Trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều Layer 1 và Layer 2 khiến thanh khoản bị phân mảnh trầm trọng, việc kết nối giữa các blockchain trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là lý do ra đời của các giải pháp cross-chain, một trong những mảnh ghép tối quan trọng đối với sự phát triển của crypto.

 

Vậy Cross-chain là gì? Tầm quan trọng của cross-chain đối với thị trường crypto lớn như thế nào? Hãy cùng Block24 tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Cross-chain là gì?

Cross-chain là giải pháp tương tác xuyên chuỗi giúp kết nối và di chuyển  dữ liệu hoặc tài sản từ blockchain này sang blockchain khác. Hay nói cách khác, Cross-chain đóng vai trò như một cầu nối giữa các hệ sinh thái blockchain, vốn hoạt động độc lập và không thể tương tác trực tiếp với nhau.

 

Thay vì bị giới hạn trong các chain riêng lẻ như Ethereum hay BNB Chain, người dùng có thể dễ dàng chuyển token, NFT, hoặc thực hiện giao dịch giữa nhiều chainkhác nhau một cách dễ dàng.

 

Cross-chain không chỉ giúp cải thiện thanh khoản và tính kết nối giữa các blockchain, mà còn tạo điều kiện cho các giao thức phi tập trung phát triển trên nhiều blockchain cùng lúc, từ đó hình thành một hệ sinh thái đa chuỗi thống nhất và hiệu quả hơn.

Cross-chain giúp thống nhất các blockchain
Cross-chain giúp thống nhất các blockchain

Cross-chain giải quyết vấn đề gì?

Theo dữ liệu từ DefiLlama, hiện đang có gần 300 blockchain lớn nhỏ hoạt động, điều này khiến cho tính thanh khoản và trải nghiệm người dùng bị phân mảnh nghiêm trọng.

 

Cụ thể hơn, với TVL DeFi hơn 100 tỷ USD đang phân bổ rải rác trên hàng trăm blockchain khác nhau như Ethereum, BNB Chain, Solana, Base,..., tài sản và người dùng bị “mắc kẹt” trong những hệ sinh thái riêng lẻ, vốn không tương thích lẫn nhau.

 

Điều này gây ra tình trạng phân mảnh và thanh khoản chỉ tập trung vào một số giao thức và blockchain lớn, số còn lại bị thiếu vốn để hoạt động hiệu quả.

Dòng tiền bị phân mảnh ở nhiều blockchain khác nhau
Dòng tiền bị phân mảnh ở nhiều blockchain khác nhau (Nguồn: DeFilLama)

Đặc biệt, trải nghiệm của người dùng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Lý do chính là giao diện không thân thiện, yêu cầu hiểu biết kỹ thuật để sử dụng các giao thức khác nhau trên từng hệ sinh thái blockchain, nhất là  sự phức tạp khi phải chuyển đổi chain và token gas liên tục.

 

Tất cả những iều này đã trở thành rào cản nghiêm trọng khiến cho crypto chưa thể đi tới được “mass adoption”. Cross-chain ra đời chính là để giải quyết vấn đề này. Bằng cách cho phép tài sản và dữ liệu di chuyển tự do giữa các chuỗi, cross-chain không chỉ giúp làm sâu thêm thanh khoản mà còn mở rộng “dòng chảy giá trị” trong toàn hệ sinh thái crypto.

Cơ chế hoạt động của cross-chain

Cơ chế hoạt động của cross-chain về bản chất đều bao gồm hai bước: xác minh trạng thái của blockchain nguồn và truyền thông tin giao dịch sang blockchain đích. Để làm được điều này, các hệ thống thường ứng dụng ba cơ chế chính:

  • Lock and Mint: Tài sản sẽ được khoá trên chuỗi gốc thông qua smart contract và một bản sao (wrapped token) sẽ được tạo mới (mint) trên chuỗi đích.
  • Burn and Mint: Thay vì khoá tài sản, cơ chế này sẽ đốt (burn) token trên chain nguồn rồi mint token tương đương trên chain đích. Cách làm này đảm bảo không làm tăng tổng cung token trên toàn bộ hệ thống.
  • Lock and Unlock: Tài sản bị khoá trên chuỗi nguồn và sau đó mở khoá trên chuỗi đích.
Mô hình hoạt động của các Cross-chain Bridge theo cơ chế Lock & Mint
Mô hình hoạt động của các Cross-chain Bridge theo cơ chế Lock & Mint

Phân loại cross-chain

Cầu nối tập trung (Centralized Bridges)

Cầu nối tập trung là loại cross-chain bridge do một tổ chức hoặc thực thể trung gian duy nhất vận hành, thường là các sàn giao dịch lớn như Binance hay OKX.

 

Người dùng muốn chuyển tài sản từ blockchain sang blockchain khác, họ gửi tài sản gốc đến địa chỉ do bên trung gian kiểm soát. Sau khi xác minh, đơn vị này sẽ phát hành một lượng token tương ứng trên chuỗi đích.

Ví dụ: Bạn gửi USDT từ ví zkSync lên Binance, sau đó rút USDT về ví Berachain. Binance giữ USDT trên zkSync và mint USDT tương ứng trên Berachain, toàn bộ quá trình sẽ do Binance kiểm soát.

Cách Centralized Bridges hoạt động
Cách Centralized Bridges hoạt động

Mặc dù loại cầu nối này mang lại trải nghiệm người dùng mượt mà, thời gian xử lý nhanh và chi phí thấp, nhưng nó đi ngược với tinh thần phi tập trung của blockchain. Ngoài ra, người dùng phải hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thực và bảo mật của bên trung gian.

 

Các rủi ro của loại cross-chain này là việc bị kiểm duyệt, tấn công mạng hoặc thậm chí mất tài sản nếu tổ chức vận hành bị xâm nhập.

Cầu nối phi tập trung (Decentralized Bridges)

Cầu nối phi tập trung là loại cross-chain hoạt động thông qua hợp đồng thông minh và một mạng lưới validator (các nút xác thực) được phân tán trên nhiều blockchain. Khi người dùng gửi tài sản vào hợp đồng thông minh trên chain nguồn, các validator sẽ xác minh giao dịch, cùng ký xác thực và phát hành token tương đương trên chain đích.

Cách hoạt động của decentralized bridge (Nguồn: Axelar)
Cách hoạt động của decentralized bridge (Nguồn: Axelar)

Quá trình này sẽ hoạt động hoàn toàn minh bạch, an toàn và không yêu cầu tin tưởng vào một bên trung gian nào, đây chính là ưu điểm của loại cross-chain này.

 

Tuy nhiên, cầu nối phi tập trung thường chậm hơn, tốn chi phí gas cao hơn và đòi hỏi kiến thức kỹ thuật từ phía người dùng. Dù vậy, đây lại là lựa chọn lý tưởng cho các ứng dụng DeFi yêu cầu mức độ bảo mật và minh bạch cao.

 

Một số decentralized bridges nổi bật có thể kể đến như Axelar, LayerZero, Hop Protocol, Across Protocol,...

Cầu nối lai (Hybrid Bridges)

Cầu nối lai là loại cross-chain kết hợp cả yếu tố tập trung và phi tập trung để tạo ra một mô hình cân bằng giữa hiệu quả và bảo mật. Loại này thường sử dụng một số Validator đã được chọn lọc kỹ càng và kết hợp với hợp đồng thông minh để xử lý giao dịch giữa các chuỗi.

Cách Hybridge Bridges hoạt động (Nguồn: Chainlink)
Cách Hybridge Bridges hoạt động (Nguồn: Chainlink)

Nhờ cách hoạt động trên Hybrid Bridges có chi phí rẻ, thời gian giao dịch nhanh mà vẫn giữ được tính minh bạch. Tuy nhiên, chính vì tính “lai” của mình mà việc thiết kế và triển khai cầu nối trở nên phức tạp hơn và có thể dễ phát sinh các lỗ hổng nếu quản lý không chặt chẽ giữa các bên tham gia vào quá trình hoạt động như Validator.

 

Một số dự án tiêu biểu thuộc loại cross-chain này bao gồm: Celer cBridge, Multichain, Wormhole, DeBridge,...

Ưu và nhược điểm của cross-chain

Ưu điểm

  • Tăng khả năng tương tác: Với sự hỗ trợ của các giao thức tương tác cross-chain, người dùng giờ đã có thể dễ dàng di chuyển tài sản qua lại giữa các blockchain.
  • Giao dịch nhanh chóng và tiết kiệm thời gian: Thay vì đợi các CEX mở cổng nạp rút token ở các blockchain muốn giao dịch thì người dùng có thể tương tác trực tiếp trên các giao thức cross-chain với ưu điểm nhanh và chi phí rẻ hơn nhiều lần.
  • Tăng hiệu suất sử dụng vốn: Người dùng có thể sử dụng tài sản ở chain này để làm tài sản thế chấp trên một chain khác, từ đó giúp nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn.
  • Tăng tính thanh khoản: Nhờ vào các giao thức cross-chain mà người dùng có thể dễ dàng di chuyển tài sản của mình để tham gia vào các hoạt động DeFi trên nhiều chain khác nhau, từ đó giúp tăng tính thanh khoản và lượng người dùng ở các hệ sinh thái cũng như các dApps trên hệ.
  • Nâng cao trải nghiệm người dùng: Thay vì phải tạo nhiều ví, hold nhiều loại token gas, người dùng có thể tương tác với nhiều blockchain khác nhau chỉ cần thông qua 1-2 thao tác đơn giản như dùng một ứng dụng web2.
  • Tăng khả năng mở rộng: Cross-chain giúp cải thiện khả năng mở rộng tổng thể của hệ sinh thái blockchain bằng cách phân phối và cho phép tận dụng các mạng lưới hiệu quả hơn.

Nhược điểm

  • An toàn bảo mật: đây được xem là rủi ro lớn nhất của các giao thức tương tác Cross-chain, rủi ro bảo mật có thể là lỗi trong các dòng code, logic của các smart contract không hợp lý. Thực tế đã có nhiều vụ khai thác lỗ hổng lớn như Ronin Bridge (3/2022) thiệt hại tổng cộng hơn $600M, Wormhole (2/2022) thiệt hại 120.000 token WETH,...
  • Tính tập trung hóa: một số giao thức tương tác Cross-chain hoạt động khá tập trung khi bị phụ thuộc vào các Validator, việc này có thể gây ra những rủi ro nếu Validator có hành vi xấu đối với tài sản của người dùng.
  • Vấn đề độ trễ: Việc xác minh và truyền dữ liệu/tài sản thường chậm do khác biệt về cơ chế đồng thuận và cấu trúc giữa các chain, có thể gây ảnh hưởng cho các ứng dụng yêu cầu có độ trễ thấp như Game.
  • Thiếu tiêu chuẩn chung Một trong những hạn chế lớn của các giải pháp cross-chain hiện nay là việc thiếu một bộ tiêu chuẩn thống nhất, làm tăng chi phí phát triển và rủi ro không tương thích.

Một số ứng dụng của Cross-chain

Với khả năng kết nối các blockchain độc lập với nhau, cross-chain đã mở ra thêm nhiều ứng dụng thực tiễn trong hệ sinh thái crypto, cụ thể:

  • DeFi: Người dùng dễ dàng di chuyển tài sản giữa các chuỗi để tìm kiếm các nguồn lãi suất, cơ hội đầu tư tốt hơn. Ngoài ra còn có thể swap trực tiếp token gốc giữa các chuỗi mà không cần trải qua nhiều bước bridge thông qua các dự án DEX cross-chain,...
  • NFT: Nhờ công nghệ cross-chain người dùng giờ có thể chuyển NFT giữa các chuỗi với nhau, thậm chí NFT còn có thể làm tài sản thế chấp để vay stablecoin trên một chuỗi khác.
  • Omnichain DApps: Cho phép các nhà phát triển khai các logic hợp đồng thống nhất trên nhiều chuỗi, tối ưu hoá hiệu suất và trải nghiệm người dùng.

Top 4 giao thức cross-chain nổi bật

Layerzero

LayerZero là một Omnichain Interoperability Protocol (giao thức tương tác omnichain) được thiết kế giúp các blockchain tương tác và truyền thông tin một cách liền mạch nhất.

 

Đây là dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả các quỹ đầu tư hàng đầu và người dùng khi gọi vốn lên tới số tiền 263 triệu USD với mức định giá FDV 3 tỷ USD, trở thành dự án Cross-chain có định giá cao nhất trong năm 2023.

 

LayerZero hỗ trợ cơ sở hạ tầng để xây dựng các dApps đa chuỗi cùng với chuẩn token OFT (Omnichain Fungible Token). Hệ sinh thái của LayerZero hiện tại đã phát triển rất lớn mạnh với hơn 100 dApps đã tích hợp trên nền tảng này.

 

Tính tới tháng 04/2025, LayerZero đã tích hợp và hỗ trợ cho hơn 120 blockchains, với hơn 138M tin nhắn được xử lý thông qua LayerZero với tổng giá trị tích luỹ hơn 50 tỷ USD.

Hệ sinh thái LayerZero (Nguồn: LayerZero)
Hệ sinh thái LayerZero (Nguồn: LayerZero)

Wormhole

Wormhole là một Cross-chain messaging protocol (giao thức truyền tin xuyên chuỗi) tạo điều kiện kết nối giữa các ứng dụng trên nhiều hệ sinh thái blockchain.

 

Điểm nổi bật của Wormhole so với các dự án Cross-chain khác là hỗ trợ cả các blockchain không tương thích EVM và tương thích EVM. Hiện tại dự án đã có hơn 100 đối tác trong đó có nhiều dự án lớn như Pyth Network, Arbitrum, Sui, Sei…

Hệ sinh thái của Wormhole với sự góp mặt của Lido, Pyth Network,... (Nguồn: Wormhole)
Hệ sinh thái của Wormhole với sự góp mặt của Lido, Pyth Network,... (Nguồn: Wormhole)

​​Với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm và có mối liên hệ mật thiết với Jump Crypto, có nhiều đồn đoán rằng Jump Crypto chính là đội phát triển chính của Wormhole. Có thể vì lý do trên mà Wormhole đã nhanh chóng vực dậy sau vụ hack lớn năm 2022 và đã thu hút được lượng lớn user sử dụng sản phẩm trở lại.

 

Đến tháng 4/2025, dự án đã hoạt động trên 30 blockchains, với 1 tỷ tin nhắn đã được chuyển thông qua Wormhole và hơn 200 giao thức đang sử dụng sản phẩm.

Axelar

Đây là một Cross-chain messaging protocol được xây dựng trên Cosmos SDK, dự án được phát triển bởi đội ngũ sáng lập cũ của Algorand. Giao thức Axelar hỗ trợ user chuyển các loại các tài sản, các smart contract,… qua nhiều chain khác nhau. 

 

Bước tiến lớn của Axelar vào năm 2023 là giới thiệu tính năng GMP (General Message Passing) hỗ trợ tương tác giữa Cosmos và EVM Chain. Sau khi giới thiệu tính năng này, cả số lượng giao dịch và người dùng hoạt động của Axelar đã  tăng mạnh.

 

Tính tới tháng 4/2025, tổng volume giao dịch trên Axelar đã vượt con số 11 tỷ USD, hỗ trợ hơn 74 blockchain cùng hệ sinh thái với hơn 100 dự án đã hợp tác với Axelar.

Hệ sinh thái của Axelar với sự góp mặt của Sushiswap, GMX,… (Nguồn: Axelar)
Hệ sinh thái của Axelar với sự góp mặt của Sushiswap, GMX,… (Nguồn: Axelar)

ChainLink CCIP

CCIP là từ viết tắt của Chainlink Cross-chain Interoperability Protocol, đây là giải pháp Cross-chain được phát triển bởi Chainlink - dự án oracle hàng đầu của crypto, giúp chuyển tài sản, token hay bất kì thông tin nào giữa các blockchain một cách nhanh chóng.

 

CCIP được đánh giá là một trong những công nghệ tân tiến nhất trong blockchain, được đánh giá ngang ngửa với Omnichain của LayerZero. Giải pháp này  rất được ưa chuộng trong việc kết nối dữ liệu  từ các tổ chức tài chính truyền thống và đưa chúng lên nhiều blockchain khác nhau.

 

CCIP tận dụng được tính bảo mật từ Orcale của Chainlink, nhờ vậy mà nó có thể dễ dàng tích hợp vào các dự án đang sử dụng giải pháp Orcale được Chainlink cung cấp. 

 

Tính tới tháng 4/2025, CCIP đã được tích hợp trên 46 blockchain lớn cùng với hơn hàng chục dự án đối tác, giải pháp này chắc chắn sẽ còn được áp dụng và mở rộng hơn nữa trong tương lai nhờ vào mạng lưới đối tác cực rộng của Chainlink Oracle.

Hệ sinh thái của Chainlink CCIP với sự góp mặt của AAVE, Synthetix,... (Nguồn ChainLink)
Hệ sinh thái của Chainlink CCIP với sự góp mặt của AAVE, Synthetix,... (Nguồn ChainLink)

Đánh giá tương lai và xu hướng phát triển của crosschain

Có một điều chắc chắn rằng, khi ngày càng nhiều blockchain và dApps mới được sinh ra, nhu cầu chuyển dịch tài sản qua lại giữa các chain sẽ ngày càng lớn hơn.

 

Không chỉ trong thị trường crypto, các giải pháp cross-chain cũng đang  đóng một vai trò quan trọng đối với các tổ chức TradFi:

Với những yếu tố trên, ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng các giao thức tương tác Cross-chain vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển hơn trong tương lai.

Trên đây là tổng hợp toàn bộ kiến thức về Cross-chain là gì, cách thức hoạt động, cũng như đánh giá về tiềm năng phát triển trong tương lai của mảng thị trường tỷ đô này.

 

Mong rằng bài viết này đã giúp anh em có thêm cái nhìn tổng quan về cross-chain, để từ đó đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn. Nếu anh em có bất kỳ câu hỏi nào, hãy comment xuống phía dưới để được Block24 giải đáp nhé!

 

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!