Với hơn 60 dự án đang hoạt động, thu hút tổng 33.5 tỷ USD tài sản khoá cùng khối lượng giao dịch mỗi ngày trên 900 triệu USD, đây là những con số mà mảng thị trường Layer 2 đạt được tính đến tháng 5/2025. Vậy Layer 2 là gì? Tiềm năng phát triển của mảng này trong năm 2025 như thế nào? Hãy cùng Block24 tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Layer 2 là gì?

Layer 2 là các giao thức hoặc mạng lưới được xây dựng trên nền tảng Layer 1 (như Bitcoin, Ethereum) nhằm giải quyết những hạn chế về khả năng mở rộng, tốc độ xử lý và chi phí giao dịch cao trên chuỗi chính. Giải pháp Layer 2 phổ biến nhất hiện nay là Rollups. Thay vì xử lý toàn bộ giao dịch trực tiếp trên Layer 1 (L1) vốn chậm chạp và tốn kém, Rollups Layer 2 (L2) sẽ giải quyết off-chain (ngoài chuỗi), sau đó gửi dữ liệu giao dịch đã tổng hợp hoặc bằng chứng về chuỗi L1 để xác minh và ghi vào block (khối).

Các giải pháp mở rộng nổi bật trên Ethereum
Các giải pháp mở rộng nổi bật trên Ethereum

Lịch sử hình thành và phát triển Layer 2

Khái niệm Layer 2 bắt nguồn từ chính những hạn chế trong thiết kế của các blockchain thế hệ đầu tiên, đặc biệt là Bitcoin. Mặc dù là một sáng kiến đột phá về công nghệ với tính bảo mật và phi tập trung cao nhưng Bitcoin chỉ có thể xử lý khoảng 7 giao dịch mỗi giây, mất thời gian rất lâu để xác minh một block. Điều này gây cản trở việc mở rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán lớn hơn khi ngày càng nhiều người biết đến crypto.

Tuy nhiên, Layer 2 không được nhắc đến nhiều cho đến khi Ethereum cùng khái niệm hợp đồng thông minh (smart contract) ra đời. Làn sóng ứng dụng phi tập trung (dApps) và trend ICO ở giai đoạn 2017-2018 đã làm lộ rõ điểm yếu về khả năng mở rộng của Ethereum nói chung và blockchain nói riêng. Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp Layer 2 thời kỳ đầu đã được ra đời như State Channels (dự án Raiden Network), Plasma (dự án OMG Network), hay Sidechains (dự án Polygon).

Từ năm 2019 cho đến nay, sự bùng nổ của DeFi, GameFi, NFT đã tạo ra áp lực lớn hơn, thúc đẩy nhu cầu phát triển của các Layer 2 với khả năng mở rộng smart contract phức tạp, chi phí thấp và bảo mật cao hơn. Đây là lúc các Rollups, giải pháp Layer 2 tối ưu hơn được ra đời và phát triển mạnh mẽ cho đến nay như OP mainnet (Optimism), Arbitrum, Base,... Theo L2beat tính tới tháng 4/2025, chỉ tính riêng trên Ethereum đã tồn tại hơn 150 Layer 2 khác nhau, chưa kể đến Bitcoin và Solana (số lượng còn ít). và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tương lai mở rộng của Ethereum.

Hiện có hơn 150 giải pháp Ethereum Layer 2 trên thị trường (Nguồn: L2Beat)
Hiện có hơn 150 giải pháp Ethereum Layer 2 trên thị trường (Nguồn: L2Beat)

Layer 2 giải quyết vấn đề gì?

Các giải pháp Layer 2 được thiết kế nhằm khắc phục những điểm yếu của Layer 1 trong việc duy trì khả năng mở rộng, tốc độ xử lý chậm và chi phí giao dịch cao, cụ thể:

  • Tắc nghẽn mạng: Khi lượng người dùng và giao dịch tăng mạnh sẽ khiến mạng Layer 1 rơi vào tình trạng quá tải. Điều này thường xảy ra khi mạng lưới có các sự kiện như airdrop của các dự án khủng, mint NFT hot hay làn sóng fomo meme,... khiến nhiều giao dịch phải “xếp hàng” đợi được xử lý.
  • Phí giao dịch cao: Không gian khối (blockspace) trên Layer 1 là tài nguyên giới hạn, vì vậy nên người dùng sẽ phải cạnh tranh bằng cách trả phí gas cao hơn để giao dịch của mình được ưu tiên xử lý và thêm vào block. Trong các giai đoạn cao điểm, chi phí cho một giao dịch đơn giản có thể lên đến con số hàng chục hay thậm chí cả trăm USD, gây ra cản trở lớn cho người dùng phổ thông hoặc các ứng dụng có tần suất giao dịch cao như GameFi.
Phí gas trên Ethereum từng lên đến 700 USD cho mỗi giao dịch (Nguồn: Etherscan)
Phí gas trên Ethereum từng lên đến 700 USD cho mỗi giao dịch (Nguồn: Etherscan)
  • Thời gian xác minh kéo dài: Ethereum chỉ có thể xử lý được khoảng 15-30 giao dịch mỗi giây trên mạng chính, dẫn đến độ trễ cao và trải nghiệm người dùng kém mượt mà. Với các ứng dụng yêu cầu tốc độ nhanh như Game, DEX hay thanh toán thì đây là một rào cản lớn.

Layer 2 sẽ khắc phục các hạn chế trên bằng cách thực hiện phần lớn việc xử lý giao dịch ngoài chuỗi và chỉ gửi bằng chứng lên Layer 1 để xác minh bước cuối. Cách làm này sẽ giúp tăng thông lượng lên hàng trăm hoặc hàng nghìn TPS (Transaction Per Second), giảm phí giao dịch chỉ còn vài cent và xác nhận gần như tức thì.

Phí gas Ethereum so với các L2
Phí gas Ethereum so với các L2

Layer 2 hoạt động như thế nào?

Trước khi đi vào quy trình hoạt động, cần hiểu rõ các thành phần đóng vai trò thiết yếu trong mô hình hoạt động của Layer 2:

  • User: Người gửi giao dịch và tương tác với các ứng dụng trên Layer 2.
  • Sequencer: Có nhiệm vụ tiếp nhận, sắp xếp và thực thi giao dịch trên Layer 2. Hầu hết các Layer 2 hiện tại đang sử dụng mô hình Sequencer tập trung (do chính L2 đó điều hành).
  • Smart contracts: Đóng vai trò xác minh các dữ liệu hoặc bằng chứng từ Layer 2 và quyết định trạng thái cuối cùng của giao dịch.
  • Challengers hoặc Validators: Người có thể kiểm tra và khiếu nại các lô giao dịch không hợp lệ nếu phát hiện gian lận.

Cơ chế hoạt động của Layer 2 như sau: 

  • Thực thi ngoài chuỗi: Các giao dịch do người dùng thực hiện sẽ được gửi tới sequencer để xác định thứ tự xử lý. Layer 2 kiểm tra tính hợp lệ, cập nhật trạng thái tài khoản và thực hiện các phép tính toán nhanh chóng.
  • Gom nhóm giao dịch (Batching): Sau khi xử lý hàng loạt giao dịch, Layer 2 sẽ gom chúng lại thành một lô giao dịch (batch) duy nhất thay vì gửi từng giao dịch riêng lẻ lên Ethereum. Việc làm này giúp tối ưu phí gas vì chi phí ghi dữ liệu lên L1 sẽ được chia cho hàng trăm hoặc hàng nghìn giao dịch trong lô.
  • Gửi bằng chứng lên Layer 1: Để duy trì tính minh bạch, khả năng xác minh và bảo mật, Layer 2 sẽ gửi bằng chứng (proof), hay có thể hiểu là bản sao kê giao dịch, về cho Ethereum. Các Challengers hoặc Validator có thể khiếu nại để ngăn chặn các giao dịch không hợp lệ.
  • Xác minh và giải quyết trên Layer 2: Ethereum sẽ dùng các smart contract để xác minh tính hợp lệ của các batch. Sau khi đã xác nhận thì giao dịch sẽ được đưa vào block và không thể xoá hay sửa đổi (giao dịch hoàn tất).
Cách hoạt động của Layer 2 Rollup (Nguồn: X)
Cách hoạt động của Layer 2 Rollup (Nguồn: X)

Ưu điểm và nhược điểm của Layer 2

Các giải pháp Layer 2 mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho hệ sinh thái blockchain, đặc biệt là các mạng lớn như Ethereum, nhưng cũng đi kèm với các đánh đổi và thách thức riêng.

Ưu điểm

  • Tăng khả năng mở rộng và thông lượng: Đây là ưu điểm lớn nhất của Layer 2 khi chúng có thể xử lý số lượng giao dịch mỗi giây nhanh hơn đáng kể so với Layer 1, giúp giảm tắc nghẽn mạng.
  • Giảm chi phí giao dịch: Bằng cách xử lý giao dịch ngoài chuỗi và gom chúng lại thằng batch, Layer 2 có thể giảm đáng kể phí gas cho người dùng cuối. Điều này giúp các dApps dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng. Đặc biệt, sau bảng nâng cấp Dencun (EIP-4844) của Ethereum đã giúp cho phí gas trên L2 rẻ hơn nhiều lần so với trước.
Phí gas giảm mạnh hậu EIP04844 (Nguồn: IntoTheBlock)
Phí gas giảm mạnh hậu EIP04844 (Nguồn: IntoTheBlock)
  • Cải thiện trải nghiệm người dùng: Sự kết hợp giữa chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn tạo ra trải nghiệm người dùng mượt mà hơn, gần với các ứng dụng web2 truyền thống, giúp dễ dàng thu hút người dùng phổ thông.
  • Bảo mật kế thừa từ Layer 1: Các Layer 2 sẽ có được tính bảo mật cao như Layer 1 cơ sở vì chúng dựa vào đây để xác minh trạng thái cuối và giải quyết tranh chấp giao dịch.

Nhược điểm

  • Phân mảnh thanh khoản: Việc có quá nhiều Layer 2 cùng hoạt động sẽ khiến cho tài sản bị phân tán, làm giảm hiệu quả vốn và trải nghiệm người dùng..
  • Phân mảnh trải nghiệm người dùng: Việc di chuyển tài sản giữa L1 và L2, quản lý ví trên nhiều mạng lưới, và hiểu sự khác biệt giữa các L2 khác nhau là rào cản lớn đối với các người dùng phổ thông.
  • Rủi ro tập trung hoá: Một số mạng lưới Layer 2 đang sử dụng một Sequencer duy nhất của chính dự án, điều này có thể gây ra rủi ro trong quá trình kiểm duyệt giao dịch, trích xuất MEV, hoặc gián đoạn hoạt động nếu Sequencer gặp sự cố.

Phân biệt Layer 1 và Layer 2

Để dễ dàng phân biệt Layer 1 và Layer 2, cùng nhìn qua những đặc điểm trong bảng sau:

Đặc điểmLayer 1 (Ví dụ: Ethereum)Layer 2 (Ví dụ: Arbitrum, OP Mainnet)
Vai trò/ Mục đíchLớp nền tảng chịu trách nhiệm về đồng thuận, bảo mật và xác minh cuối cùng cho các giao dịch.Lớp mở rộng giúp tăng tốc độ, giảm phí, mở rộng khả năng xử lý giao dịch cho Layer 1.
Kiến trúcBlockchain độc lập, tự vận hành toàn bộ chức năng.Xây dựng trên Layer 1, phụ thuộc vào Layer 1 để xác minh, bảo mật, giải quyết các giao dịch.
Xử lý giao dịchThực thi trực tiếp trên blockchain.Thực thi off-chain, gom nhóm giao dịch rồi gửi dữ liệu hoặc bằng chứng lên Layer 1.
Mô hình bảo mậtCung cấp bảo mật riêng thông qua cơ chế đồng thuận Proof-Of-Stake.Kế thừa bảo mật từ Layer 1 hoặc các giải pháp Data Availability bên thứ 3.
Khả năng mở rộng (TPS)Hạn chế, chỉ khoảng 15 - 30 TPS.Cao, có thể đạt hằng trăm đến hàng nghìn TPS.
Phí giao dịchThường cao, đặc biệt khi mạng lưới tắc nghẽnRẻ hơn nhiều, đặc biệt sau nâng cấp Dencun
Mức độ phi tập trungCao hơn, với nhiều Validator phi tập trung toàn cầu.Thấp hơn, do hiện tại nhiều Layer 2 sử dụng Sequencer tập trung để xử lý và sắp xếp giao dịch.

Phân loại các giải pháp Layer 2 phổ biến

Layer 2 được chia làm nhiều giải pháp khác nhau, mỗi loại lại có cách tiếp cận riêng biệt để giải quyết vấn đề mở rộng, bao gồm: RollupsSidechainsState ChannelsPlasmaValidium.

Tổng hợp các loại Layer 2
Tổng hợp các loại Layer 2

Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về từng loại Layer 2 nhé!

Rollups

Rollups hiện là giải pháp Layer 2 phổ biến, được ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ nhất. Như mình đã đề cập ở các phần trên, giải pháp này hoạt động bằng cách thực thi các giao dịch off-chain, sau đó gom nhóm nhiều giao dịch lại thành một lô và gửi dữ liệu hoặc bằng chứng (proof) về lại cho Layer 1.

Có hai loại Rollups chính bao gồm Optimistic Rollups và ZK-Rollups, với các đặc điểm phân biệt như sau:

Tiêu chí

Optimistic Rollups

ZK-Rollups

Cơ chế xác minh

Fraud Proof

Zero Knowledge Proof (ZK-SNARK/ STARK)

Khả năng tương thích EVM

Rất cao, hỗ trợ EVM gốc

Thấp, tuy nhiên zkEVM đang phát triển

Chi phí xây dựng hạ tầng

Rẻ hơn do dễ triển khai

Phức tạp và tốn kém hơn

Khả năng nén dữ liệu

Trung bình

Cao hơn

Ví dụ

Arbitrum, OP Mainnet, Base

zkSync, Starknet, Linea

Sidechains

Sidechains là các Layer 2 hoàn toàn độc lập, hoạt động song song và kết nối với Layer 1 thông qua cầu nối. Chúng có cơ chế đồng thuận riêng và sẽ không thừa kế bảo mật từ chuỗi chính. Ưu điểm của loại Layer 2 này là tính linh hoạt, thông lượng cao và có khả năng tương thích với EVM. Tuy nhiên, chúng lại có bảo mật yếu hơn so với Layer 1 và phải phụ thuộc vào dàn Validator riêng. Ngoài ra, việc kết nối với Layer 1 thông qua bridge cũng gặp nhiều rủi ro do đây là mục tiêu tấn công phổ biến trong crypto.

Một số ví dụ về Sidechains Layer 2: Polygon PoS, Gnosis Chain, Ronin,...

State Channels

State Channels là loại Layer 2 cho phép hai hoặc nhiều người giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần ghi mọi giao dịch lên Layer 1 ngay lập tức. Thay vì gửi mỗi giao dịch lên chuỗi, người dùng sẽ mở một Channel riêng bằng cách khóa tài sản vào một smart contract. Trong Channel này họ có thể thực hiện hàng hoạt các giao dịch ngoài chuỗi và chỉ gửi trạng thái cuối cùng hay kết quả tổng hợp lên Layer 1.

Cách hoạt động của State Channels (Nguồn: Alphaventuredao)
Cách hoạt động của State Channels (Nguồn: Alphaventuredao)

Ưu điểm của State Channel là tốc độ xử lý nhanh, chi phí giao dịch thấp và riêng tư cao vì các giao dịch trung gian không được công khai trên blockchain chính. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là có thể gây rủi ro  khi người dùng phải khoá tài sản trong smart contract. Ngoài ra, tính ứng dụng của State Channel cũng bị giới hạn, chủ yếu phục vụ cho mục đích thanh toán.

Một số ví dụ về State Channel Layer 2: Lightning network, Celer Network, Raiden Network,...

Plasma

Plasma là giải pháp Layer 2 hoạt động theo cách tạo ra các chuỗi con (child chains) hoạt động song song với chuỗi chính (Layer 1). Thay vì xử lý mọi giao dịch trực tiếp trên Layer 1, Plasma cho phép thực hiện chúng trên các chuỗi con và chỉ định kỳ gửi bản tóm tắt trạng thái (Merkle root) lên Layer 1. Loại Layer 2 này còn sử dụng cơ chế bằng chứng gian lận (fraud proof) giúp tăng tính bảo mật cho người dùng.

Cách hoạt động của Plasma (Nguồn: Alphaventuredao)
Cách hoạt động của Plasma (Nguồn: Alphaventuredao)

Ưu điểm của Plasma là khả năng mở rộng cao, chi phí giao dịch thấp. Tuy nhiên, cơ chế rút tiền tương đối phức tạp và chậm. Ví dụ về Plasma Layer 2: OMG Network

Validium

Validium là giải pháp Layer 2 có kiến trúc tương tự ZK-Rollups khi sử dụng bằng chứng mật mã hợp lệ (Validity Proofs) để xác minh giao dịch, nhưng điểm khác biệt là dữ liệu giao dịch trên Validium sẽ không được đưa lên Layer 1 mà được giữ hoàn toàn off-chain. Thay vì dựa vào Ethereum để đảm bảo tính sẵn có của dữ liệu (Data Availability), Validium sử dụng một bên thứ ba đáng tin cậy như Uỷ ban Đảm bảo Dữ liệu (DAC) để lưu trữ và cung cấp dữ liệu khi cần thiết.

Cách hoạt động của Validium (Nguồn: Alphaventuredao)
Cách hoạt động của Validium (Nguồn: Alphaventuredao)

Điểm mạnh của Validium là khả năng mở rộng quy mô rất cao và giảm chi phí đáng kể khi không tốn phí lưu trữ dữ liệu trên Ethereum. Đồng thời, việc lưu data ngoài chuỗi cũng giúp tăng cường quyền riêng tư, vì các chi tiết giao dịch không hiển thị công khai trên blockchain. Tuy nhiên, Validium lại bị phụ thuộc vào nhóm DAC, chính vì vậy mà loại Layer 2 này phải đánh đổi độ tin cậy để đảm bảo hiệu suất vàmức độ bảo mật cao.

Một số ví dụ về Validium Layer 2: StarkEX, Sorare, dYdX, Immutable X.

Top 3 dự án Ethereum Layer 2 hàng đầu

Arbitrum

Arbitrum là một trong những Layer 2 tiên phong sử dụng công nghệ Optimistic Rollups, được phát triển bởi Offchain Labs và ra mắt mainnet vào tháng 9/2021. Đây hiện là Layer 2 lớn nhất trong hệ sinh thái Ethereum, với tổng giá trị khoá (TVL) vượt mốc 10 tỷ USD, chiếm khoảng 43% thị phần mảng Layer 2. Nhờ vào tốc độ xử lý giao dịch nhanh và chi phí rẻ, Arbitrum chính là “ngôi nhà chung” của nhiều dự án DeFi hàng đầu như GMX, Ostium, Camelot, Gains Network,... 

Đặc biệt, mới đây vào 4/2025, Arbitrum giới thiệu Converge, một blockchain chuyên về Real World Assets do Ethena Labs cùng công ty Securite đồng phát triển. Blockchain này được kỳ vọng sẽ giúp Arbitrum vực dậy sau thời gian dài vắng bóng và mở rộng tầm ảnh hưởng trong mảng thị trường Layer 2.

OP Mainnet

OP Mainnet hay được biết đến với tên gọi Optimism, là một Optimistic Rollups ra mắt mainnet đầu tiên vào tháng 1/2021. Một trong những bước phát triển nổi bật của OP Mainnet chính là Superchain, một hệ sinh thái các Layer 2 được xây dựng dựa trên bộ khung OP Stack do chính dự án phát triển, cho phép khả năng tương tác liền mạch giữa các chain và chia sẻ bảo mật từ Ethereum.

Tính tới tháng 4/2025, Superchain đã thu hút hơn 30 dự án L2 cùng tham gia, với lượng giao dịch mỗi ngày đạt hơn 12 triệu. Với những con số như trên, tổng hệ sinh thái Superchain của OP Mainnet đang chiếm 55.2% tổng thị phần mảng Layer 2.

Base

Base là một Optimistic Rollup được xây dựng dựa trên bộ khung OP Stack, thuộc hệ sinh thái Superchain của OP Mainnet.  Dự án được ươm tạo bởi Coinbase, một trong những sàn giao dịch có lượng người dùng lớn nhất thế giới, điều này giúp Base có được những lợi thế đặc biệt để cạnh tranh với các Layer 2 khác. Mặc dù chỉ mới mainnet vào giữa năm 2023, Base có tốc độ phát triển rất ấn tượng, vươn lên trở thành Layer 2 lớn thứ 2 thị trường hiện tại. Cụ thể hơn, mạng lưới này thường xuyên dẫn đầu về số lượng giao dịch hàng ngày khi có lúc vượt 7-8 triệu giao dịch mỗi ngày mặc cho thị trường ảm đạm. Tính đến tháng 4/2025, Base đã đạt gần 10 tỷ USD TVL, với tổng 383 địa chỉ ví hoạt động, phản ánh rõ sức hút và tiềm năng phát triển của Layer 2 này.

Tình hình của Ethereum Layer 2 sau nâng cấp Dencun

Sau khi nâng cấp Dencun với việc triển khai EIP-4844 (Proto-Danksharding) diễn ra thành công vào 13/03/2024, hệ sinh thái Ethereum Layer 2 đã trải qua một bước ngoặt quan trọng.  Theo dữ liệu từ Dune, tính từ 13/03/2024 đến thời điểm viết bài (20/05/2025), Dencun đã mang lại nhiều ảnh hưởng lên Layer 2 được thể hiện rõ qua các số liệu đáng chú ý như sau: 

  • Phí giao dịch giảm mạnh khi người dùng hiện chỉ phải tốn tầm 0,01 USD đến 0,001 USD/ transaction, rất rẻ so với trước đó.
  • Chi phí hoạt động trung bình của L2 (phí gửi dữ liệu và proof lên L1) đãã giảm mạnh từ khoảng 2 triệu USD/ ngày xuống chỉ còn 9 nghìn USD/ ngày.
  • Do phí hoạt động cùng phí gas giảm nên doanh thu tổng thể cũng giảm từ 2.8 triệu USD/ ngày xuống còn 168 nghìn USD/ ngày.
Biểu đồ chỉ số onchain của Layer 2 hậu EIP-4844 (Nguồn: Dune)
Biểu đồ chỉ số onchain của Layer 2 hậu EIP-4844 (Nguồn: Dune)

Đánh giá tương lai của Layer 2

Từ một giải pháp tạm thời, Layer 2 đang dần trở thành trụ cột mở rộng quy mô cố lõi trong lộ trình phát triển của Ethereum. Theo dự báo của VanEck, tổng định giá của các mạng Layer 2 trên Ethereum có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, phản ánh tiềm năng tăng trưởng dài hạn của lĩnh vực này. Hơn nữa, theo beincrypto, Vitalik Buterin từng nhấn mạnh nhiều lần rằng tương lai của Ethereum phụ thuộc vào việc mở rộng thông qua Layer 2.

Mặc dù Layer 2 vẫn còn nhiều hứa hẹn về mặt công nghệ, nhưng đang đối mặt với các thách thức trong giai đoạn phát triển hiện tại. Sau làn sóng bùng nổ từ 2021-2023, mảng Layer 2 đang dần trở nên bão hoà, với hàng chục dự án Rollup cùng tồn tại, từ các tên tuổi lớn như Arbitrum, OP Mainnet, Base cho đến các L2 mới nổi theo trend.

Một vấn đề lớn khác là tâm lý thị trường đang dần lãng quên mảng Layer 2, đặc biệt sau các đợt airdrop lớn và người dùng chỉ có xu hướng rời đi khi đã nhận được phần thưởng mà không ở lại đóng góp cho hệ sinh thái. Trong khi các trend mới như AI, RWA, memecoin đang dần chiếm sóng thì Layer 2 lại là mảng có hiệu suất đầu tư kém hơn rất nhiều. Điều này khiến các dự án L2 ngày càng gặp khó khăn trong việc thu hút user, TVL đặc biệt là duy trì hoạt động tích cực trên hệ của mình.

Tổng lại, Layer 2 vẫn sẽ là trụ cột mở rộng của Ethereum, đặc biệt khi các nâng cấp như Danksharding hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ những dự án có sự khác biệt, hoàn thiện thực sự về hạ tầng, mô hình kinh tế,... mới có cơ hội tồn tại và phát triển lâu dài trong mảng thị trường này.

Trên đây là tổng hợp toàn bộ kiến thức về Layer 2 là gì, cách thức hoạt động, cũng như đánh giá về tiềm năng phát triển trong tương lai của mảng thị trường này.

Mong rằng bài viết này đã giúp anh em có thêm cái nhìn tổng quan về Layer 2, để từ đó đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn. Nếu anh em có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!