Layer 2 (L2) là một trong những mảng thị trường có tốc độ phát triển nhanh chóng và được chú ý bởi rất nhiều builder khủng như sàn giao dịch Coinbase (Base), Sam Altman (World Network),...

 

Nhưng sẽ ra sao nếu các L2 này cùng hoạt động trong một liên minh? Ý tưởng này ngay sau đó đã được Optimism biến thành sự thật với tầm nhìn Superchain, tạo lập ra một hệ sinh thái L2 hùng mạnh với rất nhiều cái tên lớn.

 

Vậy Superchain là gì? Tiềm năng phát triển của liên minh này trong tương lai như thế nào? Hãy cùng Block24 khám phá ngay trong bài viết sau đây nhé!

Superchain là gì?

Superchain là mạng lưới các L2 được xây dựng dựa trên OP Stack, bộ công cụ phát triển mã nguồn mở do OP Mainnet (trước đây là Optimism) phát triển.

 

Các dự án thuộc Superchain (được gọi chung là OP Chain) có thể hoạt động như một mạng lưới thống nhất, có khả năng mở rộng vô hạn.

 

Thay vì các L2 hoạt động độc lập và tách rời nhau như trước thì OP Mainnet muốn biến Superchain thành một hệ sinh thái, nơi các L2 có thể chia sẻ bảo mật, hạ tầng, thông tin và thanh khoản một cách liền mạch.

 

Tháng 6/2023 đánh dấu cột mốc Superchain - thành quả của một quá trình phát triển dài hơi từ OP Mainnet, chính thức ra mắt. Tính tới tháng 3/2025, Superchain đã thu hút hơn 30 dự án L2 cùng tham gia.

Một số dự án thuộc Superchain
Một số dự án thuộc hệ sinh thái Superchain (Nguồn: Superchaineco)

Superchain giải quyết vấn đề gì?

Ý tưởng về một liên minh các OP Chain ra đời nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể như sau:

Phân mảnh thanh khoản và người dùng giữa các Layer 2

Theo số liệu trên L2Beat, hiện thị trường đang có hơn 100 L2 cùng hoạt động. Vì vậy mà thanh khoản bị phân tán và không thể kết nối trực tiếp giữa các mạng lưới với nhau, khiến cho việc sử dụng dòng vốn trở nên kém hiệu quả.

superchain giải quyết bài toán phân mảnh L2
Số lượng Layer 2 vượt mốc 100 dự án (Nguồn L2Beat)

Mỗi L2 hoạt động trong một hệ sinh thái độc lập với nguồn thanh khoản riêng biệt, người dùng phải sử dụng cầu nối (bridge) để chuyển tài sản từ chuỗi này sang chuỗi khác. Điều này dẫn tới việc chi phí giao dịch bị độn lên cao và thời gian chờ đợi lâu hơn, trực tiếp làm giảm trải nghiệm của người dùng.

 

Bên cạnh đó, việc mỗi L2 có một mục tiêu phát triển và công nghệ khác nhau cũng tạo nên sự phân mảnh người dùng. Ví dụ, StarkNet nhắm đến phát triển các ứng dụng hiệu suất cao như GameFi, zkSync tập trung vào Account Abstraction,...

 

Sự phân mảnh này làm giảm khả năng tương tác giữa các cộng đồng, khiến người dùng khó có thể tận dụng toàn bộ tiềm năng của hệ sinh thái L2.

 

Để giải quyết vấn đề này, Superchain đã ra đời với tầm nhìn trở thành một liên minh hùng mạnh, gồm  các OP Chain được kết nối liền mạch, cùng chia sẻ thanh khoản và nguồn tài nguyên. Đồng thời, loại bỏ sự phân mảnh trong cộng đồng để tạo ra một hệ sinh thái blockchain hiệu quả hơn.

Hạn chế về tốc độ và phí giao dịch

Superchain giải quyết vấn đề phí gas cao và tốc độ xử lý giao dịch chậm trên Ethereum bằng cách sử dụng công nghệ Optimistic Rollups cho tất cả các OP Chains.

 

Thay vì thực hiện các giao dịch trực tiếp trên Layer 1 (L1), thì chúng sẽ được xử lý ngoài chuỗi (off-chain), sau đó dữ liệu sẽ được gom lại (rolled up) và gửi lên L1 dưới dạng một giao dịch duy nhất.

 

Cơ chế này sẽ làm giảm đáng kể lượng dữ liệu cần xử lý trên L1, từ đó giảm chi phí và tăng tốc độ, vì L1 chỉ cần giải quyết một giao dịch tổng hợp thay vì hàng nghìn giao dịch riêng lẻ.

 

Ngoài ra, các OP Chain sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí bằng cách sử dụng chung hệ thống dữ liệu và smart contract trên Ethereum. Nhờ đó, các L2 không phải chi trả riêng lẻ cho việc lưu trữ dữ liệu trên L1, giúp giảm tổng chi phí vận hành.

 

Theo thống kê từ l2fees, phí trên các OP Chain có thể rẻ hơn 90% so với Ethereum. Lấy ví dụ: OP Mainnet có phí gửi ETH là 0.09$, phí swap token là 0.18$. Trong khi phí gửi ETH và phí swap token trên Ethereum lần lượt là 1.10$ và 5.48$.

phí gas trên OP mainnet vs Ethereum
So sánh mức phí gas trên OP mainnet và Ethereum (Nguồn: L2fees.info)

Tóm lại, Optimistic Rollups sẽ mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho toàn bộ hệ sinh thái và thúc đẩy sự phát triển của liên minh OP Chains, dựa trên cơ sở chi phí thấp và khả năng mở rộng cao.

Khả năng tương tác giữa các Layer 2

Superchain giải quyết vấn đề về khả năng tương tác giữa các L2 trong hệ sinh thái bằng cách sử dụng chung cơ sở hạ tầng OP Stack. Phương pháp này giúp các OP Chain  tương thích với nhau ngay từ đầu và giảm bớt sự phức tạp trong việc giao tiếp giữa các mạng.

 

Thêm vào đó là việc sử dụng các smart contract chung trên Ethereum L1 và hỗ trợ tương tác giữa các OP Chain thông qua hệ thống tin nhắn nội bộ (Interop). Qua đó giúp việc di chuyển tài sản giữa các chain trở nên nhanh chóng và hiệu quả mà không cần thông qua các cầu nối bên thứ ba.

Các thành phần trong Superchain

Superchain được xây dựng dựa trên nền tảng OP Stack, bao gồm nhiều OP Chains có khả năng tương tác, kết nối thông qua OP Bridge và được quản lý bởi OP Collective.

OP Stack

OP Stack là bộ công cụ phát triển mã nguồn mở, đóng vai trò là cơ sở hạ tầng chính, cung cấp một framework được tiêu chuẩn hoá, chi phí rẻ, giúp xây dựng các L2 một cách dễ dàng, tiết kiệm đáng kể thời gian và tài nguyên.

 

OP Stack sẽ được thiết kế theo dạng mô-đun, tách rời nhiều lớp để hoạt động, bao gồm:

  • Lớp khả dụng dữ liệu (Data Availability Layer): Cung cấp và đảm bảo dữ liệu giao dịch luôn có sẵn và dễ dàng truy cập khi cần thiết.
  • Lớp dẫn xuất (Derivation Layer): Xử lý dữ liệu thô và biến chúng thành đầu vào cho lớp thực thi.
  • Lớp sắp xếp (Sequencing Layer): Xác định và sắp xếp thứ tự các giao dịch cần xử lý.
  • Lớp thực thi (Execution Layer): Xử lý và xác nhận các giao dịch.
  • Lớp thanh toán (Settlement Layer): Xác thực và hoàn tất giao dịch.
  • Lớp quản trị (Governance Layer): Cung cấp cơ chế quản trị, bao gồm việc quản lý quyền biểu quyết và các quyết định quan trọng trên L2.
Cấu trúc OP Stack
Cấu trúc OP Stack (Nguồn: Binance Research)

Nhờ vào thiết kế mô-đun nên các lớp này có thể dễ dàng thay đổi và điều chỉnh linh hoặc để phù hợp với từng nhu cầu riêng của Layer 2. Điều này sẽ tạo động lực giúp nhiều nhà phát triển tham gia xây dựng hơn, từ đó góp phần mở rộng hệ sinh thái.

OP Chains

OP Chains là cách gọi chung của các L2 thuộc hệ sinh thái Superchain. Các OP Chain này cùng chia sẻ chung một cơ sở hạ tầng, tính bảo mật và khả năng tương tác với các dự án khác trong hệ sinh thái.

 

 Một số đặc điểm chính của OP Chains:

  • Tương thích với Ethereum: OP Chains hoàn toàn tương thích với Ethereum, cho phép các dApps và hợp đồng thông minh dễ dàng hoạt động trên cả hai mạng lưới mà không cần thay đổi nhiều về mã nguồn.
  • Khả năng mở rộng và hiệu suất cao: OP Chains sẽ sử dụng công nghệ Optimistic Rollups giúp xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày với tốc độ nhanh chóng và chi phí thấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng và ứng dụng.
  • Tính linh hoạt và tùy chỉnh: Các nhà phát triển có thể dễ dàng thay đổi cấu hình OP Chains của mình để đáp ứng các nhu cầu cụ thể, bao gồm việc điều chỉnh thông lượng giao dịch, chi phí hay mức độ phân quyền của mạng lưới.

OP Bridge

OP Bridge là cầu nối cho phép di chuyển tài sản giữa các OP Chain và  Ethereum L1. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính thanh khoản và khả năng tương tác đa chuỗi.

 

Bên cạnh đó, OP Bridge cho phép chuyển tài sản và dữ liệu từ OP Chain này sang OP Chain khác thông qua Superchain Interop (hệ thống nhắn tin nội bộ) đang phát triển.

Cách OP Bridge hoạt động
Cách OP Bridge hoạt động (nguồn: Binance Research)

Bên cạnh đó còn có một số tính năng mới triển khai gần đây như:

  • Tiêu chuẩn token như SuperchainERC20, giúp đơn giản hoá việc chuyển token giữa các chuỗi trong hệ. 
  • Superchain ETH, một cơ chế giúp chuyển ETH liền mạch giữa các OP Chain.

OP Collective

OP Collective là tổ chức quản trị phi tập trung chịu trách nhiệm quản lý, phát triển và phân phối các khoản tài trợ cho các dự án trong hệ sinh thái. OP Collective bao gồm nhiều thành phân khác nhau, từ cộng đồng người dùng, đến các công ty và cá nhân, tất cả cùng nhau hoạt động để hướng tới mục tiêu xây dựng liên minh các OP Chain hùng mạnh.

 

OP Collective bao gồm hai nhánh chính:

  • Token House - nơi các holder token OP bỏ phiếu về các thay đổi kỹ thuật.
  • Citizen’s House - đại diện cho các thành viên cộng đồng tích cực, tham gia vào quyết định phân bổ ngân sách công.

Cơ cấu này sẽ đảm bảo tất cả các chính sách phát triển của Superchain đều được quyết định một cách phi tập trung và minh bạch. 

Ưu điểm và nhược điểm của Superchain

Ưu điểm

  • Khả năng mở rộng cao: Bằng cách sử dụng công nghệ Optimistic Rollups cho tất cả các OP Chains, cho phép xử lý nhiều giao dịch hiệu quả hơn và thông lượng cao hơn.
  • Khả năng tương tác liền mạch: Các OP Chain trong hệ sinh thái có thể tương tác liền mạch với nhau, hạn chế sự phức tạp trong bước chuyển đổi mạng và cải thiện trải nghiệm người dùng.
  • Chi phí rẻ: Chi phí triển khai OP Chain được giảm thiểu tối đa, loại bỏ rào cản về vốn cho các nhà phát triển. Đồng thời, công nghệ Optimistic Rollup cũng giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch cho người dùng.
  • Bảo mật cao: Superchain được hưởng lợi từ mô hình bảo mật dùng chung do Ethereum cung cấp, các OP Chain không cần xây dựng cơ chế bảo mật riêng.

Nhược điểm

  • Khó khăn trong quản trị: Việc quản lý một hệ sinh thái đa dạng và phi tập trung đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các OP Chain. Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích và đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên là một thử thách không nhỏ.
  • Khả năng mở rộng trong tương lai: Việc duy trì khả năng mở rộng và hiệu suất khi hệ sinh thái phát triển là một thách thức. Nền tảng cần  được tối ưu hoá liên tục với những tiến bộ công nghệ mới. Đội ngũ phát triển của OP Mainnet phải bảo rằng mạng lưới có thể xử lý được số lượng giao dịch ngày càng tăng mà không ảnh hưởng tới tốc độ và chi phí.

Tình hình hoạt động của Superchain

Hệ sinh thái Superchain đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được thể hiện qua những con số ấn tượng. Một số thống kê dữ liệu quan trọng tính tới thời điểm viết bài (ngày 18/03/2025) như sau:

  • Tổng doanh thu: Đạt 16.3 nghìn ETH, trong đó đóng góp nhiều nhất là OP Mainnet (10.8 nghìn ETH) và Base (5.2 nghìn ETH) - Theo số liệu từ SuperchainEco.
  • Số lượng giao dịch hàng ngày: Đạt 11.2 triệu transaction.
  • Tổng tài sản bị khoá (TVL): ạt 3.7 tỷ USD, theo số liệu trên Dune. 
  • Tổng số lượng ví hoạt động: Đạt 219,785 ví.
  • Tổng hợp đồng được tạo: Đạt 324 triệu hợp đồng.
Các số liệu hoạt động của Superchain
Các số liệu hoạt động của Superchain tính đến ngày 18/03/2025  (Nguồn: Superchain.eco)

Dựa vào tình hình hoạt động đến thời điểm hiện tại, có thể thấy toàn cảnh hệ sinh thái vẫn khá ổn. Mặc dù trong bối cảnh thị trường Crypto điều chỉnh mạnh kể từ đầu năm 2025, đặc biệt là sự xuống dốc trầm trọng của mảng L2, các OP Chain, đặc biệt là Base vẫn tăng trưởng mạnh.

Tiềm năng phát triển trong tương lai của Superchain

Superchain hiện đang là “cái nôi” hoạt động của 30 OP Chain. Đáng chú ý, trong top 10 L2 có TVL lớn nhất thị trường, có tới ½ thuộc OP Chain. Đặc biệt, tính tới tháng 03/2025, liên minh các OP Chain đang chiếm tới 45.7% thị phần L2 về số lượng giao dịch.

 

Điều này chứng minh sức mạnh của liên minh OP chain và cho thấy hệ sinh thái đang ngày càng phát triển, thu hút được sự chú ý từ cả cộng đồng người dùng lẫn các nhà phát triển dApp.

Superchain đang chiếm ưu thế
Một nửa số dự án trong top 10 Layer 2 thuộc Superchain (Nguồn: L2Beat)

Giám đốc mảng tăng trưởng của OP Mainnet - Ryan Wyatt, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Kucoin đã cho biết: “Chúng tôi đặt tham vọng rằng Superchain sẽ đạt 80% thị phần về tổng số lượng giao dịch L2”.

 

Nếu điều này trở thành hiện thực, liên minh OP Chains sẽ là hệ sinh thái có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong số các L2, qua đó tạo động lực to lớn trong việc thúc đẩy mảng thị trường này phát triển hơn nữa trong tương lai.

Một số OP chain nổi bật

Dự án

OP Mainnet

Base

Blast

Zora

Mô tả

- Trước đây là Optimism, dự án L2 đầu tiên trên Superchain.

- OP Mainnet nổi bật với TVL cao (3.98 tỷ USD), cộng đồng phát triển mạnh mẽ và là L2 có nhiều đóng góp nhất cho hệ sinh thái.

- Được phát triển và hậu thuẫn bởi sàn giao dịch Coinbase. Đây là OP Chain có TVL lớn nhấ với hơn 11 tỷ USD.

- Được xây dựng bởi đội ngũ đứng sau Blur (một nền tảng NFT nổi tiếng).

- Blast gây chú ý với mô hình native yield, nhanh chóng thu hút được lượng TVL lớn, đạt 374 triệu USD.

- Được phát triển bởi Zora- một nền tảng NFT tương tự Blur..

- Zora Chain tập trung vào việc hỗ trợ các nhà sáng tạo và nghệ sĩ phát hành, giao dịch và chia sẻ NFT một cách dễ dàng cùng chi phí rẻ.

TokenOP-BLAST-
Marketcap1.4 tỷ USD-74.32 triệu USD 

 

Như vậy là mình vừa trình bày xong về chủ đề Superchain, hi vọng bài viết này đã giúp anh em nắm được Superchain là gì và vai trò quan trọng của nó đối với mảng Layer 2. Nếu anh em có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!

 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!