Lending là hình thức cho vay tài sản crypto, nơi bạn gửi coin vào nền tảng để người khác vay và nhận lãi suất. Đây là cách phổ biến để tạo thu nhập thụ động trong DeFi. Tuy nhiên, điều tối quan trọng khi tham gia coin lending là phải hiểu rõ rủi ro thanh lý và chọn nền tảng uy tín để bảo vệ tài sản.
Hãy cùng Block24 nghiên cứu sâu hơn về bản chất, cách hoạt động và tiềm năng thật sự của Lending trong bài viết dưới đây nhé!
Lending là gì?
Lending trong crypto là hoạt động cho vay tài sản số như BTC, ETH, SOL,... để nhận được lãi suất Đây là một trong những cách tạo thu nhập thụ động phổ biến nhất trong DeFi.
Về cơ bản, đây là quá trình người cho vay (lender) cung cấp tài sản của mình cho người đi vay (borrower) thông qua một nền tảng trung gian hoặc giao thức DeFi nào đó, với kỳ vọng nhận lãi cả gốc và lãi sau một khoảng thời gian nhất định.
Không giống như các mô hình cho vay ngoài truyền thống, thường dựa vào các ngân hàng trung gian và hồ sơ tín dụng, crypto lending chủ yếu hoạt động trên cơ chế thế chấp tài sản. Người đi vay sẽ phải gửi một lượng tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro của người cho vay và các protocol DeFi.
Crypto Lending không chỉ giúp người nắm giữ tài sản tạo thêm lợi nhuận thụ động mà còn cung cấp thanh khoản cho thị trường, hỗ trợ các hoạt động giao dịch (swap), yield farming,... Có thể nói, đây chính là một trong những trụ cột của hệ sinh thái DeFi.
Tính tới tháng 07/2025, tổng giá trị bị khóa (TVL) của tất cả các giao thức trong mảng Crypto Lending đã vượt quá 54 tỷ USD với 513 dự án đang hoạt động.

Cơ chế hoạt động của Lending
Lending trong thị trường crypto hoạt động theo mô hình phi tập trung, thay vì cần đến ngân hàng hay tổ chức tài chính, các khoản vay và cho vay được thực hiện tự động thông qua smart contract, với tài sản thế chấp được khoá trên blockchain.
Cơ chế hoạt động

- Người cho vay (lender) gửi tài sản vào các pool thanh khoản của giao thức hoặc sàn giao dịch, đổi lại nhận được lãi suất.
- Người đi vay (borrower) phải thế chấp một lượng tài sản Crypto có giá trị lớn hơn khoản vay (over-collateralization).
- Toàn bộ tài sản thế chấp được khoá trong smart contract cho đến khi khoản vay được hoàn trả đầy đủ.
- Tỷ lệ thế chấp (LTV) được sử dụng để kiểm soát rủi ro, nếu thông số này vượt ngưỡng an toàn vì giá tài sản thế chấp giảm, giao thức sẽ tự động thực hiện hoạt động thanh lý.
- Lãi suất trong hệ thống Lending crypto được điều chỉnh linh hoạt động qua thuật toán, phản ánh cung cầu thanh khoản thị trường.
- Các oracle (như Chainlink) cung cấp dữ liệu giá theo thời gian thực, giúp giao thức xác định giá trị thế chấp theo dõi LTV, kích hoạt thanh lý đúng lúc.
Sự khác biệt giữa Lending Crypto và Lending truyền thống

- Tự động và minh bạch: Lending crypto hoạt động hoàn toàn qua smart contract mà không cần bên trung gian như ngân hàng.
- Phi tập trung và không cần xác minh danh tính: Không cần thủ tục KYC phức tạp, ai cũng có thể tham gia.
- Thế chấp vượt mức: Người đi vay phải thế chấp tài sản nhiều hơn khoản vay, trái ngược với các khoản vay tín chấp trong hệ thống truyền thống.
- Thanh lý tự động: Khi rủi ro xảy ra, hệ thống tự động thanh lý tài sản thế chấp mà không cần sự can thiệp của con người.
- Điều chỉnh lãi suất theo thị trường: Không cố định như ngân hàng mà linh hoạt theo cung cầu thực tế trong giao thức.
Phân loại hình thức Lending Crypto phổ biến 2025
Lending crypto hiện đang phát triển thành các hình thức phổ biến gồm Lending trên CeFi, Lending trên DeFi, P2P Lending, Over-collateralized Lending, Under-Collateralized Lending.
Lending trên CeFi

CeFi Lending là hình thức cho vay crypto thông qua các nền tảng tập trung như Binance Loans, Nexo,...
Các tổ chức này sẽ đóng vai trò trung gian, kiểm soát trực tiếp tài sản và thiết lập các điều khoản vay/ cho vay. Người dùng phải gửi tài sản vào ví lưu ký (custodial wallet) và nhận lãi suất cố định hoặc thả nỗi tuỳ theo chương trình của nền tảng.
CeFi Lending yêu cầu quy trình xác minh danh tính để tuân thủ pháp luật, nhưng đổi lại giao diện dễ sử dụng, hỗ trợ đa dạng tiền pháp định (fiat) và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là rủi ro lưu ký, thiếu minh bạch, nguy cơ kiểm duyệt tài khoản,...
Lending trên DeFi
DeFi Lending là hình thức cho vay không cần bên trung gian, diễn ra trên các giao thức cho vay phi tập trung như Aave, Compound, Sky Protocol (MakerDAO),...

Trong mô hình này, người dùng tự kiểm soát tài sản bằng ví cá nhân, tương tác trực tiếp với các smart contract để vay hoặc vay tài sả mà không cần trung gian. Tất cả các giao dịch và thông tin khoản vay đều minh bạch, công khai trên blockchain, cho phép mọi người kiểm tra bất kỳ lúc nào.
Lending yield trên các giao thức cho vay phi tập trung thường biến động theo nhu cầu của từng pool tài sản, có thể thấp từ 1-3% khi dư thanh khoản hoặc lên tới hàng chục % APR nếu như nhu cầu vay tăng mạnh. Ưu điểm của loại hình này là khả năng tối ưu vốn, nhưng cũng đòi hỏi sự hiểu biết về bảo mật ví, smart contract và quản lý rủi ro cá nhân.
P2P Lending
P2P Lending trong crypto là hình thức cho vay trực tiếp giữa hai cá nhân (lender và borrower), thường thông qua một nền tảng kết nối như Clearpool hoặc các nền tảng CeFi hỗ trợ tính năng P2P.
Các điều khoản vay như lãi suất, tài sản thế chấp, thời hạn vay, được thương lượng trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay.

P2P Lending tạo ra sự linh hoạt và cá nhân hoá cao hơn, nhưng cũng đi kèm rủi ro lớn hơn vì không có hệ thống bảo đảm và đòi hỏi người dùng phải tự thẩm định rủi ro.
Over-Collateralized Lending
Over-Collateralized Lending là hình thức yêu cầu borrower phải thế chấp một lượng tài sản có giá trị lớn hơn khoản vay muốn thực hiện. Tỷ lệ thế chấp thường từ 150% hoặc cao hơn, nhằm bù đắp cho biến động giá của thị trường crypto.

Ưu điểm của loại hình này là tương đối an toàn, nhưng nhược điểm là làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, giới hạn khả năng mở rộng tín dụng so với hệ thống tài chính truyền thống, nơi các khoản vay thường dựa vào điểm tín dụng của cá nhân.
Under-Collateralized Lending
Under-Collateralized Lending trong crypto bao gồm những khoản vay với giá trị tài sản thế chấp thấp hơn khoản vay hoặc thậm chí không yêu cầu thế chấp.

Một dạng phổ biến nhất của hình thức này là Flash Loans, nơi các khoản vay được cấp và hoàn trả ngay trong cùng một giao dịch blockchain, đảm bảo không có rủi ro mất vốn cho Lender. Hình thức này chủ yếu được các nhà phát triển hoặc bot sử dụng để thực hiện hành động chênh lệch giá (arbitrage), thanh lý,...
Lợi ích và rủi ro khi tham gia Lending
Lending crypto mang lại nhiều cơ hội lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro mà nhà đầu tư cần hiểu rõ trước khi tham gia.
Lợi ích của Lending
- Kiếm tiền thụ động: Thay vì chỉ giữ coin trong ví và chờ tăng giá, có thể cho vay để nhận thêm lãi suất. Đặc biệt, mức lãi khi lending trên crypto hấp dẫn hơn nhiều so với ngân hàng truyền thống.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Lending cung cấp dòng thu nhập bổ sung ngoài việc chỉ nắm giữ tài sản, giúp giảm phụ thuộc vào biến động giá.
- Tính linh hoạt cao: Nhiều giao thức Lending DeFi cho phép người dùng rút tài sản gần như bất kỳ lúc nào, thay vì bị khoá có thời hạn như staking.
- Dễ tiếp cận: Lending crypto diễn ra nhanh gọn, ít thủ tục hơn ngân hàng truyền thống, đặc biệt trong DeFi nơi không yêu cầu KYC, kiểm tra tín dụng,…
Rủi ro khi tham gia Lending
- Rủi ro biến động giá tài sản: Crypto là thị trường có biên độ giao động lớn, khi giá tài sản thế chấp trong DeFi giảm mạnh, người vay sẽ đối mặt với nguy cơ bị thanh lý, còn người cho vay và nền tảng có thể chịu tổn thất.
- Rủi ro thanh lý tài sản thế chấp: Nếu tài sản thế chấp rớt giá và tỷ lệ LTV vượt ngưỡng, nền tảng sẽ tự động thanh lý tài sản hoặc gửi yêu cầu bổ sung ký quỹ. Các đợt thanh lý quy mô lớn còn có thể gây ra hiệu ứng domino, làm giảm mạnh giá tài sản.
- Rủi ro smart contract: Các giao thức DeFi Lending hoạt động phụ thuộc vào các dòng code được lập trình sẵn. Nếu code gặp lỗi hoặc có lỗ hổng bảo mật, có thể bị khai thác dẫn đến thất thoát tài sản.
- Rủi ro thao túng dữ liệu giá oracle: Các Lending protocol sẽ cập nhật giá qua oracle và nếu đơn vị trung gian này bị thao túng hoặc dữ liệu gặp lỗi, nền tảng cho vay có thể kích hoạt thanh lý sai lệch, gây thiệt hại cho người vay lẫn người cho vay.
Những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận Lending Crypto
Lợi nhuận từ hoạt động Lending trong crypto chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lãi suất, tỷ lệ thế chấp, lượng thanh khoản của giao thức (TVL), tài sản thế chấp và thời gian thế chấp. Cụ thể hơn:

- Tổng giá trị khoá (TVL): TVL phản ảnh tổng lượng tài sản bị khoá trong giao thức, là chỉ số đánh giá quy mô, mức độ chấp nhận của người dùng và thanh khoản có sẵn. TVL cao thường đi kèm với tính thanh khoản dồi dào và sự tin tưởng vào giao thức, giản tiếp hỗ trợ lãi suất ổn định và ngược lại.
- Lãi suất (APR/ APY): Lãi suất cho vay (Lending interest rate) là yếu tố trực tiếp nhất quyết định lợi nhuận cho lender và chi phí cho borrower. Với DeFi, yield được xác định thuật toán dựa trên tỷ lệ sử dụng vốn (Utilization Rate) của mỗi pool thanh khoản. Khi nhu cầu vay cao, lãi suất sẽ cao, thu hút thêm người cho vay và ngược lại.
- Tỷ lệ thế chấp (LTV): LTV càng cao thì borrower càng được vay nhiều hơn, nhưng cũng dễ bị thanh lý nếu tài sản thế chấp giảm. Các giao thức thường kết hợp LTV với ngưỡng thanh lý (Liquidation Threshold) để cân bằng giữa hiệu quả sử dụng vốn và an toàn hệ thống.
- Tài sản thế chấp (Lending Assets): Loại tài sản được dùng để đi vay cũng ảnh hưởng lớn đến mức lợi nhuận. Stablecoin thường mang lại lãi suất thấp hơn nhưng an toàn và ổn định. Trong khi đó, các tài sản có độ biến động cao đặc biệt là altcoin có thể đem lại APR hấp dẫn nhưng đi kèm với rủi ro giá lớn và khả năng thanh lý tương đương.
- Thời gian thế chấp (Lending time): Một số nền tảng CeFi áp dụng cơ chế kỳ hạn (fixed-term), trong khi các giao thức khác thường cho phép rút bất kỳ lúc nào (flexible). Thường thì lock tài sản càng lâu sẽ được hưởng lãi suất cao hơn tương tự như ngân hàng truyền thống.
Top 3 Lending Protocol tốt nhất 2025
AAVE (AAVE)
AAVE là giao thức cho vay không cần bên trung gian, phi tập trung lâu đời và có TVL lớn nhất thị trường hiện tại với hơn 25 tỷ USD (tính tới tháng 07/2025). Dự án đã hoạt động trên hơn 13 blockchain lớn như Ethereum, Polygon, Avalanche, Arbitrum, Base,... cho phép người dùng gửi tài sản để kiếm lãi hoặc thế chấp tài sản để vay vốn.

Điểm mạnh nổi bật của AAVE là sự đổi mới liên tục, đặc biệt trong phiên bản mới nhất V3 có các tính năng như:
- eMode (chế độ hiệu quả cao): Hỗ trợ tăng LTV cho các tài sản tương quan như stablecoins.
- Isolation Mode: Hạn chế rủi ro hệ thống khi bổ sung tài sản mới.
- Portals: Hỗ trợ luồng thanh khoản xuyên chuỗi.
- Flash Loans: Hỗ trợ arbitrage hoặc thanh lý không cần thế chấp trong cùng một giao dịch.
Dự án hiện đang cho phép sử dụng nhiều loại tài sản để vay/cho vay từ ETH, WBTC, stablecoin cùng nhiều altcoin khác, với lãi suất được xác định bằng thuật toán dựa trên tỷ lệ sử dụng vốn.
Mặc dù đang phải cạnh tranh với nhiều giao thức mới nhưng AAVE vẫn duy trì vị thế đi đầu nhờ hệ sinh thái DeFi Lending rộng lớn, TVL cao, khả năng hỗ trợ đa chuỗi và bộ tính năng mạnh mẽ.
Spark Protocol (SPK)

Spark Protocol là bước tiến chiến lược của MakerDAO (đã đổi tên sang Sky Protocol) nhằm mở rộng ảnh hưởng trên mảng lending với stablecoin USDS.
Là bản fork của AAVE V3, Spark tập trung vào việc cung cấp nền tảng vay và cho vay stablecoin USDS và các tài sản thế chấp trong DeFi phổ biến như ETH, WBTC, stETH, rETH,...
Điểm mạnh của Spark là tận dụng từ hệ sinh thái vững mạnh của MakerDAO, từ cơ sở hạ tầng oracle, mô hình đấu giá thanh lý đến cộng đồng người dùng lớn của dự án.
Tìm hiểu thêm về dự án Spark Protocol tại đây!
Morpho

Morpho là dự án lending thế hệ mới, tập trung triệt để vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn. Dự án sử dụng cơ chế khớp lệnh P2P trực tiếp giữa người vay và người cho vay, nhằm giảm chênh lệch lãi suất và tăng lợi suất thực cho cả hai bên.
Morpho hiện đang hoạt động mạnh trên Ethereum và Base, với TVL đạt khoảng 4.46 tỷ USD tính tới tháng 07/2025.
Nhờ vào việc tích hợp chiến lược với Coinbase, Morpho nhanh chóng thu hút được lượng lớn người dùng và xây dựng uy tín. Tuy nhiên, Morpho cũng đối mặt với các thách thức lớn gồm việc vượt qua cái bóng của các đối thủ lâu đời như AAVE.
Đánh giá tương lai và xu hướng phát triển của Lending
Thị trường Lending crypto đang trên đà hồi phục và tái định hình mạnh mẽ nhờ một số động lực chiến lược.
Thứ nhất, sự tăng trưởng của các quỹ đầu tư vào DeFi và đặc biệt là Lending. Theo dự báo của Galaxy Research, tổng dòng vốn đầu tư có thể vượt 18 tỷ USD trong 2025, cho thấy niềm tin một nguồn thanh khoản khổng lồ sẽ chảy vào thị trường và Lending là một trong những mảng lớn được hưởng lợi.
Thứ hai, xu hướng tái cấu trúc mô hình Lending cũng đang dần nổi lên với các cơ chế như khớp lệnh P2P, thị trường cô lập (Isolated Mode),... Điều này đánh dấu sự chuyển dịch từ các pool lending tập trung sang các mô hình linh hoạt và tối ưu hoá vốn hơn, mở ra một kỷ nguyên mới cho lending crypto.
Thứ ba, sự phát triển của token hoá tài sản thực (Real World Assets) sẽ là đòn bẩy phát triển quan trọng. Khi stablecoin đạt mốc thị trường từ 500 tỷ đến 1 nghìn tỷ USD như dự báo sẽ tạo ra nhu cầu vay thế chấp bằng stablecoin và tài sản thực token hoá sẽ tăng vọt. Các lending platform sẽ trở thành giao điểm chính giữa tài sản crypto, stablecoin, RWA,...
Thứ tư, môi trường pháp lý đang dần được định hình rõ ràng hơn, giúp Lending crypto dần được tiếp cận với nhiều người dùng hơn mà còn mở đường cho dòng vốn tổ chức chính thống đổ vào DeFi.
Tổng lại, Lending Crypto sắp tới sẽ là một thị trường trưởng thành hơn, đa dạng hóa mô hình và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ sinh thái DeFi.
FAQ
Crypto lending có hợp pháp ở Việt Nam?
Vào ngày 14/06/2025, Việt Nam đã chính thức phê duyệt Luật Công nghiệp Công nghệ số (có hiệu lực từ 01/01/2026). Dẫu vậy, chưa thể kết luận Crypto lending hợp pháp ở Việt Nam, cần thêm thời gian chờ đợi sự rõ ràng từ cơ quan có thẩm quyền.
Cần lưu ý gì khi lựa chọn nền tảng Lending
Khi chọn nền tảng lending crypto để tham gia, người dùng cần đặc biệt chú ý đến độ thanh khoản hay tổng giá trị được khoá (TVL), lãi suất, tỷ lệ thế chấp (LTV) và danh tiếng của dự án.
Lending staking là gì?
Lending Staking là hình thức kết hợp giữa việc cho vay tài sản và stake token của nền tảng vào các module bảo mật để vừa nhận lãi suất vừa đóng góp vào sự ổn định của hệ thống.
Những lending app nào nổi bật nhất trên thị trường DeFi hiện nay?
Hiện nay, một số lending app nổi bật trong DeFi bao gồm AAVE, Spark, Morpho,... Trong đó, AAVE đang là dự án lending lớn nhất hiện tại.
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Bình luận
Chưa có bình luận