Layer 1 (L1) và Layer 2 (L2) là hai mảnh ghép quan trọng của hệ sinh thái blockchain. Nếu L1 là các blockchain cơ bản, như Bitcoin, Ethereum hay Solana, đóng vai trò làm nền móng, chịu trách nhiệm xử lý giao dịch, bảo mật và xác thực qua các cơ chế đồng thuận, thì L2 là bệ phóng, nơi các giải pháp được xây dựng trên nền tảng L1, giúp cải thiện khả năng mở rộng và giảm phí bằng cách xử lý phần lớn giao dịch ngoài chuỗi (off-chain).

Sự khác biệt này khiến L1 phù hợp cho giao dịch giá trị lớn, còn L2 lý tưởng cho các tương tác Web3 nhanh như DeFi, gaming,… Bài viết sau của Block24 sẽ phân tích sâu hơn để bạn nắm rõ sự khác biệt và ứng dụng thực tế của L1 & L2 nhé.
Layer 1 blockchain là gì?
Layer 1 (L1) blockchain là nền tảng của một hệ sinh thái DeFi & Web3. Đây là blockchain độc lập, tự xử lý tất cả tác vụ từ thực thi giao dịch, xác thực mạng lưới, tạo khối, ghi chép dữ liệu vĩnh viễn,...
Các ví dụ nổi bật về layer 1 mà có thể bạn đã nghe tới chính là Bitcoin, Ethereum, Solana,... Để hiểu hơn về bản chất layer 1, bạn có thể đọc blog này.
Cách thức hoạt động layer 1
Về cách thức vận hành, yếu tố cốt lõi cần quan tâm là cơ chế đồng thuận. Đây là bộ quy tắc nền tảng giúp tất cả các máy tính (node/validator) trong mạng lưới đạt được sự thống nhất về trạng thái của sổ cái, đảm bảo tính toàn vẹn và ngăn chặn các hành vi gian lận.
Cơ chế đồng thuận sẽ quyết định trực tiếp đến tốc độ, chi phí và mức độ bảo mật mạng lưới blockchain L1. Hai cơ chế phổ biến nhất là:
- Proof-of-Work (PoW): Cơ chế này được sử dụng bởi Bitcoin, yêu cầu các thợ đào coin (miners) dùng nguồn lực tính toán để giải các bài toán mã hóa. Cơ chế này cực kỳ bảo mật nhưng lại tiêu tốn nhiều năng lượng và có tốc độ chậm.
- Proof-of-Stake (PoS): Được Ethereum và nhiều blockchain L1 thế hệ mới sử dụng. Trong PoS, cần stake tài sản để có cơ hội được chọn làm người xác thực giao dịch. PoS tiết kiệm năng lượng hơn và thường có tốc độ nhanh hơn PoW.
Ưu nhược điểm của layer 1
Ưu điểm
- Bảo mật cao: Nhờ cơ chế đồng thuận và sự tham gia của hàng nghìn tới hàng triệu node phân tán toàn cầu, L1 cực kỳ khó bị tấn công hay thay đổi dữ liệu.
- Phi tập trung: Quyền lực không nằm trong tay một tổ chức nào, đảm bảo tính minh bạch.
- Nền tảng vững chắc: Cung cấp một môi trường đáng tin cậy để các nhà phát triển xây dựng dApps, token và các ý tưởng Web3 độc đáo.
Nhược điểm
- Khả năng mở rộng hạn chế: Hầu hết L1 đều có thông lượng (TPS) thấp. Ví dụ, Bitcoin chỉ xử lý khoảng 7 TPS còn Ethereum là 15-30 TPS.
- Chi phí giao dịch cao: Khi mạng lưới overload xử lý quá nhiều giao dịch, users phải trả phí cao hơn để giao dịch được xử lý, gây ra tình trạng tắc nghẽn.
- Tốc độ xử lý chậm: Thời gian để một giao dịch được xác nhận hoàn toàn có thể khá chậm, phụ thuộc vào cơ chế đồng thuận, ảnh hưởng trực tiếp trải nghiệm users.
Các dự án layer 1 tiêu biểu

- Bitcoin (BTC): Blockchain đầu tiên, ưu tiên tuyệt đối cho bảo mật và phi tập trung, được xem là "vàng kỹ thuật số".
- Ethereum (ETH): Nền tảng smart contract có vốn hóa lớn nhất thế giới, là trung tâm của hệ sinh thái DeFi. Được hỗ trợ phát triển bởi Ethereum Foundation, nổi bật với Vitalik Buterin.
- Solana (SOL): Nổi bật với thông lượng cực cao và chi phí giao dịch thấp, tập trung vào các dApps yêu cầu tốc độ nhanh.
- BNB Chain (BNB): Blockchain L1 có mối liên hệ đặc biệt với sàn Binance & Changpeng Zhao, cung cấp tốc độ giao dịch nhanh và chi phí thấp, có hệ sinh thái dApps lớn.
- Tron (TRX): Blockchain tập trung vào nội dung số và giải trí, nổi bật với người đứng đầu là Justin Sun.
- Cardano (ADA): Nền tảng blockchain được xây dựng dựa trên nghiên cứu khoa học và phương pháp học thuật, chú trọng vào tính bền vững và khả năng mở rộng. Ra đời ở chu kỳ 2017, được mệnh danh là “Ethereum killer”.
- Hyperliquid (HYPE): Nền tảng phái sinh phi tập trung (decentralized derivatives) nổi bật với tốc độ giao dịch cực nhanh và chi phí thấp, tập trung vào trải nghiệm trading hiệu suất cao.
- Bitcoin Cash (BCH): Được tạo ra từ hard fork của Bitcoin, tập trung vào việc trở thành hệ thống tiền mặt điện tử hiệu quả với chi phí giao dịch thấp và tốc độ xử lý nhanh hơn Bitcoin.
Layer 2 blockchain là gì?
Layer 2 (L2) là các giải pháp được xây dựng trên nền tảng của blockchain L1 nhằm cải thiện hiệu suất, khả năng mở rộng và chi phí vận hành. Thay vì thay đổi cấu trúc lõi của L1, L2 xử lý phần lớn giao dịch ngoài chuỗi (off-chain), sau đó gửi data đã tổng hợp trở lại L1 để xác thực. Cách tiếp cận này cho phép duy trì bảo mật và tính phi tập trung L1, trong khi vẫn nâng cao tốc độ xử lý giao dịch và giảm phí gas.
>> Đọc thêm: Layer 2 là gì? Layer 2 có còn tiềm năng tăng trưởng trong 2025?
Cách thức hoạt động layer 2

Mỗi giải pháp L2 có kiến trúc riêng, nhưng đều tuân theo nguyên tắc chung: xử lý giao dịch ngoài chuỗi, tổng hợp kết quả, rồi ghi nhận lên L1. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể đọc thêm bài viết Cách thức hoạt động của Layer 2.
Rollups là dạng phổ biến nhất với hai biến thể chính: Optimistic Rollups giả định các giao dịch hợp lệ và ZK-Rollups sử dụng bằng chứng mật mã (Zero Knowledge Proof - ZKP) để xác minh. Ngoài ra còn có State Channels, Validium, Sidechains, Plasma,... mỗi loại tối ưu cho các mục đích khác nhau như thanh toán nhanh, xử lý riêng tư,...
Ưu nhược điểm của layer 2
Ưu điểm
- Tăng khả năng mở rộng: Có thể xử lý hàng nghìn TPS, vượt xa con số 15-30 TPS của Ethereum.
- Chi phí cực thấp: Phí giao dịch giảm đáng kể, thường chỉ ít hơn $0,1. Ví dụ theo dữ liệu từ Token Terminal ngày 5/7/2025, fee trung bình trên mạng Base L2 là $0,0196 và OP Mainnet là $0,0044
- Tốc độ giao dịch nhanh: Thời gian xác nhận gần như tức thì, cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng. Ví dụ, Unichain 1 giây, Base 2 giây, Arbitrum 250 ms, theo Token Terminal.
- Giảm tải cho L1: Giúp L1 bớt tắc nghẽn và tập trung vào vai trò cốt lõi là bảo mật và phi tập trung. Ví dụ như Ethereum, sau khi có các L2, mạng lưới luôn duy trì fee giao dịch từ $0,3 - 8$, không còn tình trạng đội lên vài trăm USD như chu kỳ trước nữa.
Nhược điểm
- Rủi ro bảo mật mới: Các bridges dùng để chuyển tài sản giữa L1 và L2 là miếng mồi ngon cho hacker tấn công. Ngoài ra, còn có rủi ro liên quan tới logic smart contract như vụ tấn công Optimism tháng 6/2022.
- Nguy cơ tập trung hóa: Một số giải pháp L2 hiện tại phụ thuộc vào một thực thể duy nhất gọi là "sequencer" để sắp xếp giao dịch, tạo ra một điểm lỗi centralized, ví dụ như Base, Ink,...
- Phân mảnh thanh khoản: Có quá nhiều L2 xuất hiện trên thị trường dẫn tới tình trạng thanh khoản bị phân tán, từ đó ảnh hưởng tới trải nghiệm DeFi.
Các dự án layer 2 tiêu biểu

- Arbitrum (ARB): Arbitrum nổi bật là giải pháp Optimistic Rollup tương thích EVM cao nhất, cho phép developers dễ dàng di chuyển dApp từ Ethereum mà không cần thay đổi mã đáng kể. Đây là là một trong những L2 đầu tiên và có hệ sinh thái rộng lớn, thu hút nhiều dự án DeFi và NFT.
- Optimism (OP): L2 tập trung vào sự đơn giản và tính mô-đun hóa với OP Stack. USP của nó là việc tạo ra một "Superchain" với các chain được xây dựng trên OP Stack, thúc đẩy khả năng tổng hợp và chia sẻ cơ sở hạ tầng.
- ZKsync Era (ZK): L2 tiên phong trong việc triển khai zk-Rollup tương thích EVM, cung cấp tính hoàn tất giao dịch tức thì trên L1 nhờ vào zero-knowledge proofs.
- Unichain: L2 được phát triển bởi Uniswap Labs, xây dựng trên OP Stack và là một phần của Optimism Superchain. Lợi thế của Unichain là khả năng tối ưu hóa đặc biệt cho DeFi và thanh khoản đa chuỗi.
Mối quan hệ giữa Layer 1 và Layer 2

Để hiểu về mối quan hệ giữa L1 và L2, trước hết, chúng ta cần biết về Blockchain Trilemma, một khái niệm do Vitalik Buterin (Co-founder Ethereum) đề xuất. Đây là thách thức cốt lõi trong thiết kế blockchain: một mạng lưới không thể tối ưu đồng thời cả 3 yếu tố bảo mật, phi tập trung và khả năng mở rộng.
- L1 thế hệ cũ như Bitcoin, Ethereum,... thường ưu tiên bảo mật & phi tập trung. Hệ quả là TPS thấp, phí cao, khó mở rộng.
- L1 thế hệ 2020 - 2021 như BNB Chain ưu tiên mở rộng bằng cách đánh đổi tính phi tập trung. Cụ thể, tính tới thời điểm viết bài, BNB Chain chỉ có 21 validator, rất khiêm tốn.
- L2 thế hệ đầu như Arbitrum, Optimism lựa chọn tối ưu khả năng mở rộng, kế thừa bảo mật và tính phi tập trung từ L1 Ethereum. Dẫu vậy, vẫn có điểm yếu ở centralized sequencer hay rủi ro bridge.
Nhìn chung, lý do cho sự ra đời của các giải pháp L2 là để giải quyết bài toán Trilemma một cách thông minh, cụ thể:
- Layer 1 tiếp tục là nền tảng an toàn và phi tập trung
- Layer 2 đảm nhiệm việc xử lý giao dịch off-chain để tối ưu tốc độ và chi phí
>> Đọc thêm: Hiểu sâu về khả năng mở rộng blockchain
So sánh Layer 1 và Layer 2?
Tiêu chí | Layer 1 (L1) | Layer 2 (L2) |
Định nghĩa & Vị trí | Blockchain nền tảng, xử lý và xác thực giao dịch trực tiếp trên chuỗi gốc | Giải pháp mở rộng xây dựng trên L1, xử lý giao dịch ngoài chuỗi |
Kiến trúc | Tự xử lý mọi lớp: dữ liệu, đồng thuận, thực thi, bảo mật. Hoạt động độc lập | Gồm mạng xử lý off-chain + smart contract cầu nối trên L1 |
Cơ chế đồng thuận | PoW, PoS, DPoS, v.v. | Kế thừa từ L1, không có đồng thuận riêng |
Bảo mật | Tự bảo mật, phi tập trung cao, dữ liệu bất biến | Kế thừa bảo mật từ L1, có thể phát sinh rủi ro bridge, fraud proof |
Khả năng mở rộng | Hạn chế (TPS thấp, phí cao khi tắc nghẽn) | Cao (TPS lớn, phí thấp, xử lý hàng nghìn giao dịch/giây) |
Phí giao dịch | Thường cao, biến động mạnh khi mạng quá tải | Rất thấp, ổn định nhờ xử lý off-chain |
Tốc độ xử lý | Chậm hơn do xác thực toàn mạng | Giao dịch gần như tức thì, xác nhận nhanh hơn nhiều |
Phi tập trung | Mạnh, nhiều node tham gia xác thực | Có thể tập trung tạm thời ở sequencer/operator |
Ứng dụng | dApp, DeFi, NFT, token, xây dựng Layer 2 | DeFi, gaming, thanh toán vi mô, các ứng dụng cần tốc độ/phí thấp |
Rủi ro & Nhược điểm | Tắc nghẽn, phí cao, khó nâng cấp, tiêu tốn tài nguyên | Rủi ro bridge, fraud proof, data availability, nguy cơ tập trung |
Ví dụ tiêu biểu | Bitcoin, Ethereum, Solana, BNB Chain, Cardano | Arbitrum, Optimism, zkSync, Polygon, Lightning Network |
So sánh thực tế L1 Ethereum và L2 Base
- Ethereum: Là blockchain nền tảng lớn nhất cho các hợp đồng thông minh và dApps. Tuy nhiên, Ethereum gặp phải những thách thức lớn về tốc độ giao dịch và phí giao dịch.
- Base: Được phát triển bởi Coinbase và là L2 trong liên minh Optimism Superchain, Base trực tiếp giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng của Ethereum, mang lại tốc độ giao dịch nhanh hơn và phí rẻ hơn đáng kể.
- So sánh Ethereum (L1) và Base (L2) dựa theo dữ liệu Chainspect ngày 3/7/2025
Đặc điểm | Ethereum | Base |
Loại | Blockchain nền tảng (L1) | Optimistic Rollup (L2) |
TPS lý thuyết | 119 | 1429 |
TPS thực tế | 17,65 | 100,3 |
Block time | 12 giây | 2 giây |
Phí giao dịch (ước tính) | Từ 0,3 tới hơn 8 USD, dao động theo tình trạng mạng | ~0.0001 - 0.50 USD |
Cơ chế bảo mật | Proof of Stake (sau The Merge), độ phân quyền cao | Kế thừa bảo mật từ Ethereum (L1), sử dụng Fault Proofs |
Tính tương thích EVM | Là gốc EVM | Hoàn toàn tương thích EVM |
Use case | dApps tổng quát, DeFi, hạ tầng Web3 | Consumer dApps, Gaming, SocialFi, DeFi, NFT |
Ưu điểm | Tính bảo mật và phân quyền cao nhất, mạng lưới lớn nhất | Tốc độ giao dịch nhanh, phí cực thấp, dễ dàng tích hợp với Coinbase, mở rộng quy mô lớn cho dApps |
Nhược điểm | Khả năng mở rộng hạn chế, phí cao, tắc nghẽn mạng | Sequencer hiện đang centralized (Coinbase quản lý), cạnh tranh gay gắt từ các L2 khác |
So sánh thực tế L1 Solana và L2 Sonic SVM
- Solana (L1): Vốn đã là một blockchain hiệu năng cao với tốc độ thực tế ~2.000-3.000 TPS và phí chỉ khoảng ~0.0025 USD. Tuy nhiên, các ứng dụng game quy mô lớn đòi hỏi năng lực xử lý còn cao hơn nữa.
- Sonic SVM (L2): Là L2 chuyên biệt cho game, hướng đến mục tiêu 10000+ TPS và phí giao dịch siêu nhỏ, tạo ra các môi trường riêng biệt để xử lý hàng triệu tương tác trong game mà không làm ảnh hưởng đến mạng chính.
- So sánh Solana (L1) và Sonic SVM (L2) dựa theo dữ liệu Chainspect ngày 3/7/2025
Đặc điểm | Solana | Sonic SVM |
Loại | Blockchain nền tảng (L1) | Atomic SVM Rollup (L2) |
TPS lý thuyết | 65000 | Hàng triệu TPS cho từng game |
TPS thực tế | ~1000 | Chưa mainnet |
Block time | 0,39 giây | Chưa mainnet |
Phí giao dịch (ước tính) | ~0.0001 - 0.0025 USD | Chưa mainnet |
Cơ chế bảo mật | Proof of History, Tower BFT | Kế thừa bảo mật từ L1, State Sovereignty |
Tính tương thích EVM | Không | Tương thích EVM qua HyperGrid |
Use case | dApps tổng quát, DeFi, NFT | Web3 Gaming & Metaverse |
Ưu điểm | Tốc độ cao, phí cực thấp, kiến trúc độc đáo | Khả năng mở rộng chiều ngang vượt trội, tối ưu cho gaming, phí nhỏ |
Nhược điểm | Đôi khi gặp sự cố tắc nghẽn cục bộ | Tập trung vào một ngách cụ thể (gaming) |
So sánh thực tế L1 BNB Chain và L2 opBNB
- BNB Chain (L1): Xử lý khối lượng giao dịch lớn với tốc độ ~150-200 TPS, nhưng vẫn có thể bị quá tải khi có hơn 400 triệu giao dịch mỗi tháng.
- opBNB (L2): Tăng cường sức mạnh cho BNB Chain với khả năng xử lý lý thuyết lên đến hơn 4000 TPS và duy trì mức phí cực thấp, trung bình dưới 0.005 USD, lý tưởng cho các ứng dụng cần xử lý số lượng giao dịch khổng lồ.
- So sánh BNB Chain (L1) và opBNB (L2) dựa theo dữ liệu Chainspect ngày 3/7/2025
Đặc điểm | BNB Chain | opBNB |
Loại | Blockchain nền tảng (L1) | Optimistic Rollup (L2) |
TPS lý thuyết | 2222 | 4762 |
TPS thực tế | 172,6 | 37,74 |
Block time | 0,75 giây | 0,5 giây |
Phí giao dịch (ước tính) | ~0.02 - 0.05 USD | Trung bình dưới 0.005 USD |
Cơ chế bảo mật | Proof of Staked Authority (PoSA) | Kế thừa bảo mật từ L1, sử dụng Fraud Proofs |
Tính tương thích EVM | Tương thích EVM | Tương thích hoàn toàn EVM |
Trường hợp sử dụng chính | dApps tổng quát, DeFi, NFT | Gaming, SocialFi, Metaverse, dApps cần xử lý giao dịch số lượng lớn |
Ưu điểm | Tốc độ tương đối nhanh, phí thấp | Hiệu suất vượt trội, phí cực thấp, tối ưu cho ứng dụng quy mô lớn |
Nhược điểm | Số lượng validator ít, bị nghi vấn mạng lưới centralized | Thời gian rút tiền lâu, phụ thuộc sequencer |
Khi nàoLayer 1 hoặc Layer 2 được dùng hiệu quả?
Từ những bảng so sánh giữa L1 và L2 bên trên, ta có thể thấy rõ vai trò cũng như mục đích của từng blockchain. Dẫu rằng L2 của BNB Chain là opBNB chưa hiệu quả như lý thuyết nhưng cũng đã phần nào giảm tải cho L1.
Về trường hợp của Solana và Sonic SVM, nếu thực sự mainnet tối ưu hiệu suất mảng Web3 Gaming, Sonic SVM sẽ là lợi thế cạnh tranh cho hệ SOL, thu hút lượng traffic khổng lồ từ ngành game truyền thống.
Cuối cùng là cặp đôi Ethereum và Base. Quá rõ ràng khi Base giải quyết ngon lành các yếu điểm của Ethereum. Không phải ngẫu nhiên mà Base đang dẫn đầu mảng L2 với khối lượng giao dịch đã xử lý trong tháng 6/2025 lên tới 293 triệu giao dịch.
Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào nên dùng L1 hay L2? Không có lựa chọn tốt hơn. Hãy đọc whitepaper để hiểu mô hình & công nghệ dự án, sau đó follow sát sao thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp, giải quyết triệt để vấn đề bản thân.
- Nên dùng L1 khi ưu tiên an toàn tuyệt đối. Đây là lựa chọn cho các giao dịch có giá trị rất lớn, lưu trữ tài sản dài hạn hoặc các hoạt động quản trị quan trọng. Ví dụ như muốn hold dài hạn, mình sẽ lựa chọn Ethereum L1.
- Nên dùng L2 khi cần tốc độ nhanh và chi phí thấp để có trải nghiệm người dùng tốt. Đây là môi trường lý tưởng cho các hoạt động hàng ngày như gaming, DeFi, SocialFi,... Giả dụ muốn trade memecoin, mình sẽ lựa chọn L2 như Base để degen. Đương nhiên bên cạnh mục tiêu tối ưu fee thì phải có sóng hype trên mạng đó nữa.
Tương lai Layer 1, Layer 2 và xu hướng mới
Tính đến thời điểm viết bài, tương lai L1 và L2 đang rất sáng sủa, đầy triển vọng, với các xu hướng cải tiến mới như Superchain, Modular blockchain, Appchain, Rollapp,... Trong đó:

- Superchain: Mô hình liên minh L2 của Optimism, cho phép xây dựng nhiều rollups tương tác, tạo hệ sinh thái thống nhất. Superchain hiện đã có hơn 33 OP Chains, bao gồm nhiều “tay to” như Base, Soneium, Unichain, World Chain,...
- Modular blockchain: Là kiến trúc phân tách chức năng trong 1 blockchain thành các layer chuyên biệt. Từ đó nâng cao đáng kể khả năng mở rộng, hiệu suất và tính linh hoạt của toàn bộ hệ thống. Celestia là ví dụ điển hình cho xu hướng này, tập trung vào việc cung cấp một layer tính khả dụng dữ liệu (data availability).
- Appchain: Blockchain được thiết kế chuyên biệt cho một hoặc một nhóm ứng dụng cụ thể. Developers toàn quyền kiểm soát môi trường blockchain, từ đó điều chỉnh tham số, cơ chế đồng thuận và cấu trúc phí để mang lại trải nghiệm người dùng tối ưu. Ví dụ như cấu trúc Polkadot Parachain, Cosmos Zone, Avalanche Subnet,...
- Rollup-as-a-Servce (RaaS): RaaS cung cấp dịch vụ phát triển và quản lý các "rollup" tùy chỉnh mà không cần phải xây dựng hạ tầng phức tạp từ đầu. Các đơn vị cung cấp RaaS nổi bật trên thị trường là AltLayer, Conduit, Caldera,...
- Rollapp: Về cơ bản là một rollup được triển khai thông qua RaaS. Là blockchain chuyên biệt, Rollapp tối ưu cho 1 ứng dụng hoặc use case cụ thể. Tuy nhiên, thay vì tự quản lý toàn bộ, Rollapp tận dụng tính bảo mật và khả dụng dữ liệu của L1 nền tảng, ví dụ Dymension Hub.
FAQ
Nên đầu tư Layer 1 hay Layer 2?
Chúng ta nên đầu tư theo narrative và dòng tiền của thị trường. Khi mảng nào có sóng bơm, hãy nghiên cứu nhanh chóng và ra quyết định chứ không nên máy móc chọn đầu tư Layer 1 hay Layer 2.
Tại sao Layer 1 không tự mở rộng mà cần tới Layer 2?
Vì liên quan tới Blockchain trilemma, L1 không thể tự tăng tốc mà không hi sinh bảo mật hoặc phi tập trung.
Layer 2 có an toàn không?
Có, vì kết quả cuối từ L2 vẫn ghi về L1, tức L2 thừa hưởng bảo mật từ L1. Dẫu vậy, cần lưu ý những rủi ro khi sử dụng bridge.
Layer 2 có thể thay thế Layer 1 không?
Về cơ bản là không, vì L2 được thiết kế để phụ thuộc vào bảo mật của L1. Mục đích của chúng là bổ trợ, không phải thay thế. Một dự án có thể tách ra thành blockchain nền tảng riêng nhưng khi đó nó không còn là L2 nữa, ví dụ như Polygon POS.
Bitcoin có layer 2 scaling không?
Có. Nổi bật nhất là Lightning Network.
Phí giao dịch layer 2 hay layer 1 đắt hơn?
Phí trên Layer 2 thường chỉ bằng một phần nhỏ so với Layer 1.
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc bạn thành công!
Bình luận
Chưa có bình luận