Bạn có tin rằng chỉ với một chiếc ví Web3 và có kết nối internet, bạn có thể vay tiền, gửi tiết kiệm, giao dịch tài sản, thậm chí tham gia quản lý một tổ chức tài chính mà không cần qua ngân hàng hay bất kỳ ai cấp phép? Đây chính là thế giới tài chính phi tập trung (DeFi).
DeFi đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về tiền bạc và quyền kiểm soát tài chính cá nhân, nơi không ai kiểm soát bạn, mọi thứ diễn ra minh bạch, tự động và không cần tin ai ngoài… mã lập trình.
Vậy DeFi là gì? Tham gia DeFi là cơ hội hay rủi ro? Hãy cùng Block24 tìm hiểu trong bài viết sau!
DeFi là gì?
DeFi, viết tắt của Decentralized Finance (Tài chính phi tập trung), là một hệ thống tài chính hoàn toàn mới, nơi các giao dịch và dịch vụ tài chính diễn ra trực tiếp giữa user với nhau mà không cần thông qua trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán hay tổ chức tài chính truyền thống.
Khác với hệ thống tài chính tập trung vốn phụ thuộc vào sự quản lý của các tổ chức lớn và luật lệ từ nhà nước, DeFi được xây dựng trên blockchain, minh bạch và khó bị can thiệp. Nhờ vào các smart contract, toàn bộ quá trình như vay,cho vay, giao dịch, gửi tiết kiệm, bảo hiểm, thậm chí là phái sinh,... đều được tự động hóa và thực hiện một cách công khai, trustless.

Lịch sử phát triển của DeFi
Tài chính phi tập trung không xuất hiện một cách đột ngột, mà là kết quả của một quá trình phát triển dài hơi trong crypto, với nhiều dấu mốc quan trọng:
2015–2017: Giai đoạn đặt nền móng
Sự ra đời của Ethereum vào năm 2015 là bước ngoặt lớn cho DeFi, bởi Ethereum là blockchain đầu tiên hỗ trợ smart contract - yếu tố cốt lõi để xây dựng các dApp. Vào thời điểm này, các dự án như MakerDAO (ra mắt stablecoin phi tập trung DAI) đã đặt viên gạch đầu tiên cho mô hình DeFi sau này.
2018–2020: DeFi bắt đầu hình thành hệ sinh thái
Các giao thức như Uniswap (sàn DEX), Compound (lending) và Aave bắt đầu thu hút sự chú ý nhờ mô hình hoạt động hoàn toàn không cần trung gian. Dòng vốn đổ vào DeFi tăng nhanh, đi kèm với sự xuất hiện của khái niệm “yield farming” - hình thức kiếm lợi nhuận bằng cách cung cấp thanh khoản cho các giao thức.
2020–2021: “DeFi Summer” và thời kỳ bùng nổ
Mùa hè năm 2020, cộng đồng crypto chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các dự án tài chính phi tập trung. TVL tăng phi mã, từ vài trăm triệu USD lên hàng chục tỷ USD chỉ trong vài tháng. Các tên tuổi như SushiSwap, Yearn Finance hay Curve lần lượt ra đời, tạo nên một “cơn sốt” chưa từng có. Đây được xem là thời kỳ “DeFi Summer” - mùa hè rực rỡ của DeFi.
2022–2023: Sóng gió và tái cấu trúc
Sự sụp đổ của một số tổ chức lớn trong CeFi (như FTX, Celsius, 3AC…) khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào tài chính tập trung, từ đó tìm đến DeFi như một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, thị trường cũng trải qua cú sốc lớn, buộc các giao thức tài chính phi tập trung phải cải thiện về bảo mật, quản trị và tính bền vững lâu dài.
2024 đến nay: Sự hồi phục và hội nhập
DeFi đang dần trưởng thành hơn, không còn chỉ là nơi “kiếm lãi nhanh”, mà hướng đến sự ổn định và ứng dụng thực tế. Nhiều giao thức tích hợp với TradFi, các sản phẩm DeFi thân thiện hơn với người dùng ra đời, đồng thời xuất hiện xu hướng mới như RWA, restaking và modular DeFi.

Cách hoạt động của DeFi
Ba thành phần chính của DeFi
Blockchain, token/coin và smart contract là 3 thành phần chính không thể thiếu giúp DeFi hoạt động.

Blockchain
DeFi không thể tồn tại nếu thiếu blockchain, bởi vì đây là nơi ghi lại toàn bộ giao dịch, dữ liệu và trạng thái hệ thống. Các blockchain phổ biến hỗ trợ DeFi hiện nay gồm: Ethereum, Solana, Avalanche, BNB Chain…
Blockchain giúp đảm bảo:
- Tính minh bạch: Mọi giao dịch đều công khai.
- Tính phi tập trung: Không ai có thể kiểm soát hệ thống một cách độc quyền.
- Tính bảo mật: Dữ liệu không thể bị sửa đổi trái phép.
Token/Coin
Để giao dịch hay tương tác với các dApp DeFi, bạn sẽ cần sử dụng đồng coin của blockchain đó hoặc các token mà dApp hỗ trợ để thanh toán phí gas, ví dụ như:
- ETH với Ethereum
- SOL với Solana
- BNB với BNB Chain...
Ngoài ra, có một loại token đặc biệt được gọi là token quản trị, giúp user có quyền biểu quyết, đề xuất hoặc bỏ phiếu cho các thay đổi quan trọng trong giao thức tài chính phi tập trung.
Smart Contract
Smart contract là các đoạn mã chạy trên blockchain, thực thi mọi điều khoản đã được lập trình sẵn một cách tự động. Khi điều kiện được đáp ứng, hợp đồng sẽ tự thực hiện mà không cần ai can thiệp.
Nhờ smart contract, DeFi có thể hoạt động liên tục, không nghỉ, không cần con người điều hành và cũng không bị kiểm soát bởi một tổ chức nào.
DeFi Stack
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của tài chính phi tập trung, hãy cùng khám phá mô hình gồm 5 layer, được ví như kiến trúc của một tòa nhà DeFi bao gồm: Settlement Layer, Asset Layer, Protocol Layer, Application Layer và Aggregation Layer.
- Settlement Layer: Đây là blockchain gốc, nơi lưu trữ dữ liệu về quyền sở hữu và xử lý các thay đổi trạng thái. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum,..
- Asset Layer: Layer này bao gồm các tài sản tồn tại trên blockchain, từ coin gốc như ETH, BNB, SOL,... đến các token như USDC, UNI, AAVE….
- Protocol Layer: Đây là tầng mà các dApp được xây dựng, như Uniswap (DEX), Aave (lending), Synthetix (derivatives), Yearn (asset management)... Các giao thức này thường là các smart contract mở, có thể được truy cập bởi bất kỳ ai hoặc tích hợp vào bất kỳ app nào khác.
- Application Layer: Đóng vai trò kết nối user với dApp, thường thông qua các giao diện web như Aave, Curve, hay ví Web3 Metamask.
- Aggregation Layer: Nơi các nền tảng như Zapper, DeFiLlama, 1inch hay Instadapp tổng hợp dữ liệu, tích hợp nhiều giao thức và giúp user tối ưu hóa trải nghiệm: so sánh lãi suất, swap giá tốt nhất, theo dõi danh mục đầu tư…

Bản chất của tài chính phi tập trung
Tài chính phi tập trung là một trong những ứng dụng nổi bật nhất của công nghệ blockchain. Về bản chất, DeFi hoạt động hoàn toàn dựa trên mã lập trình và smart contract, nghĩa là không cần tin ai cả, chỉ cần tin vào mã code. Mô hình tài chính mới lạ này có những đặc điểm riêng biệt sau:
- Phi tập trung: Các giao dịch trong DeFi được thực hiện và xác thực bởi mạng lưới các node trên toàn cầu. User chính là người nắm quyền kiểm soát tài sản của mình, không cần phải thông qua ngân hàng hay bên thứ ba.
- Minh bạch: Bất cứ ai cũng có thể truy cập và xác minh thông tin, từ dòng tiền đến cách hoạt động của các DApps. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng độ tin cậy cho hệ thống.
- Không cần xin phép: DeFi mở cửa cho tất cả mọi người. Chỉ cần có internet và một ví Web3, bạn có thể truy cập vào hàng loạt dịch vụ tài chính mà không cần khai báo danh tính hay trải qua các thủ tục rườm rà (như KYC/AML).
- Ẩn danh: Không như ngân hàng yêu cầu bạn cung cấp tên tuổi, số CCCD hay địa chỉ, DeFi chỉ cần một địa chỉ ví là đủ để bạn sử dụng dịch vụ. Điều này giúp bảo vệ quyền riêng tư và danh tính cá nhân, đặc biệt trong thời đại dữ liệu cá nhân dễ bị khai thác.
- Tự quản lý tài sản: Thay vì gửi tiền vào ngân hàng, với DeFi, bạn nắm giữ toàn quyền tài sản của mình thông qua ví cá nhân. Mọi thao tác như gửi, rút hay giao dịch đều được thực hiện bởi chính bạn. Private key chính là "mật khẩu siêu cấp", bạn giữ thì tiền bạn an toàn, mất thì không ai giúp được.
- Chi phí thấp: Vì loại bỏ được bên trung gian, DeFi giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch. Không còn phải trả phí ngân hàng, không phải tốn công in hợp đồng hay xử lý thủ công.
- Smart Contract: Đây là những đoạn mã tự động thực thi điều khoản mà không cần con người can thiệp. Một khi hợp đồng được kích hoạt, không ai có thể thay đổi nó – mọi thứ minh bạch, công bằng và không thiên vị.

Ứng dụng của DeFi
DeFi không chỉ là một ý tưởng hay, mà đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực tài chính, từ đơn giản đến phức tạp:
- Giao dịch phi tập trung (DEX): Mua bán token mà không cần thông qua sàn tập trung, minh bạch và không cần tin tưởng bất kỳ ai. Ví dụ: Uniswap, Curve, Trader Joe…
- Cho vay và đi vay (Lending/Borrowing): User có thể gửi tài sản để nhận lãi, hoặc vay mà không cần qua xét duyệt. Mọi thứ tự động hóa qua smart contract. Các nền tảng như Aave, Compound dẫn đầu mảng này.
- Gửi tiết kiệm và kiếm lợi nhuận (Yield farming, staking): Tận dụng token để tạo thu nhập thụ động bằng cách stake, farm hoặc cung cấp thanh khoản.
- Tài sản phái sinh và dự đoán (Derivatives & Prediction markets): Tạo và giao dịch các hợp đồng mô phỏng giá tài sản thật, hoặc tham gia thị trường dự đoán kết quả sự kiện. Ví dụ: GMX, Synthetix, Polymarket…
- Stablecoin & thanh toán: Dùng stablecoin như USDC, DAI để giao dịch và lưu trữ giá trị ổn định, không lo biến động lớn như các token khác.
- Quản lý tài sản và danh mục đầu tư: Các giao thức như Yearn Finance hoặc Instadapp giúp tối ưu hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư trong DeFi.
- DAO: Mọi người có thể cùng nhau quản lý một dự án tài chính mà không cần một công ty đứng đầu, như MakerDAO hay Curve DAO.
- Mở rộng thị trường tài chính toàn cầu: Với DeFi, bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể tiếp cận dịch vụ tài chính – không phân biệt quốc gia, thu nhập hay tình trạng pháp lý.
Phân biệt CeFi vs DeFi
Dưới đây bảng so sánh những điểm khác biệt chính giúp bạn phân biệt giữa CeFi và DeFi.

Hệ sinh thái DeFi trên blockchain
Theo dữ liệu từ DefiLlama (cập nhật đến ngày 12/04/2025), tổng TVL của thị trường DeFi đã đạt hơn 96,35 tỷ USD. Trước đó, thời kỳ đỉnh cao của DeFi ghi nhận vào tháng 12/2021 với tổng TVL lên đến 215 tỷ USD.
Ngoài ra, tổng số vốn được huy động cho các dự án tài chính phi tập trung từ các quỹ đầu tư đã chạm mốc gần 113 tỷ USD, cho thấy sức hút mạnh mẽ của mảnh ghép DeFi trong hệ sinh thái blockchain.
Trong bức tranh tổng thể này, Ethereum vẫn là blockchain dẫn đầu, chiếm hơn 52% thị phần DeFi toàn hệ sinh thái. Theo sau lần lượt là Solana (8%) và BNB Chain (6.12%).

Hãy cùng đi sâu vào từng mảnh ghép cụ thể để hiểu rõ hơn về hệ sinh thái tài chính phi tập trung trên blockchain nhé!
DEX & Derivatives
Các sàn DEX cho phép user mua bán token trực tiếp qua smart contract, không cần qua trung gian. Nhờ đó, bạn luôn giữ quyền kiểm soát tài sản của mình.
Điểm nổi bật:
- Swap tức thì: Dựa trên mô hình AMM như Uniswap, PancakeSwap.
- Giao dịch phái sinh: Bao gồm perpetual contracts, options và synthetic assets, triển khai trên các nền tảng như dYdX, GMX, Synthetix.
- Cung cấp thanh khoản & yield farming: Vừa hỗ trợ thanh khoản, vừa kiếm lợi nhuận.
Lending / Borrowing
Một trong những ứng dụng đầu tiên và quan trọng nhất của DeFi chính là Lending / Borrowing. User có thể gửi tài sản vào các giao thức như Aave, Compound hoặc Venus để nhận lãi suất thụ động. Ngược lại, họ cũng có thể vay tài sản khác bằng cách thế chấp số token mà mình đang nắm giữ. Mọi quá trình đều diễn ra một cách minh bạch thông qua smart contract.
Một số nền tảng còn hỗ trợ flash loan, hình thức vay không thế chấp dành cho những ai muốn tận dụng cơ hội giao dịch chớp nhoáng. Cơ chế này giúp tạo ra một thị trường tài chính mở và hiệu quả, nơi cả người cho vay và người đi vay đều có lợi.
Staking & Restaking
- Staking: Stake token để bảo vệ mạng lưới và nhận phần thưởng (ví dụ ETH 2.0).
- Restaking: Tái sử dụng tài sản đã stake để tạo thêm lợi nhuận từ các ứng dụng khác, điển hình là EigenLayer.
Ngoài ra còn có liquid staking và liquid restaking, cho phép bạn vẫn nhận được phần thưởng staking mà không bị khóa tài sản. Thay vào đó, bạn nhận về token LST (Liquid Staking Token) hoặc LRT (Liquid Restaking Token) để tiếp tục giao dịch, cho vay hoặc thế chấp.
Stablecoin
Stablecoin là cầu nối quan trọng giúp DeFi trở nên thân thiện và dễ sử dụng hơn. Chúng giữ giá ổn định (thường neo theo USD) và là đơn vị định giá phổ biến trong các giao dịch DeFi. Stablecoin được dùng để giao dịch, cho vay, farming, thanh toán,... và giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động giá.
Hiện nay có ba loại stablecoin phổ biến:
- Loại được thế chấp bằng tài sản ngoài đời thực như USDT hoặc USDC
- Loại thế chấp bằng crypto như DAI
- Loại dựa trên thuật toán như FRAX – vốn giữ giá thông qua điều chỉnh cung cầu.
Stablecoin không chỉ giúp user tránh rủi ro từ biến động giá mà còn là công cụ quan trọng trong các hoạt động như lending, yield farming và thanh toán trong DeFi.
Bridge
Bridge là “cây cầu” giúp di chuyển token, stablecoin hay NFT giữa các chain như Ethereum, BNB Chain, Solana,...
Nhờ có bridge, việc khai thác các cơ hội DeFi trên nhiều hệ sinh thái trở nên dễ dàng và liền mạch hơn. Tuy nhiên, do bridge thường là điểm giao tiếp giữa các mạng lưới nên cũng là mục tiêu tấn công phổ biến. Các dự án như Polygon Bridge, Avalanche Bridge hay Binance Bridge đang không ngừng cải tiến bảo mật để khắc phục vấn đề này.
Các bridge hàng đầu trên thị trường hiện nay phải kể đến như: LayerZero, Wormhole, Axelar, Meson, Across, Orbiter Finance,...
Launchpad
Launchpad là nền tảng mà các dự án blockchain sử dụng để huy động vốn bằng cách bán token cho cộng đồng. Nhà đầu tư có thể tham gia sớm với mức giá ưu đãi.
Một số launchpad uy tín như Binance Launchpad, Polkastarter hay DAO Maker đã giúp không ít dự án blockchain đạt được thành công lớn ngay từ giai đoạn đầu. Nếu biết lựa chọn kỹ, đây có thể là cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn cho cộng đồng.
DAO
DAO là mô hình tổ chức mà mọi quyết định đều do cộng đồng biểu quyết và thực thi thông qua smart contract, không cần bên trung gian. DAO có thể quản lý ngân quỹ, quyết định hướng phát triển dự án, hoặc thiết lập các quy tắc hoạt động.
Các DAO nổi bật hiện nay có thể kể đến như MakerDAO, Aave DAO hay Aragon.
Insurance
Tài chính phi tập trung có thể tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro. Vì vậy, bảo hiểm là một mảnh ghép không thể thiếu.
Với các giải pháp bảo hiểm như Nexus Mutual hoặc Cover Protocol, nhà đầu tư có thể yên tâm hơn khi tham gia vào các giao thức mới, mà vẫn có “mạng lưới an toàn” nếu có sự cố xảy ra.
Identity
Các giải pháp identity trong tài chính phi tập trung giúp xác thực danh tính user mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư. Thay vì phải cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba, các giao thức xác thực danh tính on-chain cho phép user chứng minh “họ là ai” mà vẫn giữ được quyền riêng tư.
Những dự án như Civic hoặc KILT Protocol giúp hạn chế gian lận, hỗ trợ xây dựng hồ sơ tín dụng và tạo ra các chức năng nâng cao như phân quyền truy cập hay kiểm soát whitelist.
Những lợi ích mà tài chính phi tập trung mang lại
Trong khi hệ thống tài chính truyền thống thường bị kiểm soát bởi các tổ chức trung gian như ngân hàng hay công ty tài chính, thì DeFi mở ra một không gian nơi ai cũng có thể tham gia. Những lợi ích mà tài chính phi tập trung mang lại gồm:
- Tiếp cận tài chính dễ dàng cho mọi người: DeFi giúp bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, chỉ cần có internet và ví crypto là đã có thể tham gia vào các hoạt động tài chính như vay, gửi tiết kiệm, đầu tư... mà không cần đến ngân hàng hay giấy tờ phức tạp.
- Minh bạch và công khai nhờ blockchain: Mọi giao dịch trên DeFi đều được ghi lại rõ ràng, công khai trên blockchain. Ai cũng có thể kiểm tra, không thể chỉnh sửa – giúp giảm rủi ro gian lận, tăng độ tin cậy.
- Không phụ thuộc trung gian, không bị kiểm soát: DeFi hoạt động hoàn toàn phi tập trung, không có ngân hàng hay tổ chức nào đứng giữa. User tự quản lý tài sản của mình, tiết kiệm được phí giao dịch và không bị giới hạn bởi bên thứ ba.
- Linh hoạt nhờ smart contract có thể lập trình: Các giao thức DeFi được xây dựng trên smart contract – có thể lập trình để tạo ra các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu cụ thể như vay thế chấp, giao dịch phái sinh, bảo hiểm…
- Tối ưu dòng tiền với Yield Farming: User có thể cung cấp thanh khoản cho các nền tảng tài chính phi tập trung để nhận phần thưởng, thường là token. Yield farming là cách kiếm lợi nhuận thụ động hấp dẫn, dù cũng tiềm ẩn rủi ro như impermanent loss.

Ưu nhược điểm của DeFi
Dưới đây là bảng tổng hợp những ưu và nhược điểm nổi bật của DeFi:

Khung pháp lý và thách thức pháp lý của DeFi
Một trong những rào cản lớn nhất khiến DeFi chưa thể phát triển đại trà chính là vấn đề pháp lý. Do đặc tính phi tập trung và ẩn danh, mô hình tài chính phi tập trung đang nằm trong “vùng xám” của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới.
Các vấn đề pháp lý chính:
- Không có chủ thể đại diện rõ ràng: Với mô hình không có công ty điều hành cụ thể, rất khó để các cơ quan quản lý xác định trách nhiệm pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
- Không tuân thủ KYC/AML: DeFi thường không yêu cầu xác minh danh tính, gây lo ngại về rửa tiền, tài trợ khủng bố và gian lận tài chính.
- Khó quản lý thuế: Việc ghi nhận và đánh thuế các hoạt động như yield farming, lending hay giao dịch trên DEX đang là thách thức với cơ quan thuế của nhiều quốc gia.
- Rủi ro bảo mật: Do hoạt động hoàn toàn qua smart contract, nếu có lỗi trong mã code hoặc bị hacker tấn công, user rất khó được bảo vệ bởi luật pháp truyền thống.
Hướng tiếp cận từ các quốc gia:
- Hoa Kỳ: Vẫn đang tranh cãi giữa việc DeFi có thuộc quyền quản lý của SEC (Ủy ban Chứng khoán) hay CFTC (Ủy ban Giao dịch Hàng hóa).
- Châu Âu: Đang xây dựng khung pháp lý trong MiCA, tuy nhiên còn nhiều điểm chưa rõ ràng về các giao thức phi tập trung.
- Singapore, Hàn Quốc: Có xu hướng mở hơn nhưng vẫn yêu cầu các nền tảng DeFi đảm bảo tuân thủ KYC với một số dịch vụ.
Dù gặp nhiều trở ngại, phần lớn chuyên gia đều tin rằng tài chính phi tập trung sẽ không bị “dẹp bỏ” mà thay vào đó là được “tái định hình” để phù hợp hơn với khuôn khổ pháp lý. Các mô hình như DeFi bán tập trung (Hybrid DeFi) đang nổi lên nhằm cân bằng giữa đổi mới công nghệ và tuân thủ pháp luật.
Top 7 dự án DeFi hàng đầu 2025
Cùng khám phá 5 dự án DeFi nổi bật, đang dẫn đầu cuộc chơi trong năm 2025
Aave (AAVE)
Aave là một trong những giao thức DeFi lâu đời và vững chắc nhất, chuyên cung cấp dịch vụ vay và cho vay. Chỉ cần gửi tài sản vào các pool thanh khoản, bạn có thể:
- Nhận lãi suất từ việc cho vay.
- Hoặc thế chấp để vay tài sản khác mà không cần ngân hàng.
Điểm cộng lớn nhất của AAVE là hỗ trợ đa dạng tài sản crypto (ETH, WBTC, USDC...) và hoạt động trên nhiều blockchain lớn như Ethereum, Arbitrum, Avalanche, Polygon,... Ngoài ra, tính năng Flash Loan (vay tức thì không cần thế chấp) cũng là một bước đột phá từng “gây sốt” trong giới DeFi.
Hiện tại theo dữ liệu từ DefiLlama, TVL của AAVE đang dẫn đầu toàn thị trường tài chính phi tập trung với hơn 18 tỷ USD TVL. AAVE đã có 3 phiên bản nâng cấp V1, V2, V3 ngoài ra còn có AAVE Arc chỉ hoạt động Ethereum.
- M.cap: 2.1B$
- FDV: 2.2B$
- TVL: 18B$

Lido
Nếu bạn muốn staking ETH nhưng vẫn có thể sử dụng vốn linh hoạt, thì Lido là lựa chọn số 1. Thay vì bị khóa ETH như cách staking truyền thống, với Lido:
- Bạn gửi ETH vào Lido và nhận lại stETH, một Liquid staking token (LST) đại diện cho ETH đã stake.
- stETH có thể được dùng để giao dịch, cho vay hoặc đầu tư vào các giao thức DeFi khác.
Ưu điểm lớn của Lido là không cần 32 ETH để stake như yêu cầu của Ethereum. Bạn có thể bắt đầu với bất kỳ số lượng nào, rất phù hợp với user nhỏ lẻ. Ngoài Ethereum, Lido còn hỗ trợ staking trên các blockchain khác như Solana hay Polygon.
Theo số liệu từ DefiLlama tính đến ngày 12/4/2025, TVL của Lido đã vượt mốc 14.7 tỷ USD, vững vàng ở vị trí top 2, chỉ sau AAVE.

EigenLayer
EigenLayer là một trong những dự án “hot” nhất của năm 2025, nhờ giới thiệu mô hình Restaking, cho phép tái sử dụng ETH đã stake để bảo vệ các giao thức khác.
Cách hoạt động khá thú vị:
- Bạn stake ETH như bình thường để nhận lại LST
- Sau đó, restake số ETH này trên EigenLayer để giúp bảo mật cho các dự án khác và nhận thêm phần thưởng.
Với EigenLayer, các giao thức mới không cần phải tự xây dựng hệ thống bảo mật từ đầu, mà có thể tái sử dụng bảo mật của Ethereum thông qua cơ chế restaking. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực phát triển, đồng thời tăng tính an toàn cho các dự án mới.
Đối với người dùng, họ có thể nhận lợi nhuận kép từ việc staking ETH và hỗ trợ bảo mật cho các giao thức được bảo vệ bởi EigenLayer. Tuy nhiên, đi kèm là những rủi ro nhất định, chẳng hạn như bị slashing (cắt giảm phần thưởng hoặc mất tài sản staking) nếu validator vi phạm các điều kiện hoặc hành xử sai lệch trong quá trình xác thực.

Ethena
Ethena là một giao thức mới nổi chuyên về stablecoin phi tập trung. Dự án đã phát hành USDe, một stablecoin được thế chấp hoàn toàn on-chain và sử dụng chiến lược delta-hedging để giữ giá ổn định.
Không chỉ có stablecoin, Ethena còn ra mắt sản phẩm Internet Bond, đây là công cụ giúp tiết kiệm bằng USD trên blockchain. Internet Bond kết hợp lợi nhuận từ:
- Liquid staking token (LST).
- Giao dịch phái sinh (hợp đồng tương lai, perpetual).
=> Tạo ra một giải pháp tích lũy lợi nhuận thụ động hấp dẫn, minh bạch và dễ tiếp cận với user toàn cầu.

ether.fi
ether.fi là dự án tiên phong trong mảng Liquid Restaking, giúp user tối đa hóa lợi suất từ ETH thông qua LST và LRT. Đây là một điểm khác biệt lớn so với các nền tảng staking và restaking thông thường.
Khi bạn tham gia staking hoặc restaking trên ether.fi, bạn sẽ nhận lại eETH (LRT đại diện cho ETH đã restake).

Sky (trước đây là MakerDAO)
MakerDAO là một trong những nền tảng lending lâu đời nhất trên thị trường tài chính phi tập trung, cho phép user vay stablecoin DAI bằng cách thế chấp tài sản crypto.
Cách hoạt động khá đơn giản:
- Người dùng gửi tài sản thế chấp (như ETH) vào hệ thống để tạo smart contract CDP.
- Sau đó, họ có thể vay stablecoin DAI.
- Khi muốn nhận lại tài sản ban đầu, chỉ cần hoàn trả DAI kèm một khoản phí ổn định.
Điểm nổi bật của MakerDAO là giúp user tận dụng vốn hiệu quả: thay vì bán tài sản, bạn có thể dùng chúng làm tài sản thế chấp để vay DAI và tiếp tục sử dụng vào các chiến lược đầu tư khác.
Dự án từng dẫn đầu làn sóng DeFi với TVL chạm mốc 18 tỷ USD, và DAI trở thành một trong những stablecoin phi tập trung phổ biến nhất giai đoạn 2020–2022.
Vào ngày 27/8/2024, MakerDAO chính thức công bố đổi tên thành Sky như một phần trong chiến lược "Endgame" của dự án. Bên cạnh việc tái cấu trúc hệ thống quản trị, Sky còn ra mắt stablecoin mới có tên USDS – cho phép chuyển đổi 1:1 từ DAI.

UniSwap
Uniswap là sàn DEX hàng đầu trên Ethereum, cho phép người dùng hoán đổi các token ERC-20 mà không cần bên trung gian.
Cơ chế hoạt động dựa trên mô hình AMM:
- User cung cấp thanh khoản bằng cách nạp token vào pool.
- Những người khác có thể hoán đổi token với tài sản trong pool thông qua smart contract, không cần order book hay KYC.
- Giá cả được điều chỉnh tự động theo tỷ lệ tài sản trong pool.
Uniswap nổi bật nhờ sự tiện lợi, minh bạch và dễ sử dụng. Ai cũng có thể niêm yết token, giao dịch ngay lập tức và kiểm soát tài sản của mình mà không bị phụ thuộc vào sàn tập trung.
Tính đến hiện tại, Uniswap V3 vẫn là phiên bản được sử dụng phổ biến nhất, dù dự án đã ra mắt thêm phiên bản nâng cấp V4.

Tương lai của tài chính phi tập trung
Dựa trên các nhận định của các chuyên gia và tổ chức tài chính, tương lai của DeFi khá sáng sủa.
Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường DeFi toàn cầu được định giá khoảng 20,48 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 53,7% từ năm 2025 đến 2030, đạt khoảng 231,19 tỷ USD vào năm 2030.
Còn theo dự báo từ Mordor Intelligence, thị trường DeFi sẽ đạt 51,73 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 87,09 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10,98% .
Nhìn về phía trước, tương lai của tài chính phi tập trung không chỉ là câu chuyện của blockchain hay smart contract, mà còn là hành trình kết nối giữa sự phi tập trung, đổi mới công nghệ và tính tuân thủ pháp lý:
- DeFi và CeFi sẽ cùng tồn tại: DeFi không thay thế CeFi, mà sẽ phát triển theo hướng kết hợp và giữ nguyên các giá trị như minh bạch, không cần trung gian, nhưng linh hoạt hơn để đáp ứng quy định và bảo vệ user.
- Tổ chức lớn sẽ góp phần định hình DeFi: Visa, Mastercard, JP Morgan... đều đã bước chân vào không gian tài chính phi tập trung. Điều này không chỉ thể hiện sức hút của lĩnh vực này mà còn mở ra cơ hội tích hợp DeFi vào các sản phẩm tài chính phổ biến.
- Công nghệ mở đường cho DeFi: Các giải pháp L2 (như Arbitrum, Optimism) và mô hình chuỗi chéo đang giúp DeFi nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dùng hơn, đặc biệt với người mới.
- Bảo mật & pháp lý là yếu tố then chốt: Để bền vững, DeFi cần tiếp tục cải thiện an ninh, khả năng mở rộng và có khung pháp lý rõ ràng. Khi những yếu tố này được hoàn thiện, tài chính phi tập trung sẽ tiến gần hơn tới tài chính chính thống.
Câu hỏi phổ biến về DeFi
Có thể kiếm tiền từ DeFi không?
Hoàn toàn có! Bạn có thể tạo thu nhập từ DeFi thông qua các hình thức như yield farming, cung cấp thanh khoản, hoặc staking. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đi kèm với cơ hội là rủi ro, vì vậy hãy tìm hiểu kỹ trước khi bỏ vốn vào bất kỳ giao thức nào.
DeFi khác gì với Bitcoin?
Bitcoin là một loại đồng coin của blockchain Bitcoin, còn DeFi là hệ thống tài chính phi tập trung được xây dựng trên blockchain – nơi bạn có thể vay, cho vay, giao dịch hay kiếm lãi mà không cần bên trung gian. Nói cách khác, Bitcoin có thể được sử dụng trong DeFi, nhưng DeFi không chỉ giới hạn ở Bitcoin mà còn bao gồm cả nhiều ứng dụng và token khác.
Các ứng dụng tài chính phi tập trung có an toàn không?
DeFi vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi liên quan đến lỗi trong smart contract, bị hack, hoặc rug pull. Tuy nhiên, các giao thức lớn thường được kiểm toán bởi bên thứ ba, có chương trình bug bounty và cộng đồng giám sát chặt chẽ.
Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên:
- Chọn các nền tảng uy tín, có TVL cao và nhiều user
- Kiểm tra audit report
- Không đầu tư quá số tiền bạn sẵn sàng mất
Có dễ kiếm tiền với tài chính phi tập trung không?
Có, nhưng không dễ và không phải ai cũng thành công. DeFi mở ra nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận như:
- Gửi tiết kiệm với lãi suất cao (staking, lending)
- Cung cấp thanh khoản để nhận phí giao dịch
- Tham gia farming, airdrop...
Tuy nhiên, lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao. Để kiếm tiền bền vững từ DeFi, bạn cần kiến thức, sự kiên nhẫn và quản lý rủi ro tốt.
DeFi có thật sự phi tập trung không?
Trên lý thuyết, DeFi hoạt động không cần trung gian, mọi thứ đều do smart contract đảm nhiệm. Tuy nhiên, mức độ phi tập trung của từng dự án là khác nhau:
- Một số giao thức vẫn có “admin key” – cho phép đội ngũ phát triển can thiệp
- Việc quản trị có thể tập trung nếu token phân phối không công bằng
Vì vậy, phi tập trung trong DeFi là mục tiêu hướng đến, nhưng chưa phải là thực tế hoàn hảo. User cần hiểu rõ nền tảng mình tham gia có mức độ phân quyền ra sao.
Tài chính phi tập trung không chỉ là một xu hướng mới mà còn là một cuộc cách mạng trong ngành tài chính. Với tính phi tập trung, minh bạch và khả năng tự quản lý tài sản, DeFi đã mở ra những cơ hội tài chính mà không ai có thể bỏ qua.
Tuy nhiên, cùng với đó là những rủi ro không thể xem nhẹ, từ bảo mật đến sự thiếu hoàn thiện trong hệ thống pháp lý. Nếu bạn muốn tham gia vào thế giới DeFi, điều quan trọng là cần tìm hiểu kỹ lưỡng, chuẩn bị kỹ năng và chiến lược hợp lý để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Chắc chắn rằng, với sự phát triển không ngừng của công nghệ blockchain, DeFi sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và tạo ra những cơ hội mới mẻ trong tương lai.
Vậy góc nhìn của bạn về DeFi là gì? Hãy chia sẻ góc nhìn của bạn trong phần bình luận để cùng thảo luận với cộng đồng Block24 nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!
Bình luận