DeFi đã và đang mở ra cuộc cách mạng hóa lĩnh vực tài chính. Mặc dù vậy, những rào cản về mặt công nghệ đang thách thức DeFi trong việc thuyết phục người dùng mới. Đây là lúc mà DeFAI (kết hợp giữa DeFi và AI) ra đời, , giúp DeFi khắc phục những khuyết điểm và mang lại những trải nghiệm hiệu quả hơn.
Vậy DeFAI là gì? Chính xác thì DeFi đang gặp phải những thách thức nào và DeFAI giải quyết chúng ra sao? Anh em hãy cùng Block24 tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
DeFAI là gì?
DeFAI là sự kết hợp giữa DeFi và AI, một giải pháp hiệu quả giúp giải quyết những thách thức trong lĩnh vực tài chính phi tập trung. Cụ thể hơn, các dự án DeFAI ứng dụng AI để tự động hóa và đơn giản hóa mọi quy trình DeFi, mang lại trải nghiệm dễ dàng hơn cho người dùng.
Theo như Forbes mô tả, “DeFAI đại diện cho sự tích hợp của các AI Agent vào nền tảng DeFi, tự động hóa và tối ưu hóa các hoạt động onchain như staking, swapping, auto-compounding và đầu tư”.
DeFAI xuất hiện trong giai đoạn Trend AI Agents làm mưa làm gió từ tháng 10/2024 đến đầu năm 2025 với dự án đầu tiên mang tên Goat (GOAT), cái tên gắn liền với Truth Terminal - một AI Agent của Andy Ayrey.

Tình hình chung thị trường DeFAI
Dù mới xuất hiện nhưng DeFAI đang phát triển khá nhanh với tổng vốn hóa thị trường (M.cap) hiện đang dao động quanh mức 770 triệu USD - theo số liệu từ Coinmarketcap ở thời điểm viết bài (7/3/2024). Đã giảm khoảng 30% kể từ mức đỉnh vào tháng 1/2025, với M.cap khi đó rơi vào khoảng trên 1 tỷ USD.
Trong đó, một số cái tên dẫn đầu bao gồm:
- aixbt (AIXBT): M.cap 115 triệu USD, từng đạt giá ATH 0,84 USD từ mức ban đầu chỉ có 0,0017 USD, tăng gần 49000%.
- PAAL AI (PAAL): M.cap 101 triệu USD, từng đạt giá ATH 0,8 USD từ mức ban đầu chỉ có 0,007 USD, tăng gần 11300%.
- Hey Anon (ANON): M.cap 78 triệu USD, từng đạt giá ATH 24,5 USD từ mức ban đầu chỉ có 1,3 USD, tăng gần 1780%.
Cũng theo Coinmarketcap thống kê, trên thị trường hiện có tổng cộng 52 dự án được xếp vào nhóm DeFAI, trải rộng từ cơ sở hạ tầng đến AI Agent đơn lẻ.
Đây đang là giai đoạn khó khăn chung của toàn bộ thị trường Crypto khi mà tất cả đồng loạt giảm giá. Các token DeFAI cũng không ngoại lệ với AIXBT giảm 84%, PAAL giảm 85% và ANON giảm 75%.

DeFAI giải quyết vấn đề gì?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ những thách thức mà các giao thức DeFi đang gặp phải để có cái nhìn chính xác hơn về vai trò của DeFAI.
Những thách thức mà DeFi đang gặp phải
- Quá nhiều kiến thức và thuật ngữ phức tạp: Để tham gia DeFi, cần hiểu một loạt thuật ngữ công nghệ phức tạp. Slippage, gas fees, liquidity pools, yield farming, automated market makers (AMM),... và rất nhiều thuật ngữ khác đòi hỏi một nền tảng kiến thức tài chính và kỹ thuật nhất định. Nếu anh em là người mới, nó không khác gì việc phải học một khóa tài chính nâng cao trước khi có thể tham gia.
- Quy trình giao dịch rườm rà: Giao dịch onchain không đơn giản như trên các sàn giao dịch tập trung (CEX) là chỉ cần vào cú click chuột. Anh em phải thực hiện nhiều bước như chuẩn bị tiền để trả phí gas, kết nối ví, chọn mạng blockchain, sử dụng cầu nối (bridge),... Mỗi bước này đều yêu cầu phải thực hiện thuần thục nếu không muốn bị mất tài sản. Và rõ ràng là nó làm rắc rối thêm trải nghiệm người dùng.

- Rủi ro bảo mật và nguy cơ bị lừa đảo: DeFi hoạt động theo mô hình phi tập trung, không có cơ quan quản lý hay bộ phận hỗ trợ khách hàng. Do đó, nếu gặp lỗi giao dịch hoặc vấn đề nào đó với tài sản, anh em phải tự tìm cách giải quyết mà không có sự trợ giúp chính thức nào. Hơn nữa, các vấn đề về hack, trang Web giả mạo, scamer và lỗ hổng bảo mật smart contract là những mối đe dọa lớn khi tham gia DeFi.
- Thanh khoản bị phân mảnh: DeFi là xương sống của mọi hệ sinh thái blockchain, nhưng chúng ta không chỉ có Bitcoin, Ethereum, hay Solana, mà còn vô số L1 và L2 khác như Sui, Tron, Arbitrum, BNB Chain... Tính thanh khoản giữa các hệ sinh thái bị phân mảnh đã càng làm nghiêm trọng thêm vấn đề về trải nghiệm người dùng.
- Thiếu các công cụ hỗ trợ hiệu quả: Để tham gia DeFi một cách hiệu quả, cần theo dõi liên tục các dữ liệu thị trường như tổng giá trị bị khóa (TVL), khối lượng giao dịch (volume), xu hướng giá, tâm lý cộng đồng,… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian và đầy đủ công cụ để follow hết các dữ liệu này, dễ dẫn đến tình trạng bỏ lỡ cơ hội hoặc quyết định sai lầm.
- Phí giao dịch cao: Phí gas trên các blockchain như Ethereum thường rất cao vào những thời điểm mạng lưới tắc nghẽn. Nếu anh em không để ý đến thông báo phí gas hoặc không có đủ token để thanh toán, giao dịch có thể thất bại mà tài khoản vẫn bị trừ tiền.

Cách mà DeFAI giải quyết những thách thức kể trên
Đơn giản hóa quy trình
Với AI, giờ đây các thao tác phức tạp trong DeFi sẽ được đơn giản hóa thông qua giao diện trực quan và điều khiển bằng ngôn ngữ tự nhiên.
Chẳng hạn, một tính năng được gọi là Abstraction AI sẽ loại bỏ yêu cầu hiểu các thuật ngữ phức tạp như gas fees, bridging, yield farming… Thay vào đó, chỉ hiển thị những tác vụ cần thiết và dễ hiểu nhất mà người dùng cần quan tâm.
Ví dụ: Anh em chỉ cần nhập một yêu cầu như "Chuyển 500 USDC vào Aaave trên mạng Arbitrum". Một AI Agent sẽ tự thực hiện toàn bộ quy trình, từ chọn cầu nối, chuyển đổi stablecoin, tối ưu phí gas, cho đến gửi tiền vào Aave.
Thậm chí, AI Agents có thể dự đoán thời điểm phí gas thấp nhất để thực hiện giao dịch hoặc sử dụng các phương pháp tối ưu chi phí như batching (gom nhiều giao dịch thành một).
Trong thực tế triển khai, chúng ta đang có Griffain và Anon, đây là những nền tảng DeFAI nổi bật với tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, giúp người dùng trên toàn cầu dễ dàng tiếp cận mà không cần phải hiểu sâu về các thuật ngữ DeFi.

Giải quyết vấn đề phí gas cao và phân mảnh thanh khoản
AI tối ưu hóa quy trình di chuyển tài sản giữa các blockchain, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả giao dịch, cụ thể:
- Tự động chọn chain có phí gas thấp nhất: Khi thực hiện giao dịch, AI sẽ tự động phân tích chi phí trên nhiều blockchain khác nhau và chọn phương án tối ưu nhất.
- Cầu nối thông minh (Smart Bridging): Các nền tảng như Anon được tích hợp công nghệ của LayerZero, giúp người dùng giao dịch xuyên chuỗi mà không cần quan tâm đến quy trình cụ thể. AI sẽ tự động chọn cầu nối có tốc độ nhanh nhất và phí rẻ nhất.
- Tự động cân bằng thanh khoản: AI giúp điều hướng dòng tiền giữa các giao thức DeFi khác nhau để tối ưu hóa lợi nhuận và đảm bảo thanh khoản cho người dùng.
Tăng cường bảo mật, giảm thiểu rủi ro lừa đảo
AI giúp phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận hoặc sai sót trong khi giao dịch, cụ thể:
- Tự động kiểm tra địa chỉ ví: Xác minh địa chỉ ví trước khi thực hiện giao dịch, giúp tránh các lỗi phổ biến như gửi nhầm địa chỉ hoặc dính clipper malware (phần mềm độc hại thay đổi địa chỉ ví trong clipboard).
- Cảnh báo trang web lừa đảo: Tự động scan để phát hiện và cảnh báo nếu anh em truy cập phải các trang web giả mạo hoặc có dấu hiệu lừa đảo.
- Hỗ trợ bảo mật cho giao dịch: Nhận diện các dấu hiệu gian lận và đề xuất các biện pháp phòng tránh, ví dụ như cảnh báo khi giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ.
GT Protocol (GTAI), một dự án nổi bật với tính năng quản lý rủi ro thông minh giúp người dùng hạn chế các sai sót và nguy cơ lừa đảo, đồng thời tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường.

Hỗ trợ ra quyết định thông minh
AI có khả năng tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho người dùng, cụ thể:
- Phân tích on-chain và off-chain: Tổng hợp các chỉ số như TVL, volume, % biến động giá, tâm lý thị trường trên X và Telegram để đưa ra lời khuyên đầu tư.
- Cảnh báo rủi ro và cơ hội đầu tư: Anh em có thể thiết lập bot AI để theo dõi các chỉ số quan trọng và nhận cảnh báo khi xuất hiện cơ hội hoặc rủi ro (ví dụ: mức giá giảm mạnh, một dự án có dấu hiệu rug pull…).
- Tự động hóa chiến lược giao dịch: Một số AI như Anon’s Gemma agent còn có thể thực hiện giao dịch tự động dựa trên các điều kiện được setup sẵn, giúp anh em tận dụng biến động thị trường mà không cần follow liên tục.
Các trường hợp ứng dụng DeFAI
Với những giá trị mang lại, DeFAI có thể được ứng dụng trong những trường hợp cụ thể sau:
Chiến lược tài chính cá nhân hóa
AI có thể phân tích lịch sử giao dịch, mô hình đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của con người để đề xuất chiến lược tài chính phù hợp.
Ví dụ: AI tự động thống kê, phân tích lịch sử giao dịch, nếu nhận thấy anh em thường xuyên sử dụng stablecoin, nó sẽ đề xuất các nền tảng staking stablecoin có lợi suất cao nên tham gia.
Dự án tiêu biểu: Mozaic Finance, giải pháp giúp phân bổ vốn linh hoạt để tối ưu hóa lợi nhuận và quản lý rủi ro.
Lựa chọn Validator để Staking
AI hỗ trợ phân tích và lựa chọn validator tối ưu dựa trên các chỉ số như thời gian hoạt động, mức độ nổi tiếng, uy tín và hiệu suất. Từ đó giúp giảm thiểu rủi ro bị phạt hoặc mất phần thưởng khi chọn sai validator.
Dự án tiêu biểu: HeyElsa giúp người dùng đánh giá và lựa chọn validator phù hợp với nhu cầu của cá nhân.

Quản lý danh mục đầu tư bằng ngôn ngữ tự nhiên
AI cho phép người dùng theo dõi và quản lý tài sản thông qua các câu lệnh đơn giản, anh em chỉ cần nhắn tin cho AI Agent để yêu cầu.
Ví dụ: "Hãy cho tôi biết những token có hiệu suất tốt nhất trong tháng này" hoặc "Có bao nhiêu tài sản trong ví của tôi có giá trị dưới 1 USD?"
Dự án tiêu biểu: HeyElsa và Griffain, đây đều là các nền tảng hỗ trợ theo dõi danh mục đầu tư trên blockchain thông qua giao diện trò chuyện. Hay SoDAS với khả năng tích hợp Telegram và Discord, giúp quản lý danh mục đầu tư một cách tiện lợi.
Giao dịch theo mục tiêu (Goal-Based Trading)
AI giúp tự động hóa chiến lược giao dịch dựa trên mục tiêu tài chính, giảm ảnh hưởng của yếu tố cảm xúc.
Ví dụ: Anh em có thể yêu cầu “Bán 50% ETH nếu giá giảm dưới 3,500 USD để cắt lỗ, hoặc bán ở mức 4,000 USD để chốt lời”.
Dự án tiêu biểu: Loomix, công cụ hỗ trợ giao dịch tự động dựa trên các điều kiện cụ thể do người dùng đặt ra. Aspis, cung cấp các vault AI giúp phân bổ vốn để đạt được lợi nhuận kỳ vọng với mức rủi ro có thể kiểm soát được.
3 thành phần chính của DeFAI
DeFAI bao gồm 3 thành phần chính, đó là:
- Abstraction Layer (Lớp “trừu tượng hóa”): Giúp DeFi trở nên đơn giản, dễ dùng hơn. Thành phần này sẽ ẩn đi các thao tác onchain phức tạp liên quan đến smart contract, phí gas hay các thông số kỹ thuật. Người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản như nhập số tiền, chọn token, xác nhận giao dịch mà không cần hiểu sâu về công nghệ blockchain.
- Autonomous Trading Agent (AI Agent giao dịch tự động): Đây là những "trader AI" hoạt động liên tục, phân tích thị trường theo thời gian thực và tự động điều chỉnh chiến lược giao dịch. Chúng có thể tối ưu danh mục đầu tư, thực hiện giao dịch 24/7 mà không cần con người giám sát, và thậm chí học hỏi từ dữ liệu để ngày càng cải thiện hiệu suất.
- AI-Powered dApps (Ứng dụng DeFi tích hợp AI): Đây là các DeFi dApp được AI hỗ trợ để giúp người dùng đầu tư và giao dịch hiệu quả hơn. Các dApp này cung cấp tính năng tự động hóa giao dịch, phân tích xu hướng thị trường, đề xuất chiến lược đầu tư, tối ưu phí giao dịch và cảnh báo rủi ro.

So sánh DeFAI với DeFi truyền thống
DeFAI được xây dựng dựa trên nền tảng của DeFi và mang đến nhiều cải tiến đột phá hơn, giúp nâng cao trải nghiệm và hiệu quả sử dụng, cụ thể là:
- Khả năng tự động hóa cao hơn: Trong DeFi truyền thống, người dùng phải chủ động theo dõi thị trường, tự điều chỉnh danh mục đầu tư và thực hiện giao dịch. Trong khi đó, DeFAI tận dụng AI để tự động thực hiện các công việc này mà không cần sự can thiệp thủ công.
- Thông minh và thích ứng theo thời gian thực: Các giao thức DeFi truyền thống hoạt động dựa trên các quy tắc cố định, không thể tự học hỏi hoặc thích nghi với biến động thị trường. Ngược lại, DeFAI sử dụng công nghệ máy học (machine learning - ML) để điều chỉnh chiến lược theo dữ liệu thời gian thực, giúp đưa ra quyết định chính xác và linh hoạt hơn.
- Trải nghiệm người dùng dễ dàng hơn: DeFi truyền thống có giao diện phức tạp, yêu cầu người dùng có kiến thức sâu về blockchain và tài chính, gây khó khăn cho người mới. DeFAI giải quyết vấn đề này bằng các giao diện gần gũi, thân thiện, người dùng chỉ cần nhập lệnh bằng ngôn ngữ tự nhiên.
- Hiệu suất hoạt động tối ưu hơn: Nhờ việc tự động hóa các quy trình phức tạp, DeFAI giúp giảm đáng kể thời gian, công sức so với DeFi truyền thống. Từ đó có thể dẫn đến lợi nhuận ổn định hơn và hiệu suất đầu tư cao hơn.
Để cụ thể hơn về sự khác nhau giữa 2 lĩnh vực này, anh em hãy theo dõi bảng so sánh dưới đây.

Những thách thức mà DeFAI sẽ phải vượt qua
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng để được áp dụng rộng rãi thì DeFAI sẽ cần phải vượt qua một số thách thức về bảo mật, tính minh bạch, yếu tố công nghệ và quy định pháp lý.
Tính minh bạch
DeFi vốn nổi tiếng với tính công khai, minh bạch khi mọi giao dịch đều có thể kiểm chứng onchain. Tuy nhiên, khi tích hợp AI, những "hộp đen" có thể được tạo ra trong quá trình ra quyết định, khiến người dùng khó hiểu được AI đang hoạt động như thế nào.
Vấn đề bảo mật
Thách thức lớn tiếp theo là việc đảm bảo an toàn khi người dùng giao quyền kiểm soát tài sản cho các AI Agent. Trong cơ chế hoạt động của DeFAI, AI được quyền sử dụng tài sản để giao dịch. Điều này đi kèm rủi ro bị tấn công, lỗi hệ thống hoặc mã độc, gây tổn hại trực tiếp đến người dùng.
Yếu tố công nghệ - kỹ thuật
Các mô hình AI đòi hỏi tài nguyên tính toán và chi phí lớn, và khi kết hợp với blockchain, vốn bị hạn chế về tốc độ và chi phí giao dịch, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không được tối ưu hóa tốt, DeFAI có thể gặp khó khăn khi xử lý lượng lớn giao dịch, làm chậm hệ thống hoặc tăng phí quá cao.
Quy định pháp lý
Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng cho cả DeFi lẫn AI, khiến các dự án vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn. Các nền tảng DeFAI có thể bị cấm hoạt động tại một số khu vực hoặc bị buộc phải tuân thủ những quy định khắt khe, không phù hợp với cơ chế hoạt động.
Top 5 dự án DeFAI hàng đầu
Dưới đây là danh sách 5 dự án DeFAI đang dẫn đầu thị trường, tính theo giá trị vốn hóa ở thời điềm viết bài (7/3/2024):

Dự phóng tương lai của DeFAI
Trong những năm tới, DeFAI có thể trở thành một trong những xu hướng chính của tài chính phi tập trung nhờ khả năng tự động hóa giao dịch, tối ưu hóa hiệu suất và cá nhân hóa chiến lược đầu tư.
Khi AI ngày càng thông minh và blockchain trở nên nhanh hơn, người dùng sẽ được tiếp cận DeFi dễ dàng hơn mà không cần kiến thức chuyên sâu. Từ đó thúc đẩy làn sóng người dùng mới, mở rộng đáng kể quy mô thị trường Crypto nói chung và DeFi nói riêng.
Theo Forbes, “DeFAI đang giúp tài chính phi tập trung dễ tiếp cận hơn với cả người dùng mới và nhà đầu tư có kinh nghiệm.”
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các dự án trong lĩnh vực này cần giải quyết những thách thức về bảo mật, tính minh bạch và quy định pháp lý.
Về mặt công nghệ, sự phát triển của các giải pháp Layer 1, Layer 2, cross-chain bridge, oracle,... và đặc biệt là AI chuyên biệt cho blockchain có thể giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất xử lý và mở rộng quy mô.
Trong một bài đăng trên Cointelegraph, Co-founder và CEO của Mira Network là Karan Sirdesai “ước tính rằng hơn 50% khối lượng onchain sẽ được thúc đẩy bởi các tác nhân AI khác nhau vào cuối năm 2025.”
Ở tương lai xa hơn, DeFAI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối TradFi (tài chính truyền thống) với DeFi. Các tổ chức tài chính lớn có thể tích hợp AI vào hệ thống của họ để tận dụng lợi thế của blockchain. Ngược lại, các nền tảng DeFi có thể học hỏi từ các quy chế tài chính truyền thống để phát triển các sản phẩm tối ưu hơn.
Nếu điều này xảy ra, DeFAI sẽ không chỉ là một nhánh của Crypto mà còn có thể trở thành tiêu chuẩn mới của tài chính toàn cầu.
Như vậy là mình vừa trình bày xong về chủ đề DeFAI, hi vọng bài viết này đã giúp anh em nắm được DeFAI là gì và vai trò quan trọng của nó đối với lĩnh vực DeFi. Nếu anh em có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Tham khảo:
- Forbes. (2025 02/21). 5 Trends Defining AI Agents In Crypto For Your Business. https://www.forbes.com/sites/digital-assets/2025/02/21/5-trends-defining-ai-agents-in-crypto-for-your-business/
Bình luận