Nguyên nhân chính khiến 95% nhà đầu tư Crypto thất bại đến từ việc ra quyết định một cách mù quáng. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất giúp anh em tránh khỏi tình trạng này là nghiên cứu Tokenomics.
Vậy Tokenomics là gì? Vì sao chúng ta cần nghiên cứu Tokenomics khi đầu tư Crypto? Anh em hãy cùng Block24 tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Tokenomics là gì?
Tokenomics (Token Economics - nền kinh tế token) là thuật ngữ chỉ hệ thống kinh tế của một token trong thị trường Crypto. Nó cho phép chúng ta “nghiên cứu và phân tích các khía cạnh kinh tế của một dự án”, “đặc biệt tập trung vào thiết kế và phân phối token”. - Theo Wikipedia.
Tokenomics bao gồm các yếu tố như cơ chế phân phối, nguồn cung, lạm phát/giảm phát, tiện ích và các động lực khuyến khích nhằm đảm bảo giá trị và tính bền vững của token.

Giá trị của một token phụ thuộc vào tokenomics của nó. Nếu token có nhiều tiện ích, nguồn cung hạn chế và nhu cầu lớn trong một hệ sinh thái phát triển, giá trị của nó có thể tăng lên. Ngược lại, nếu quá ít (hoặc không có) tiện ích , nguồn cung dư thừa và không có nhu cầu rõ ràng, giá trị của token có thể giảm xuống.
Ví dụ:
- BNB (BNB chain) có nhiều tiện ích (giảm phí, phí gas, staking), nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao trong hệ sinh thái Binance -> Giá trị tăng trưởng ổn định.
- SUSHI (Sushiswap) với tiện ích hạn chế, nguồn cung lạm phát cao, nhu cầu giảm mạnh do cạnh tranh trong thị trường DEX -> Giá trị suy giảm nhanh chóng.
Nhìn chung, Tokenomics đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá tiềm năng của một dự án, giúp nhà đầu tư hiểu rõ họ đang đầu tư vào cái gì.
Vì sao cần nghiên cứu Tokenomics khi đầu tư Crypto?
Thông thường, khi tìm hiểu một token (ví dụ ETH), anh em sẽ lên các trên trang Web thống kê như Coinmarketcap hay CoinGecko để check các thông tin sau:
- Circulating Supply (Lượng token đang lưu thông trên thị trường).
- Total Supply (Tổng lượng token tối đa).
- Market Cap (Giá trị vốn hóa thị trường tính theo Circulating Supply).
- FDV (Giá trị vốn hóa thị trường tính theo Total supply).
Đây là những thông tin cơ bản, giúp ta đánh giá sơ bộ tiềm năng của ETH, nhưng để hiểu rõ hơn giá trị thực sự của chúng thì nghiên cứu Tokenomics dự án Ethereum mới là những gì anh em cần làm.
Cụ thể, việc nghiên cứu Tokenomics giúp chúng ta:
- Xác định giá trị nội tại của dự án: Hiểu được nguồn cung, nhu cầu, và cơ chế phân phối để đánh giá giá trị thực sự của token.
- Phân tích lạm phát/giảm phát: Xem xét tỷ lệ phân bổ, lịch trình vesting và cơ chế burn để biết mức độ lạm phát/giảm phát của token.
- Đánh giá động lực hold token: Thông qua cơ chế staking, các use case, và lợi ích của việc sở hữu token.
- Dự đoán tác động thị trường: Nắm được tỷ lệ phân bổ và lịch vesting token để dự báo diễn biến giá token trong từng giai đoạn.
- So sánh với đối thủ: Hiểu rõ lợi thế cạnh tranh so với các dự án khác trong cùng lĩnh vực.
- Xác định tiềm năng dài hạn: Thông qua việc đánh giá tính bền vững của mô hình kinh tế và tiềm năng phát triển của dự án.
Nói tóm lại, nghiên cứu Tokenomics là kỹ năng tối quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào nếu muốn thành công trong thị trường Crypto.
Các thành phần chính của một Tokenomics
Một Tokenomics cơ bản bao gồm những thành phần chính sau đây:
- Token Key Metrics
- Token Supply (Circulating, Total, Max)
- Market Cap (M.cap) & Fully Diluted Valuation (FDV)
- Token Allocation (Team, Investor, Public Sale, Ecosystem, Airdrop...)
- Token Release schedule
- Inflationary/Deflationary Mechanism (cơ chế lạm phát/giảm phát)
- Token Utility
Token Key Metrics (các dữ liệu chính)
- Token Name: Tên token, ví dụ: Ethereum
- Ticker: Ký hiệu, ví dụ: ETH
- Blockchain: Blockchain Layer 1 mà coin/token đang chạy trên đó. Ví dụ: ETH đang chạy trên blockchain Ethereum.
- Contract: Địa chỉ hợp đồng thông minh (smart contract) của token. Ví dụ của ETH là: 0x2eaa73bd0db20c64f53febea7b5f5e5bccc7fb8b
Token Supply (nguồn cung Token)
Các thông số chính của nguồn cung token:
- Max Supply (nguồn cung tối đa): số lượng coin/token tối đa có thể tồn tại, một khi đạt đến giới hạn này thì không thể tạo thêm nữa. Ví dụ: Bitcoin (BTC) có Max Supply là 21 triệu BTC, sau khi đào hết sẽ không có thêm bất kỳ BTC mới nào được tạo ra.
- Total Supply (tổng nguồn cung): tổng số coin/token đã được phát hành hoặc tạo ra, trừ đi số lượng đã bị đốt (burn). Ví dụ: ETH có Total Supply là 120,6 triệu và con số này thay đổi theo cơ chế lạm phát (phần thưởng staking) và giảm phát (burn phí gas ETH).
- Circulating Supply (nguồn cung lưu thông): số lượng coin/token đang lưu thông trên thị trường và có thể giao dịch. Nghĩa là không tính số lượng bị khóa, staking hoặc chưa được phát hành. Ví dụ: SUI có Total Supply là 10 tỷ, nhưng chỉ có 3,17 tỷ hiện đang lưu thông.

Market Cap (M.cap) & Fully Diluted Valuation (FDV)
- Market Cap (vốn hóa thị trường): Là tổng giá trị của tất cả các token đang lưu thông trên thị trường.
Công thức:
Ví dụ: M.cap của SUI (ở thời điểm viết bài 5/3/2025) = 3,169,845,047 × 2,52$ = 7,983,946,873$
- Fully Diluted Valuation - FDV (Vốn hóa pha loãng hoàn toàn): Là tổng giá trị vốn hóa giả định nếu tất cả các token (Max Supply) được lưu thông.
Công thức:
Ví dụ: FDV của SUI = 10,000,000,000 × 2,52$ = 25,000,000,000$
Token Allocation (phân bổ token)
Token Allocation là cách mà dự án phân chia nguồn cung token cho các bên liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển, tính thanh khoản và tiềm năng đầu tư của dự án. Bao gồm:
1. Team & Advisors (Đội ngũ phát triển & Cố vấn)
Chiếm khoảng 10-30% tổng cung, thường bị khóa trong 2-4 năm và mở khóa (unlock) theo từng giai đoạn để tránh bán tháo. Khoản phân bổ này dùng để thưởng cho đội ngũ phát triển và cố vấn vì đã đóng góp cho dự án từ sớm.
2. Investors (Các nhà đầu tư sớm)
Chiếm khoảng 10-30% tổng cung, thường có thời gian khóa từ 6 tháng – 2 năm. Mục đích của khoản phân bổ này là gây quỹ từ các nhà đầu tư sớm để có kinh phí phát triển dự án.
3. Public Sale (Vòng bán token công khai)
Chiếm khoảng 5-10% tổng cung, có thể mở khóa ngay tại TGE (thời điểm list sàn) hoặc bị khóa trong thời gian ngắn (thường từ 3-12 tháng). Mục đích của public sale là bán token ra thị trường thông qua các nền tảng gọi vốn công khai như Binance Launchpad, Coinlist,...
4. Ecosystem & Development (Hệ sinh thái & Phát triển dự án)
Chiếm khoảng 20-50% tổng cung và được phân bổ dần theo từng giai đoạn với mục tiêu xây dựng, phát triển dự án trong dài hạn. Cụ thể hơn, khoản này dùng để tài trợ phát triển hệ sinh thái, thưởng cho nhà phát triển DApp, staking rewards, incentive cho người dùng.
Ví dụ: Arbitrum (ARB) dành phần lớn token (36,4%) cho quỹ DAO và hệ sinh thái và đang phân bổ dần cho các DApp.
5. Airdrop & Community Incentives (Phần thưởng & Khuyến khích cộng đồng)
Chiếm khoảng 5-15% tổng cung, thường được unlock 100% tại TGE. Mục đích của khoản phân bổ này là thưởng cho người dùng sớm, tạo động lực và thu hút cộng đồng tham gia tích cực vào hệ sinh thái.
Ví dụ: Arbitrum đã phân phối airdrop tổng cộng 1,16 tỷ token ARB, chiếm 11,6% tổng cung (10 tỷ token), với trị giá khoảng 16,2 triệu USD tính theo giá tại thời điểm TGE.
Arbitrum đã tiến hành đợt phân phối airdrop đầu tiên vào tháng 3/2023
Token Release schedule (Lịch trả token)
Lịch trả token (hay lịch vesting token) là kế hoạch phân bổ và unlock token theo thời gian của dự án, gồm có 2 giai đoạn:
- Cliff Period: Giai đoạn khóa token ban đầu tính từ TGE.
- Vesting Period: Token không được unlock một lần mà theo từng đợt (tháng, quý, năm).
Ví dụ: VCs nhận token trong 4 năm, mỗi tháng unlock 1/48 tổng lượng token.
Một lịch vesting hợp lý cần sử dụng cả 2 giai đoạn nêu trên và chủ yếu áp dụng cho team, advisor và VCs (quỹ đầu tư mạo hiểm) để tránh giá token dump mạnh ngay sau khi listing.
Inflationary/Deflationary Mechanism (cơ chế lạm phát/giảm phát)
Inflationary Mechanism (Cơ chế lạm phát) làm tăng tổng cung token theo thời gian do việc:
- Mint (phát hành) thêm token mới.
- Phân bổ phần thưởng staking.
- Phân bổ phần thưởng mining.
Ví dụ về coin/token có cơ chế lạm phát:
- Solana (SOL): SOL có tỷ lệ lạm phát khởi điểm là 8%/năm, tuy nhiên đã giảm dần về khoảng 4,7%/năm.
- Dogecoin (DOGE): Không có giới hạn nguồn cung, mỗi năm phát hành thêm 5 tỷ DOGE.
Deflationary Mechanism (Cơ chế giảm phát) giúp giảm tổng cung theo thời gian, đến từ việc:
- Burn token vĩnh viễn.
- Khóa token trong smart contract.
- Buyback & Burn, nghĩa là dự án chủ động mua lại token trên thị trường rồi đốt bỏ.
Ví dụ về coin/token có cơ chế giảm phát:
- Bitcoin (BTC): Nguồn cung tối đa chỉ có 21 triệu BTC và sau mỗi 4 năm, phần thưởng khối sẽ giảm một nửa (sự kiện Bitcoin Halving), khiến cho BTC ngày càng khan hiếm.
- Binance Coin (BNB): Binance có cơ chế BNB Auto-Burn, theo đó, BNB sẽ tự động được đốt bỏ định kỳ cho đến khi tổng cung chỉ còn 100 triệu BNB.

Token Utility (Tiện ích Token)
Token Utility đề cập đến các use case của token trong hệ sinh thái blockchain. Tùy thuộc vào mục đích và cơ chế mà dự án thiết lập, mỗi token có một (hoặc nhiều) tiện ích khác nhau.
Một số loại Token Utility phổ biến có thể kể đến như:
- Governance Token (Token quản trị): Cho phép holder tham gia vote để quyết định các thay đổi quan trọng của dự án. Ví dụ: UNI (Uniswap) holder có thể đề xuất và vote cho các thay đổi về phí giao dịch, thanh khoản,....
- Utility Token (Token tiện ích): Được sử dụng trong hệ sinh thái để thanh toán phí, truy cập dịch vụ hoặc làm phần thưởng. Ví dụ: POL (Polygon) dùng để thanh toán phí gas trên mạng Polygon.
- Staking Token: Người dùng stake token vào mạng lưới blockchain nhằm bảo mật hệ thống và nhận phần thưởng. Ví dụ: SOL, ETH, BNB,... đang được khóa rất nhiều trong các Staking pool.
- Reward Token (Token phần thưởng): Dùng để thưởng cho những người dùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái. Ví dụ: CAKE được dùng làm phần thưởng cho LP (Liquidity Provider - nhà cung cấp thanh khoản) trên PancakeSwap.
Case study về Tokenomics
Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét 2 trường hợp dự án cụ thể để hình ra được thế nào là một Tokenomics hiệu quả và kém hiệu quả.
Tokenomics hiệu quả: Binance Coin (BNB)
Binance áp dụng hệ thống kiểm soát nguồn cung thông qua cơ chế buyback & burn theo từng quý. Cụ thể, một phần lợi nhuận từ sàn giao dịch được sử dụng để mua lại và đốt BNB, giúp giảm tổng cung theo thời gian, thúc đẩy giá cả tăng ổn định.
Theo báo cáo từ bnbburn.info, tính đến nay đã có 254,076 BNB (trị giá khoảng 150 triệu USD) bị đốt bỏ vĩnh viễn.
Ngoài ra, BNB có khá nhiều use case trong hệ sinh thái Binance, từ việc giảm phí giao dịch, thanh toán dịch vụ, tham gia launchpad, launchpool cho đến staking trên BNB Chain.
Binance Coin chính là ví dụ tiêu biểu cho một dự án có Tokenomics hiệu quả, đã chứng minh được nhu cầu sử dụng token trong thực tế. Nhờ yếu tố này mà BNB đã giữ vững vị thế là một trong những tài sản Crypto hàng đầu (hiện đang nằm top 5 thị trường) trong suốt những năm qua.

Tokenomics kém hiệu quả: SushiSwap (SUSHI)
Ngược lại, một ví dụ về Tokenomics kém hiệu quả có thể kể đến SUSHI, token của sàn DEX SushiSwap.
Ban đầu, SUSHI đã thu hút được sự chú ý nhờ áp dụng một mô hình mang tính khuyến khích mạnh mẽ. Cụ thể là việc cung cấp phần thưởng staking cao để thu hút dòng tiền, một số pool có mức APY lên đến 2.500% ở giai đoạn tháng 8/2020.
Chỉ trong vòng một tuần, SushiSwap đã thu hút hơn 1 tỷ USD thanh khoản với tổng giá trị tài sản bị khóa đạt trên 150 triệu USD.
Tuy nhiên, do không kiểm soát được lượng token phát hành đã khiến nguồn cung tăng nhanh, tạo ra áp lực bán mạnh từ yield farmers (những người khai thác thanh khoản), làm giảm giá trị token.
Trong khi đó, dự án không có biện pháp kiểm soát lạm phát rõ ràng (như cơ chế burn của BNB), khiến token liên tục mất giá. Giá SUSHI từng giảm 74% từ 7,3 USD về 1,9 USD chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 3/9/2020 - 6/9/2020).
Hơn nữa, ngoài việc dùng để staking và governance, token này không có thêm tiện ích nào khác, do đó không thể giữ chân người dùng trong dài hạn.
Kết quả là sau giai đoạn bùng nổ chớp nhoáng ban đầu, Sushi nhanh chóng suy yếu và dần mất đi vị thế cạnh tranh trước các đối thủ lớn hơn như Uniswap hay Curve.

Bài học rút ra
Từ 2 trường hợp trên, ta có thể thấy rằng một Tokenomics hiệu quả sẽ giúp dự án duy trì giá trị token, thu hút người dùng và phát triển bền vững trong dài hạn. Ngược lại, một mô hình Tokenomics kém có thể dẫn đến tình trạng lạm phát, mất giá trị, và dễ khiến dự án “chết yểu”.
Là một nhà đầu tư, chúng ta nên ưu tiên lựa chọn những dự án có cơ chế kiểm soát nguồn cung, token utility đa dạng và mô hình kinh tế bền vững, thay vì chỉ chạy theo các dự án đề cao lợi nhuận ngắn hạn.
Kinh nghiệm khi nghiên cứu Tokenomics
10 bước cơ bản để đánh giá một Tokenomics
Đánh giá tokenomics đòi hỏi sự kỹ lưỡng và toàn diện. Dưới đây là các bước để đánh giá một Tokenomics:
1. Đọc Whitepaper và các tài liệu chính thức của dự án
Cần trả lời được các câu hỏi:
- Dự án hướng đến giải quyết vấn đề gì?
- Cơ sở hạ tầng, công nghệ và sản phẩm của dự án có gì nổi bật?
- Token được sử dụng như thế nào trong hệ sinh thái? Vai trò của nó trong việc thúc đẩy nhu cầu, đảm bảo an ninh và cung cấp những tiện ích cụ thể ra sao?
2. Xem xét tỷ lệ phân bổ và lịch vesting token
- Kiểm tra xem tỷ lệ phân bổ cho các bên có hợp lý không? Nếu team dev hoặc Investor được phân bổ trên 30% thì có thể sẽ phát sinh rủi ro.
- Nắm rõ các giai đoạn unlock token của từng nhóm, nhất là đối với team dev và các VCs. Một lịch vesting dài trên 4 năm cho thấy cam kết gắn bó của đội ngũ phát triển và thể hiện tầm nhìn dài hạn của dự án.
3. Kiểm tra thông tin các vòng gọi vốn
- Tìm hiểu xem có đợt gọi vốn private hoặc vòng seed nào không?
- Mức chênh lệch giá token ở các vòng này so với giá bán ở vòng public sale hoặc giá thị trường hiện tại?
4. Tiện ích của token trong các ứng dụng thực tế
- Phân tích tiện ích của token xem nó có đóng những vai trò gì: Token quản trị, phương tiện thanh toán, cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ, mang lại lợi ích staking,...
- Tìm hiểu các use case trong thực tế để xác thực các tiện ích này.
- Tự đánh giá xem tiện ích của token có thực sự hữu ích hay trông có vẻ phi thực tế và mang tính lý thuyết.
5. Kiểm tra chính sách tiền tệ của dự án
- Dự án có cơ chế burn token không? Nếu có, cơ chế này hoạt động như thế nào? Một dự án có cơ chế burn sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm token, có khả năng thúc đẩy nhu cầu mua và nắm giữ.
- Dự án có cơ chế buy back (mua lại) token không? Một số dự án sử dụng lợi nhuận để mua lại token từ thị trường rồi đốt bỏ vĩnh viễn. Cơ chế này cũng làm tăng nhu cầu nắm giữ và giảm nguồn cung.
- Dự án có cơ chế staking không? Phần thưởng staking là gì và chúng có thể tác động đến tokenomics như thế nào? Đồng thời cũng cần xem xét khả năng lạm phát từ cơ chế phần thưởng.
6. Cộng đồng & Quản trị
- Token có cung cấp quyền quản trị không? Nếu có, quy trình ra quyết định có diễn ra một cách phi tập trung không?
- Phân tích mức độ tương tác của cộng đồng. Một cộng đồng sôi động và am hiểu về dự án là dấu hiệu tích cực.
7. Tính minh bạch & Bảo mật
- Follow các kênh truyền thông xem đội ngũ dự án có update thông tin thường xuyên về các diễn biến, quan hệ đối tác và thay đổi trong tokenomics không.
- Kiểm tra xem dự án có tiến hành kiểm tra bảo mật định kỳ không? Nếu có thì kết quả có được công khai minh bạch hay không.
8. Rào cản tham gia
Có dễ dàng để sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc ứng dụng của dự án không? Việc mua bán token có quá phức tạp hoặc tốn kém hay không? Đây là những yếu tố cản trở việc tiếp cận người dùng và mở rộng thị trường, khiến dự án khó phát triển.
9. Phân tích thị trường (trường hợp token đã list sàn)
- Kiểm tra volume giao dịch, tính thanh khoản và danh sách các sàn giao dịch đang list token. Tính thanh khoản cao và việc được listing trên các sàn giao dịch uy tín là một điểm cộng lớn.
- Nên cẩn thận với các token có volume giao dịch và vốn hóa thị trường thấp, hoặc chỉ được listing trên các sàn giao dịch ít tên tuổi.
10. Phân tích cạnh tranh
Dự án đang có vị thế ra sao trên thị trường? Lợi thế và điểm yếu so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực là gì? Từ đó đánh giá cơ hội và tiềm năng tăng trưởng của dự án trong tương lai.

Những dấu hiệu cảnh báo trong Tokenomics
Khi nghiên cứu một dự án, nếu phát hiện những dấu hiệu sau thì anh em cần hết sức chú ý và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư:
- Phân bổ quá nhiều cho team và investor: Việc phần lớn token thuộc về đội ngũ sáng lập hoặc các nhà đầu tư sớm có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực và nguy cơ thao túng thị trường.
- Mức gọi vốn không hợp lý: Dù dự án huy động được số vốn lớn nhưng nếu không có kế hoạch sử dụng rõ ràng thì chúng ta cũng nên cảnh giác, vì đây có thể là dấu hiệu của sự tham lam hoặc quản lý tài chính kém.
- Cam kết lợi nhuận chắc chắn: Bất kỳ dự án nào hứa hẹn và đảm bảo về lợi nhuận đều là dấu hiệu đáng ngờ, có thể liên quan đến mô hình Ponzi hoặc scam.
- Thiếu roadmap rõ ràng: Một dự án uy tín cần có lộ trình phát triển cụ thể, rõ ràng và minh bạch. Nếu không có, có thể dự án chưa có kế hoạch thực sự hoặc không có ý định đi đường dài.
- Thay đổi thông số token liên tục: Nếu dự án thường xuyên điều chỉnh các thông số quan trọng như nguồn cung, tỷ lệ phân bổ và lịch vesting token, mà không có lý do hợp lý, nó cho thấy sự thiếu ổn định hoặc định hướng không rõ ràng.
- Cơ chế phân phối thiếu minh bạch: Cách phân phối token nên đơn giản và rõ ràng. Nếu quá phức tạp hoặc không minh bạch, có thể dự án đang cố tình che giấu điều gì đó.
- Token không có giá trị thực sự: Nếu dự án không giải thích rõ vai trò của token hoặc token không đóng góp gì cho hệ sinh thái, có thể nó chỉ là công cụ huy động vốn thay vì mang lại giá trị thực sự.
Xu hướng thiết kế Tokenomics từ năm 2025
Thị trường Crypto đã trưởng thành hơn rất nhiều so với cách đây vài năm, do đó mà các mô hình nền kinh tế token cũng sẽ có sự điều chỉnh để thích ứng.
Vấn đề “Farm & Dump” do mô hình lạm phát cao
Trong giai đoạn đầu của DeFi và GameFi, nhiều dự án đã sử dụng mô hình token phát hành với tốc độ lạm phát cao để thu hút người dùng. Kết quả là, nhiều nhà đầu tư chỉ tham gia để nhận thưởng yield farming sau đó bán tháo ngay (farm & dump).
Theo CoinMarketCap, PancakeSwap đã chứng kiến giá token giảm tới 65% chỉ trong vài ngày sau khi ra mắt ban đầu. Trang Chaindebrief cũng đưa tin Harvest Finance đã sụt giảm hơn 80% sau khi ra mắt, dẫn đến áp lực bán tháo mạnh mẽ.
Giải pháp giảm lạm phát: Buyback & Burn & Chia sẻ phí giao dịch
Để hướng tới mô hình bền vững, từ năm 2025 các dự án cần thiết kế cơ chế giảm lạm phát thay vì chỉ dựa vào các khoản thưởng kích thích (incentives), bao gồm:
- Buyback & Burn: Binance đã đi tiên phong với cơ chế BNB Auto-Burn. Theo bnbchain.org, trong đợt burn gần đây, Binance đã đốt 1.6 triệu BNB, tương đương với khoảng 110 triệu USD. Binance Blog và BNB Chain cũng đưa ra các số liệu cập nhật cho thấy cơ chế burn tự động này giúp giảm nguồn cung token theo thời gian, tạo ra áp lực tăng giá cho BNB.

- Chia sẻ phí giao dịch: Các dự án như GMX đã chuyển hướng từ việc chỉ dùng các khoản thưởng yield farming sang chia sẻ phí giao dịch trực tiếp cho holder, giúp tăng giá trị thực của token. Theo bài phân tích trên Fastercapital, các mô hình chia sẻ doanh thu sẽ giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào incentive và hướng đến utility lâu dài.
Tăng cường Utility và mô hình Restaking
Thay vì bơm thưởng yield farming hay staking rewards để thu hút người dùng, xu hướng mới là tập trung vào việc tạo ra các tiện ích (utility) thực sự cho token:
- Restaking: EigenLayer đang mở đầu xu hướng Restaking – cho phép tài sản đã staking có thể tái sử dụng trên nhiều nền tảng cùng lúc. Điều này không chỉ nâng cao tính linh hoạt của token mà còn nâng cao tính bảo mật cho blockchain (theo các bài phân tích trên Cointelegraph và CoinDesk).
- Phân bổ token cho cộng đồng: Xu hướng từ năm 2025 dự kiến sẽ chuyển dần sang tăng tỷ lệ phân bổ token cho cộng đồng thông qua retroactive và airdrop. Điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ phân bổ cho quỹ đầu tư (VC) hoặc kéo dài lịch vesting, từ đó giảm áp lực bán tháo và tăng cường sự tham gia của cộng đồng.
Hi vọng qua bài viết này, anh em đã hiểu rõ về tầm quan trọng của Tokenomics và cách nghiên cứu Tokenomics khi đầu tư Crypto để tối đa hóa được lợi nhuận. Nếu anh em có bất kỳ trao đổi/ vấn đề nào, hãy comment xuống phía dưới để cùng Block24 thảo luận nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Tham khảo:
- Wikipedia. (20245 01/22). Tokenomics. https://en.wikipedia.org/wiki/Tokenomics
Bình luận