bán với giá hàng triệu USD. Điển hình nhất là NFT CryptoPunk #7523, bán với giá 11,8 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s vào tháng 6/2021.
Chất xúc tác từ các thương hiệu và người nổi tiếng
Sự tham gia của các thương hiệu lớn và người nổi tiếng đã tạo thêm niềm tin cho cộng đồng, thổi bùng cơn sốt NFT lên đến đỉnh điểm:
- Coca-Cola phát hành bộ sưu tập NFT đầu tiên và thu về hơn 575.000 USD từ việc bán đấu giá.
- Nike mua lại startup RTFKT Studios - đơn vị chuyên tạo NFT giày và thời trang số, sau đó phát hành dòng "Cryptokicks" và có đôi đã bán với giá lên tới 134.000 USD.
- Adidas hợp tác với BAYC, Punks Comic và gmoney để phát hành NFT "Into the Metaverse". Hơn 22 triệu USD được thu về chỉ trong vòng vài giờ sau khi mint.
- Messi hợp tác với Ethernity để phát hành bộ NFT "Messiverse". Ronaldo bắt tay với Binance để phát hành NFT cá nhân hóa.

Sự bùng nổ của thị trường Crypto
2021 cũng là năm thị trường Crypto đạt đỉnh chu kỳ uptrend, với tổng vốn hóa thị trường lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021. Bitcoin đạt mức ATH (tại thời điểm đó) gần 69.000 USD, ETH cũng chạm mốc hơn 4.800 USD.
Đây là giai đoạn mà các trend lớn liên tục xuất hiện và nhanh chóng bùng nổ, trong đó NFT là một ví dụ điển hình. Tương tự như DeFi, GameFi hay Metaverse vào thời điểm trước, NFT đã trở thành một lĩnh vực thu hút lượng lớn dòng tiền đổ vào.
NFT Marketplace
Đây là nơi mà các NFT được mua bán, trao đổi hoặc đấu giá. Nó hoạt động giống như một "sàn", nhưng thay vì giao dịch Crypto thì người ta mua bán tác phẩm nghệ thuật số, video, âm nhạc, vật phẩm game, domain ảo, và nhiều tài sản số hóa khác.
NFT marketplace hoạt động như sau:
- Người tạo nội dung (creator) tạo ra một tài sản số (ví dụ một bức tranh định dạng PNG).
- Họ "đúc" (mint) tài sản đó thành một NFT trên blockchain.
- NFT sau đó niêm yết trên các NFT Marketplace (như OpenSea, Blur, Magic Eden, Rarible...).
- Người dùng mua, đấu giá hoặc sưu tầm các NFT này bằng cách thanh toán Crypto (thường là ETH, SOL...).
Một số nền tảng NFT marketplace được sử dụng phổ biến (dữ liệu lấy từ DappRadar tại thời điểm viết bài ngày 08/05/2024):
OpenSea
OpenSea là sàn giao dịch NFT lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại, hỗ trợ đa chuỗi (Ethereum, Polygon, Arbitrum...). Giao diện thân thiện, phù hợp cho cả người mới lẫn dân sưu tầm chuyên nghiệp.
- Volume 24h: 3,76M$
- Traders: 13.200

Blur
Blur thiết kế dành cho các nhà giao dịch NFT cấp độ chuyên gia (pro trader), với giao diện nhanh, nhiều công cụ phân tích và hệ thống giúp tăng thanh khoản nhanh chóng.
- Volume 24h: 2M$
- Traders: 870

Magic Eden
Magic Eden là NFT marketplace top 1 của hệ sinh thái Solana, sau đó dần mở rộng sang nhiều chain khác như Ethereum, Bitcoin Ordinals, Base,... Ưu điểm của sàn này là giao diện mượt, nhiều bộ sưu tập độc quyền và tích hợp mint NFT trực tiếp.
- Volume 24h: 402K$
- Traders: 1.410

Cách tạo bộ sưu tập, mint và giao dịch NFT
Cách dễ nhất để tạo và giao dịch NFT cho người mới là sử dụng marketplace, vì hầu hết các nền tảng này đều cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết.
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cách tạo và chuyển nhượng NFT trên Magic Eden. Nếu sử dụng các sàn khác thì cũng có thể tham khảo vì chúng khá tương đồng nhau.
Cách tạo NFT
Bước 1: Truy cập trang chủ Magic Eden, sau đó bấm vào Log in để kết nối ví.
Bước 2: Vào Create/NFT Collection, bấm vào Create New Collection.
Bước 3: Chọn Chain muốn sử dụng, ở đây mình ví dụ với Monad Testnet, sau đó điền các thông tin yêu cầu:
- Name: tên bộ sưu tập NFT
- Symbol: Ký hiệu NFT
- Collection Image: Ảnh đại diện
- Description: Mô tả
- Drop your artwork here to upload: Tải lên hình ảnh tác phẩm nghệ thuật
- Mint Price: Đặt giá cho mỗi NFT.
- Royalty Fee: % phí bản quyền mà anh em sẽ nhận được khi có người mint NFT.
- Max Supply: Số NFT tối đa cần tạo.
- Mint Limit per Wallet: Giới hạn số NFT cho phép mint trên mỗi ví.
- Sau khi điền hết thông tin, bấm vào Publish on Monad Testnet.
Bước 4: Ký các yêu cầu xác nhận trên ví cho đến khi hoàn thành 2 step là done!
NFT sau khi tạo sẽ tự động list lên Magic Eden Marketplace để cho phép mọi người vào mint.
Cách mint NFT
Bước 1: Vào mục Mint/Mint Terminal, sau đó tìm kiếm và chọn bộ NFT muốn mint.
Bước 2: Bấm vào Mint, ký các yêu cầu xác nhận trên ví là done!
Cách giao dịch NFT
Bước 1: Vào mục Trade/NFTs, sau đó tìm kiếm và chọn NFT muốn mua/ bán.
Bước 2: Chọn số lượng NFT muốn mua, bấm vào Buy with MON, sau đó ký các yêu cầu xác nhận trên ví là done!
Những rủi ro liên quan đến NFT
Bên cạnh khả năng ứng dụng thực tiễn, NFT cũng chứa đựng nhiều rủi ro mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý:
Rủi ro scam, rug pull
Thị trường NFT không còn mới nhưng khung pháp lý chưa rõ ràng, khiến nhiều đối tượng xấu lợi dụng để tạo dự án giả, hứa hẹn lợi nhuận rồi rug pull. Ngoài ra, còn tồn tại các hình thức scam khác như giả mạo nghệ sĩ, hoặc bán lại tác phẩm bị đánh cắp.
Từng có tới 87.000 NFT dựa trên các tác phẩm của nghệ sĩ Aja Trier được rao bán trên OpenSea mà không có sự cho phép - theo Theguardian.
Biến động giá lớn và mang tính đầu cơ cao
Giá trị của nhiều NFT phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng thị trường và tâm lý cộng đồng, thay vì giá trị nội tại hay ứng dụng thực tế. Khi nhu cầu tăng, giá có thể tăng vọt, nhưng khi mất nhiệt, giá cũng rơi tự do mà không biết đâu là đáy.
Dự án Pixelmon từng thu về hơn 70 triệu USD qua hình thức pre-mint vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm thật được công bố với chất lượng đồ họa tệ hại, giá trị NFT giảm hơn 90% chỉ trong vài tuần - theo Fastcompany.

Hiểu nhầm về quyền sở hữu và bản quyền
Nhiều người mua NFT lầm tưởng rằng họ sở hữu bản quyền của tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Thực tế là họ chỉ có quyền sở hữu của bản sao kỹ thuật số duy nhất được ghi nhận trên blockchain.
Hầu hết NFT không đi kèm bản quyền gốc, trừ khi có thỏa thuận rõ ràng từ tác giả. Điều này dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý và làm giảm uy tín của thị trường NFT.
Ví dụ, bất kỳ ai cũng có thể mua một bức tranh NFT, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ được dùng nó để in lên áo, làm poster quảng cáo, hay cho một bên khác khai thác sử dụng. Tóm lại, NFT chỉ đại diện cho quyền sở hữu tác phẩm đó trên blockchain, không đi kèm với quyền tác giả hay bản quyền hình ảnh.
Tương lai của NFT
Sau một năm 2021 bùng nổ, NFT đã không biến mất như một cơn sốt tạm thời mà đang chuyển dịcdịch thành một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng Web3.
Báo cáo của McKinsey dự đoán rằng đến năm 2030, việc xác minh quyền sở hữu các tài sản kỹ thuật số, từ avatar, tác phẩm nghệ thuật, tài liệu cá nhân đến đất ảo, sẽ trở thành tiêu chuẩn mặc định trong metaverse. Do đó, NFT sẽ là chìa khóa để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch và đáng tin cậy.
Lĩnh vực Web3 gaming là nơi NFT phát triển mạnh nhất. Các tài sản trong game như skin, vật phẩm, đất ảo… ngày càng phổ biến dưới dạng NFT. Fortune Business Insights dự báo rằng thị trường Web3 gaming sẽ đạt 614,91 tỷ USD vào năm 2030, tăng từ 128,62 tỷ USD năm 2022, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 21,8% trong giai đoạn 2023–2030.
Hơn nữa, theo dự báo từ Fact.MR, quy mô thị trường khả năng đạt đến 407,7 tỷ USD vào năm 2034, với CAGR 23% trong giai đoạn 2024-2034. Như vậy có thể thấy, cùng với metaverse và Web3 gaming thì NFT còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Một xu hướng mới mẻ khác là sự kết hợp giữa NFT và AI. Các dự án như Altered State Machine hay CharacterGPT đang phát triển những NFT không chỉ là hình ảnh, mà còn là một “thực thể sống”, đại diện cho một AI Agent có khả năng học hỏi, tương tác và tiến hóa theo thời gian.
NFT trong tương lai có thể là danh tính số, là bản sao của chính con người trong thế giới ảo. Nó hoạt động độc lập như một trợ lý AI trong metaverse hoặc trong các trò chơi.
Nói tóm lại, NFT đang dần thoát khỏi hình ảnh một công cụ đầu cơ để trở thành nền tảng hạ tầng dành cho quyền sở hữu, định danh số, và tương tác cá nhân hóa. Nếu như Web3 là tương lai của Internet thì NFT sẽ là chứng nhận sở hữu của mọi thứ trong đó.
Câu hỏi thường gặp về NFT
1. NFT là gì?
NFT (Non-Fungible Token) là tài sản đại diện cho quyền sở hữu duy nhất của hình ảnh, video, âm nhạc,... được ghi lại trên blockchain.
2. NFT có thể bị copy không?
Về hình ảnh đại diện thì có thể bị copy, nhưng quyền sở hữu thì không, NFT có giá trị tương tự như một chứng nhận bản quyền trong thế giới thực.
3. Mint NFT là gì?
Mint NFT là quá trình tạo và ghi lại vĩnh viễn dữ liệu về NFT trên blockchain.
4. Mua bán NFT ở đâu?
Có nhiều thị trường NFT như OpenSea, Blur, Magic Eden,... cho phép người dùng tự do mua bán mà không cần qua trung gian.
5. NFT có phải là một khoản đầu tư tốt không?
NFT tăng giá rất nhanh nhưng cũng đầy rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn thị trường giảm. Do dó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư.
Trên đây là tất cả những thông tin, phân tích và nhận định của Block24 về chủ đề NFT. Hy vọng bài viết này đã giúp anh em hiểu được NFT là gì cũng như đặc điểm, ứng dụng và tiềm năng trong tương lai của NFT. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để Block24 giải đáp nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Tham khảo:
- Token không thể thay thế. (2024 08/13). https://vi.wikipedia.org/wiki/Token_không_thể_thay_thế
Bình luận