Staking là một trong những hình thức kiếm lợi nhuận thụ động phổ biến nhưng đi kèm với nhược điểm bị khoá vốn trong thời gian dài. Đây chính là lý do Liquid Staking ra đời, mở ra một phương thức staking mới.
Vậy Liquid Staking là gì? Cần chú ý đến những dự án nào trong mảng này? Hãy cùng Block24 tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Liquid Staking là gì?
Liquid Staking (Liquid Staking Derivatives) là mô hình cho phép staker vừa nhận được lãi, vừa duy trì tính thanh khoản thông qua Liquid Staking Token (LST), một token đại diện cho số tài sản họ đã stake.
Thay vì bị khoá vốn như staking truyền thống, người dùng có thể tiếp tục giao dịch, sử dụng LST làm tài sản thế chấp hoặc tham gia vào nhiều chiến lược DeFi khác như Lending, Farming, cung cấp thanh khoản,...
Cơ chế này giúp tối ưu hoá nguồn vốn, đồng thời gia tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng đến tài sản gốc của người dùng.
Ví dụ: Người dùng A stake 1 ETH trên Lido, nhận lại 3.2% APR cùng với 1 stETH. A có thể dùng LST này để tiếp tục vay stablecoin trên AAVE trong khi ETH gốc vẫn đang được stake để nhận phần thưởng staking.
Cơ chế của Liquid Staking
Mô hình hoạt động của Liquid Staking có sự tham gia của 3 thành phần chính:
- Staker (Người tham gia stake): Là những người dùng khoá tài sản vào các giao thức Liquid Staking để kiếm phần thưởng (staking rewards).
- Node Operators/ Validators (Nhà vận hành node): Là những người có nhiệm vụ xác thực giao dịch trên blockchain và trực tiếp nhận phần thưởng staking.
- Giao thức Liquid Staking: Là nền tảng trung gian giúp phân bổ tài sản stake của người dùng đến cho Validators, quản lý LST và phân chia lãi suất cho staker.
3 thành phần này cùng nhau tham gia vào một quy trình hoạt động gồm các bước sau:
- Gửi tài sản vào giao thức: Người dùng nạp ETH hoặc các token PoS khác (SOL, BNB,...) vào các giao thức Liquid Staking như Lido, RocketPool, Solayer,... Các tài sản này sau đó sẽ được phân bổ cho Validator để giúp bảo mật mạng lưới.
- Nhận token đại diện: Sau khi stake, người dùng sẽ nhận lại LST, chẳng hạn như stETH (Lido), rETH (Rocket Pool). Các token này có giá trị tương đương tỷ lệ 1:1 với số tài sản đã stake và có thể được giao dịch ngay lập tức hoặc mang đi cho vay,...
- Nhận phần thưởng staking: Các Validator xác thực giao dịch và nhận staking rewards trực tiếp từ mạng lưới. Phần thưởng này sau đó sẽ được phân bổ về lại cho các giao thức để trả lãi cho các staker.

Sự khác biệt giữa Liquid Staking và Staking truyền thống
Về staking truyền thống, người dùng phải khoá tài sản trong một khoảng thời gian nhất định (thường từ vài tuần hoặc lâu hơn) để nhận phần thưởng staking. Coin/token đã stake sẽ không thể được giao dịch hoặc sử dụng trong bất cứ hoạt động nào khác.
Ngược lại, Liquid Staking giúp người dùng vừa stake vừa có thể được giao dịch bằng LST mà không cần phải đợi đến thời gian mở khoá. Điều này giúp nhà đầu tư tối ưu hoá dòng vốn, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn thay vì chỉ đợi phần thưởng thụ động như staking truyền thống.

Tóm lại, nếu staking truyền thống phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn không cần sử dụng vốn linh hoạt, thì Liquid Staking là lựa chọn lý tưởng cho những ai vừa muốn staking vừa muốn đòn bẩy tài sản đã stake của mình.
Lợi ích khi tham gia Liquid Staking
Khác với Staking truyền thống vốn tồn tại nhiều mặt hạn chế, Liquid Staking có rất nhiều ưu điểm, bao gồm:
Không bị khoá vốn
Người dùng có thể unlock tài sản đã stake của mình bất kỳ lúc nào mà không cần phải đợi hết thời gian lock. Điều này tạo động lực thúc đẩy người dùng tích cực tham gia stake, vì họ không cần lo ngại về việc tài sản bị khoá, không thể chủ động thoát vốn khi thị trường xấu.
Tăng tính thanh khoản token
Thông qua LST, các nhà đầu tư có thể tiếp tục dùng token phái sinh cho tài sản đã stake của mình để kiếm thêm lợi nhuận thông qua nhiều cách khác nhau. Từ đó, giải quyết vấn đề mất tính thanh khoản khi có quá nhiều coin/token được mang đi stake.
Tăng hiệu quả sử dụng vốn
Thay vì để tài sản bị khoá cứng trong quá trình stake, nhà đầu tư có thể tận dụng LST để tiếp tục tạo lợi nhuận, chẳng hạn như:
- Dùng stETH, rETH làm tài sản thế chấp trên AAVE hoặc MakerDAO vay stablecoin để tiếp tục tái đầu tư.
- Cung cấp thanh khoản trên Curve để kiếm thêm phần trăm phí giao dịch.

Tăng cơ hội nhận airdrop
Cụ thể, các nền tảng DeFi chưa ra mắt token thường sẽ triển khai chương trình airdrop cho những staker đang stake hoặc sử dụng LST trong hệ sinh thái của họ với mục đích thu hút người dùng và thanh khoản.
Đây là một trong những điểm lợi mà mình rất thích của Liquid Staking và cũng đã tận dụng thành công để tạo lãi kép cho khoản đầu tư dài hạn vào ETH của mình. Thay vì stake ETH trên Lido (đã có token), mình đã tận dụng 2 ETH nhàn rỗi stake trên Swell Network để nhận lại 2 swETH. Sau đó, tiếp tục dùng số này để tham gia restaking trên EigenLayer.
Kết quả mình được airdrop tổng trên 5000 token SWELL và hơn 400 EIGEN, tại giá ATH của 2 token này mình nhận lại không dưới 3000$ mà không cần phải bán đi ETH đang stake.

Rủi ro tiềm ẩn của Liquid Staking
- Rủi ro depeg: Depeg là một trong những rủi ro lớn nhất mà các dự án Liquid Staking phải đối mặt, xảy ra khi giá của LST không còn duy trì tỷ lệ 1:1 với tài sản gốc. Rủi ro này thường xuất hiện trong thị trường biến động mạnh, khiến cung và cầu của LST mất cân bằng và giá trị LST giảm thấp hơn so với tài sản gốc đã stake. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể bị lỗ so với tài sản gốc của họ đã stake. Một ví dụ điển hình là sự kiện stETH của Lido bị mất peg vào 07/2022, cũng là giai đoạn thị trường crypto rơi vào downtrend, giá stETH đã giảm xuống dưới mức 1 ETH.

- Rủi ro smart contract: Rủi ro tiếp theo là khả năng smart contract tồn tại lỗ hổng bảo mật. Điều này có thể tạo cơ hội cho hacker tấn công, khai thác lỗi và đánh cắp tài sản stake. Vào năm 2023, một hacker đã phát hiện và khai thác lỗ hổng trong smart contract của Stader Labs để tấn công và lấy cắp hơn 165 nghìn NEAR (trị giá 800 nghìn USD). Những sự cố tương tự không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn làm giảm niềm tin của người dùng.
- Ảnh hưởng chung đến tính bảo mật của PoS chain: Khi người dùng stake ETH thông qua các nền tảng như Lido, Rocket Pool, mETH Protocol,...họ đã gián tiếp đóng góp vào hệ thống bảo mật của mạng lưới Ethereum bằng cách duy trì và phân phối quyền xác thực giữa các Validator. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều tài sản tập trung vào một số ít giao thức thì có thể dẫn đến tình trạng tập trung hoá, gây ảnh hưởng đến bảo mật của toàn bộ mạng lưới.
Các tiêu chí đánh giá một nền tảng Liquid Staking
Khi lựa chọn một nền tảng Liquid Staking thì nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng 3 yếu tố quan trọng để đảm bảo lợi nhuận ổn định, tính thanh khoản cao và giảm thiểu rủi ro. Đó là: TVL, APY & APR và mức độ phổ biến của LST:
- TVL (Total Value Locked): Là tổng giá trị tài sản được stake trong một giao thức Liquid Staking. TVL càng cao thì nền tảng đó càng uy tín, vì nó thể hiện mức độ sử dụng rộng rãi từ người dùng. Đặc biệt, TVL lớn còn giúp đảm bảo tính thanh khoản và giảm rủi ro mất peg của LST. Ngược lại, các nền tảng có TVL thấp có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tài sản do thanh khoản hạn chế.

- APY & APR: APY/ APR là chỉ số thể hiện lợi nhuận mà nhà đầu tư sẽ nhận được khi stake tài sản của mình trên các giao thức Liquid Staking. Thường thì các dự án mới sẽ sử dụng chiến lược cung cấp mức APY/APR cao để dễ dàng thu hút người dùng và thanh khoản. Tuy nhiên, mức lãi suất này chắc chắn không bền vững và có thể là chiêu trò để che đậy mức phí giao thức “cắt cổ” hoặc cơ chế hoạt động không minh bạch của dự án. Ngược lại, những nền tảng lớn hoặc đã có vị thế thường cung cấp APY/APR tương đối thấp và ổn định.
- Mức độ phổ biến của LST: LST càng phổ biến thì tính thanh khoản càng cao, giúp người dùng dễ dàng giao dịch. Đặc biệt, nếu LST có độ phổ biến cao sẽ được sử dụng nhiều hơn trong các giao thức DeFi. Từ đó giúp cho người dùng đa dạng hoá các chiến lược đầu tư, tạo thêm nhiều lợi nhuận từ LST.
7 nền tảng Liquid Staking phổ biến 2025
Dưới đây là 7 nền tảng Liquid Staking phổ biến nhất, dựa vào TVL ở thời điểm viết bài (tháng 03/2025):
Trên Ethereum
- Lido: Đây không chỉ là giao thức Liquid Staking đầu tiên trên Ethereum mà còn là dự án có TVL khủng nhất toàn mảng DeFi với 17.406 tỷ USD đang được stake.
- Binance staked ETH: Là một sản phẩm được phát triển từ chính sàn giao dịch top 1 thế giới - Binance. Hiện Binance staked ETH đã thu hút được hơn 3.75 tỷ USD TVL, chiếm 14.75% thị phần Liquid Staking trên Ethereum.
- Rocket Pool: Từng là nền tảng Liquid Staking đứng top 2 trên Ethereum, nhưng hiện Rocket Pool đã rớt xuống vị trí thứ 3 với 1.338 tỷ USD được stake trong giao thức.
- mETH Protocol: Được phát triển bởi đội ngũ Layer 2 Mantle, giao thức này cho phép người dùng stake ETH để nhận mETH cùng mức lãi suất 3.8% và phần thưởng token COOK của dự án.
Dưới đây là bảng so sánh những thông số cơ bản của 4 giao thức Liquid Staking lớn nhất hiện tại trên Ethereum:
Lido | Binance staked ETH | Rocket Pool | mETH Protocol | |
Liquid Staking Token | stETH | wBETH | rETH | mETH |
APR | 3.6% | 4.47% | 3.31% | 3.8% |
TVL | 17.388 tỷ USD | 3.75 tỷ USD | 1.338 tỷ USD | 732.35 triệu USD |
Fee | 10% | 10% | 14% | 10% |
% Thị phần | 68.76% | 14.83% | 5.29% | 2.93% |
Trên các blockchain khác
- Jito (Solana): Là giao thức lớn nhất và có sức ảnh hưởng trên Solana với hơn 2.058 tỷ USD TVL, mặc dù chỉ vừa ra mắt chưa đến 2 năm.
- Infrared Finance (Berachain): Với 1.889 tỷ USD TVL trong hệ sinh thái Berachain, giao thức này giúp người dùng tối ưu hoá lợi nhuận từ lượng BERA đang hold.
Đánh giá cá nhân về xu hướng Liquid Staking 2025
Nhìn chung, Liquid Staking sẽ vẫn giữ vững vị thế là một trong những ngách quan trọng nhất trong DeFi, đặc biệt đối với những nhà đầu tư hiểu rõ cách tận dụng hình thức này để tối ưu hoá lợi nhuận.
Mặc dù đã có sự sụt giảm đáng kể về TVL do điều kiện thị trường xấu nhưng lĩnh vực này vẫn duy trì vị trí lớn thứ hai trong DeFi, cho thấy nhu cầu sử dụng và tiềm năng dài hạn vẫn còn rất lớn.

Đặc biệt, một trong những động lực quan trọng có thể đưa Liquid Staking trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm 2025 chính là khả năng các quỹ ETF Ethereum tích hợp staking được phê duyệt như Cboe (theo Coindesk).
Nếu điều này xảy ra, nó không chỉ hợp thức hoá việc staking ETH trên quy mô rộng hơn mà còn mở cánh cửa cho dòng vốn tổ chức tham gia mạnh mẽ vào thị trường.
Các câu hỏi thường gặp
Liquid Staking có phù hợp với nhà đầu tư mới không?
Có, hình thức này rất phù hợp cho các đầu tư mới vì dễ dàng tham gia stake để nhận lãi mà không cần phải có kiến thức kỹ thuật để vận hành Validator Nodes.
Những yếu tố ảnh hưởng đến APY của Liquid Staking?
Nó thường phụ thuộc vào phần thưởng staking từ chính mạng lưới blockchain. Nếu một chain (như Solana) có tỷ lệ lãi suất cao thì APY của các nền tảng Liquid Staking cũng sẽ tăng theo.
Liquid Staking và Restaking có giống nhau không?
Hai hình thức này không hoàn toàn giống nhau. Liquid Staking giúp người dùng giữ thanh khoản khi stake, còn restaking giúp tận dụng token đã stake để tiếp tục tham gia bảo mật cho các mạng lưới khác.
Trên đây là toàn bộ những kiến thức về Liquid Staking mà chúng ta cần nắm. Hy vọng bài viết này đã giúp anh em hiểu rõ Liquid Staking là gì, cũng như những nền tảng cần biết khi tham gia vào hình thức này. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Bình luận