Coin và Token là những khái niệm cơ bản nhất trong Crypto. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng không phải tất cả mọi nhà đầu tư đều hiểu rõ các khái niệm này, nhất là những người mới.
Vậy Coin là gì và Token là gì? Làm thế nào để phân biệt Coin và Token trong thị trường Crypto? Anh em hãy cùng Block24 tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
Coin là gì và Token là gì?
Coin là một dạng tiền điện tử (hay tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, Crypto) hoạt động trên blockchain riêng (Layer 1). Nó thường được sử dụng như một phương tiện trao đổi, lưu trữ giá trị hoặc để thanh toán phí giao dịch trong hệ sinh thái của blockchain đó. Mỗi blockchain chỉ có 1 đồng coin duy nhất.
Ví dụ về coin:
- Bitcoin (BTC): Hoạt động trên blockchain Bitcoin, chủ yếu được sử dụng làm tài sản lưu trữ giá trị.
- Ethereum (ETH): Mọi giao dịch trên blockchain Ethereum đều cần ETH để thanh toán phí (phí gas).
- Binance Coin (BNB): Hoạt động trên BNB Chain, ngoài chức năng lưu trữ giá trị và trả phí gas, BNB còn được sử dụng để giảm phí giao dịch trên sàn Binance và nhiều ứng dụng khác.

Nếu như Coin có blockchain riêng thì token lại được phát hành trên các blockchain có sẵn, phổ biến nhất là Ethereum, BNB Chain và Solana. Mỗi blockchain có thể chứa vô số token.
Ví dụ về token:
- Chainlink (LINK), Uniswap (UNI): Hoạt động trên blockchain Ethereum.
- FLOKI (FLOKI), PancakeSwap (CAKE): Hoạt động trên BNB Chain.
- Pyth Network (PYTH), USDC (USDC): Hoạt động trên blockchain Solana.
Cách phân biệt Coin và Token
Có 4 cách phân biệt như sau:
Nền tảng Blockchain
Như đã đề cập ở trên, Coin hoạt động trên blockchain riêng và là đơn vị tiền tệ gốc của mạng lưới. Ngược lại, token không có blockchain riêng mà được phát hành trên một (hoặc nhiều) blockchain có sẵn.
Ví dụ: SOL chỉ hoạt động trên mạng Solana, nhưng token USDC có thể hoạt động trên cả Solana, Ethereum, BNB Chain, Sui,...
Chức năng và mục đích sử dụng
Coin chủ yếu đóng vai trò như một tài sản lưu trữ giá trị (như BTC), phương tiện thanh toán và dùng để trả phí gas trên mạng lưới blockchain của nó (như ETH). Trong khi token có nhiều ứng dụng hơn, cụ thể là:
- Governance Token (như Uniswap): Cho phép chủ sở hữu token bỏ phiếu cho các quyết định thay đổi trong giao thức Uniswap.
- Utility Token (như Aave): Dùng để thế chấp, vay và cung cấp thanh khoản trong hệ sinh thái DeFi.
- Stablecoin (như USDT): Đại diện cho USD kỹ thuật số, giúp giao dịch nhanh và tránh khỏi tác động của biến động giá.
- RWA (Real-World Assets) Token: Một số dự án như Ondo Finance (ONDO) hoặc MakerDAO (MKR) token hóa tài sản thực như trái phiếu, bất động sản để giao dịch trên blockchain.
Tính độc lập và phụ thuộc
Coin có tính độc lập, bởi vì các dự án blockchain Layer 1 (L1) toàn quyền kiểm soát mạng lưới, xác định cơ chế đồng thuận, bảo mật, và quản trị. Chẳng hạn như Bitcoin với cơ chế PoW riêng, không phụ thuộc vào mạng lưới nào khác.
Ngược lại, token phụ thuộc vào blockchain L1, chịu sự chi phối bởi các quy tắc và điều kiện do L1 đặt ra. Ví dụ như MKR, token quản trị của MakerDAO, hoàn toàn dựa trên blockchain Ethereum (phụ thuộc tốc độ, phí,...) để vận hành smart contract stablecoin DAI.
Phương thức tạo ra
Coin thường được tạo ra từ việc khai thác (mining) (như BTC, LTC) hoặc staking trên blockchain (như ETH, SOL). Trong khi đó, token được tạo ra một cách đơn giản hơn thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) mà không cần xây dựng một blockchain mới. Lấy ví dụ với USDC, token này được phát hành bởi Circle thông qua smart contract trên Ethereum, BNB Chain,... mà không cần mining hay staking.
Để dễ hình dung hơn về sự khác biệt giữa Coin và Token, anh em có thể xem bảng so sánh tóm gọn sau:

Lịch sử và nguồn gốc của Coin
Khái niệm về Coin gắn liền với sự ra đời của công nghệ blockchain và sự phát triển của thị trường Crypto.
Đồng Coin đầu tiên là Bitcoin, được tạo ra vào năm 2009 bởi Satoshi Nakamoto - một cá nhân hoặc tổ chức cực kỳ bí ẩn mà đến nay vẫn chưa rõ danh tính. Sau Bitcoin, nhiều blockchain và đồng Crypto mới đã ra đời với những cải tiến riêng.
Năm 2015, Ethereum (ETH) được ra mắt bởi Vitalik Buterin, mở ra kỷ nguyên của smart contract và ứng dụng phi tập trung (dApp).
Sẽ không quá khi nói rằng, Ethereum chính là ngòi nổ giúp giúp blockchain và thị trường Crypto phát triển rực rỡ để có được vị thế như ngày hôm nay.
Nhưng Crypto không chỉ giới hạn ở Bitcoin hay Ethereum mà còn mở rộng sang nhiều hệ sinh thái khác như Binance Coin (BNB), Solana (SOL), Avalanche (AVAX),... Mỗi blockchain có đồng Coin riêng để duy trì hoạt động mạng lưới và phục vụ các mục đích khác nhau.
Theo thống kê từ CoinGecko tính đến ngày 4/3/2025, có khoảng 17 nghìn đồng Crypto đang lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, con số này trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Phân loại Coin/Token
Dù không khác nhiều về công nghệ cốt lõi nhưng đã có sự phân chia rõ rệt giữa Bitcoin và phần còn lại của thị trường. Điều này một phần nhằm tôn vinh “tầm vóc” và sự khác biệt của Bitcoin.
- Bitcoin: Đồng tiền điện tử đầu tiên ra đời, nổi tiếng và phổ biến nhất, có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất trên thị trường.
- Altcoin: Khái niệm dùng để chỉ tất cả các đồng Crypto khác ngoài Bitcoin.
Với Altcoin, chúng ta có một số cách phân loại phổ biến sau đây:
- Coin nền tảng: Đây là các đồng Crypto chạy trên blockchain L1, dùng làm phương tiện thanh toán và trả phí gas, giúp duy trì hoạt động của mạng lưới. Ví dụ: ETH, SOL,...
- Stablecoin: Là các đồng Crypto được thiết kế để duy trì giá trị ổn định quanh 1 USD. Ví dụ: USDT, USDC,...
- Memecoin: Là các đồng Crypto xuất phát từ meme, mang tính cộng đồng với sự hài hước, giải trí, một hệ tư tưởng,... Ví dụ: DOGE, PEPE,...
- Coin sàn: Là các đồng Crypto do sàn giao dịch tập trung (CEX) phát hành. Ví dụ: BNB (của sàn Binance), BGB (của sàn Bitget),...
- Coin low cap, mid cap, big cap (top Coin): Lần lượt là các đồng Coin/Token có giá trị vốn hóa bé, vừa và lớn (top đầu thị trường).
- Shit Coin: Là các đồng Crypto scam, rác rưởi và không nên đầu tư. Dạng này tùy theo trường hợp cụ thể và nhận định của mỗi người chứ không có khuôn khổ rõ ràng.
Ngoài ra, Coin/Token còn có thể được phân loại theo:
- Hệ sinh thái blockchain: Ethereum (ETH, UNI, LINK,...), Solana (SOL, PYTH,...), BNB Chain (BNB, CAKE,...),....
- Loại blockchain: L1 (BTC, ETH, SOL,...), L2 (ARB, OP,...),...
- Lĩnh vực hoạt động: AI (FET, TAO,...), RWA (ONDO, OM,...), Gaming (IMX, RON,...),...
- Quốc gia: Mỹ (SOL, XRP,...), Trung Quốc (NEO, CFX,...),...

Ưu và nhược điểm của Coin/Token
Một số ưu và nhược điểm của Coin có thể kể đến như:
Ưu điểm
- Phi tập trung & không cần trung gian: Tiền điện tử hoạt động trên blockchain phi tập trung, loại bỏ sự kiểm soát của ngân hàng hoặc chính phủ, từ đó giảm chi phí giao dịch và tăng tính minh bạch.
- Bảo mật cao: Công nghệ blockchain với cơ chế mã hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ giao dịch khỏi gian lận, giả mạo và hacker.
- Giao dịch nhanh chóng & xuyên biên giới: Dễ dàng gửi và nhận Crypto trên toàn cầu trong thời gian ngắn, không bị giới hạn bởi giờ làm việc ngân hàng hay khoảng cách địa lý.
- Chi phí thấp: So với hệ thống tài chính truyền thống, phí giao dịch Crypto thường rẻ hơn, đặc biệt khi sử dụng các blockchain có phí thấp như Solana hay BNB Chain.
- Tính minh bạch & công khai: Mọi giao dịch đều được ghi lại trên blockchain, không thể chỉnh sửa hay làm giả dữ liệu và ai cũng có thể kiểm tra.
- Khả năng lưu trữ giá trị: Bitcoin được xem là “vàng kỹ thuật số” do tính khan hiếm (nguồn cung giới hạn 21 triệu BTC) và khả năng chống lạm phát.
Nhược điểm
- Biến động giá mạnh: Giá trị các đồng Crypto có thể thay đổi rất nhanh trong thời gian ngắn, đây là rủi ro khi đầu tư Crypto.
- Vẫn còn hạn chế về phí và tốc độ giao dịch: Một số blockchain như Bitcoin hay Ethereum có thời gian xử lý giao dịch lâu và phí cao, nhất là khi mạng lưới tắc nghẽn.
- Khó tiếp cận với người mới: Việc tham gia thị trường Crypto đòi hỏi hiểu biết về ví tiền mã hóa, khóa cá nhân, bảo mật, cách thức giao dịch,... Điều này khiến nhiều người e ngại.
- Mất khóa cá nhân đồng nghĩa với mất tài sản: Nếu anh em quên hoặc làm mất khóa riêng tư (private key) thì sẽ không thể khôi phục lại số Coin trong ví.
- Rủi ro pháp lý & quy định: Một số quốc gia chưa công nhận hoặc có các quy định nghiêm ngặt với Crypto.
Top 5 đồng Coin/Token hàng đầu hiện nay
5 đồng Coin/Token hàng đầu với giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường tính đến thời điểm viết bài (ngày 1/3/2025) bao gồm:
- Bitcoin (BTC): Đồng tiền mã hóa đầu tiên và lớn nhất, được ví như là “vàng kỹ thuật số” nhờ tính khan hiếm và khả năng lưu trữ giá trị lâu dài. BTC hoạt động trên blockchain riêng với cơ chế Proof of Work (PoW), giúp đảm bảo tính phi tập trung và bảo mật cao.
- Ethereum (ETH): Hoạt động trên blockchain đầu tiên và phổ biến nhất dành cho smart contract và dApps, ETH đóng vai trò như "nhiên liệu" để vận hành mạng lưới Ethereum. Nếu như BTC là “vua” thì ETH chính là “hoàng hậu” của thị trường Crypto.
- Tether (USDT): Đồng stablecoin lớn nhất, được neo giá 1:1 với USD. USDT giúp giảm thiểu biến động giá trong giao dịch crypto, đồng thời đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với DeFi (tài chính phi tập trung).
- XRP (XRP): Đồng coin do công ty Ripple phát triển nhằm phục vụ chuyển tiền quốc tế nhanh chóng, chi phí thấp và tuân thủ pháp lý. XRP từng gây tranh cãi vì quá tập trung, do ngân hàng và các tổ chức tài chính kiểm soát.
- Binance Coin (BNB): Được phát hành bởi Binance - sàn giao dịch Crypto top 1 hiện nay. Ngoài vai trò tương tự như BTC và ETH, BNB còn được sử dụng để giảm phí giao dịch trên Binance và tham gia các dự án launchpad, launchpool.

Cơ hội và rủi ro khi đầu tư Coin/Token
Bất kỳ mảng đầu tư tài chính nào cũng đều ẩn chứa những cơ hội và rủi ro, Crypto cũng không ngoại lệ.
Cơ hội
- Thay đổi vị thế khi đầu tư dài hạn: BTC, ETH đã có mức tăng trưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần sau nhiều năm. BTC từng có giá dưới 1$ vào năm 2010 và đạt đỉnh hơn 100k$ vào năm 2024.
- Tự do kiểm soát tài chính: Việc sử dụng và đầu tư Crypto giúp chúng ta kiểm soát tài sản mà không cần qua ngân hàng hay tổ chức tài chính truyền thống.
- Chống lạm phát, lưu trữ giá trị: Điển hình là Bitcoin với nguồn cung giới hạn 21 triệu đồng, khiến nó trở thành một dạng "vàng kỹ thuật số" chống lại lạm phát, có tiềm năng trở thành một loại tài sản trú ẩn an toàn.
- Giao dịch nhanh chóng trên toàn cầu: Việc giao dịch Crypto thường diễn ra nhanh chóng, đơn giản và phí thấp hơn nhiều so với hệ thống tài chính, ngân hàng truyền thống.

Rủi ro
- Biến động giá mạnh: Thị trường Crypto nổi tiếng với mức độ biến động giá mạnh, giá các đồng tiền điện tử có thể dao động cực lớn trong thời gian ngắn. Ví dụ, BTC đã từng giảm từ 69k$ xuống dưới 16k$ chỉ trong một năm (2021-2022).
- Chính sách pháp lý chưa rõ ràng: Một số quốc gia có quy định nghiêm ngặt với crypto, làm hạn chế khả năng tiếp cận. Ví dụ: Trung Quốc cấm giao dịch crypto từ năm 2017, SEC thường xuyên điều tra các dự án blockchain.
- Vấn đề bảo mật và rủi ro hack: Nhiều vụ tấn công sàn giao dịch lớn như Mt. Gox (2014), hay sự sụp đổ của FTX (2022) từng khiến nhà đầu tư mất hàng tỷ USD.
- Dễ bị tác động bởi tâm lý thị trường: Giá cả các đồng Coin/Token rất dễ bị ảnh hưởng lớn bởi tin tức và tâm lý nhà đầu tư. Nhiều người dễ bị cuốn vào FOMO khi giá tăng mạnh hoặc FUD khi có tin tiêu cực, dẫn đến quyết định đầu tư không hợp lý và thua lỗ.
Coin và token là hai khái niệm cốt lõi mà anh em cần hiểu rõ khi tham gia thị trường Crypto. Mỗi loại có vai trò và ứng dụng riêng, được phân biệt rõ ràng bởi các tiêu chí. Hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng sẽ giúp anh em có chiến lược phù hợp, giúp tối ưu hóa lợi nhuận và quản lý rủi ro trong một thị trường đầy biến động như Crypto.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp anh em trả lời được câu hỏi Coin là gì và cách phân biệt Coin và Token trong thị trường Crypto. Nếu anh em có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Bình luận