Solana hiện là một trong những blockchain Layer-1 (L1) lớn nhất trên thị trường Crypto với giá trị vốn hóa vượt mốc 55 tỷ USD. Dự án đang trở lại đầy mạnh mẽ sau khi trải qua giai đoạn bear market khó khăn (2022-2023) cùng với cú sốc từ sự sụp đổ của FTX. Với danh xưng “Ethereum Killer”, Solana đã trở thành vùng đất hứa cho rất nhiều dự án, đặc biệt là memecoin.

 

Vậy Solana là gì? Liệu có nên đầu tư đồng SOL trong năm 2025? Hãy cùng Block24 tìm hiểu trong bài viết sau!

Solana là gì?

Solana là blockchain Layer 1 nổi bật với tốc độ xử lý cực nhanh phí giao dịch siêu rẻ. Dự án được phát triển từ năm 2017 bởi Solana Labs và chính thức ra mắt vào năm 2020, với tham vọng giải quyết bài toán “Blockchain Trilemma” (scalability – decentralization – security) mà nhiều blockchain trước đó vẫn đang loay hoay.

 

Điểm đặc biệt của Solana nằm ở sự kết hợp hai cơ chế đồng thuận: Proof of History (PoH) và Proof of Stake (PoS). Nhờ đó, mạng lưới có thể xử lý tới 65,000 giao dịch mỗi giây (TPS) với chi phí cực kỳ thấp – mỗi giao dịch chỉ tốn khoảng 0.00025 USD.

 

Với hiệu suất mạnh mẽ, Solana nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ AI, DePIN, DeFi, NFT, cho đến các dự án memecoin như TRUMP, WIF, BONK, PENGU,....

Solana là gì
Khái niệm về Solana blockchain

Lịch sử hình thành và phát triển

Solana là sản phẩm của một nhóm kỹ sư công nghệ kỳ cựu tại thung lũng Silicon, đứng đầu là Anatoly Yakovenko – một cựu kỹ sư từng làm việc tại Qualcomm, công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông. Với kinh nghiệm chuyên sâu về hệ thống phân tán và đồng bộ mạng, Yakovenko nảy ra ý tưởng táo bạo: tăng tốc blockchain bằng cách thêm một chiếc đồng hồ vào hệ thống!

 

Ý tưởng đó chính là khởi nguồn cho cơ chế Proof of History, bước đột phá giúp các node trong mạng có thể tự xác định thứ tự giao dịch mà không cần phải chờ lẫn nhau, từ đó tăng tốc độ xử lý giao dịch vượt trội.

 

Những cột mốc quan trọng trên hành trình của Solana:

  • 2017: Solana Labs chính thức được thành lập tại San Francisco. Ban đầu, dự án có tên là Loom (không liên quan đến Loom Network), sau đó đổi tên thành Solana, lấy cảm hứng từ bãi biển Solana Beach, California.
  • 2018: Yakovenko bắt tay cùng Greg Fitzgerald – một đồng nghiệp cũ tại Qualcomm – để viết bản whitepaper đầu tiên và triển khai testnet nội bộ.
  • 2018–2019: Nhóm phát triển huy động được hơn 20 triệu USD thông qua các vòng Private Sale.
  • 2020: Solana ra mắt Mainnet Beta, đánh dấu bước chuyển mình từ một ý tưởng thử nghiệm thành một blockchain hoạt động thực tế. Trong giai đoạn này, chương trình thử nghiệm mạng lưới “Tour de SOL” cũng được triển khai để kiểm tra khả năng mở rộng và bảo mật.
  • 2021 trở đi: Solana bắt đầu thu hút sự chú ý mạnh mẽ trong cộng đồng crypto khi trở thành nền tảng ưa thích cho các dự án NFT, DeFi và Web3. Sự bùng nổ của các memecoin và bộ sưu tập NFT trên mạng lưới này đã góp phần đưa Solana lên vị thế 'Ethereum Killer' – đối thủ tiềm năng của Ethereum nhờ tốc độ xử lý vượt trội và chi phí giao dịch cực thấp.
lịch sử phát triển Solana
Hành trình phát triển của Solana

Solana giải quyết vấn đề gì?

Một trong những thách thức lớn nhất của blockchain hiện nay là làm sao để đạt được tốc độ cao, chi phí thấp và khả năng mở rộng, mà vẫn duy trì tính phi tập trung và bảo mật – hay còn gọi là “bài toán blockchain trilemma”.

solana đang giải Bài toán blockchain trilemma
Bài toán blockchain trilemma

Dù các nền tảng như Ethereum đã có nhiều nỗ lực cải tiến, nhưng mô hình hiện tại vẫn gặp giới hạn. Cụ thể, Ethereum phải dựa vào các giải pháp Layer 2 để mở rộng, trong khi phí giao dịch thường  tăng vọt vào những thời điểm mạng lưới quá tải, gây khó khăn cho cả user lẫn developer.

 

Solana ra đời để giải quyết những nút thắt này bằng cách xây dựng một kiến trúc blockchain tốc độ cao, chi phí thấp, và không cần dựa vào Layer 2. Đặc biệt, Solana áp dụng cơ chế Proof of History kết hợp với Proof of Stake, bước đột phá giúp đồng bộ thời gian giữa các node mà không cần tốn nhiều tài nguyên tính toán.

 

Solana nổi bật nhờ khả năng mở rộng mạnh mẽ và chi phí giao dịch cực thấp, là lựa chọn lý tưởng cho các ứng dụng yêu cầu xử lý nhanh và khối lượng lớn. Một số đặc điểm đáng chú ý gồm:

  • Tốc độ xử lý cao: Nhờ các công nghệ tiên tiến như Proof of History, Sealevel hay Gulf Stream, Solana đạt tới hàng chục nghìn TPS mà vẫn đảm bảo tính chính xác.
  • Phí giao dịch rẻ gần như bằng 0: Giao dịch chỉ tốn vài phần ngàn xu, phù hợp cả với user phổ thông lẫn các ứng dụng Web3 quy mô lớn.
  • Thời gian finality cực nhanh: Mỗi giao dịch được xác nhận chỉ sau vài trăm mili giây, giúp mang lại trải nghiệm mượt mà cho user.
  • Không dùng sharding: Solana tối ưu khả năng mở rộng bằng cách sử dụng tài nguyên phần cứng hiện đại và cơ chế đồng thuận riêng, giúp toàn mạng luôn thống nhất và hoạt động ổn định.
  • Thân thiện với dev: Hỗ trợ lập trình bằng Rust hoặc C, đồng thời cung cấp bộ tài liệu phong phú, Solana đã xây dựng được một cộng đồng dev hoạt động sôi nổi.

Cơ chế hoạt động của Solana

Proof of History

Một trong những điểm nhấn của Solana chính là PoH, một “đồng hồ mật mã” giúp xác định thứ tự thời gian của các giao dịch mà không cần phải chờ xác nhận từ toàn mạng lưới. Thay vì phụ thuộc vào sự đồng thuận để sắp xếp giao dịch, PoH tạo ra một chuỗi hàm băm liên tục để ghi lại thời điểm diễn ra từng hành động.

 

Nhờ vậy, Solana có thể xử lý lên đến 65,000 giao dịch mỗi giây trong điều kiện lý tưởng - cao gấp hàng nghìn lần so với Ethereum (~15 TPS) hay Bitcoin (~7 TPS). Ngay cả trong thời điểm mạng lưới hoạt động sôi động như tháng 3/2024, Solana vẫn duy trì mức tải hơn 25,000 TPS mà không gặp tắc nghẽn hay tăng phí.

Cấu trúc của PoH trên Solana
Cấu trúc của PoH (Nguồn: Solana Whitepaper)

Tower Byzantine Fault Tolerance (BFT)

Tower BFT là phiên bản tùy chỉnh của thuật toán Byzantine Fault Tolerance (pBFT), được thiết kế để tận dụng lợi thế từ PoH. Tower BFT cho phép các node đạt được đồng thuận mà không cần giao tiếp quá nhiều, vì tất cả đều đã có “đồng hồ chung” để tham chiếu thời gian.

 

Điều này không chỉ giúp tăng tốc độ xác nhận khối mà còn giữ cho mạng hoạt động ổn định ngay cả khi một số node gặp lỗi hoặc có hành vi xấu.

Solana với Tower BFT
Quy trình xử lý giao dịch trên Solana với Tower BFT

Turbine

Với số lượng node ngày càng tăng, việc truyền toàn bộ dữ liệu đến tất cả node có thể gây tắc nghẽn. Turbine giải quyết bài toán này bằng cách chia nhỏ dữ liệu thành các gói nhỏ hơn  để phân phối - giống như cơ chế của BitTorrent.

 

Nhờ phương pháp này mà dữ liệu được lan truyền nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp các node trong mạng cập nhật trạng thái gần như tức thời.

Turbine Tree của Solana
Mô hình Turbine Tree của Solana (Nguồn: helius.dev)

Gulf Stream 

Thay vì để giao dịch nằm chờ trong “mempool”, Gulf Stream cho phép các client và validator đẩy giao dịch trực tiếp đến leader (các validator được chỉ định tạm thời) tiếp theo. Điều này giúp giảm đáng kể độ trễ, đồng thời làm nhẹ gánh cho bộ nhớ.

Gulf Stream của solana
Gulf Stream cho phép đẩy giao dịch trực tiếp đến leader (Nguồn: helius.dev)

Sealevel

Khác với nhiều blockchain xử lý giao dịch theo tuần tự, Sealevel cho phép thực hiện nhiều giao dịch song song nếu chúng không cùng lúc sử dụng chung một  dữ liệu. Điều này giống như việc nhiều người cùng nấu ăn trong một căn bếp rộng mà không ai làm phiền ai.

 

Sealevel tận dụng GPU và SSD để tối ưu hóa tốc độ xử lý, biến Solana thành một trong những blockchain nhanh nhất hiện nay.

Sealevel của blockchain solana
Sealevel cho phép thực hiện nhiều giao dịch song song (Nguồn: squads.so)

Pipelining

Giống như dây chuyền trong nhà máy, Pipelining giúp Solana xử lý các bước của một giao dịch (như xác minh chữ ký, ghi trạng thái…) đồng thời trên nhiều bộ phận phần cứng khác nhau (CPU, GPU, bộ nhớ…).

 

Nhờ sự phân luồng này, Solana đảm bảo mọi bộ phận luôn hoạt động hết công suất, không có bước nào phải chờ đợi.

Sự phân luồng của Pipelining solana
Sự phân luồng của Pipelining (Nguồn: Solana)

Cloudbreak

Quản lý hàng triệu tài khoản trên một blockchain là điều không đơn giản. Cloudbreak được Solana thiết kế như một cơ sở dữ liệu có khả năng đọc - ghi song song trên nhiều ổ SSD, đảm bảo tốc độ truy cập cực nhanh. Điều này giúp duy trì hiệu suất ổn định ngay cả khi lượng user tăng đột biến.

Archivers

Cuối cùng, Archivers là những node chuyên dụng chỉ để lưu trữ dữ liệu. Solana phân chia dữ liệu thành nhiều phần nhỏ và phân phối đến các Archiver để lưu trữ. Mạng sẽ định kỳ yêu cầu các Archiver chứng minh rằng họ đang giữ đúng dữ liệu. Cách tiếp cận này giúp giảm tải cho validator và tăng tính mở rộng cho mạng lưới.

So sánh với các dự án Layer 1 khác

Dưới đây là bảng so sánh chi tiết Solana với đối thủ L1 cạnh tranh trực tiếp, bao gồm: EthereumBNB Chain, Avalanche và Aptos.

Solana vs đối thủ
So sánh Solana với các dự án layer 1 khác

SOL Tokenomics

Token Key Metrics

  • Token name: Solana
  • Ticker: SOL
  • Blockchain: Solana
  • Token type: Utility, Governance
  • Total supply: 597,983,936 SOL
  • Max supply: ∞ SOL
  • Circulating supply: 515,472,092 SOL

Token Use Cases

Các use case của SOL bao gồm:

  • Thanh toán phí giao dịch: Tất cả các giao dịch trên Solana đều cần SOL để thanh toán phí, từ chuyển token đến tương tác với smart contract.
  • Staking & bảo mật mạng lưới: Holder có thể stake SOL để nhận phần thưởng, đồng thời góp phần bảo vệ và vận hành mạng lưới.
  • Phần thưởng cho validator: Những người vận hành node xác thực sẽ nhận thưởng bằng SOL.
  • Quản trị mạng lưới: SOL holder có thể tham gia bỏ phiếu cho các đề xuất nâng cấp mạng lưới.

Token Allocation & release schedule

Theo cập nhật từ Cryptorank, lượng SOL được phân bổ theo tỷ lệ sau:

  • Community (34.9% – 208.7 triệu SOL): Mở khoá tuyến tính trong 9 tháng.
  • Seed (14.3% – 85.6 triệu SOL): Khoá 9 tháng kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
  • Team (11.5% – 68.7 triệu SOL): Khoá 9 tháng kể từ TGE, sau đó mở khóa tuyến tính trong 2 năm.
  • Founding Round (11.3% – 67.6 triệu SOL): Khoá 9 tháng kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
  • Lạm phát (8.96% – 53.6 triệu SOL): Chưa được mở khóa; sẽ được phát hành theo cơ chế lạm phát của mạng lưới.
  • Foundation (6.86% – 41 triệu SOL): Khoá 9 tháng kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
  • Alameda & FTX Bankruptcy Release (5.79% – 34.6 triệu SOL): Khoá 2 năm kể từ TGE, sau đó mở khóa tuyến tính trong 6 năm.
  • Validator Round (4.55% – 27.2 triệu SOL): Khoá 9 tháng kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
  • Alameda Bankruptcy Release 2 (2.01% – 12 triệu SOL): Khoá 1 năm kể từ TGE, sau đó mở khóa tuyến tính trong 6 năm
  • Strategic Round (1.65% – 9.9 triệu SOL): Khoá 9 tháng kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
  • Coinlist Public Sale (1.44% – 8.6 triệu SOL): Mở khoá 100% tại TGE.
  • Alameda Bankruptcy Release 3 (1.26% – 7.5 triệu SOL): Khoá 5 năm kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
  • Alameda Bankruptcy Release 1 (0.67% – 4 triệu SOL)
  • Alameda Bankruptcy Release 4 (0.01% – 0.06 triệu SOL): Khoá 5 năm kể từ TGE, sau đó mở khóa 100% ngay tại Batch 1.
SOL Token Allocation
Phân bổ token SOL

Mua và nắm giữ SOL ở đâu?

  • SOL hiện đang được listing trên các sàn giao dịch như: Binance, Bybit, OKX, MEXC, Gate.io,…
  • SOL có thể được lưu trữ trên các ví sàn hoặc các ví hỗ trợ mạng Solana như Phantom, Solflare, Trust Wallet,...

Các thông tin khác của dự án

Đội ngũ phát triển

Solana được phát triển bởi Solana Labs những nhân vật quan trọng trong đội ngũ phát triển phải kể đến như:

  • Anatoly Yakovenko (Co-founder & CEO): Ông là bộ não đứng sau cơ chế đồng thuận Proof of History – công nghệ cốt lõi của Solana. Trước khi sáng lập Solana, Yakovenko từng là kỹ sư phần mềm cấp cao tại Qualcomm và có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực hệ thống phân tán và thuật toán đồng bộ hóa thời gian.
  • Greg Fitzgerald (Co-founder & CTO): Greg là người đồng sáng lập và hiện giữ vai trò Giám đốc Công nghệ của Solana. Ông từng là đồng nghiệp của Yakovenko tại Qualcomm và đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển trình biên dịch cũng như các thành phần kỹ thuật cốt lõi của blockchain Solana.
  • Raj Gokal (Co-founder & COO): Raj phụ trách mảng chiến lược vận hành và phát triển kinh doanh tại Solana Labs. Ông có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và từng khởi nghiệp trong mảng y tế và công nghệ trước khi đồng sáng lập Solana.

Họ cùng nhau đặt nền móng cho Solana vào năm 2017. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm kéo dài, blockchain Solana chính thức ra mắt mainnet vào năm 2020.

Solana's team
Đội ngũ phát triển dự án Solana

Nhà đầu tư và đối tác

Theo dữ liệu từ Cryptorank, Solana đã thực hiện hai vòng gọi vốn quan trọng, tổng cộng huy động được hơn 334 triệu USD, với sự tham gia của những cái tên đình đám như a16z, Multicoin Capital, Polychain Capital

Solana funding
Các vòng gọi vốn của Solana (Nguồn: cryptorank.io)

Không chỉ được hậu thuẫn từ các nhà đầu tư Web3, Solana còn bắt tay với nhiều đối tác  truyền thống lớn. Một vài cái tên tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Web2: Google, Brave, Meta, Shopify…
  • Web3: Circle, Chainlink, Tether…

Tình hình hoạt động của Solana

Kể từ đầu năm 2024, Solana đã có một cú lội ngược dòng ngoạn mục. Theo dữ liệu từ DefiLlamaTVL trên hệ tăng vọt lên từ 1.397 tỷ USD ngày 1/1/2024 lên 11.989 tỷ USD ngày 23/1/2025, đưa Solana trở thành một trong những blockchain có TVL lớn nhất thị trường.

 

Mặc dù đến thời điểm viết bài (ngày 8/4/2025), TVL của Solana đã điều chỉnh đáng kể so với đỉnh đầu năm, nhưng vẫn giữ vững ở mức cao 6.15 tỷ USD.

TVL Solana năm 2024
Tốc độ tăng trưởng TVL đáng kinh ngạc của Solana năm 2024 (Nguồn: defillama.com)

Không dừng lại ở TVL, lượng ví hoạt động hàng ngày trên Solana cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo dữ liệu từ Token Terminal, vào tháng 11/2024, số lượng ví hoạt động hàng tháng trên Solana đã tăng gấp 45 lần so với thời điểm đầu năm.

  • Tháng 1/2024: 3.2 triệu ví hoạt động mỗi tháng
  • Tháng 11/2024: 136.6 triệu ví hoạt động mỗi tháng
Số lượng địa chỉ hoạt động trên Solana năm 2024 tăng mạnh
Số lượng địa chỉ hoạt động trên Solana năm 2024 tăng mạnh (Nguồn: tokenterminal.com)

Đặc biệt kể từ tháng 9/2024 nhờ sự bùng nổ của các dự án memecoin, mà tiêu biểu là pump.fun – nền tảng tạo memecoin không cần code, thu hút hàng hơn 15 triệu user và doanh thu hơn 611 triệu USD tính đến thời điểm viết bài (ngày 8/4/2025)

pump.fun
Số liệu hoạt động của pump.fun (Nguồn: Dune.com)

Theo dữ liệu từ Token TerminalSolana xử lý trung bình khoảng 3.7 triệu địa chỉ ví hoạt động mỗi ngày – cao nhất trong toàn bộ thị trường, vượt qua cả các đối thủ lớn như Ethereum hay BNB Chain. Điều này phản ánh mức độ sử dụng thực tế cực kỳ cao và sức hút ngày càng lớn của hệ sinh thái Solana đối với user.

Solana có nhiều địa chỉ ví active
Solana dẫn đầu về số lượng địa chỉ hoạt động mỗi ngày (Nguồn: tokenterminal.com)

Hệ sinh thái

Solana là một trong những hệ sinh thái có số lượng dự án khủng nhất với hơn 500 dự án. Một số dự án quan trọng, đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển của Solana phải kể đến như:

  • DEX: Raydium, Jupiter, Orca, PumpSwap
  • Liquid StakingMarinade, Jito
  • NFT/Gaming: Tensor, Helium, Star Atlas
  • Memecoin: TRUMP, BONK, WIF, PNUT…

Roadmap

Cùng nhìn lại hành trình phát triển của Solana thông qua các cột mốc quan trọng:

2019 – 2020: Ra mắt testnet và mainnet

  • Q2/2019: Phát hành testnet công khai đầu tiên, cho phép cộng đồng thử nghiệm khả năng mở rộng và hiệu suất của mạng lưới.
  • Tháng 3/2020: Chính thức ra mắt Solana Mainnet Beta, hỗ trợ smart contract và khả năng xử lý đến 65.000 TPS với chi phí thấp.

2021 – 2022: Bùng nổ hệ sinh thái

  • Solana Foundation đẩy mạnh hỗ trợ các dự án DeFi, NFT và GameFi.
  • Các dự án nổi bật như Serum, Raydium bắt đầu thu hút user.
  • Tháng 9/2021: Solana đạt ATH về giá và TVL, trở thành đối thủ đáng gờm của Ethereum.
  • Cuối 2021 – đầu 2022: Gặp sự cố mạng do lượng giao dịch quá tải, từ đó nhóm phát triển ưu tiên tối ưu hạ tầng và độ ổn định.

2023: Củng cố hạ tầng & chuẩn bị nâng cấp

  • Triển khai nhiều bản cập nhật để cải thiện độ ổn định mạng lưới sau các lần bị gián đoạn.
  • Ra mắt Solana Mobile Stack (SMS) và Saga Phone, mở rộng trải nghiệm Web3 trên thiết bị di động.
  • Thử nghiệm và tích hợp Firedancer – một client validator mới do Jump Crypto phát triển, hứa hẹn tăng hiệu suất mạng gấp nhiều lần.

2024 – 2025: Mở rộng quy mô và đột phá công nghệ

  • Đầu 2024: Solana trở lại mạnh mẽ sau mùa đông crypto, TVL và lượng user tăng trưởng ấn tượng.
  • 2024 – 2025: Triển khai chính thức Firedancer để tăng tính phân mảnh client và khả năng mở rộng.
  • Tăng cường hỗ trợ zk-compression – giúp tối ưu dữ liệu on-chain, giảm chi phí và mở rộng quy mô ứng dụng Web3.
solana roadmap
Roadmap của Solana

Đánh giá tiềm năng của Solana

Dưới đây là bảng đánh giá tiềm năng của Solana (SOL) theo các tiêu chí chính:

Tiêu chí

Phân tích

Nhận định

Đội ngũ & Hậu thuẫnĐược sáng lập bởi Anatoly Yakovenko – cựu kỹ sư Qualcomm – cùng các đồng sáng lập giàu kinh nghiệm. Dự án còn nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều quỹ lớn như a16z, Jump Crypto, Multicoin Capital.Đội ngũ mạnh, tầm nhìn dài hạn và được VC uy tín hỗ trợ, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Sản phẩm & Công nghệSở hữu cơ chế Proof of History độc quyền, giúp cải thiện tốc độ xử lý. Triển khai Firedancer – client mới do Jump phát triển, giúp tăng hiệu suất và phân mảnh mạng. Hỗ trợ Mobile Web3 qua Solana Mobile Stack.Công nghệ vượt trội về tốc độ và chi phí, ngày càng hoàn thiện sau nhiều lần lỗi mạng. Hệ sinh thái mở rộng từ DeFi, NFT đến Web3 di động.
Thị trường & Cạnh tranhĐược xem là đối thủ top đầu của Ethereum trong mảng blockchain hiệu suất cao. Hệ sinh thái ngày càng sôi động, lượng ví hoạt động và TVL đều tăng mạnh trong năm 2024–2025.Vị thế thị trường đang lên, thu hút cả user và developer. Tuy nhiên, vẫn cạnh tranh với Ethereum, Avalanche, Sui, Aptos,…
Roadmap & Tiềm năngRoadmap rõ ràng với các mốc cụ thể. Dự án chuyển từ “phát triển nhanh” sang “ổn định và mở rộng”.Tiềm năng lớn nếu giữ vững tốc độ phát triển công nghệ, khắc phục được điểm yếu cũ về sự cố mạng.
Rủi ro & Pháp lýTừng bị SEC liệt kê là "chứng khoán chưa đăng ký" trong vụ kiện vào  năm 2023. Dù chưa có án phạt, điều này khiến Solana chịu áp lực pháp lý tại Mỹ.Vẫn tồn tại rủi ro về mặt pháp lý tại thị trường Mỹ. Cần theo dõi sát diễn biến pháp lý và khả năng thích ứng của đội ngũ.
TokenomicsNguồn cung SOL ban đầu tập trung khá nhiều ở team và nhà đầu tư, nhưng đã unlock gần hết. Token dùng để thanh toán phí, stake bảo mật mạng và làm tài sản chính trong hệ sinh thái.Tokenomics đã ổn định hơn sau thời gian dài phát hành. Vai trò của SOL ngày càng rõ ràng, nhưng cần chú ý yếu tố lạm phát và tính ứng dụng thực.

Có nên đầu tư SOL trong năm 2025?

Theo dữ liệu từ Coingecko, tính đến thời điểm viết bài (ngày 8/4/2025), token SOL đang được giao dịch quanh mức 107 USD, tương ứng với vốn hóa thị trường là 55.3 tỷ USD, xếp top 7 trong danh sách các đồng coin có vốn hoá cao nhất toàn thị trường. 

 

Không thể phủ nhận rằng Solana đã có một năm 2024 đầy ấn tượng dù từng có giai đoạn bị coi là “Ethereum killer thất bại” sau cú sập của FTX, nhưng giờ đây, Solana đang chứng minh được bản lĩnh "trỗi dậy từ tro tàn".

 

Đặc biệt, một điểm đáng chú ý là việc VanEck – một trong những tổ chức tài chính lớn của Mỹ – đã nộp đơn đăng ký ETF Solana Spot vào giữa năm 2024. Bên cạnh VanEck, các tổ chức khác như Fidelity hay Franklin Templeton cũng đã nộp đơn đăng ký cho SOL ETF.

Đơn đăng ký ETF Solana Spot
Đơn đăng ký ETF Solana Spot của VanEck (Nguồn: sec.gov)

Dù hiện tại vẫn đang trong quá trình chờ xét duyệt, nhưng chỉ riêng việc được đề xuất ETF đã là một tín hiệu tích cực, cho thấy SOL đang được nhìn nhận nghiêm túc hơn trong mắt các nhà đầu tư tổ chức. Nếu ETF được thông qua, đây có thể là cú hích lớn cho giá và tính thanh khoản của SOL, tương tự những gì đã xảy ra với BTC hay ETH.

 

Theo dữ liệu từ Kraken, nếu Solana duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5% mỗi năm, giá SOL có thể đạt khoảng 122 USD vào năm 2026, 148.83 USD vào năm 2030, và lên đến 242.42 USD vào năm 2040. Dù đây chỉ là mô hình giả định dựa trên tăng trưởng đều đặn, nhưng nó cũng phần nào phản ánh kỳ vọng dài hạn đối với Solana trong mắt nhà đầu tư.

Dự báo giá SOL nếu duy trì mức tăng trưởng 5% mỗi năm
Dự báo giá SOL nếu duy trì mức tăng trưởng 5% mỗi năm (Nguồn: kraken.com)

Tuy nhiên, đầu tư vẫn là câu chuyện cá nhân, và SOL cũng không nằm ngoài rủi ro. Hãy luôn nhớ, thị trường crypto rất biến động, vì vậy DYOR để đưa ra quyết định sáng suốt và quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhé! 

Câu hỏi thường gặp về Solana

Solana có thực sự phi tập trung không?

Solana từng bị chỉ trích là "thiếu phi tập trung" do số lượng node quá ít và từng gặp lỗi mạng. Tuy nhiên, hệ sinh thái đang dần cải thiện, đáng chú ý là việc tích hợp giải pháp Firedancer, một client độc lập giúp tăng độ phân mảnh và bảo mật cho mạng.

Solana có tiềm năng vượt Ethereum không?

Có thể. Ethereum vẫn là nền tảng dẫn đầu về hệ sinh thái, nhưng Solana có ưu thế vượt trội về tốc độ và chi phí. Nếu Solana tiếp tục cải tiến ổn định và thu hút real user, tiềm năng cạnh tranh là có thật, nhất là trong memecoin, gaming, NFT và social app.

Solana có quỹ ETF chưa?

Chưa có, nhưng đã nộp đơn và chờ duyệt ! Nhiều tổ chức tài chính đã nộp đơn xin mở ETF Solana như VanEck, Fidelity, Franklin Templeton. Tuy nhiên, hiện vẫn đang chờ SEC phê duyệt, nên chưa có ETF chính thức được giao dịch.

Làm thế nào để tạo ví Solana?

Bạn có thể tạo ví Solana thông qua các ví phổ biến như Phantom Wallet trên extension hoặc app trên điện thoại. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng Solflare, Trust Wallet, hoặc ví cứng như Ledger nếu ưu tiên bảo mật cao.

 

Quá trình tạo ví rất đơn giản và chỉ mất vài phút: bạn tải ứng dụng/extension, tạo mật khẩu, lưu lại seed phrase gồm 12 từ khóa bảo mật, và thế là bạn đã sẵn sàng tham gia vào hệ sinh thái Solana rồi!

 

Qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn toàn diện về Solana (SOL) là gì, từ cơ chế hoạt động, công nghệ nổi bật, đội ngũ phát triển đến tokenomics và tiềm năng đầu tư trong năm 2025. Mặc dù gặp phải những thử thách trong giai đoạn trước, đặc biệt là sau sự sụp đổ của FTX, Solana đã nhanh chóng hồi phục và tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng và các nhà đầu tư lớn. 

 

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và các đột phá về công nghệ, liệu Solana có thể giữ vững được vị thế của mình trong thị trường crypto đầy biến động? Hãy chia sẻ góc nhìn của bạn trong phần bình luận để cùng thảo luận với cộng đồng Block24 nhé!

 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!