Trong giai đoạn thị trường nhàm chán, hoạt động của nhiều dự án, đặc biệt là các Layer 1 đang chùng xuống thấy rõ. Nhưng duy nhất một hệ sinh thái tuy mới mà cũ - Sonic, vẫn liên tục ghi nhận sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng.
Vậy điều gì đã giúp Sonic trỗi dậy mạnh mẽ đến thế? Liệu Layer 1 này vẫn còn động lực để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai hay không? Hãy cùng Block24 tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé!
Sơ lược về Sonic
Sonic là blockchain Layer 1 hiệu suất cao, có khả năng xử lý hơn 10000 giao dịch mỗi giây (TPS) với thời gian xác nhận dưới 1s, vượt trội so với nhiều EVM blockchain khác.
Tiền thân của Sonic là Fantom (FTM), một trong những Layer 1 từng làm mưa làm gió trên thị trường DeFi giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, sau thời kỳ đỉnh cao, Fantom dần mất đi động lực tăng trưởng do các vấn đề về quản trị, suy giảm dòng vốn DeFi và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các Layer 1 khác.
Đến 12/2024, để mở ra một chương mới, Fantom quyết định tái định hình với Sonic. Việc rebrand này không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi, mà còn là sự cải tiến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và chiến lược thu hút dòng vốn cùng các nhà phát triển.

Đặc biệt, sự trở lại và hỗ trợ đầy tâm huyết của Andre Cronje (nhà sáng lập Yearn Finance, được mệnh danh là “bố già defi”) đã giúp Sonic nhanh chóng lấy lại vị thế và trở thành một nền tảng Layer 1 đầy triển vọng.
Lợi thế của Sonic
Lợi thế người dẫn đầu
Hiện tại, trên thị trường đang xuất hiện một số EVM blockchain mới có hiệu suất cao như Monad, MegaETH, HyperEVM,... Các dự án này đều đang ở giai đoạn phát triển testnet và vẫn cần một thời gian nữa mới bắt đầu chính thức hoạt động.
Ngược lại, Sonic có lợi thế hơn khi đã hoạt động và phát triển ổn định. Điều này giúp cho Sonic dễ dàng có được một vị thế đẹp hơn các đối thủ khác, giúp dự án dễ chiếm lĩnh thị phần trước khi làn sóng cạnh tranh thực sự bùng nổ.
Tokenomics đẹp
Trong bối cảnh thị trường Layer 1 ngày càng khốc liệt, Sonic đã có sự thay đổi lớn trong chiến lược kiểm soát nguồn cung và cơ chế khuyến khích để tạo động lực phát triển bền vững.
Sonic (S) vẫn giữ nguyên tổng cung ban đầu của Fantom (FTM) là 3.175 tỷ, nhưng 90% đã được đưa vào lưu thông ngay từ ban đầu. Điều này đồng nghĩa với việc S sẽ không phải chịu áp lực xã lớn từ các VC hay team dev.
Trái ngược với các dự án đối thủ như Berachain, vốn phân bổ một lượng lớn token cho VCs, Sonic không có rủi ro unlock token trong tương lai, giúp các nhà đầu tư có thể định giá dự án chính xác hơn.
Bên cạnh việc phần lớn nguồn cung đã được đưa vào lưu thông, Sonic còn có thay đổi lớn khi áp dụng mô hình lạm phát có kiểm soát, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.

Đầu tiên, tỷ lệ lạm phát hằng năm chỉ 1.5% và kéo dài trong 6 năm, tương đương 47.6 triệu S/ năm. Đặc biệt, nếu toàn bộ số token này không được sử dụng để bootstrap hệ sinh thái thì sẽ bị burn (đốt) hoàn toàn khỏi cung lưu thông. Đây là chiến lược thông minh nhằm duy trì sự cân bằng giữa cán cân cung - cầu, tránh tình trạng pha loãng giá trị token quá mức mà các Layer 1 khác đang gặp phải.
Tiếp theo, Sonic áp dụng 3 cơ chế burn token để giảm nguồn cung và tăng giá trị của S theo thời gian, theo đó:
- Đốt 47.6 triệu S phân bổ hằng năm nếu không được sử dụng.
- 50% phí giao dịch trên mạng lưới sẽ được burn nếu giao dịch không thuộc danh sách dApps trong chương trình FeeM (Gas Fee Monetization). Cơ chế này giúp tạo ra áp lực giảm nguồn cung một cách tự nhiên, đặc biệt khi mạng lưới đạt đến quy mô sử dụng lớn hơn.
- Đốt token trong chương trình airdrop Sonic Innovator Fund. Cụ thể, user chỉ được claim 25% tại TGE và số còn lại sẽ được vesting trong hơn 9 tháng. Nếu chọn claim toàn bộ, user sẽ bị phạt một phần airdrop và số token này sẽ được burn.
Chiến lược incentive hấp dẫn
Chiến lược incentive của Sonic được thiết kế nhằm thúc đẩy tăng trưởng hệ sinh thái một cách bền vững.
Thay vì liên tục “in token” mới để khuyến khích phát triển hệ sinh thái một cách không có kiểm soát như các dự án khác, Sonic phân bổ thêm 6% của 3,175 tỷ nguồn cung để thúc đẩy tăng trưởng, triển khai các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ.

6% nguồn cung này sẽ được phân bổ cho người dùng thông qua chương trình Sonic Innovator Fund, với lượng airdrop lên tới 190.5 triệu S. Chiến dịch này được thiết kế để khuyến khích sự tham gia, đóng góp của 2 đối tượng chính:
- Người dùng (Sonic Points): Khuyến khích user tham gia vào các ứng dụng trên Sonic để tích lũy point như cung cấp thanh khoản trên Shadow Exchange, lending trên Silo Finance, hold các tài sản whitelist (scUSD, USDC.e,...)
- Nhà phát triển dApps (Sonic Gems): Khuyến khích các dApp cạnh tranh để nhận Gems (đơn vị tính điểm dành cho dev) dựa trên mức độ tương tác người dùng, sự đổi mới và hiệu suất.
Tính tới 03/2025, chương trình airdrop Sonic Innovator Fund đã phân bổ khoản phần thưởng có giá trị hơn 100 triệu USD, trở thành một trong những chiến dịch lớn nhất 2025. Chính vì vậy, đây là một cơ hội vô cùng hấp dẫn cho cả người dùng và các nhà phát triển để cùng nhau tham gia và đóng góp cho hệ sinh thái Sonic.

Ngoài ra,, Sonic cũng đã triển khai một chương trình khác gọi là Gas Fee Monetization. Cụ thể là việc triển khai cơ chế cho phép các builder dApps nhận tới 90% phí giao dịch, thay vì việc đốt toàn bộ phí hoặc chỉ trả cho Validators như các blockchain L1 truyền thống. Điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho dev, khuyến khích xây dựng nhiều dự án tốt hơn.
Liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng
Không chỉ chú trọng phát triển DeFi mà Sonic cũng rất quan tâm về cơ sở hạ tầng khi liên tục có những cải tiến nổi bật, có thể kể đến như:
- Tích hợp native USDC thông qua Circle/ Wormhole: Giúp tăng tính thanh khoản và ổn định cho các giao thức DeFi trên Sonic.
- Phát triển Sonic Gateway: Cầu nối (bridge) đến hệ sinh thái Ethereum với cơ chế bảo vệ 14 ngày. Đây là một giải pháp bridge an toàn, phi tập trung, có khả năng khắc phục những rủi ro tương tự như vụ hack Multichain (một nền tảng cross-chain bridge nổi tiếng) trước đây. Thay vì dựa vào các bên thứ ba, Sonic Gateway sẽ tích hợp trực tiếp Sonic Gateway vào các giao thức, giúp giảm thiểu vấn nạn rug pull hoặc hacker tấn công. Ngoài ra, cơ chế fail-safe của Sonic còn cho phép người dùng khôi phục tài sản ngay cả khi bridge gặp sự cố.
Nhờ những cải tiến này, Sonic không chỉ nhanh chóng thu hút được dòng tiền trong mảng DeFi mà còn trở thành một blockchain có tính bảo mật cao và thanh khoản mạnh mẽ.
Đòn bẩy từ sự trở lại của Andre Cronje
Andre Cronje - người có tầm ảnh hưởng lớn trong hệ sinh thái DeFi, đóng vai trò là chìa khoá trong việc thúc đẩy sự phát triển của Sonic, cả về mặt công nghệ lẫn niềm tin của cộng đồng cùng các nhà đầu tư.
Với lợi thế được Andre Cronje dẫn dắt, Sonic sẽ được hưởng lợi thông qua các khía cạnh:
- Thu hút developer từ Fantom: Là người đứng sau thành công của Fantom, Andre Cronje đã xây dựng được một cộng đồng các nhà phát triển dày dặn kinh nghiệm. Giờ đây, Sonic sẽ được thừa hưởng thành quả này, giúp nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái với sự phong phú và đa dạng, với trọng tâm là DeFi.
- Độ Fomo: Các dự án mà Andre Cronje “nhúng tay” vào đều có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khi nó ngay lập tức nhận được sự chú ý của nhà đầu tư và cộng động. Sonic sẽ dễ dàng nhận được sự quan tâm và sớm kéo được dòng tiền về hệ sinh thái.
Tình hình phát triển của Sonic
Nhờ những lợi thế nêu trên, Sonic đã và đang trỗi dậy hết sức mạnh mẽ. Những con số biết nói là minh chứng rõ nhất cho điều này, chúng ta hãy cùng xem Sonic đã đạt được những gì sau một thời gian ngắn hoạt động.
Thông số hoạt động của mạng lưới Sonic
Số liệu về dòng tiền

Đầu tiên, TVL là thước đo “sức khỏe” của mọi hệ sinh thái blockchain. Theo dữ liệu từ DefiLlama, TVL của Sonic bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 12/2024. Tính từ đầu tháng 1/2025, TVL đã tăng trưởng từ 26.39 triệu USD lên đến 768.74 triệu USD (tháng 3/2025) tương đương 2813%. Đây cũng chính là mốc ATH TVL của hệ.

Cùng với đó, tổng khối lượng giao dịch tích luỹ trên DEX (Cumulative DEXs Volume) của Sonic cũng đã đạt hơn 5.553 tỷ USD (vào tháng 3/2025), tương đương tăng 283,216% so với đầu năm (1.96 triệu USD).

Đặc biệt, tổng TVL bridge của Sonic cũng đạt mức ATH với hơn 1.126 tỷ USD chảy vào hệ sinh thái này thông qua các bridge.
Về lượng stablecoin, hiện tổng vốn hoá đã đạt 244.2 triệu USD (vào tháng 3/2025), dòng tiền vẫn đang chầu trực để “skin in game” với hệ Sonic.
Với những số liệu về dòng tiền vô cùng ấn tượng, Sonic đã có một quý I vô cùng thành công, giúp cho dự án thu được 9.51 triệu USD revenue (doanh thu).
Các thông số mạng lưới

Ngoài thông số về dòng tiền thì các thông số hoạt động khác của mạng lưới Sonic cũng tăng trưởng tích cực, tính tới tháng 3/2025:
- Tổng số lượng ví hoạt động (Total Unique Addresses): Đạt 1,254,683 ví với mức tăng hơn 10 nghìn ví mỗi ngày.
- Tổng lượng giao dịch (Total Transactions): Đạt 41.41 triệu transactions.
- Tổng hợp đồng được tạo (Total contracts): Hơn 91 nghìn hợp đồng đã được tạo và triển khai kể từ khi Sonic mainnet.
Có thể thấy, chiến dịch airdrop quy mô lớn của Sonic đã giúp cho Layer 1 này đạt được mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng.
Hệ sinh thái Sonic

Hệ sinh thái của Sonic cũng đã phát triển nhanh chóng, với hơn 125 dApps đang hoạt động và con số này vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày.
Đánh giá tổng quan, hệ sinh thái Sonic sở hữu đầy đủ mọi mảnh ghép cần thiết như DeFi, Gaming, NFT,... nhưng chủ yếu vẫn tập trung mạnh ở DeFi.
Tương tự như chiến lược phát triển đã từng giúp Fantom thành công trước đây, hệ sinh thái Sonic cũng mang đến nhiều cơ hội kiếm lời với cơ chế hấp dẫn dành cho mọi đối tượng người dùng DeFi. Điều này thể hiện qua việc có rất nhiều dự án đã thu hút được dòng tiền lớn, đạt mức TVL trên 50 triệu USD, có thể kể đến như Silo Finance, Beets, Avalon Labs, Shadow Exchange,...
Dưới đây là một số giao thức quan trọng giúp định hình sự phát triển của Sonic.
Silo Finance (SILO)

Silo Finance hiện là giao thức Lending lớn nhất trên hệ sinh thái Sonic với TVL hơn 187 triệu USD (vào tháng 3/2025).
Dự án phát triển nhờ mô hình isolated lending markets (gồm các cặp cho vay biệt lập) an toàn và linh hoạt. Silo cho phép người dùng deposit các loại tài sản như stS hay USDC.e, sau đó vay S để thực hiện tiếp vòng lặp sinh lời với đòn bẩy lên đến x20.
Ngoài ra, Silo tích hợp chương trình Sonic Points và Silo Points ($1 deposit = 8x Sonic Points + 1 Silo Point), khuyến khích người dùng tham gia vào giao thức.
Marketcap: 38.2 triệu USD
Shadow Exchange (SHADOW)

Shadow Exchange là sàn DEX chủ lực trên Sonic với TVL vào tháng 3/2025 đạt hơn 71.98 triệu USD. Dự án này áp dụng mô hình token x(3,3), phiên bản cải tiến của ve(3,3), mang lại sự linh hoạt cao hơn cho người dùng tham gia.
Người dùng có thể khoá SHADOW để nhận xSHADOW, token này dùng để tham gia biểu quyết phân bổ phần thưởng, kiếm phí giao dịch và bribe (phí hối lộ) từ hệ sinh thái. Trong đó:
- Người dùng có thể chọn rút ngay lập tức hoặc mở khoá theo từng giai đoạn để kiếm thêm lợi nhuận.
- Cơ chế PVP Rebase, phạt 50% nếu người dùng rút sớm, nhằm giảm pha loãng token và khuyến khích hold token SHADOW trong dài hạn.
Marketcap: 23.5 triệu USD
Eggs Finance (EGGS)

Eggs Finance là giao thức DeFi chuyên tối ưu hoá lợi nhuận từ token gốc S thông qua token EGGS, với cơ chế “up-only”. Giao thức tích hợp chặt chẽ với S, cho phép vay với tỷ lệ LTV (Loan to Value) lên đến 99%, giảm thiểu rủi ro thanh lý và thu hút người dùng.
Đặc biệt, Eggs Finance áp dụng cơ chế phí gas cực thấp (dưới 0.01 USD cho mỗi giao dịch), tạo điều kiện cho các hoạt động Defi diễn ra liên tục mà không lo về gas fee.
Marketcap: 48.1 triệu USD
Nhận định cá nhân về tương lai của Sonic
Về tổng quan, trong ngắn hạn Sonic vẫn có thể tiếp tục thu hút dòng tiền mới và sự quan tâm từ cộng đồng, nhất là các nhà đầu tư đam mê DeFi.

Sonic với những điểm mạnh về công nghệ, tốc độ và phí giao dịch rẻ, hoàn toàn có đủ khả năng để so kè với các đối thủ mạnh cùng phân khúc EVM Layer 1 như BNB Chain, Avalanche, Monad, hay Berachain. Đặc biệt, với những sáng kiến mà dự án đã triển khai, một bánh đà mạnh mẽ đang được tạo ra để thúc đẩy hệ sinh thái và giúp Sonic có thể đi xa hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất của Sonic là làm cách nào để luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững sau đợt airdrop vào tháng 6/2025. Nếu dự án không đủ sức hấp dẫn về lợi nhuận, dòng vốn hoàn toàn có thể chuyển dịch sang các Layer 1 mới với incentive tốt hơn. Sonic sẽ phải đối mặt với nguy cơ “farming & dumping”, khi các nhà đầu tư chỉ tham gia để khai thác phần thưởng và rút vốn đi khi không còn động lực.
Nếu có thể giải quyết được thử thách này, Sonic hoàn toàn sáng cửa để trở thành một trong những hệ sinh thái blockchain lớn nhất trong năm 2025.
Vậy là chúng ta đã đi hết bài phân tích tổng quan về hệ sinh thái Sonic. Hi vọng bài viết này đã giúp anh em hiểu được lý do vì sao Sonic là một trong những Layer 1 đáng mong đợi nhất năm nay. Nếu anh em có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!
Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!
Bình luận